Chúa Nhật 33 Thường Niên B
Lc 21, 5-19
Đức Giêsu cùng với các môn đệ ra khỏi Đền thờ sau khi đã giảng dạy dân chúng. Một môn đệ của Người trầm trồ khen ngợi công trình kiến trúc vĩ đại của ngôi Đền thờ. Chúng ta biết Đền thờ mà Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang chiêm ngưỡng là Đền thờ được tái thiết lần thứ hai (lần thứ nhất là sau cuộc lưu đày) do vua Hêrôđê Cả trùng tu từ năm 20 trước công nguyên và kéo dài tới thời tổng trấn Rôma Albinus khoảng năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành và bị tàn phá vào năm 70. Như thế, thời Chúa Giêsu, Đền thờ vẫn chưa hoàn thành, vậy mà các môn đệ hết lời ca ngợi đủ cho thấy Đền thờ khi hoàn tất phải đẹp cỡ nào.
Trước lời trầm trồ khen ngợi của môn đệ, Chúa Giêsu loan báo việc Đền thờ sẽ bị phá huỷ. Lời tiên báo đó được ứng nghiệm vào năm 70 sau những cuộc nổi dậy của phong trào nhiệt thành cực đoan ở Palettin vào những năm 40, cuộc chiến tranh Dothái những năm 66-70 và bị đế quốc Rôma đàn áp và phá huỷ năm 70.
Sau đó Thầy trò lên núi Ôliu, ngọn núi này nằm ở phía đông Đền thờ. Tại đây có thể quan sát toàn cảnh thành phố Giêrsalem cũng như Đền thờ. Bốn môn đệ đầu tiên đi theo Chúa mới lo lằng đến hỏi nhỏ Người về việc Người loan báo khi nào xảy ra. Trả lời cho lo lắng của các môn đệ, Chúa Giêsu lần lượt loan báo những điều liên quan đến ngày tàn của Giêrusalem và ngày thế mạt.
Trong diễn từ này, cái nhìn của Chúa Giêsu hướng đến sự phá huỷ Đền thờ pha lẫn với cái nhìn hướng về ngày thế mạt. Tin mừng được giáo hội chọn cho Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ được trích một phần trong loạt bài diễn từ đó nói về cuộc quang lâm của Con Người và dụ ngôn cây vả.
Tiếp theo sau những biến cố “Đồ ghê tởm khốc hại”, “kytô và ngôn sứ giả” xảy ra ở dưới đất, các hiện tượng thiên nhiên trên trời như mặt trời, mặt trăng và tinh tú sẽ biến đổi. Thánh Máccô dùng lối văn khải huyền truyền thống để cho thấy Thiên Chúa mới là đấng chiến thắng sự dữ. Khi đó Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang. Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Con Người – một nhân vật bí nhiệm- đến trong vinh quang và quyền năng để xét xử và cứu độ nhân loại như tiên tri Đanien đã loan báo (x. Đn 7, 13-14).
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để trả lời cho các môn đệ về ngày giờ thế mạt. Chúng ta biết cây vả đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân và sinh hoa kết quả vào mùa hè. Điều đó thật hiển nhiên. Nhưng ngày tận thế là ngày nào, thật không dễ trả lời. Chúa Giêsu chỉ ví tất cả những biến cố xảy ra vào thời thế mạt được sánh ví như cây vả dâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, báo hiệu sinh hoa kết trái vào mùa hè. Thế thôi. Như thế, các biến cố kia xảy ra chỉ là khởi đầu cho ngày tận thế, nhưng chưa phải là ngày tận thế.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người hiểu rằng ơn cứu độ sẽ được thực hiện nhưng không phải vào lúc này. Vì thế cần phải có lòng kiên nhẫn đón chờ. Chắc chắn một điều ngày tận thế sẽ đến, nhưng đó lại là một bí mật. Đây là kế hoạch của Chúa Cha và vì thế bí mật cũng thuộc về Chúa Cha. Chúa Giêsu chỉ loan báo để mọi người sẵn sàng đón nhận. Chúa Cha sẽ là Đấng thực hiện ngày đó.
Tin mừng hôm nay không làm cho mỗi người chúng ta run sợ, trái lại, trong khi đợi chờ ngày thế mạt xảy đến, Giáo hội mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng vào Lời Chúa; đồng thời ra sức tỉnh thức, siêng năng thực thi những điều Chúa truyền dạy, sống công bình bác ái, chu toàn bổn phận trong yêu thương và trách nhiệm đối với gia đình, giáo hội và xã hội.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb