Thứ Năm Tuần V PS.
Bài đọc: Acts 15:7-21; John 15:9-11.
Tiếp tục những gì chúng ta đã bàn hôm qua về việc tìm ra đâu là cốt tủy của Kitô Giáo mà cả hai, Do-thái cũng như Dân Ngoại, phải giữ; những gì có thể thích ứng; và những gì có thể tùy mỗi dân tộc.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra vấn đề qua những đóng góp ý kiến của các nhân vật quan trọng. Trong Bài Đọc I, sau khi đã cùng nhau bàn luận, Phêrô đã đứng lên góp ý kiến như sau: Vì Thánh Thần cũng được ban cho Dân Ngoại cũng như cho dân Do-thái, vì con người được thanh tẩy nhờ đức tin chứ không nhờ Lề Luật, và vì con người nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà được cứu độ chứ không do sức lực của con người; nên không thể bắt Dân Ngoại cắt bì và giữ các truyền thống của người Do-thái. Sau Phêrô, Giacôbê, một Tông-đồ có thế giá tại Giáo Hội Jerusalem cũng lên tiếng bênh vực cho Dân Ngoại: Theo lời các ngôn sứ, Dân Ngoại cũng được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ông cũng đồng ý không nên bắt Dân Ngoại phải cắt bì và giữ truyền thống Do-thái; chỉ nên viết thư khuyên nhủ họ 3 điều: không được ăn thịt cúng, không được gian dâm, và không được ăn những súc vật không cắt tiết, cũng như không được ăn tiết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến giới luật yêu thương là nền tảng của Kitô Giáo: Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ý kiến của các Tông đồ về những gì cần áp dụng cho Dân Ngoại.
1.1/ Ý kiến của Simon Phêrô: Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các Dân Ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo.” Phêrô đề cập đến 3 lý do chính yếu tại sao không nên bắt Dân Ngoại cắt bì và giữ các truyền thống Do-thái:
(1) Thánh Thần được ban cho các Tông-đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng được ban cho Dân Ngoại: “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta.” Đó là lý do tại sao ông làm Phép Rửa cho viên Đại Đội Trưởng Roma, Cornelius và những người trong nhà của ông (Acts 10:44-48).
(2) Được cứu độ nhờ đức tin, chứ không do việc giữ Luật: Thiên Chúa dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ, chứ không bằng Lề Luật! Ở đây cũng như trong Thư Galat của Phaolô, ông ví Lề Luật như cái ách của người nô lệ (Galatians 5:1): “Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?”
(3) Được cứu độ nhờ ơn thánh, chứ không do sức con người: Con người được cứu độ là hoàn toàn do bởi ân sủng của Thiên Chúa: “Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.”
1.2/ Ý kiến của Giacôbê, Giám Quản Jerusalem: Tuy là người hết sức tuân giữ Lề Luật, nhưng ông cũng lên tiếng bảo vệ các tín hữu Dân Ngoại.
(1) Dân Ngoại được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ: Trước hết, ông nhìn nhận Dân Ngoại được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, như lời các ngôn sứ đã loan báo: “Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều David đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy các người còn lại và tất cả các Dân Ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa” (x/c Amos 9:11-12 và Jeremiah 12:15).
(2) Kết luận của ông Giacôbê: Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc Dân Ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư bảo họ:
– Kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng: Niềm tin ăn đồ cúng cho thần sẽ được trở nên giống thần, cũng như người Kitô hữu tin ăn Mình Chúa sẽ trở nên giống như Chúa (1 Corinthians 10:20). Vì thế, một người không thể vừa tham dự bàn tiệc của Chúa, vừa tham dự bàn tiệc của thần ngoại (1 Corinthians 10:21). Trước đó, Phaolô phân biệt giữa việc ăn thịt cúng vì biết chẳng có thần nào ngoài Chúa và việc gây ngộ nhận cho những người yếu đức tin (1 Corinthians 8:1-13).
– Tránh gian dâm (Leviticus 18:6-18:26): Đây là giới răn thứ 6 và 9 của Thập Giới. Có những dân tộc không cho gian dâm là tội như một số người Hy-lạp. Trong một thế giới không trong sạch, những dạy dỗ của Đức Kitô về sự trong sạch là những gì mới lạ cho Dân Ngoại.
– Kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết (giết bằng cách thắt cổ) và kiêng ăn tiết: Máu là sự sống; ăn máu là ăn sự sống, và sự sống thuộc về Thiên Chúa. Con người không có quyền trên sự sống (Leviticus 17:10-14, Genesis 9:4). Giacôbê muốn khuyên Dân Ngoại phải ăn thịt lòai vật theo kiểu của người Do-thái: phải cắt tiết con vật, phải để máu chảy ra hết, và không được ăn máu súc vật.
2/ Phúc Âm: Giới luật yêu thương là nền tảng quan trọng nhất.
(1) Liên kết tình thương giữa Thiên Chúa và con người qua Đức Kitô: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Nếu phải đơn giản hóa Kitô Giáo, chúng ta có thể nói Kitô giáo là Đạo của tình yêu: “mến Chúa và yêu thương tha nhân.” Nhưng tình thương được thể hiện qua sự vâng lời: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” Chúa Giêsu muốn con người giữ các giới răn vì Ngài biết những điều đó tốt cho con người, nhưng con người không luôn nhận ra.
(2) Hậu quả của yêu thương là có được niềm vui trọn vẹn: Mục đích của Kitô Giáo không phải là giam hãm con người trong Lề Luật; nhưng giúp con người hưởng trọn niềm vui của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta được cứu độ không bằng nỗ lực giữ trọn vẹn Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô, dưới sự trợ giúp của ơn thánh.
– Đạo lý căn bản của Kitô Giáo là giới luật yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu; Ngài thông ban tình yêu của Ngài cho con người qua Đức Kitô, và Ngài muốn con người yêu nhau bằng tình yêu này.
– Mục đích của Đạo là làm sao con người được hưởng trọn vẹn niềm vui của Thiên Chúa; chứ không phải giam hãm con người trong những luật lệ cứng nhắc để làm tội con người.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP