Nhìn Vào Mặt Tốt

Khi Chúa Giê-su tỏ cho các môn đệ biết Người phải lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình và chịu chết, các môn đệ cảm thấy rúng động tâm hồn!

Không lẽ cuộc đời của Thầy Giê-su lại kết thúc bi đát đến thế ư?

Đã bao lần họ mơ tưởng đến một tương lai huy hoàng khi được ngồi bên tả, bên hữu vua Giê-su trong vương quốc vinh hiển của Người; lẽ nào giấc mộng vàng đó lại sớm tan thành mây khói? Nếu Chúa Giê-su mà còn phải chịu số phận oan nghiệt như thế thì số phận các ông rồi sẽ ra như thế nào đây?

Không chấp nhận viễn ảnh đen tối ấy, ông Phê-rô kéo riêng Chúa Giê-su ra và lên tiếng trách móc, tìm cách can gián để Người đừng đón nhận sứ mạng đau thương ấy (Mc 8, 32).

Để củng cố tinh thần các môn đệ đang sa sút trước tin chẳng lành vừa loan báo, “sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông … tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.”

Bấy giờ tinh thần ba môn đệ hết sức phấn chấn. “Ông Phê-rô thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

“Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

Thế là nhờ chứng kiến sự vinh hiển của Chúa Giê-su trong giờ phút vinh quang của Người trên núi cao, ít nữa có môn đệ Gioan vững bước theo Chúa Giê-su đến cùng trên đường khổ nạn.

* * *

Đời người có mặt tối và mặt sáng, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt phải và mặt trái, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột ưu sầu.

Cuộc đời Chúa Giê-su cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm vườn Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm vườn Dầu, lúc Chúa Giê-su bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các vị đào tẩu hết, lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?

Vì thế, Chúa Giê-su cho các ông thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ông thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho họ thấy Người là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha”  để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm vườn Dầu sắp đến.

***

Ngôi nhà nào cũng có mặt trước mặt sau. Nếu người ta chỉ nhìn mặt sau tồi tàn của ngôi nhà mà không nhìn mặt tiền hoành tráng của nó, người ta sẽ thất vọng vì nó.

Tấm huy chương nào cũng có mặt trái mặt phải. Nếu chỉ biết mặt trái sần sùi của tấm huy chương mà không để mắt đến mặt phải vinh hạnh của nó, thì người ta sẽ xem thường nó.

Hoa hồng rất đẹp và kiêu sa nhưng cũng đầy gai. Nếu người ta chỉ chú trọng đến những gai nhọn của hoa hồng mà không để ý đến sắc hương tuyệt vời của nó thì hoa hồng chẳng còn gì hấp dẫn.

Đối với người anh em chung quanh cũng thế. Mỗi người đều có mặt sáng và mặt tối, mặt tốt và mặt xấu. Không ai hoàn toàn tốt, chẳng ai hoàn toàn xấu. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt đen tối của một con người, mà quên đi mặt sáng của họ; nhìn vào nhược điểm mà quên đi ưu điểm, thì chúng ta sẽ rất thất vọng về người đó.

Sự kiện Chúa Giê-su tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm vườn Dầu và đêm khổ nạn, là bài học cho chúng ta trong tương quan với người khác.

Nhờ ngắm nhìn cụm hoa hồng rực rỡ kiêu sa và thưởng thức hương thơm dịu dàng của nó, người ta quên đi những gai nhọn đáng phàn nàn của nó.

Ước gì chúng ta cũng biết nhìn vào điểm sáng, điểm tốt, vào ưu điểm của người khác để dễ dàng cảm thông với những mặt trái, mặt xấu của họ.

Nhờ đó, chúng ta cảm thấy những người quanh dễ thương hơn; tương quan của ta với người khác được cải thiện tốt hơn và đời sống giữa chúng ta với nhau sẽ hạnh phúc hơn.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà