CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN C
(Ga 2, 1 – 11)
Thưa quý vị,
Mùa Giáng Sinh kết thúc tuần qua. Chúng ta bước sang chu kỳ thường niên với Phúc Âm Luca. Suốt mùa Giáng Sinh chúng ta cử hành lễ hội với các bài đọc đặc biệt am hợp cho hoàn cảnh. Đúng lý, mùa thường niên phụng vụ trở về với chu kỳ thánh Luca. Nhưng riêng chúa nhật này, phụng vụ lại chọn đọc phép lạ tiệc cưới Cana của thánh Gioan. Tại sao như vậy? Vì lý do gì? Phúc Âm Luca quá ngắn chẳng đủ để dàn trải cả năm chăng? Không đúng vậy. Tin Mừng Luca dài nhất trong 4 Tin Mừng. Vậy thì phải có lý do nào khác để ban Phụng vụ Toà thánh chọn Gioan cho Chúa nhật này. Họ không khờ khạo đến nỗi chẳng biết việc mình làm. Vậy chúng ta tìm xem có lợi ích chi mà phụng vụ cho đọc phép lạ tiệc cưới Cana? Thực sự, nếu chúng ta chịu khổ công một chút sẽ thấy rõ sự khôn ngoan của các người có trách nhiêm sắp xếp. Tiệc cưới Cana nói lên viễn tượng phải suy gẫm cho cả năm Luca, đúng hơn, cho bất cứ nội dung Phúc Âm nào. Phép lạ tiệc cưới Cana giúp linh hồn tín hữu lắng nghe Lời Chúa cách chính xác suốt năm nay cho đến mùa Vọng tới. Nó còn hơn là một câu truyện phép lạ. Nhưng khoan đi vào đề tài. Chúng ta xem xét các bài đọc ăn nhịp với nhau ra sao?
Bài đọc 1, tiên tri Isaia xây dựng cung điệu cho chúng ta. Cung điệu quá ư hồ hởi đến nỗi người ta tưởng chừng vị tiên tri hô hoán lên vì vui mừng. Ông không thể làm chủ được miệng lưỡi: “Vì lòng yêu mến Sion, tôi sẽ không nín lặng. Vì số phận Giêrusalem tôi lặng yên sao đành.” Lý do là đã “tới ngày Đấng công chính xuất hiện tựa hừng đông. Vị cứu tinh của Thành rực nên như ngọn đuốc.” Người ta tưởng tượng vị ngôn sứ như đang dự tiệc cưới. Đúng vậy, ông lạc quan và hạnh phúc: “vì ngươi được Đức Chúa đem lòng sủng ái và lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.” Lúc này không phải là thời gian nghiêm nghị, giữ kẽ. Người ta đang ở giữa đám tiệc cưới, tưng bừng, nhảy múa, hát ca, chúc rượu, nắm tay, ôm hôn thắm thiết, tìm bạn mới, gặp người quen. Thời gian của ồn ào, náo nhiệt, thịt béo, rượu ngon. Chúc tụng hai họ Nội Ngoại, nhất là đôi tân hôn. Xem ra Isaia nâng chén chúc tụng cô dâu chú rể đặc biệt.
Họ là ai? Là đôi vợ chồng mới cưới? Cô dâu sắp bước ra khỏi số phận lưu đày, nô lệ. Số phận tồi tệ đến độ được gọi là “bị lãng quên, hoang tàn”. Sự thực, vị tiên tri viết vào thời cuối cùng cuộc lưu đày Babilon. Lúc ấy quốc gia Dothái không còn nữa, quê hương Palestine hoàn toàn bị tàn phá, bỏ hoang. Vậy từ quên lãng, hoang tàn là thích hợp để miêu tả tình trạng Giêrusalem lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đã là cuộc hôn phối thì nhất định phải có bên thứ hai: chú rể không ai khác ngoài Đức Chúa của Israel: “Này tới ngày Đấng công chính xuất hiện tựa hừng đông…” Thiên Chúa sẽ thay đổi mọi sự, sẽ ban cho dân cư Dothái tên mới: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới: ái khanh của lòng ta. Xứ sở ngươi sẽ nức tiếng là duyên thắm chỉ hồng.” Trong Kinh Thánh, việc thay đổi tên ám chỉ căn cước mới, tức một hiện tại và tương lai hoàn toàn mới, giống như hoàn cảnh mới của đôi tân hôn. Một khởi sự của đôi vợ chồng mới về chung sống với nhau: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ. Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” Đức Chúa sẽ bỏ qua những bất trung của Israel. Đấng xây dựng quốc gia Dothái từ hư vô sẽ ban cho dân tộc lời hứa mới, lời hứa của tình yêu, cống hiến cho xứ sở vận mệnh hoàn toàn mới: hạnh phúc và tự do. Giọng văn của Isaia bày tỏ tính hớn hở vui mừng của lời hứa này: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ không nín lặng. Vì số phận Giêrusalem, tôi lặng yên sao đành.”
Làm thế nào vị ngôn sứ còn có thể trình bày hình ảnh của Đức Chúa mạnh mẽ hơn? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, đối với một quốc gia, một dân tộc, một cá nhân ông đã mô tả Thiên Chúa như người tình mê đắm và trung kiên. Cho nên chúng ta chẳng còn lý do nào xa lánh vị Thiên Chúa ấy. Luca cùng chung tư tưởng này suốt nội dung Phúc Âm của ông. Tiệc cưới Cana của Gioan cũng vậy, chúng ta sẽ xem xét sau. Trước mắt, Luca kêu mời mọi người tiến sát lại Thiên Chúa Đấng say mê yêu thương nhân loại, vị ngôn sứ dùng hình ảnh tiệc cưới để diễn tả quan điểm của ông. Vậy thì chẳng lạ gì khi Gioan dùng tiệc cưới Cana mở đầu Tin Mừng của mình. Điều này cũng rất phù hợp cho Chúa nhật hôm nay bắt đầu đọc sách Luca. Nói rộng ra, nếu chúng ta nhìn trước vào các truyện xảy ra trong Tin Mừng của bất cứ tác giả nào, sẽ thấy lời nói, việc làm của Chúa Cứu Thế tàng ẩn trong ý nghĩa phép lạ đầu tiên này. Từ phép rửa, sứ vụ, khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập tự đều tỏ lộ tình yêu cao độ của Thiên Chúa cho loài người. Ngay cả khi ngài tỏ thái độ cứng rắn với Pharisêu, tư tế, kinh sư, Ngài vẫn nói tiếng nói của tình yêu vươn tới họ: “Vì lòng mến Sion ta sẽ không yên lặng. Vì số phận Giêrusalem, ta lặng yên sao đành?” Thông điệp của Chúa thật rõ ràng: Đức Chúa Trời sẽ trả bất cứ giá nào để thề hứa, làm giao ước tình yêu với chúng ta. Và nếu chúng ta bẻ gẫy các giao ước vì phạm tội thì Ngài không hề tuyệt vọng vì chúng ta. Nhưng sẽ tìm kiếm, kêu mời, lôi kéo chúng ta về với tình yêu của mình. Chúng ta sẽ được tha thứ khi đáp trả thuận lợi.
Đọc bản văn người ta có cảm nghĩ Isaia là vị khách mời trong đám cưới. Ông bị hoàn toàn lôi cuốn vào cuộc liên hoan. Thánh sử Gioan cùng có thái độ tương tự nhưng tự chủ hơn, lúc đề cập về rượu ngon ở tiệc cưới Cana. Đúng vậy, khi nghe đọc Phúc Âm hôm nay, chúng ta mường tượng như chính mình chúc rượu ngon Thiên Chúa để tạ ơn. Bởi lẽ trong Chúa Giêsu, Đức Chúa Trời đã phục vụ chúng ta rượu hảo hạng. Xin chúc tụng Ngài. Do đó Cana còn hơn là một phép lạ, thánh Gioan đã ám chỉ điều ấy khi dùng cụm từ: “Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilêa và bày tỏ vinh quang của Người, các môn đệ đã tin vào Người.” Độc giả liên tưởng ngay đến biến cố hiển linh ở sông Giođano hay ở lễ Ba Vua. Vì Chúa bày tỏ “vinh quang” cho người trần mắt thịt được chiêm ngắm thần tính của Ngài. Ở đây, Thiên Chúa mặc khải mình qua “dấu chỉ” biến đổi nước thành rượu ngon. Câu truyện khởi sự do nhận xét của Đức Mẹ: “họ hết rượu rồi.” Gia đình nào mà chẳng hết rượu sau thời gian chung sống với nhau. Rượu tình yêu cạn dần, chỉ còn toàn “nước lã”. Nhân loại cần sự can thiệp của Đức Maria để Thiên Chúa ban thêm cho “rượu”. Ngày nay người ta quên vai trò của Đức Mẹ cho nên nhiều gia đình tan vỡ. Số liệu thống kê ngày một tăng. Vợ chồng chỉ có “nước lã” làm thế nào sống được với nhau? Đến đây thì Đức Mẹ lui vào hậu trường sau khi đã căn dặn các gia nhân: “Ngài bảo chi các anh hãy làm theo.” Quyền quyết định thuộc về Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu đã chọn dấu lạ biến nước thành rượu để khởi sự sứ vụ của mình. Ban cho các gia đình vô số là “rượu”. Xin lưu ý hôm nay Chúa tặng cho đôi tân hôn hơn 600 lít rượu. Nhiều quá sức tưởng tượng. Loài người chẳng thể tự cung cấp. Ngay cả ở thời buổi văn minh vật chất này, thử hỏi có gia đình tân hôn nào đãi ngần ấy rượu cho khách? Bất quá vài chục lít là cùng (Phúc Âm nói: sáu chum đá mỗi chum từ 80l đến 120l). Xét về lĩnh vực thiêng liêng, các nhà đạo đức cho là rượu hoà giải với Thiên Chúa, rượu để cộng đoàn chúc mừng Ngài, rượu chúng ta tạ ơn Ngài mỗi ngày trong thánh lễ. Rượu của Chúa Giêsu!
Vậy thì tự thân loài người không làm đươc. Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta. Ngài tha thứ, chữa lành, hoà giải, cứu chuộc, yêu thương. Nhưng chúng ta tiếp tục đeo mặt nạ để thoả mãn các dục vọng cuả mình. Quả là vô ơn hết tầm cỡ. Cho nên 6 chum nước thanh tẩy không đủ. Giữ lề luật, giới răn, kinh hạt không đủ. Phải tiến xa hơn nữa trong hi sinh hãm mình. Chúng ta không thể tự thân thanh tẩy. Chẳng có chi cứu thoát chúng ta được đâu. Xin đừng kiêu ngạo về nếp sống đạo đức của mình, phải nhờ bàn tay Đức Chúa Trời. Rượu hôm nay là dấu chỉ Chúa Kitô cứu thoát chúng ta: Người ta đổ nước đầy 6 chum, nhưng cần đến bàn tay quyền phép Chúa, mọi sự mới thành rượu ngon cho nhân loại. Vậy Ngài là rượu hảo hạng. Trong Ngài chúng ta cử hành lễ cưới hồ hởi, hoan hỷ và mừng vui như những khách mời của Nước trời.
Nhờ dấu chỉ hôm nay, chúng ta có khả năng nhìn vào tương lai để nhận ra ý nghĩa cho cuộc sống mỗi người. Tuần vừa qua, chúng ta mừng lễ Chúa chịu phép rửa ở sông Giođano. Ngài tẩy sạch nước sông, thánh hoá nó để chúng ta bước vào cuộc sống thánh thiện của bí tích rửa tội. Hôm nay “dấu chỉ hoá nước thành rượu” cho mọi người biết rằng: trong Đức Giêsu, Thiên Chúa ban mình cho loài người và sẽ không bao giờ đòi lại, để rượu tình yêu của Ngài làm ngây ngất linh hồn. Chúa Giêsu mặc khải vinh quang và các môn đệ bắt đầu tin vào Ngài. Họ nhìn thấy điều mà thiên hạ không nhận ra: Thiên Chúa là bạn trăm năm của nhân loại, luôn luôn trung tín ban hạnh phúc qua rất nhiều “dấu chỉ” diễn ra hằng ngày trước mắt. Chúng ta uống rượu ngon trong bí tích Thánh Thể, rượu của sự hiện diện thần linh để chúng ta nhìn rõ nhiều đường lối khác nhau Chúa yêu thương loài người, rượu ban cho chúng ta khả năng nhận ra vinh quang Thiên Chúa trên toàn thế giới và trong từng linh hồn.
Thật vậy, ông chủ tiệc nói với Chúa Giêsu rằng: “Ông giữ rượu ngon cho tới bây giờ…” đây là thế giới nói với người công giáo về bí tích Thánh Thể, đúng không? Chúng ta phản ứng thế nào? Xin nhìn rõ ngụ ý của thánh Gioan. Trong Phúc Âm của thánh nhân không có trình thuật về việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Có lẽ ông đã thấy ba Tin Mừng khác làm việc này. Ít nhất ba lần, mỗi Phúc Âm một lần. Nhưng người ta nhận ra Gioan là tác giả nhiều tính Thánh Thể nhất, vì nó bàng bạc khắp các diễn từ của ông, nhất là dấu chỉ “Cana”. Dấu chỉ đầu tiên của Chúa, nước biến thành rượu, báo hiệu chúng ta ở đây cử hành bí tích Thánh Thể, giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong Máu Chúa, biến hoá từ rượu nho. Chúng ta chẳng cần nhắc lại Cana ngày xưa, Cana ngày nay trên bàn thờ cũng đủ để thấy hạnh phúc của mình. còn hỷ hoan nào lớn hơn? Và thế gian sẽ khám phá ra “tín hữu đã giữ rượu ngon đến bây giờ.”
Cho nên đúng thật Thiên Chúa đã dành rượu hảo hạng, Đức Giêsu Kitô, cho thời đại này. Đáng lý nó phải sản sinh niềm vui mừng vĩ đại trong tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa đã làm chúng ta ngạc nhiên. Không cần hoài cổ nhớ đến quá khứ, khi lòng đạo “tốt hơn”. Nhưng ngay lúc này Thiên Chúa vẫn ban thịt béo, rượu ngon, có điều chúng ta phải ý thức đón nhận ơn Ngài. Nó là hy vọng chúng ta sẽ tham dự đầy đủ hơn khi bước vào cõi phúc đời đời. Nhưng Cana thực ra là một địa chỉ bình thường với các con người bình thường và cuộc sống cũng bình thường. Chỉ có tiệc cưới khác thường một chút. Tuy nhiên biến cố Đức Giêsu và Đức Mẹ hiện diện là chìa khoá để chúng ta bước vào chuyện thiêng liêng. Giống như bạn trẻ ngày nay thường dặn nhau: “coi lại xem”. Coi lại xem cuộc sống mỗi người. Coi lại xem Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta như bữa tiệc cưới, yêu thương và vui mừng trong các biến cố, các sự kiện, sự hiện diện của kẻ khác. Coi lại xem thánh lễ hôm nay. Coi lại xem có đúng Chúa Giêsu đang ban rượu hảo hạng cho chúng ta trong những bổn phận: làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ, ông bà?
Suốt năm tới, thánh Luca sẽ cho chúng ta viễn tượng suy gẫm khác về việc làm, lời nói của Chúa Giêsu mà bầu khí tiệc cưới hôm nay dẫn vào. Thánh nhân còn giúp đỡ chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời Chúa cho chúng ta sống hằng ngày. Cuối cùng, giống như Gioan, Luca chỉ cho mọi người nhìn rõ vinh quang của Chúa Kitô, tức tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên mỗi cuộc đời qua các kinh nghiêm vui, buồn, sướng, khổ hàng ngày. Chúng ta sẽ chúc rượu Ngài bằng cách ở lại trong lòng mến đó. Đúng là rượu béo thịt ngon phải không quý vị? Ước chi mọi tín hữu ý thức được như vậy. Amen.
Lm. Jude Siciliano.OP.