Đối với phần đông chúng ta, Thiên Chúa Ba Ngôi là một Ðấng xem ra rất gần, mà lại rất xa.
Xem ra rất gần, bởi vì chúng ta được nghe Hội Thánh tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi khắp mọi chặng đường đời ta. Từ phép Rửa tội, dần dần tới các bí tích khác, cho tới phép Xức dầu, Hội Thánh trao ban cho chúng ta nhiều ơn. Lần nào trao ban, Hội Thánh cũng nói: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần“.
Rồi, xem ra rất gần, bởi vì chính chúng ta cũng tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi hầu như thường xuyên. Mỗi ngày, bao lần chúng ta làm dấu thánh giá. Vừa làm dấu thánh giá, vừa tôn vinh: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần“.
Mỗi ngày, khi lần chuỗi Mân Côi, sau mười kinh Kính Mừng, chúng ta lại tôn vinh: “Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần“.
Rồi xem ra rất gần, bởi vì ngoài những tôn vinh vừa kể, chúng ta còn học về Thiên Chúa Ba Ngôi, qua giáo lý, Kinh Thánh, thần học, tu đức.
Thế nhưng, Thiên Chúa Ba Ngôi, coi như rất gần ta như thế, mà lại thấy rất xa.
Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vô cùng cao cả, vô cùng sâu thẳm. Bao nhiêu cắt nghĩa, bao nhiêu bài giảng, bao nhiêu cuốn sách về Ngài, tất cả đều mang những giới hạn. Nếu chẳng may ta lại học về Ngài chỉ để làm giàu trí thức, thì Ngài vẫn mãi xa ta.
Hơn nữa, ngay khi tôn vinh Ngài bằng kinh nguyện, nếu chúng ta làm chỉ vì thói quen, miễn sao đúng hình thức, kiểu thuộc lòng, thì chúng ta cũng vẫn mãi xa Ngài.
Sự thực là thế. Nhưng không bế tắc. Bởi vì có một con đường đưa chúng ta gần lại với Chúa Ba Ngôi. Con đường đó là: Từng bước được tham dự vào sự sống Chúa Ba Ngôi. Nói một cách khác, con đường đó là: Sống với Chúa Ba Ngôi, được Ngài soi dẫn.
Ðược sống với Chúa Ba Ngôi và được Ngài hướng dẫn, những sự kiện đó không là thành quả của những thứ thông minh trí thức, hay của những thứ công phu khéo léo của con người. Nhưng đây là ơn Chúa thương ban. Ơn này thường được ban cho những tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, bé mọn. Ðọc Kinh Thánh thì thấy: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Kitô hoan hỉ vui mừng nói: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).
Chúa mạc khải về chính Ngài cho những tâm hồn bé mọn, bằng cách lôi cuốn họ. Bắt đầu họ được dắt tới gần Chúa, rồi tới thánh ý Chúa, rồi từ từ vào chính sự sống Chúa. Chính Chúa dắt đưa họ. Như Kinh Thánh đã chép: “Không ai đến được với Thầy (là Chúa Giêsu), nếu Chúa Cha không lôi kéo họ” (Ga 6,44). “Nếu không có Chúa Thánh Thần giúp, không ai sẽ có thể nói: Ðức Giêsu là Chúa” (1 Cor 12,3).
Khi những kẻ bé mọn được Chúa dẫn đưa, và khi họ ngoan ngoãn dồn hết sức mình để vâng phục ý Chúa, họ sẽ được nếm hương vị ngọt ngào của sự Chúa hiện diện. Sự thưởng thức này giúp họ hiểu biết Chúa một cách sống động, hơn muôn ngàn lần những dòng chữ họ học về Chúa. Họ cảm nghiệm được tình thương xót Chúa. Có thể họ không phân biệt được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng họ cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi. Lúc đó họ gọi “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8) một cách hồn nhiên. Ba Ngôi đều cùng chung một bản tính. Bản tính đó là tình yêu. Ðối với người mộc mạc như họ thế là đủ. Thế là dễ hiểu. Thế là hấp dẫn.
Tình yêu Chúa hướng dẫn họ. Nhờ đó họ khám phá ra những việc nên làm, thích hợp với những mảng lịch sử, mà họ đang sống, để dọn đường cho Nước Trời.
Thí dụ: Một việc thích hợp với lịch sử tại đây lúc này đang gây được nhiều ảnh hưởng tốt cho mục vụ và truyền giáo, đó là việc từ thiện bác ái. Thương cứu người bằng việc làm, mà làm một cách nhưng không, như người Samaria tốt lành Chúa nói trong Phúc Âm (Lc 10,37). Với những việc bác ái như vậy, họ làm chứng Chúa là động cơ đã thúc đẩy họ làm. Dần dần nhiều người có thể sẽ tìm đến Chúa nhờ những chứng nhân như thế.
Một thí dụ nữa: Trong lịch sử tại đây lúc này, những nhóm nhỏ trở lại, cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, đi gieo vãi hạt giống hiệp nhất yêu thương, cũng đang là những nhân tố thích hợp cho việc phát triển mục vụ và truyền giáo. Họ họp nhau nhân danh Chúa. Nên Chúa giữ lời đã hứa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Nhờ vậy, những nhóm nhỏ này đang âm thầm kéo được nhiều cơn mưa ơn thánh xuống cho cánh đồng truyền giáo và mục vụ.
Qua những kinh nghiệm như trên, tôi nhìn những chứng nhân về Chúa một cách thời sự hơn. Nghĩa là:
Qua sự kiện tâm hồn họ được thường xuyên đổi mới, họ làm chứng có một Thiên Chúa đang sống trong họ.
Qua những thao thức của họ về Nước Trời và tinh thần cầu nguyện, họ làm chứng có một Thiên Chúa đang sai họ ra khơi thả lưới cho việc truyền giáo.
Qua tinh thần tỉnh thức và phân định, họ làm chứng có một Thiên Chúa đang hướng dẫn họ làm việc nọ việc kia, mà họ cho là thích hợp với nhu cầu lịch sử tại đây lúc này.
Với tính cách thời sự như vậy, người làm chứng về Chúa sẽ có thể nói một cách thành thực như thế này:
“Việc đó việc kia thì người ấy người nọ làm được, vì họ có khả năng. Chúa muốn họ làm. Còn tôi thì không làm được. Tôi không có khả năng, và Chúa cũng không muốn tôi làm. Tôi hết tình khen ngợi những người được Chúa chọn. Xin tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa.
“Còn việc này việc nọ, thì tôi có thể làm và phải làm. Tôi xác tín ý Chúa muốn như vậy. Xin phó thác tất cả nơi Chúa với tâm tình khát khao góp phần vào việc làm vinh danh Chúa”.
Thiết tưởng hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam đang cần những chứng nhân rất sát với thực tế và rất trung thành với Chúa là chủ lịch sử.
Làm chứng không phải về một Thiên Chúa đã hoạt động trong quá khứ qua rồi. Mà làm chứng về một Thiên Chúa trong hiện tại. Ngài đang sống, đang hoạt động giữa chúng ta. Chúng ta là một số vô vàn đông đảo, với nhiều khác biệt, trong những mảnh lịch sử khác nhau.
Làm chứng về một Thiên Chúa đang sáng tạo sự hiệp nhất, một Thiên Chúa đang cứu độ, một Thiên Chúa đang thánh hoá, một Thiên Chúa có quyền năng đang đổi sự dữ ra sự lành, một Thiên Chúa phục sinh đang chiến thắng những lực lượng sự ác, một Thiên Chúa thương xót và khôn ngoan đang âm thầm biến đổi từng tâm hồn. Thiên Chúa hôm nay tại đây vẫn được minh chứng là Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót. Chúng ta bập bẹ gọi Ngài như thế, còn Ngài và tình yêu của Ngài vẫn là mầu nhiệm.
Những chứng nhân của Chúa Ba Ngôi tại đây hôm nay phải là: Những hạt lúa rơi xuống đất và phải thối đi, để có thể sinh được nhiều hạt lúa khác (Ga 12,24). Thối đi là hy sinh bỏ đi các tư tưởng hẹp hòi vội vã, các phán đoán nông nổi do thiên kiến, các tâm tư mất trật tự, cái tôi bị xiềng xích vào tự đắc. Lúc đó tâm hồn được hoàn toàn tự do, thanh thản bay theo hướng Chúa chỉ dẫn.
Hướng đó là đổi mới, bắt đầu từ chính bản thân người làm chứng. Ðổi mới hằng ngày, đổi mới nhờ Thánh Thần chân lý, để càng ngày họ càng xứng là người con của Thiên Chúa tình yêu, càng ngày họ càng nên như bài ca mới “Sáng danh Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần“.
+GM GB. Bùi Tuần