Thứ Sáu Tuần 31 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Romans 15:14-21; Luke 16:1-8.
Làm sao chinh phục người khác để họ tin những gì mình muốn nói và làm những gì mình muốn họ làm là nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm.” Nghệ thuật này cần cho mọi lãnh vực: tôn giáo, chính trị, giáo dục, thương mại. Nhiều người có sáng kiến rất hay và mang lại lợi ích; nhưng không biết cách thuyết phục. Hậu quả là người nghe sẽ không tin, mà còn gây xáo trộn, chia rẽ, và bất an cho cả hai bên. Nhiều người chẳng có gì hay, lại còn mang ý đồ lợi dụng người khác; nhưng khéo ăn nói, khéo trình bày; nên làm người nghe xuôi tai và thi hành những gì họ muốn. Dĩ nhiên, điều lý tưởng mà mọi người nhắm tới là vừa đúng, vừa mang lại lợi ích, và biết cách thuyết phục để người nghe nhận ra và làm những gì lợi ích cho họ.
Hai Bài Đọc hôm nay đưa ra hai mẫu gương trái ngược nhau trong nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm.” Trong Bài Đọc I, sau khi đã trình bày đạo lý về con người được trở nên công chính không do bởi việc giữ Lề Luật, mà do bởi niềm tin vào Thiên Chúa; thánh Phaolô phải thuyết phục các tín hữu Rôma tin vào đạo lý đó, bằng cách gợi lại thiện chí của họ muốn hiểu biết sự thật, ân sủng của Thiên Chúa trong khi trình bày sự thật, kết quả ngài thu được trong thực tế, và ý hướng tốt lành của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen người quản gia bất lương đã biết thu phục nhân tâm cách khôn khéo, cho dẫu phải dùng của cải của người khác. Mục đích của người quản gia là để các con nợ đối xử với mình cách tốt đẹp sau này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trong Đức Giêsu Kitô, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa.
1.1/ Chân thành giúp khán giả nhìn nhận sự thật: Nhiều người cho Thư Rôma là một thư có lẽ khó khăn nhất cho Phaolô để viết vì những lý do sau: cộng đòan Rôma không do Phaolô thiết lập; tranh luận về đề tài rất dễ gây chia rẽ; và khán giả là người có kiến thức cao về đạo lý. Trình thuật hôm nay là phần kết thúc Thư Rôma, Phaolô phải viết làm sao để khán giả hiểu ý ngay lành của mình, ông tranh luận không phải là để tỏ ra mình hiểu biết uyên thâm và khinh thường người khác; nhưng vì những lý do ngay lành sau đây:
– Vấn đề tranh luận mà người thiện chí đi tìm sự thật sẽ hiểu được: “Tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau.”
– Sự hiểu biết có được là do ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do sự khôn ngoan của loài người: “Trong thư này, đôi chỗ tôi đã nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc lại cho anh em điều anh em đã biết. Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi.”
– Phaolô tranh luận là cho lợi ích chung của Giáo Hội: Theo Kế Hoạch Cứu Độ, lịch sử đã bước qua trang sử mới, trong đó Dân Ngoại được tháp nhập vào gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta phải sáng suốt để làm theo ý định của Thiên Chúa: “(Tôi) làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa.”
1.2/ Phục vụ tha nhân cho Nước Chúa chứ không tìm lợi ích cá nhân: Lời nói của Phaolô có thể khó thuyết phục khán giả; nhưng việc ông làm mọi người đều có thể nhìn thấy. Phaolô muốn chứng minh ông làm tất cả là cho Nước Chúa; chứ không vì bất kỳ lợi nhuận cá nhân nào.
(1) Phaolô đã thiết lập các cộng đoàn khắp nơi: “Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Như vậy, từ Jerusalem, đi vòng đến tận miền Illyricum, tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Kitô.”
(2) Phaolô không có ý định gây ảnh hưởng trên cộng đoàn Rôma hay các cộng đoàn của người khác thiết lập: “Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép: Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu.”
2/ Phúc Âm: Phải biết dùng những của cải thế gian.
Trước khi phân tích dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn, tác giả chỉ muốn nêu bật một điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất cả mọi điều; vì sẽ rất khó để thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ ngôn này là cách hành xử của viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.
2.1/ Người quản gia bất lương: Ngay từ đầu trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản lý này có thể rất khôn ngoan, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”
2.2/ Người quản gia khôn lanh: Ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để mua chuộc nhân tâm: Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa.” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.” Với 50 thùng dầu ôliu bớt cho con nợ thứ nhất và 200 giạ lúa bớt cho con nợ thứ hai, anh hy vọng sẽ được họ thương chia bớt cho phần nào khi cơn túng cực tới. Anh cũng có thể nghĩ trước, nếu họ không chịu chia chác, anh sẽ tố cáo với chủ và họ sẽ phải hòan lại cho chủ.
2.3/ Chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương: Trước tiên chúng ta cần chú ý là ông chủ không khen tư cách của người quản lý: ông gọi hắn là bất lương. Điều ông chủ khen là cách cư xử khôn khéo của hắn: biết đặt con người trên tiền của; còn người là còn tiền, bao giờ hết người mới hết tiền.
Nhiều người đã xử sự sai khi đặt tiền của trên con người; hậu quả là họ mất cả người lẫn tiền. Ví dụ: Khi tìm được người có tài và tin cậy, chủ phải trả họ đồng lương tương xứng mới có thể giữ họ làm việc cho mình; nếu không họ sẽ làm cho hãng khác và chủ bị thiệt hại vì không kiếm được người đủ khả năng. Hay có những người chồng quá chi li cho việc tiêu xài trong nhà nên mất vợ, vì không biết đánh giá đúng những việc vợ làm cho mình: chăm giữ con, nấu ăn, rửa chén, thu dọn nhà cửa …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nghệ thuật “Đắc Nhân Tâm” rất cần trong việc rao giảng Tin Mừng và tạo hòa khí trong gia đình cũng như cộng đoàn. Chúng ta cần học biết và thi hành cách khôn ngoan và thành thật.
– Chúng ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha nhân ở đời này; đồng thời biết dùng tiền của để đầu tư sinh lợi cho cuộc sống mai sau.
– Chúng ta đừng bao giờ quên nấc thang giá trị để biết hành xử cho đúng: (1) Thiên Chúa, (2) con người, và (3) của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự của nấc thang giá trị này, sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho người làm nó.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP