Dụ ngôn vẫn được quen gọi là ‘mười trinh nữ’ nằm trong số các dụ ngôn tác giả Mát-thêu dồn vào hai chương 24 và 25 khi đề cập tới thời đại cánh chung, đồng thời kêu gọi giữ thái độ luôn sẵn sàng. Sẵn sàng không chỉ như một tư thế chung chung như khi phải làm một công việc gì, ở đây đó là sự chờ mong để đón tiếp một nhân vật. Nhân vật này, trong nhiều dụ ngôn khác, được sánh với ông chủ, ông vua, hay một bậc vị vọng quyền quí đi xa về, thì trong dụ ngôn này lại mang bộ mặt một chú rể. Mười trinh nữ cầm đèn sẵn sàng nhận diện chú rể trong ngày cưới (đúng hơn đêm cưới) hẳn phải chứa đựng một nội dung hết sức quan trọng: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể”.
Như vậy chú rể chính là Con Người quang lâm trong ngày sau hết của Mt 24, 37, có nghĩa là trong ngày quang lâm Con Người sẽ có khuôn mặt rạng rỡ của một chú rể ngày cưới. Khuôn mặt chú rể ngày cưới không thể mang bộ tịch của một ông hoàng thịnh nộ, không thể có điệu bộ nghiêm khắc của một quan tòa xét xử… Chú rể ngày cưới sẽ là khuôn mặt rạng rỡ yêu thương, thâm chí say đắm trong yêu đương. Ki-tô hữu chúng ta chính là những người nhận ra được khuôn mặt đó. Ngọn đèn các trinh nữ cầm trong tay và thắp sáng lên chính là để làm công việc này: giữa đêm tối, họ phải là những người đầu tiên nhận ra khuôn mặt say đắm yêu đương của Chú Rể, và soi cho mọi người biết và cùng nhận ra cho bữa tiệc cưới Nước Trời. Trong ngày rửa tội ngọn đèn đức tin của mỗi tín hữu đã được thắp lên. Ngọn đèn này trước nhất phải soi sáng để chúng ta nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Bí tích rửa tội Tân Ước không mang nội dung chính là dục lòng thống hối ăn năn để được xóa sạch mọi tội lỗi, nhưng là để nhận biết Thiên Chúa cứu độ và từ nhân. Rửa tội không chỉ biến tôi thành một trinh nữ, nhưng quan trọng hơn, trao cho tôi ngọn đèn thắp sáng để tôi tham gia vào cuộc đón rước Chú Rể. Bao lâu ngọn đèn còn cháy sáng, bấy lâu tôi còn có thể diện nhận được Người trong đêm tối. Chú Rể có thể đột ngột xuất hiện, Người có thể tới từ bất cứ đâu, vào bất cứ giờ giấc nào… “Chú rể kia rồi, ra đón đi”, thì tôi vẫn luôn luôn nhận ra Người với nét yêu thương không thể nhầm lẫn.
Thế nhưng ngọn đèn này vẫn có thể tắt bất cứ lúc nào vì cạn kiệt dầu. Cho dầu là một Ki-tô hữu tốt lành (cũng như năm cô dại vẫn là trinh nữ) tôi vẫn luôn có nguy cơ không nhận diện được Thiên Chúa tình yêu, Người Cha yêu thương. Nhận ra một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, cao vời không là quá khó. Cựu Ước và rất nhiều tôn giáo khác (Hồi Giáo chẳng hạn, với sự tôn trọng tuyệt đối dành cho Đấng Allah), thậm chí một nền triết học thuần túy, cũng đạt được trình độ này. Dầu sự suy tôn đó là hoàn toàn đúng, nhưng diện mạo Thiên Chúa mà đức Giê-su cất công xuống thế để loan truyền lại giống với dung mạo một chú rể hơn: Chú Rể rạng rỡ yêu đương. Ki-tô hữu chính là các trinh nữ cầm đèn đi đón. Nhưng ngọn đèn nào thì cũng có thể tắt nhất là khi cạn dầu; nhưng dầu đó là gì? Tông đồ Phao-lô khảng định không có Thần Khí thì chẳng có nghĩa tử, thì chẳng ai có thể kêu lên với Thiên Chúa ‘Ab-ba, Cha ơi!’ (xem Rm 8, 15-16). Như vậy có nghĩa là ngay cả các Ki-tô hữu có thể tay vẫn cầm ngọn đèn nhưng lửa thì đã tắt vì cạn dầu; dĩ nhiên là họ khi đó họ sẽ không thể nhận ra dung mạo thật của Chú Rể… Và cửa tiệc cưới yêu thương đóng lại, tiếng Chú Rể vọng ra “Tôi không biết các cô là ai cả!” Vì điều quan trọng nhất đối với các trinh nữ – Ki-tô này không gì khác hơn là nhận dạng và đón tiếp Chú Rể của tình yêu.
Kết luận đặt ra cho một Ki-tô hữu như tôi là: sống như một trinh nữ (luân lý tốt lành, đạo hạnh) là điều cần thiết nhưng chưa phải là chính yếu. Cái hệ trọng hơn là luôn “vừa mang đèn, vừa mang chai dầu theo” để cho phép tôi nhận dạng Chú Rể và đón tiếp Người bất cứ lúc nào và nơi đâu. Hội Thánh qua các bí tích (nhất là bí tích Giải Tội và Thánh Thể, Sức Dầu bệnh nhân…), không chỉ nhằn giúp tôi giữ mình như một trinh nữ, nhưng quan trọng hơn là tuôn đổ dầu Thánh Thần để tôi có thể nhận ra Chú Rể – Ab-ba của tôi. Và nếu Chú Rể có tới bất chợt giữa đêm khuya đi nữa, tôi đèn tôi vẫn không tắt, tôi nhận ra ngay được dung mạo của Người, và “đi theo người vào dự tiệc cưới”.
Lạy Chúa là Chú Rể tiệc cưới Nước Trời, trong mọi biến cố cuộc sống, khi Chúa bất chợp đến dưới mọi hình thức, xin cho con ơn luôn còn trong tay ngọn đèn cháy sáng với dầu Thánh Thần để nhận ra dung mạo Ab-ba thân thương. Và nếu giờ chết đến dưới bất cứ hình thức nào, chỉ xin cho con vẫn duy trì được khả năng nhận ra khuôn mặt đầy yêu thương của Chú Rể, và được gia nhập bàn tiệc Thiên Quốc. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB