CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Con người luôn bị đặt trước những cơn đói khát triền miên. Ngay từ thuở ban đầu, chỉ vì thèm khát mà Bà Evà đã ăn trái cấm rồi đưa cho chồng mình ăn. Vì đói khát, con người đã bất chấp luật cấm của Thiên Chúa. Đói khát và những nhu cầu vật chất là nguyên nhân của chiến tranh và xung đột trong mọi lãnh vực. Trải qua mọi thời đại, con người vẫn luôn sống trong cơn đói khát: khát vật chất, khát tinh thần, khát tình cảm, khát kiến thức và nhất là họ khát khao chính Thiên Chúa. Thánh Augustinô đã diễn tả nỗi khát khao Thiên Chúa như sau: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên con để sống với Chúa và tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi tìm được Ngài thì mới thỏa mãn an nghỉ”.
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta về cơn đói khát tinh thần. Có những lúc con người no đủ thỏa thuê về vật chất mà lại đang đói khát về tinh thần. Cuộc sống thực tại hôm nay đã chứng minh điều đó. Nhiều người giàu có về của cải, mạnh mẽ về quyền lực, nhưng lại trống rỗng về tinh thần. Nhiều gia đình sung túc về kinh tế, nhưng không thấy hạnh phúc đến gõ cửa nhà. Họ đã nghiệm ra rằng vật chất không phải là tất cả. Ngoài vật chất, con người còn có nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh. Ngoài vật chất, họ cần có tình yêu và tình liên đới. Tình yêu và hạnh phúc đến từ Thiên Chúa cùng với những nỗ lực cố gắng của con người. Vật chất chỉ là yếu tố góp phần làm cho hạnh phúc được trọn vẹn.
Có những lúc chúng ta quá mải mê với vật chất mà lãng quên Thiên Chúa. Đó là trường hợp dân Do Thái trong sa mạc (Bài I). Họ vừa chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa qua việc dân được cứu thoát khỏi ách nô lệ của người Ai cập. Vậy mà bây giờ, trong sa mạc, họ đã hối tiếc cảnh sống tại nơi họ vừa vùng vẫy để thoát ra. Họ đã khiển trách ông Môi-sen là vị thủ lãnh. Trước nhu cầu của họ, Thiên Chúa đã can thiệp. Ngài ban cho họ man-na và chim cút làm lương thực trong suốt hành trình về Đất Hứa.
Qua việc ban lương thực phần xác cho Dân, Thiên Chúa muốn tỏ cho họ thấy quyền năng của Ngài đối với thiên nhiên vũ trụ. Lương thực hằng ngày của người Do Thái còn là hình ảnh của Bí Tích Thánh Thể do Đức Giêsu thiết lập. Bàn tiệc Thánh Thể không phải là một thứ vật chất nhưng chính là bản thân Người. Thiên Chúa từ trời cao đã thành bánh nuôi dưỡng con người. Mỗi khi lên rước lễ, chúng ta hãy ý thức mình không chỉ đón nhận một tấm bánh, nhưng là một “Đấng” đã làm người, đã hoá nên xác thịt vì chúng ta, nhằm nuôi dưỡng và ban cho chúng ta được ơn cứu độ.
Cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các kỳ mục Do Thái cho thấy Thiên Chúa luôn hoạt động trong lịch sử nhân loại: nếu trước đây, Ngài ban man-na và thịt chim cút cho tổ tiên họ trong hành trình sa mạc, thì giờ đây, Ngài ban chính Con của Ngài cho thế gian để trở nên Bánh ăn hằng ngày, cũng là lương thực thiêng liêng cho những ai tin tưởng và tín thác nơi Ngài.
Không dừng lại ở những nhu cầu thuần tuý vật chất, Đức Giêsu mời gọi con người hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu. Nếu không có những giá trị vĩnh cửu linh thiêng đó, con người sẽ tự hạ thấp phẩm giá của mình, chỉ sống theo bản năng sinh tồn mà không cố gắng vươn tới trời cao.
Như thế, Lời Chúa mời gọi chúng ta sống siêu thoát ngay chính cuộc đời trần thế hôm nay. Thánh Phaolô diễn tả cụ thể là “bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới” (Bài đọc II), tức là từ bỏ những ham muốn, những nết xấu để sống chân thành với Chúa và chân thành với nhau hơn. Con người mới mà Thánh Phaolô nhắc tới là con người phản ánh cách trung thực hình ảnh của Thiên Chúa, ngay từ thuở ban đầu của công trình sáng tạo.
Hãy tìm cho mình cuộc sống ý nghĩa. Ý nghĩa cuộc đời ở trong chính sự dấn thân của chúng ta, nhờ đó chúng ta được gặp Chúa và gặp anh chị em mình.
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
Nguồn: http://gphaiphong.org