Thứ Ba Tuần 32 TN1.
Bài đọc:Wis 2:23-3:9; Luke 17:7-10.
Tin như nào sẽ sống như thế: tin sai sẽ sống sai và sẽ lãnh nhận hậu quả xấu; tin đúng sẽ sống đúng và lãnh nhận hậu quả tốt lành. Vì thế, điều quan trọng là phải học hỏi để biết đâu là sự thật, trước khi có thể sống theo sự thật.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc sửa sai các quan niệm sai lầm của con người, và điều cần thiết phải hiểu cho đúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan mặc khải ý định muôn đời của Thiên Chúa cho con người là muốn cho họ được sống trường sinh bất tử bên Ngài; nhưng vì sự ghen tị của quỷ dữ, tội lỗi đã xâm nhập thế gian và làm cho con người phải chết. Tuy chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa như được mặc khải bởi Đức Kitô sau này, tác giả vẫn tin người công chính sẽ không phải chết mãi, họ sẽ được chung hưởng hạnh phúc và cùng thống trị với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của dân chúng về việc Thiên Chúa phải biết ơn con người, khi họ ca tụng Ngài hay làm những việc tốt lành. Chúa Giêsu dạy: cho dù con người có chu toàn mọi sự tốt đẹp, họ cũng chỉ chu toàn bổn phận của người đầy tớ. Đây là điều quan trọng mà mọi người cần hiểu để đừng than trách Thiên Chúa khi chịu đau khổ hay xin những gì mà không được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn cho con người được trường sinh bất tử.
1.1/ Hai quan niệm khác nhau về đau khổ và cái chết của con người: Đau khổ và cái chết là hai mầu nhiệm trong cuộc đời mà mọi người cần phải hiểu biết. Trong trình thuật hôm nay, tác giả Sách Khôn Ngoan trình bày ý định của Thiên Chúa và hai phản ứng của con người.
(1) Ý định của Thiên Chúa: Tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín rõ ràng về ý định của Thiên Chúa cho con người: “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.” Sở dĩ có chết chóc là vì sự ganh tị của quỉ dữ, chúng cám dỗ con người phạm tội, và hậu quả của tội là sự chết: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.”
(2) Hiểu biết của con người: Trên đây là ý định của Thiên Chúa, nhưng có những người hiểu ý định này, vì họ chịu bỏ giờ tìm hiểu, suy luận, và cầu nguyện; nhưng cũng có những người vô tâm không chịu học hỏi, nên không biết ý định của Thiên Chúa, mà chỉ theo tầm nhìn thiển cận của mình. Tác giả Sách Khôn Ngoan so sánh sự hiểu biết khác nhau của hai loại người này:
– Người thế gian quan niệm chết là hết: khi một người bị chết là như bị tiêu diệt, chẳng có sự sống lại và cũng chẳng có hạnh phúc đời sau. Đau khổ đối với họ là một sự trừng phạt, cần phải tìm mọi cách để tránh đau khổ. Vì quan niệm về cuộc đời như thế, nên họ lo tìm mọi cách để hưởng thụ đời này mà không cần xét việc họ làm có phù hợp với luân lý và đường lối của Thiên Chúa hay không.
– Người công chính quan niệm chết không hết, nhưng bắt đầu cuộc sống hạnh phúc, bình an, và trường sinh bất tử với Thiên Chúa như lời tác giả nói: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” Họ quan niệm đau khổ chỉ tạm thời, và là khí cụ cần thiết Thiên Chúa dùng để thanh luyện con người: như lửa dùng để thử vàng để biết vàng nào là vàng thật, đau khổ cũng thử thách để tìm ra người nào là người tin yêu Chúa thật. Khi Thiên Chúa tìm ra những người tin yêu thật, Ngài sẽ “đón nhận họ như của lễ toàn thiêu.”
1.2/ Phần thưởng dành cho những ai trung thành: Tin thế nào sẽ sống thế ấy, và sẽ lãnh nhận hậu quả tương xứng với niềm tin. Đối với những người công chính, “khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.” Dĩ nhiên, những con người không hiểu biết đúng và ngoan cố sống theo những gì họ suy nghĩ, họ sẽ phải lãnh nhận hậu quả tương xứng với việc làm của họ. Họ sẽ không được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa và bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Phúc Âm: Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
2.1/ Bổn phận và việc thiện nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu. Chúa Giêsu cho dân một câu truyện thực tế: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi!” chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không hối hận vì đó là đầy tớ của ông; hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn nghĩa, vì đó là những việc của đầy tớ phải làm.
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ giúp mình.
2.2/ Thiên Chúa có cần phải biết ơn con người không? Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Luke 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá thương yêu con người mà thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác tín, để rồi đừng bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi mình cầu xin, hay ngã lòng không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần dành thời gian học hỏi để hiểu biết đường lối của Thiên Chúa cho con người, thì mới biết sống thế nào để đạt được mục đích mà Ngài đã vạch ra cho chúng ta. Nếu không biết sự thật của Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể đạt tới đích điểm này?
– Đau khổ là khí cụ Thiên Chúa dùng để thanh luyện con người. Chúng ta hãy biết dùng đau khổ để luyện tập nhân đức, và chứng minh niềm tin yêu của chúng ta vào Ngài.
– Cho dẫu chúng ta hoàn tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, chúng ta cũng không có quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn; vì chúng ta mới chỉ làm tròn bổn phận đã được giao phó mà thôi
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP