Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
“Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy (Ga. 14,15)
Con người có rất nhiều nhu cầu cần được thỏa mãn. Từ những nhu cầu thể chất đến những nhu cầu tâm linh. Có những nhu cầu tự nhiên và nhu cầu siêu nhiên. Cuộc sống tự nhiên đòi hỏi được đáp ứng, các nhu cầu cần thiết như ăn uống, hít thở và phát triển. Những nhu cầu tự nhiên không thể thiếu trong cuộc sống. Người giầu sang phú quí cũng như những người nghèo khố rách áo ôm. Ai cũng như ai cần ăn uống và hít thở để sống còn. Ăn no mặc ấm hay ăn ngon mặc đẹp chỉ khác nhau ở mức độ và diện mạo bề ngoài. Con người từng bước phát triển tìm cách đáp ứng những mơ ước đòi hỏi. Từ những mơ ước kiện toàn thân xác qua các môn thẩm mỹ về thân xác như sự deo dai, khỏe mạnh và cường tráng. Xã hội tạo ra những kỷ lục phải vượt qua để kiện toàn. Các đòi hỏi vô địch phải đạt mức chỉ tiêu nhanh hơn, khỏe hơn, giỏi hơn, mạnh hơn, cao hơn, chính xác hơn, chịu đựng lâu hơn và đòi hỏi luôn tốt hơn.
Nhu cầu tâm linh cao trọng hơn. Con người là con vật có linh hồn và trí khôn. Những nhu cầu vật chất không thể nào thỏa mãn tất cả những khát vọng của con người. Nhu cầu tâm linh có nhiều mức độ. Các chuẩn mực khác nhau tùy theo khả năng tiếp nhận, hiểu biết và sống đạo. Mỗi người có những trình độ và nhu cầu khác nhau cần được đáp ứng. Trong vẫn đề sống đạo cũng thế, mỗi người có những nhu cầu thiêng liêng riêng biệt. Không ai giống ai trên đường tu đức. Vì điều này có thể thích hợp cho người này mà lại dị ứng với người khác. Rất khó để chúng ta phán đoán đúng sai, tốt xấu, phải trái và hợp hay không.
Trong khi Chúa Giêsu đi rao giảng, có một câu truyện được ghi nhắc lại: Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? ” (Mt. 19, 16). Chúng ta không biết người này hỏi Chúa với ý nghĩ gì? Có thể anh rất chân thành, cũng có thể chỉ hỏi để mà hỏi và cũng có thể hỏi để tự khoe mình. Đức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.”( Mt. 19, 17). Làm điều tốt dựa vào các giới răn. Chúa Giêsu tóm tắt những điều quan trọng trong mười điều răn: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.”(Mt. 19, 18-19). Nghe qua những áp dụng thực hành dễ dàng, anh đã trả lời một cách rất tự tin. Có lẽ anh đã tuân giữ các điều răn này một cách máy móc như nhiều người trong chúng ta mà không hiểu hết nội dung và ý nghĩa.
Mỗi một điều răn của Chúa là một con đường nên hoàn thiện. Điều răn dạy rằng không chỉ tránh không làm điều xấu, mà còn phải thực hành điều tốt cả bề ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Khi xét mình một cách qua loa chiếu lệ, chúng ta có thể thỏa mãn với cách sống đạo của chính mình. Điều răn của Chúa là những kim chỉ nam đích thực hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể học thuộc và hiểu rõ nhưng áp dụng vào đời sống thì đôi khi rất hạn hẹp và bất cập. Người thanh niên hãnh diện về chính mình và còn ra vẻ đạo đức hơn nữa: “Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? “(Mt. 19, 20). Anh nghĩ rằng anh có thể dễ dàng bước vào cuộc sống đời đời, khi chỉ dựa vào sự chu toàn một số điều răn đòi buộc. Chúa Giêsu muốn anh ta bước thêm một bước trên đường trọn lành. Vì ai đã có rồi, Chúa lại ban thêm cho. Đức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”(Mt. 19,21).
Nghe lời Chúa mời gọi tiến bước thêm trên đường trọn lành, anh đã từ chối vì Chúa đòi hỏi hơn điều anh mong ước. Con đường nên hoàn thiện rất gần mà cũng rất xa. Đôi khi chúng ta có cảm tưởng chúng ta đã được đụng chạm và ở gần gũi ngay bên Chúa, nhưng cũng có thể là lúc chúng ta đang sống xa Chúa nhất. Vì chúng ta nghĩ rằng Chúa đang ở trong tôi, nên tôi là người đạo đức thánh thiện nhất. Chúng ta tự so sánh mình với những người chung quanh và tự tỏ ra mình đã đắc đạo. Chúng ta lầm rồi, đang khi chúng ta tự khoe mình là lúc chúng ta gạt Chúa ra ngoài và chúng ta trở thành nhân vật chính rồi. Người thanh niên nghe đến việc phải cho đi của cải, anh tiếc của, nên đành ngoảnh mặt với sự sống đời đời: Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mt. 19,22).
Nói đến nhu cầu tâm linh, chúng ta chú ý đến cách giữ đạo, sống đạo và hành đạo. Trong cuộc lữ hành trần thế, ai trong chúng ta cũng phải phấn đấu mỗi ngày để nên hoàn thiện hơn. Trừ những vị thánh đã được đổi đời một cách đặc biệt như thánh Phaolô, thánh Augustinô, thánh Ignatiô… các ngài có ơn đặc biệt, có ý chí kiên cường và dám từ bỏ mọi sự đi theo Chúa. Các ngài đã đạt tới bậc cao trong đời sống tu đức và nên hoàn thiện. Còn chúng ta phải lần bước mỗi ngày trên đường tìm về bên Chúa. Trong hoàn cảnh sống hiện nay có nhiều sự lạ, đôi khi chúng ta nghe nói có nhiều người đã được đụng chạm đến Chúa. Không cần phải đi đâu xa, Chúa đụng chạm tới chúng ta trong từng hơi thở của nhịp sống. Chúa luôn hiện diện đó nhưng chúng ta không nhận ra Ngài.
Khi chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, không những Chúa đụng chạm mà còn trở nên của ăn, của uống thấm nhập vào linh hồn và thân xác của chúng ta. Chính chúng ta được nhận lấy và đụng chạm Mình Thánh nơi lòng bàn tay, tới lưỡi, xuống cổ và vào bao tử. Chúng ta được hưởng nếm Chúa qua hình bánh và rượu. Các thừa tác viên còn được cầm giữ Mình Máu Thánh Chúa khi trao ban cho mọi người. Mấy khi chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Chúa nơi tâm hồn chúng ta. Chúa hiện diện trong tấm bánh nhỏ mà chúng ta rước lễ mỗi ngày hay mỗi tuần. Tấm bánh Thánh Thể đó cũng chính là Bí Tích Thánh Thể nơi Nhà Tạm, trong Mặt Nhật hay trong bình Thánh, chén Máu Thánh. Có sự hiện diện của cùng một Chúa Giêsu trong Bí Tích trong bất cứ nơi nào.
Nhu cầu tâm linh cần được nuôi dưỡng trong cuộc sống. Có những người sống rất đơn sơ chân thành và khiêm tốn. Họ chu toàn những điều lề luật dạy và sống âm thầm kết hợp với Chúa qua bổn phận hàng ngày. Có những người cần những liều lượng sống đạo mạnh hơn để thỏa mãn những khát vọng thầm kín trong tâm hồn. Họ muốn bước thêm một bước trên đường trọn lành qua sự tham gia nhiều sinh hoạt khác nhau. Có những người không bao giờ thỏa mãn với những cái đang hiện có. Họ muốn dấn thân nhiều hơn và sinh hoạt nhiệt thành hơn. Có những người khao khát sống đạo như lửa đốt tâm can. Họ muốn cho người khác phải nên hoàn thiện hơn theo mẫu gương của họ. Có những người sống đạo trưởng thành trong niềm tin. Họ có một niềm tin sắt son biết phó thác và cậy trông trong khiêm hạ. Nói chung, nhu cầu tâm linh thì vô định, chẳng bao giờ chúng ta có thể thỏa mãn hoàn toàn. Mỗi cách sống đều là những con đường tu đức khác nhau đang mời gọi chúng ta nên trọn lành.
Có nhiều cách thế biểu tỏ tâm tình sống đạo. Ảnh hưởng bởi trào lưu sống đạo canh tân, có nhiều anh chị em Công Giáo cũng ưa thích cách diễn tả sống động qua việc cử hành phụng vụ như giơ tay cầu nguyện và ca hát, nhún nhảy theo điệu nhạc của bài hát và dùng một số những cử động thích hợp. Những cách diễn tả này tùy theo nền văn hóa và tâm tình hành đạo. Không có vấn đề sai hay đúng. Ngày nay cũng có nhiều người muốn nghiên cứu học biết thêm về ý nghĩa của lời Chúa, nhưng lại ưa thích giải thích theo cảm tình riêng tư. Đôi khi áp dụng Lời Chúa một cách gạn ép vào lối sống đạo hời hợt. Điều này phải hết sức cẩn thận. Chúng ta biết có hai nguồn mặc khải là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Đạo Công Giáo có một truyền thống rất lâu đời qua việc giải thích Kinh Thánh. Nguồn gốc là từ các Tông đồ qua các thánh Giáo Phụ và lời dạy của các Công Đồng Chung cũng như của các vị chuyên môn trong Giáo Hội. Chúng ta cần bám chặt lấy gốc rễ là Giáo Hội.
Mục đích tối hậu của tất cả các sinh hoạt sống đạo là đưa dẫn chúng ta vào cuộc sống trường sinh. Chúa Giêsu đã xác tín điều này: Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”(Ga. 12, 50). Mọi phương tiện tốt đều có thể giúp chúng ta thực hành sống đạo và nên trọn lành. Không có con đường nào là tuyệt đối. Chúng ta cũng không thể cắt ngắn gọn cuộc hành trình. Muốn theo Chúa, chúng ta phải phấn đấu và vác thánh giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa không hứa hạnh phúc, giầu có, an vui ở đời này nhưng Chúa hứa rằng Chúa sẽ ở lại để nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta: Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con (Ga. 14.18).Mỗi người hãy tự vấn, tôi có muốn nên trọn lành hay nên thánh không? “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? Nếu muốn có sự sống đời đời, chúng ta đừng bắt chước thái độ tự mãn của người thanh niên. Để hưởng hạnh phúc đời đời, chúng ta không thể tách rời các điều răn. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thì chúng ta không thể sống bất hiếu, gian dối, thù ghét, tham lam, tà dâm và lừa đảo. Nên thánh thiện là sự khao khát của tâm hồn nhưng không luôn là sự khát khao của thể xác. Do đó mà chúng ta luôn có sự giằng co và phải phấn đấu trường kỳ để vượt trên những khát vọng thấp hèn của thân xác. Hãm dẹp những tính hư tật xấu, những mê lầm của cải trần gian và những thỏa mãn nhu cầu của ước muốn. Tinh thần thì hăng say nhưng xác thịt thì yếu đuối. Xưa Chúa Giêsu đã nhắc nhở các tông đồ: Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.”(Mt. 26.41).
Chúng ta nên cố gắng tu thân tích đức tìm đường giác ngộ. Trong Hạnh Các Thánh, chúng ta chỉ thấy có những vị thánh sống khiêm nhường và chuyên tâm cầu nguyện trong phó thác tin yêu. Không có vị thánh nào tỏ vẻ tự kiêu, tự tôn hay tự phong thánh cho mình. Chúng ta được mời gọi nên thánh. Con đường nên hoàn thiện của chúng ta còn dài và còn nhiều gai chông. Có mấy ai muốn nghe lời này: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo”. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Cầu khẩn Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse nâng đỡ dắt dìu chúng ta đi đến cùng đường mà vẫn giữ vững đức tin.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York