Tại Việt Nam, nhiều nhà thờ đã trưng bày trên cung thánh tượng Chúa Giêsu sống lại, hoặc tay cầm thánh giá nhỏ, hoặc lưng tựa vào cây thánh giá lớn. Ðây là một sáng kiến gợi ý. Bởi vì sự phục sinh của Ðức Kitô không tách rời khỏi thánh giá. Hơn nữa, nhờ việc Ðức Kitô sống lại, cây thánh giá không còn là biểu tượng một sự thất bại, mà đã trở thành dấu chỉ một sự chiến tháng: tình yêu Thiên Chúa đã thắng.
Thực vậy, khi các thượng tế và luật sĩ chủ mưu tiêu diệt Ðức Kitô bằng bản án thập giá, họ ghét con người Ðức Kitô thì ít, mà ghét chủ trương đường lối của Ðức Kitô thì nhiều. Chủ trương của Người là bác ái, đường lối của Người là cởi mở, bao dung, để phản ánh dung mạo thực của Thiên Chúa là thương yêu giàu lòng thương xót. Chủ trương đường lối ấy không phù hợp với họ. Hơn nữa, chủ trương đường lối ấy đã đụng chạm tới cái tôi ích kỷ, hẹp hòi và tự mãn của họ. Ðó chính là những động lực thúc đẩy họ tiêu diệt Ðức Kitô. Thiết tưởng trong họ cũng có chúng ta. Ðừng quên điều đó.
Dù bị kết án oan, và dù biết mình có sức thoát được cuộc tử nạn, Ðức Kitô vì yêu thương vẫn để cho các làn sóng hận thù, ghen ghét vùi giập Người cho đến chết. Kiêu căng, ích kỷ xem như đã thắng. Thập giá coi như dấu ấn thất bại dành cho Ðức Kitô.
Nhưng không phải thế. Cái chết trên thánh giá không là tiếng nói sau cùng. Bởi vì Ðức Kitô đã sống lại vinh hiển. Khi sống lại rồi, Ðức Kitô không oán thù ai, không phô trương gì. Người vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối chủ trương bác ái, khiêm nhường, bao dung như trước. Người vẫn dạy các môn đệ Người hãy sống như Người đã dạy và đã làm gương.
Tình thương mới có sức cứu độ. Bác ái mới có sức phục sinh.
Như vậy, nhờ sự Ðức Kitô sống lại, cây thánh giá đã trở thành Tin Mừng làm chứng cho một thương yêu chiến thắng. Chiến thắng bằng những phấn đấu gay go, dũng cảm và kiên trì, chống lại những tội lỗi và những khuynh hướng xu, bằng những việc làm bác ái cởi mở, bao dung, thăng tiến có kế hoạch, chp nhận hy sinh.
Hiểu như thế, ta sẽ có một cái nhìn cầu nguyện về Ðức Kitô phục sinh.
Nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, ta chúc tụng Người. Vì Người giảng dạy thế nào, thì Người đã sống và chết như vậy. Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, chứng tỏ những điều Người giảng là chân lý, cách sống của Người là con đường dẫn tới phục sinh, thánh giá của Người là nguồn ơn cứu độ.
Nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, ta tin vào Người, vì Người thương ta vô cùng. Từ nay, dù ta là ai, dù trong hoàn cảnh nào, ta vẫn có quyền tin tưởng ta được Ðức Kitô lắng nghe, đón nhận và yêu thương. Người là Ðấng Cứu Ðộ giàu lòng thương xót. Người đến, để ta có sự sống và được sống dồi dào.
Nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, ta nói với Người niềm vui của ta. Vì nhờ ơn Người, bao người như đã chết trong thất vọng nay được hy vọng, bao người như đã chết trong cảnh tăm tối lầm lạc nay được ánh sáng chân lý, bao người như đã chết trong cảnh cô đơn đọa đầy nay được chia sẻ và vươn lên.
Nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, ta cảm tạ Người. Vì theo gương Người, vô số người đã biết tha thứ, đã biết hòa giải, đã biết sống hiền lành khiêm nhường, đã biết dấn thân thăng tiến đồng bào, hồi sinh dân tộc, giúp đất nước đi về một tương lai hòa bình, văn minh, chan hòa tình liên đới.
Nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, ta cầu xin với Người. Xin Người luôn giúp ta thoát khỏi tính ích kỷ, tự mãn, hẹp hòi, trì trệ, thành kiến xấu, là những xiềng xích lôi ta tụt hậu, đi vào cõi chết tinh thần. Xin Người biến đổi trái tim ta nên nhạy bén, tế nhị, bao dung, luôn tỉnh thức, biết lợi dụng những thánh giá đời thường, để được thanh luyện, để biết cảm thông, để biết phấn đấu dũng cảm kiên trì cho mọi chương trình phục sinh. Xin Người phục sinh trong ta những nhân đức đã chết. Xin Người chia sẻ sang ta ngọn lửa bác ái của Người, để trái tim ta trở thành ngọn đèn phục sinh, thắp sáng niềm hy vọng, làm cho sức mạnh tình yêu cứu độ của Ðức Kitô.
Nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, ta yêu mến Người, ta hứa bước theo Người, ta hân hoan thuộc về Người.
Và giờ đây, nhìn lên Ðức Kitô phục sinh, tôi xin thân ái cầu chúc anh chị em một lễ phục sinh đầy phúc lành của Thiên Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Ðộ giàu tình yêu thương xót.
+GM G.B. Bùi Tuần