Nghịch Lý của Tin Mừng

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Bài đọc 1: 2 V 4, 8-11. 14-16a  Bài đọc 2: Rm 6, 3-4. 8-11  Tin mừng: Mt 10, 37-42

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi làm bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng đều nghĩ tới lợi ích vật chất mà công việc này đem lại cho chúng ta. Nếu có lợi, chúng ta mới làm. Đây là điều phải lẽ, nhưng có khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ quên lợi ích lâu dài, và trường tồn. Có những việc trước mắt xem ra thiệt hại, nhưng thực ra mang lại rất nhiều lợi ích. Đó là những nghịch lý nhưng không vô lý.

Thật vậy, càng lo nắm giữ, càng không có, nhưng càng cho đi, nghĩa là mở ra thì lại được rất nhiều. Đây là một điều xem ra có vẻ nghịch lý, nhưng lại là một chân lý. Chân lý này hôm nay, một lần nữa được Đức Giêsu xác nhận qua lời khẳng định của Ngài: “Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 39).

1. Một nghịch lý…:

Trở lại với bài Tin mừng, chúng ta thấy lời kêu gọi các môn đệ của Đức Giêsu thật là khác thường, nếu không muốn nói là chẳng giống ai. Bình thường, tất cả các thầy dạy, hoặc những ai muốn mọi người đến với mình theo mình, đều hứa hẹn thật nhiều. Họ vẽ lên một bức tranh thật đẹp trước mắt người nghe. Họ hứa thật nhiều cho dù từ trong thâm tâm, họ biết họ sẽ không thực hiện nổi. Điều này từng người chúng ta có thể nhận ra thật rõ nơi những lời hứa hẹn của các ứng cử viên trước các cuộc bầu cử, hay lời quảng cáo của các công ty. Khi ra ứng cử, người nào cũng hứa là sẽ làm cho “dân giàu, nước mạnh”, “làm tôi tớ cho nhân dân”, nhưng khi đã trúng cử thì lại lợi dụng chức quyền để tìm mọi cách thu lợi riêng cho mình, đến nỗi, hiện nay, nạn tham nhũng đang là một “Quốc nạn” đối với dân tộc Việt Nam chúng ta.

Trái lại, khi gọi các môn đệ theo mình, Đức Giêsu lại nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 38). Đọc lại lời kêu gọi này, tôi tự nghĩ: Đây đúng là một lời kêu gọi thật chẳng khôn ngoan gì. Vì thập giá là điều mà mỗi người chúng ta, tôi và quý ông bà anh chị em đều muốn tránh né, không muốn nghĩ đến, nói đến, chứ chưa nói đến việc là ham muốn vác thập giá. Đáng lẽ Chúa phải nói: “Ai muốn làm lớn, giàu có, vinh sang phú quý, thì hãy theo Thầy” mới phải chứ! Nếu Chúa hứa như thế, chắc có lẽ trước mắt sẽ có nhiều người theo Chúa hơn.

2. … nhưng không vô lý:

Tuy nhiên, sau khi bình tâm suy nghĩ kỹ hơn một chút, tôi chợt nhận ra rằng: Đức Giêsu không có ý muốn mỗi người chúng ta chịu đau khổ, nhưng Ngài chỉ muốn cho chúng ta thấy rõ, con đường theo Ngài là con đường đi ngược với mọi suy nghĩ, mọi tính toán theo kiểu của con người. Và chính vì thế, chắc hẳn sẽ đòi hỏi mỗi người chúng ta một nỗ lực không ngừng để chiến đấu với bản thân, làm chủ con người của mình cùng với những dục vọng, đam mê, tự ái của nó.

Hơn nữa, vì con đường của Đức Giêsu là con đường của sự thật mà “sự thật thì mất lòng”, cho nên sẽ những người muốn đi theo con đường đó, chắc hẳn phải đối mặt với sự chống đối của những thế lực sự dữ. Có khi sự chống đối này không chỉ đến từ những người xa lạ, mà nó còn xuất hiện nơi những người thân cận của chúng ta như: giữa cha mẹ và con cái; giữa vợ chồng, anh chị em, bạn bè thân thích với nhau… Tất cả những điều đó, lắm lúc tạo nên nơi mỗi người chúng ta một tâm lý thoả hiệp, “ba phải”, ai nói sao cũng gật, cũng ừ cho vừa lòng mọi người.

3. Con đường đưa đến sự sống

Thế nhưng, Đức Giêsu lại không đồng ý như thế, Ngài muốn mỗi người chúng ta có một chọn lựa dứt khoát thật sự nếu muốn trở thành môn đệ của Ngài “kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. Và hôm nay, chúng ta cũng có thể nói thêm “kẻ nào yêu mến tiền bạc, danh vọng, chức quyền, và danh dự bản thân hơn là sống theo lời dạy của Đức Giêsu, thì quả thật không xứng đáng là môn đệ của Ngài”.

Theo Đức Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận cả những thiệt thòi về vật chất cho những công việc chung, như người đàn bà miền Sunam trong bài đọc một đã không quản ngại tốn phí lo chỗ ăn nghỉ cho ngôn sứ Êlisê. Và việc làm của bà đã không trở nên vô ích, bà đã được Thiên Chúa chúc phúc cho bà có được con trai nối dòng.Mặt khác, đối với thánh Phaolô, theo Đức Giêsu, không chỉ là chấp nhận những mất mát, thiệt thòi về vật chất, lắm lúc chúng ta còn phải chấp nhận chết đi con người cũ, để có thể nhận được sự sống mới trong Đức Kitô, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”. Chúng ta sẽ như chết đi khi dám dấn thân phục vụ công việc chung, mà trước mắt sẽ không có một quyền lợi nào, nhưng đó chính là lúc chúng ta nhận được một phần thưởng là sự sống đời đời như lời hứa của Đức Giêsu: “Kẻ nào đành mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”. Tin tưởng vào lời hứa của Đức Giêsu, sau này thánh Phanxicô, trong bài ca Hoà Bình cũng đã ca lên: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

4. Trân trọng cả những điều nhỏ nhặt nhất:Con đường của Đức Giêsu đã vạch ra cho những ai muốn theo Ngài thật rõ ràng: đó là con đường của hy sinh, con đường của sự dấn thân phục vụ cách vô vị lợi trong mọi sự, kể cả những việc bé mọn nhất. Đối với Đức Giêsu không có việc nào lớn, danh giá, cũng không có việc nào nhỏ bé tầm thường, nhưng điều quan trọng là làm với động lực nào. Chính động lực thúc đẩy chúng ta hành động mới là quan trọng. Đức Giêsu nói: “Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri, và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa là người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính”, nghĩa là nếu chúng ta dấn thân phục vụ với tinh thần nào, sẽ nhận được phần thưởng của tinh thần ấy. Nếu dấn thân phục vụ với ý thức đây là việc của Thiên Chúa, của Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng của Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta phục vụ chỉ vì danh dự cá nhân, để chứng tỏ mình, thì trước mặt Chúa sẽ chẳng có giá trị gì.

Việc phục vụ này có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ, bình thường như nấu cơm, quét nhà, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa của người vợ; hay việc sửa lại một cái ghế, cánh cửa của người chồng; việc học bài, coi em của các em thiếu nhi trong gia đình, hay đó chỉ là việc chia sẻ với những người đang gặp thiếu thốn, khó khăn chung quanh chúng ta… Tất cả những điều đó, nếu làm với một tấm lòng yêu mến, thì tất cả sẽ có một giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, với sự trợ lực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, từng người chúng ta đủ can đảm và sức mạnh sống trọn vẹn những đòi hỏi xem ra nghịch lý của Tin mừng, để nhờ đó, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng muôn đời nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn