Ngôn ngữ xử dụng trong việc rao giảng Tin Mừng.

Thứ Hai Tuần VII PS. 

Bài đọc: Acts 19:1-8: John 16:29-33

Người rao giảng phải xử dụng ngôn ngữ nào để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả? Trước tiên, xét về phía người rao giảng, vì họ là người đem lời chân lý của Chúa đến cho con người; nên lời của họ phải chứa đựng sự thật. Thứ đến, xét về phía người nghe, đại đa số là thường dân và không có vốn liếng văn chương nhiều để hiểu biết những lời nói bóng bảy, chải chuốt. Vì thế, ngôn ngữ các nhà giảng thuyết dùng phải làm sao cho đơn giản, trong sáng, và dễ hiểu. Hơn nữa, mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là đưa khán giả tới niềm tin vào Thiên Chúa và thúc đẩy việc ăn năn xám hối; chứ không phải là để thưởng thức những áng văn hay phân tích văn chương. Vì thế, nhà giảng thuyết phải dùng những lời chân tình, do Thánh Thần hướng dẫn, để đánh động tâm hồn khán giả, giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của họ, sẵn sàng cho sự hoán cải tâm hồn.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ cụ thể trong việc loan truyền Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, khi Phaolô đến Ephesô và hỏi các tín hữu ở đây họ đã lãnh nhận Thánh Thần chưa, họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” Phaolô giải thích cho họ về sự khác nhau giữa hai Phép Rửa, và khi họ đã hiểu, ông làm Phép Rửa nhân danh Đức Kitô cho họ, và họ được lãnh nhận Thánh Thần. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, Ngài xử dụng ngôn ngữ chân thành của tình yêu để giúp các Tông-đồ hiểu rõ những gì sắp xảy ra; để các ông biết cách đối phó khi phải đương đầu với tình thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô kiên nhẫn giáo dục các tín hữu tại Ephêsô.

1.1/ Phaolô phân biệt hai Phép Rửa: Trong thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, nhiều tín hữu nghĩ chỉ có một Phép Rửa duy nhất là Phép Rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả. Họ chưa bao giờ nghe tới Phép Rửa bằng Thánh Thần nhân danh Đức Kitô, và tại sao phải chịu Phép Rửa này, như lời các tín hữu tại Ephesô trả lời Phaolô hôm nay: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” Hiểu biết sự thiếu thốn của dân, Phaolô kiên nhẫn mở trí cho họ:

(1) Phép Rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả: là Phép Rửa tỏ lòng sám hối. Ông Gioan làm Phép Rửa này để tha thứ và chuẩn bị tâm hồn cho dân để họ tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu. Phép Rửa này cần thiết, nhưng không phải là Phép Rửa duy nhất.

(2) Phép Rửa bằng Thánh Thần của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan, nhưng không để được tha tội, vì Ngài chẳng có tội gì để được tha. Các Giáo Phụ cắt nghĩa, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan để thánh hiến Nước của sông Jordan và tất cả nước mà Giáo Hội dùng để rửa tội cho các tín hữu. Nhưng điều khác biệt chính giữa hai Phép Rửa là sự hiện diện của Thánh Thần đậu xuống trên Ngài.

Khi các tín hữu chịu Phép Rửa, họ không chỉ được tha tội, nhưng còn được thánh hóa bởi Thánh Thần. Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách làm cho họ hiểu biết Lời Chúa, và ban những ơn thánh cần thiết để giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của những người làm con Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi chứng kiến anh chị em tân tòng gia nhập đạo: họ không chỉ chịu Phép Rửa bằng nước, nhưng còn lãnh nhận Thánh Thần qua việc xức dầu, và sau cùng được lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể trong cùng một nghi lễ. Đối với các em bé, Giáo Hội chia ra làm ba Bí-tích riêng biệt trong quá trình thành người trưởng thành của em: Rửa Tội khi ra đời, lãnh nhận Mình Chúa khi đến tuổi biết phân biệt, và Thêm Sức khi đến tuổi biết làm chứng.

1.2/ Phaolô làm Phép Rửa ban Thánh Thần cho các tín hữu: “Khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” Nói tiếng lạ không chỉ giới hạn vào việc nói các ngôn ngữ khác nhau như các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; nhưng trải rộng trong việc nói ngôn ngữ làm cho người khác hiểu những gì mình nói: ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu. Nói tiên tri cũng không giới hạn vào việc tiên báo những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai; nhưng là nói thay Chúa, loan truyền những Tin Mừng cho những người chưa được nghe Thiên Chúa nói trong cuộc đời của họ. Khi các tín hữu được nói tiếng lạ và nói tiên tri, họ không nói những lời vô nghĩa và lộn xộn như những người mất trí; nhưng là những lời sự thật và xây dựng mà các tín hữu khác có thể hiểu. Sau khi làm Phép Rửa, ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.

2/ Phúc Âm: Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.

2.1/ Đức tin và sự thử luyện:

(1) Chúa Giêsu nói từ tâm lòng với các môn đệ: Như chúng tôi đã đề cập trong những lần chia sẻ trước, trình thuật hôm nay nằm trong phần giáo dục dành riêng cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Khán giả khác thì ngôn ngữ và lối suy luận dùng cũng phải khác, nhất là Chúa Giêsu không cón nhiều thời gian để dạy dỗ các ông, nên Ngài dùng ngôn ngữ của trái tim để chuẩn bị cho các ông những gì sắp xảy đến. Không lạ gì mà các ông hiểu và thưa Ngài: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”

(2) Giờ các môn đệ có đức tin là giờ mà cả Thầy trò phải chịu thử thách. Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” Chúa Giêsu không có ý mỉa mai các môn đệ khi nói những lời này, nhưng Ngài muốn các ông hiểu hai sự thực quan trọng: Thứ nhất, đức tin cần phải được thử luyện để biết đâu là đức tin vững chắc. Thứ hai, người nào có đức tin vững chắc không bao giờ cô độc; người ấy luôn có Thiên Chúa đồng hành và vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

2.2/ Chúa Giêsu để lại hai nguồn bình an của Ngài cho các môn đệ.

(1) Các môn đệ được bình an khi phản bội Thầy: Làm sao chúng ta hiểu câu tuyên bố của Chúa: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.” Chúa biết các ông sẽ phản bội Ngài vì sợ hãi và yếu đuối trong Cuộc Thương Khó; nhưng Chúa vẫn yêu thương và trung thành với các ông. Chúa muốn nói những lời này trước khi sự phản bội xảy ra, để các ông đừng thất vọng đến chỗ tìm quyên sinh như Judah, nhưng biết tin vào sự tha thứ của Ngài.

(2) Lời hứa chiến thắng trước khi đụng trận: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” Không có gì kích thích lòng nhiệt thành của các môn đệ hơn là lời hứa sẽ chiến thắng. Một khi đã nắm chắc phần thắng lợi trong tay, người môn đệ sẽ lao vào chiến trường mà không gian nguy nào có thể làm chùn chân ông.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không cần dùng những lời lẽ văn chương bóng bảy hay chải chuốt trong việc loan báo Tin Mừng; nhưng cần những lời sự thật, đơn sơ mà mọi người đều có thể hiểu.

– Quan trọng hơn nữa là chúng ta nên dùng những lời chân tình phát xuất từ trái tim, và được sưởi ấm bởi Thánh Thần. Khán giả dễ nhận ra và đồng cảm với những người quan tâm đến cuộc sống của họ, vì Thánh Thần cũng là Người đang hoạt động trong khán giả.

– Chúng ta đừng sợ bất cứ điều gì trong hành trình rao giảng Tin Mừng, vì chúng ta tin tưởng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn đồng hành để soi sáng, nâng đỡ và bảo vệ chúng ta

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

loinhapthe.com

John 16:29-33
View in: NAB
29His disciples say to him: Behold, now thou speakest plainly, and speakest no proverb.
30Now we know that thou knowest all things, and thou needest not that any man should ask thee. By this we believe that thou camest forth from God.
31Jesus answered them: Do you now believe?
32Behold, the hour cometh, and it is now come, that you shall be scattered every man to his own, and shall leave me alone; and yet I am not alone, because the Father is with me.
33These things I have spoken to you, that in me you may have peace. In the world you shall have distress: but have confidence, I have overcome the world.