Mt 5,13-16 – CN V TN – A
Các môn đệ Đức Giêsu phải là một điểm quy chiếu và là ánh sáng, làm cho mỗi sự vật xuất hiện ra trong bộ mặt thật của nó và trong giá trị thật của nó.
1.- Ngữ cảnh
Bản văn đọc hôm nay nằm trong Bài Giảng trên núi (ch. 5–7) và nói đến sứ mạng của người môn đệ “trong thế gian”. Bản văn được trực tiếp kết nối với các “Mối Phúc” (5,3-12). Các câu 11-12 nói về bách hại chỉ là những câu nhắc lại c. 10 và chuyển tiếp. Nhưng cụm từ “phúc thay anh em” cho phép ta móc với từ “anh em” ở c. 13. Những người nhận bản văn này không phải là mộthạng tín hữu đặc biệt, nhưng là các môn đệ đã được nói đến ở đầu chương (5,1) và được ngỏ lời trực tiếp ở cc. 11-12. Cộng đoàn Kitô hữu được nhắc nhớ đến bổn phận truyền giáo.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm hai phần:
1) Môn đệ Đức Giêsu là “muối cho đời” (5,13);
2) Môn đệ Đức Giêsu là “ánh sáng cho trần gian” (5,14-16).
3.- Vài điểm chú giải
– anh em là (13): Đức Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ Người, để xác định sứ mạng của họ. Đây không phải là mộtgợi ý về mộtchiều hướng nên theo, nhưng là một khẳng định về tư cách, ơn gọi. Cũng có thể thấy cụm từ này có liên với Xh 19,6 (“Còn các ngươi, các ngươi sẽ là mộtvương quốc tư tế cho Ta và mộtdân tộc thánh”). Như Đức Chúa (Yhwh) đã chọn dân Ngài giữa các dân nước và xác định tư cách của họ, Đức Giêsu cũng đã chọn các môn đệ trong loài người và bây giờ xác định sứ mạng cho họ.
– muối cho đời… ánh sáng cho trần gian (13.14): dịch sát là “muối của đất (gê)” và “ánh sáng của thế gian/ trần gian (kosmos)”. Vì “đất” được dùng song song với “trần gian”, nó không có nghĩa là đất bùn, đất bột, đất thịt, nhưng là “trái đất”, tương tự với “trần gian”, “thế gian”. Cả hai từ “đất” và “trần gian” ở đây đều có nghĩa là “toàn thể nhân loại”, tức có mộttầm mức phổ quát.
– để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm (16): Dường như câu này mâu thuẫn với Mt 6,1-18 (nhất là với cc.1-2.5.16)? Thật ra, các bản văn nêu ra hai lý do khác nhau: ở đây lý do là vinh quang của Cha trên trời; trong 6,1-18, lý do là việc chúc tụng ngợi khen cá nhân mà đương sự đi tìm để thỏa mãn tính khoe khoang của mình (x. 6,2-5). Hai bản văn cũng nói đến hai cách thức xử sự khác nhau: ở đây, người môn đệ chỉ đơn giản tỏ mình ra là môn đệ của Đức Kitô, là Kitô hữu; còn ở 6,1-18, Đức Giêsu kết án sự khoe khoang người ta tỏ ra để lôi kéo sự chú ý của người khác.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Mối Phúc cuối cùng liên hệ đến những người bị bách hại vì sống công chính (5,10). Chính Mối Phúc này được Đức Giêsu lấy lại mà ngỏ trực tiếp với các môn đệ, là những người đang ở ngay bên Người, và với đám đông đang nghe Người (5,1): “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (5,11). Đức Giêsu đã loan báo cho các môn đệ biết ngay từ đầu phản ứng tiêu cực của môi trường, nếu họ sống trung thành với Người, nếu họ tìm sự công chính và quy hướng lối sống của họ theo chương trình của Người. Họ phải trả lời thế nào? Ai cũng coi trọng việc mình được chấp nhận và nhìn nhận. Phải chăng các môn đệ phải thích nghi với môi trường của họ, để được môi trường chấp nhận? Phải chăng họ phải giới hạn quan hệ với mộtvòng những người có cùng những ý tưởng như nhau, để khỏi gây mâu thuẫn? Cho họ cũng như cho tất cả các Kitô hữu, hôm nay còn đang thường xuyên bị cám dỗ từ chối chân tính của mình và tìm thích nghi, hoặc bị cám dỗ rút lui vào đàng sau cánh cửa, Đức Giêsu giao cho nhiệm vụ làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Nhờ đó, cho dù họ có bị sỉ nhục (5,11), họ vẫn đưa được người ta đến chỗ tôn vinh Chúa Cha trên trời (5,16).
* Môn đệ Đức Giêsu là “muối cho đời” (13)
Khi khẳng định rằng các môn đệ là “muối cho đời”, Đức Giêsu cho hiểu các môn đệ có sứ mạng truyền giáo. Do ơn gọi, họ phải đóng mộtchức năng đối với những người khác tương tự muối đối với các thức ăn (giữ cho khỏi hư thối, làm cho thêm hương vị). Không có muối, thức ăn bị hư thối; không có người Kitô hữu, xã hội thiếu mất mộtsức mạnh thiêng liêng và luân lý có khả năng gìn giữ xã hội khỏi những sự dữ đang muốn xâm nhập vào. Do đó, sự hiện diện của người Kitô hữu không phải là không đáng kể hoặc có hay không cũng vậy. Giống như muối, sự hiện diện của Kitô hữu không thể thay thế. Không ai có thể đứng vào vị trí của họ nếu họ bị suy yếu đi. Tác giả lưu ý và răn đe các Kitô hữu coi chừng kẻo mình trở nên nhạt nhẽo đi. Họ cũng sẽ như muối, khi đã nhạt thì chỉ còn đáng loại bỏ (x. 5,22.29).
* Môn đệ Đức Giêsu là “ánh sáng cho trần gian” (14-16)
Hình ảnh ánh sáng (cc. 14-15) là hình ảnh của Kinh Thánh (x. Xh 3,2; Is 60,19; Is 42,6). Tác giả Gioan gán cho Đức Giêsu chức năng mà ở đây Mt gán cho các môn đệ. Bóng tối, đêm tối, trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, là biểu tượng của các thế lực sự ác (x. Mt 8,12; Lc 22,53). Môn đệ Đức Kitô được thông dự vào sự sáng của Thiên Chúa, như Môsê khi xuống núi có mang trên mặt phản ánh vẻ uy hùng của Thiên Chúa (Xh 34,35). Không thể có chuyện Kitô hữu đi qua mà không ai biết; không ai có thể dửng dưng trước ánh huy hoàng thiêng liêng mà Kitô hữu đang tỏa ra. Giống như ánh sáng, Kitô hữu đi vào những nơi sâu thẳm nhất và kín ẩn nhất của trái tim con người và đưa ra ánh sáng những lỗ hổng mà ta gặp trong đó.
Lời khẳng định được minh giải bằng hai hình ảnh (c. 15). “Thành xây trên núi” có thể gợi ý đến Giêrusalem thiên sai, là điểm thu hút tất cả các dân tộc (x. Is 2,2-5; 60,1-2.19-20). Các Kitô hữu tháp vào trong thế gian như mộtnguồn ánh sáng từ đó mọi người có thể nhận được sự nâng đỡ và định hướng. “Thành xây trên núi” nêu bật tính khả thị (thấy được), điểm quy chiếu là chính tư cách của Họi Thánh Đức Kitô cho tất cả mọi người. Hình ảnh này được nhắc lại bằng hình ảnh cái đèn đặt trên đế. Căn phòng trong đó gia đình và bạn bè quy tụ lại trở nên sinh động nhờ ánh sáng của đèn. Hai hình ảnh này cũng có thể được áp dụng cho từng người môn đệ. Do ơn gọi, người môn đệ phải thông chia ánh sáng cho người khác. Họ không được thiếu ánh sáng, và càng không được thiếu trách nhiệm vì không tạo được mộtảnh hưởng tốt nào trong cộng đoàn. Ánh sáng đây không phải là ánh sáng của các lời nói, cũng chẳng phải là ánh sáng của chân lý lý thuyết, nhưng là ánh sáng của “các việc tốt”, như Đức Giêsu đã đề cập đến (4,23-25) và đã làm (5,3-11) và sẽ còn nhắc đến (7,23; 25,31-46) trong các diễn từ của Người.
Khi đó người ta nhận ra rằng những ân huệ người môn đệ đang có phát xuất từ Thiên Chúa; họ sẽ chúc tụng ngợi khen Ngài. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa đòi hỏi con người hành động để tán dương Ngài, khi mà ta thấy là hoạt động cứu độ của Đức Kitô chứng tỏ rằng mọi sự là nhắm mưu ích cho những con cái Thiên Chúa “tuyển chọn” (x. Mt 5,44-48).
+ Kết luận
Từ bản chất của nhiệm vụ được ký thác cho họ, các môn đệ phải là như ánh sáng và muối cho người khác. Bởi vì nhiệm vụ của họ là thúc bách và lôi cuốn, họ phải ở trước mặt người ta, chứ không tránh né. Bởi vì bổn phận của họ là đưa đến mộtcái hoàn toàn mới, họ phải duy trì chân tính của họ, chứ không được tự đồng hóa với môi trường của họ. Chính các “việc tốt” giúp cho môn đệ sống đúng tư cách muối và ánh sáng.
Đời sống của các môn đệ đi theo các huấn thị của Đức Giêsu được coi như là mộtnhiệm vụ lớn. Không ai có thể thay thế họ được; họ phải chịu trách nhiệm về sự kiện trần gian nhận được hương vị và trở thành chan hòa ánh sáng. Xuyên qua đời sống họ, họ phải bày tỏ cách thức hiện hữu của Thiên Chúa, họ phải truyền thông niềm vui của các đứa con với Chúa Cha và chinh phục loài người về cho gia đình Ngài.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Muối tăng thêm hương vị; muối thấm vào thực phẩm để giữ cho khỏi hư thối. Muối hòa tan ra, và được phân phối trong tất cả khối lương thực. Muối có mặt khắp nơi trong khối lượng thực, nhưng muối vẫn là muối, thì mới giữ được giá trị và tính hữu hiệu của mình. Giống như muối, các môn đệ Đức Giêsu phải hiện diện trong môi trường và liên kết với môi trường. Nhưng họ phải cứ là muối, phải bảo toàn được cách cách thức sống của Cha họ (5,48). Muối không phải là mộtviên ngọc, mộtnén bạc phải được cất giữ hoặc đưa ra mà làm cho sinh lãi, nhưng là mộtchất gia vị. Nó sinh tác dụng khi nó chấp nhận “tự hủy” đi, hòa tan vào thực phẩm. Kitô hữu là muối cho đời, bởi vì người ấy không được kêu gọi đi vào mộtcuộc sống tách biệt, xa rời những người khác, nhưng bởi vì người ấy biết tan biến mình đi trong đại gia đình nhân loại để hỗ trợ bất cứ ai cần. Hình ảnh muối chống lại mọi thứ tinh thần phân lập (separatism) kiểu Pharisêu và gợi đến dụ ngôn men vui trong bột (13,23). Kitô hữu không những là người của những người khác, mà còn được gọi sống với những người khác, theo chiều hướng của Đức Kitô (bạn của người tội lỗi và thu thuế: 11,19).
2. Hình ảnh của ánh sáng đi song song với hình ảnh muối, vì ánh sáng cũng ảnh hưởng trên cuộc sống của con người. Không có ánh sáng, thì không thể có sự sống; mọi sự chìm vào trong bóng tối và trở nên hỗn độn (x. St 1,1). Như thế, trách nhiệm của người Kitô hữu là không thể lường được. Nếu sự dữ không lui đi, là vì ánh sáng phải đánh đuổi sự dữ đi lại quá yếu hoặc tệ hại hơn nữa, lại tắt mất rồi!
3. Các môn đệ của Đức Giêsu phải đói khát sự công chính, đói khát lối xử sự công chính (5,6), và đó là mối quan tâm đầu tiên của họ. Cách xử sự này là hình thức căn bản qua đó họ làm chứng về Thiên Chúa Cha. Xuyên qua lối xử sự của họ, các môn đệ phải đưa loài người đến chỗ quan tâm, suy nghĩ và tự hỏi, sao cho cuối cùng loài người cũng hòa với họ trong việc ca ngợi Thiên Chúa. Vậy các môn đệ phải bắt chước cách xử sự của Chúa Cha. Chỉ như thế thì qua lối sống của họ, bản chất của Chúa Cha mới được mạc khải ra và nhận biết. Nhờ những người sống như là con của Ngài, Thiên Chúa muốn được nhìn nhận như là Cha nhân lành và lôi kéo càng ngày càng nhiều người đến với Ngài.
4. Các môn đệ Đức Giêsu phải là mộtđiểm quy chiếu và là ánh sáng, làm cho mỗi sự vật xuất hiện ra trong bộ mặt thật của nó và trong giá trị thật của nó. Do đó, họ phải ở vào mộtvị trí dễ thấy. Kitô hữu không được quên và càng không được cắt đứt sự thông truyền các ân ban mình đang có cho kẻ khác. Họ không được chạy lung tung để tìm người theo phe mình. Họ cũng không được rút lui vào tình trạng vô danh hoặc náu mình vào trong đám đông. Chỉ khi họ có thể thấy được, chứ không đi trốn hoặc đi ngụy trang, thì nhờ họ, Thiên Chúa mới có thể được nhận biết như là Cha nhân lành. Chỉ có lòng nhân ái, lòng tốt, tình yêu, tinh thần phục vụ mới có thể trở thành ánh sáng cho người khác.
5. Môn đệ Đức Kitô phải là mộtngọn đèn đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người trong nhà. Ở vào vị trí sao cho người ta thấy được mình thì hoàn toàn khác với việc tìm cách khoe mình (x. 6,1-18) vì những động lực khác. Chúng ta phải cho thấy các việc tốt đã làm không phải để được người ta khen ngợi (6,2), nhưng để cho nhờ ta trung thành sống bản tính con Thiên Chúa trước mắt người khác, Thiên Chúa được khen ngợi (5,16).
Lm. FX. Vũ Phan Long