Những bài suy niệm và những bài đọc trích từ Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae) của Công Đồng Vaticanô II có mục đích để dùng hằng ngày trong Hai Tuần cho Tự Do, là tên mà các Giám Mục Hoa Kỳ đặt cho cuộc vận động toàn quốc để giáo huấn và làm chứng trong việc hỗ trợ tự do tôn giáo. Những bài đọc và những câu hỏi đi kèm có thể được dùng để hội thảo nhóm hay suy nghĩ riêng.
Ngày 8 * 28 tháng 6 năm 2012
Vì trong quyền nguyên thủy của nó, gia đình tự nó là một xã hội, nó có quyền tự do sống đời tôn giáo riêng của mình dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Hơn nữa, cha mẹ có quyền quyết định, theo niềm tin tôn giáo của mình, các loại giáo dục tôn giáo mà con của họ được lãnh nhận.
Do đó, chính quyền phải thừa nhận quyền thật sự tự do chọn lựa trường học và các phương tiện giáo dục khác cho con cái của cha mẹ. Việc sử dụng quyền tự do lựa chọn này không được biến thành lý do để áp đặt những gánh nặng bất công trên cha mẹ, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngoài ra, các quyền của cha mẹ bị vi phạm nếu con cái của họ bị bắt buộc phải tham dự các bài học hoặc giáo huấn không phù hợp với niềm tin tôn giáo của họ. Điều này cũng đúng nếu chính quyền áp đặt lên tất cả mọi người một hệ thống giáo dục duy nhất, trong đó tất cả các hình tôn giáo bị loại ra ngoài.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 5
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Tám
Các Nghị Phụ Công Đồng nhắc đến quyền tự do tôn giáo là quyền mà các gia đình được vui hưởng. Các gia đình có quyền sống đức tin của họ tại gia. Hơn nữa, cha mẹ có một quyền tự nhiên để hướng dẫn gia đình của mình về tôn giáo. Họ là những người có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc và giáo dục con em của họ, và điều này đặc biệt đúng với việc giáo về dục tôn giáo của con cái của họ. Vì vậy, trong khi cha mẹ là những người chủ yếu chịu trách nhiệm về giáo dục tôn giáo, họ cũng phải được tự do lựa chọn các loại giáo dục tôn giáo mà con cái của họ nhận được.
Từ trong truyền thống Công giáo, Công Đồng Vaticanô II nói rằng gia đình là một “hội thánh tại gia”, nghĩa là, chính trong gia đình mà con em lần đầu tiên được giảng dạy Tin Mừng, được dạy cầu nguyện và giữ các giới răn. Các phần tử trong một gia đình cùng nhau sống cuộc sống Tin Mừng tình yêu. Để phù hợp với điều này, Công Đồng nói rằng cha mẹ phải được tự do lựa chọn trường học cho con em họ. Việc thực thi quyền tự do này không thể là nguyên nhân gây ra gánh nặng tài chính quá mức cho gia đình. Cũng thế, không được bắt buộc trẻ em phải tham dự những giáo huấn trái với niềm tin tôn giáo của gia đình các em. Sau hết, nếu có chỉ có một hình thức giáo dục trong một quốc gia, điều này không có nghĩa là tất cả các giáo huần về tôn giáo đều bị cấm đoán. Phải có sự thích nghi. Những gì chúng ta thấy ở đây là Hội Thánh hăng say muốn đảm bảo một phạm vi rộng và mở rộng cho các gia đình để sống đức tin của họ như gia đình, và điều này mở rộng đến việc giáo dục con cái.
Tại sao điều trên quan trọng đối với cha mẹ và gia đình của họ? Những khía cạnh trên của tự do tôn giáo trong nước ngày nay có gặp nguy hiểm không?
Ngày 9 * 29 tháng 6, 2012
Việc bảo vệ và cổ võ các quyền bất khả xâm phạm của con người được coi như một trong những nhiệm vụ cơ bản của chính quyền. Vì vậy, chính quyền phải nhận trách nhiệm bảo vệ tự do tôn giáo của tất cả mọi công dân của mình một cách hiệu quả, bằng những luật công bằng và những phương tiện thích hợp khác. Chính quyền cũng tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng đời sống tôn giáo, ngõ hầu người dân có thể thực sự thực thi các quyền tôn giáo và làm tròn các bổn phận tôn giáo của họ, và cũng để chính xã hội có thể được hưởng nhờ ích lợi bởi những phẩm chất đạo đức của công lý và hòa bình là những điều có nguồn gốc từ lòng trung thành của con người đối với Thiên Chúa và Thánh Ý của Ngài.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn Giáo
(Dignitatis Humanae), số 7
Ngày 6 tháng 12, 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Chín
Một lần nữa, các Nghị Phụ Công Đồng nhắm đến điều các ngài coi là một vấn đề rất quan trọng. Không phải chỉ đơn thuần là chính quyền không được từ chối hay cản trở tự do tôn giáo của các công dân của mình, mà cũng tối quan trọng là qua pháp luật công minh, họ tích cực là những người bảo vệ tự do tôn giáo, để không một nhóm cử tri nào – dù tôn giáo hay thế tục – trong xã hội tìm cách làm suy giảm quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người. Trong khi một số người ngày nay đang toan tính làm việc này, thì điểm tiếp theo mà các Nghị Phụ Công Đồng đưa ra cũng rất đáng kể. Các chính quyền cần thực sự “giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng đời sống tôn giáo.” Trong khi chính quyền không kiểm soát các tôn giáo, họ nên nhận ra giá trị của chúng và do đó cổ võ sự an sinh của chúng. Điều này cho phép tất cả các cơ quan tôn giáo và các thành viên của họ thực thi các quyền tôn giáo và “chu toàn các bổn phận tôn giáo của họ.” Công Đồng nói rằng việc chính quyền nuôi dưỡng đời sống tôn giáo của các công dân không những chỉ có lợi cho những công dân ấy mà còn đóng góp vào sự tốt lành của toàn thể xã hội. Nó giúp xã hội phát triển trong sự hiểu biết và thi hành những gì góp phần cho công lý và hòa bình. Công lý và hòa bình này tìm thấy nguồn gốc của chúng nơi Thiên Chúa, là Đấng muốn điều tốt cho mọi người.
Các chính quyền bảo vệ và cổ võ đời sống tôn giáo của công dân của họ thế nào? Các chính quyền thời nay có kể đến điều này không? Tại Mỹ, chính quyền nuôi dưỡng đời sống tôn giáo trong khi tôn trọng nguyên tắc tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước thế nào?
Ngày 10 * 30 tháng 6, 2012
Cuối cùng, chính quyền phải thấy rằng sự bình đẳng của các công dân trước pháp luật, mà chính nó là một yếu tố của hạnh phúc chung, không bao giờ được vi phạm vì lý do tôn giáo dù công khai hoặc ngấm ngầm. Cũng không có sự kỳ thị giữa các công dân.
Do đó thật là sai trái khi chính quyền áp đặt trên dân chúng, bằng vũ lực hay sợ hãi hoặc bằng những phương tiện khác, việc tuyên xưng hoặc chối bỏ bất cứ tôn giáo nào, hoặc khi cản trở người dân gia nhập hoặc rời bỏ một cơ quan tôn giáo. Hơn nữa việc dùng vũ lực mà tiêu diệt hoặc đàn áp tôn giáo là một hành vi phạm đến Thánh Ý Thiên Chúa cùng các quyền thiêng liêng của con người và của gia đình các quốc gia, dù trong toàn thể nhân loại hay trong một quốc gia hoặc một cộng đồng riêng biệt.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 6
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Mười
Bởi vì mọi người đều có phẩm giávà giá trị bằng nhau, chính quyền phải đảm bảo rằng sự bình đẳng này được duy trì vì cả lợi ích của cá nhân lẫn lợi ích của toàn thể xã hội. Sự bình đẳng này đặc biệt không được vi phạm vì những lý do tôn giáo. Mỗi cơ quan tôn giáo và các thành viên của cơ quan ấy có quyền bình đẳng về tự do tôn giáo. Sự bình đẳng này đòi hỏi rằng có thể không có sự kỳ thị dựa trên niềm tin tôn giáo của một người.
Các Nghị Phụ Công Đồng giờ đây nhấn mạnh rằng, dựa trên sự bình đẳng này giữa các công dân của mình, không một chính quyền nào được phép áp đặt bằng bất cứ cách nào “việc tuyên xưng hoặc chối từ về bất cứ tôn giáo nào.” Việc áp đặt như thế là một sự vi phạm đến quyền làm đúng theo lương tâm của một người. Vì quyền tự do lương tâm, chính quyền cũng không được phép khước từ một người quyền gia nhập hoặc rời bỏ một cơ chế tôn giáo. Chính quyền không có quyền quy định những gì một người có thể hoặc không thể tin.
Nếu điều trên là đúng, thì Công Đồng nói rằng càng sai lầm hơn nữa khi “dùng vũ lực bằng bất cứ cách nào để tiêu diệt hoặc đàn áp tôn giáo.” Điều này không chỉ áp dụng cho các chính quyền mà còn cho chính các cơ quan tôn giáo. Không một cơ quan tôn giáo nào được phép gây rối hoặc tìm cách loại bỏ một nhóm tôn giáo khác.
Trong thế giới hiện đại của chúng ta, sự bình đẳng về tôn giáo bị từ chối hoặc việc kỳ thị tôn giáo được chấp nhận ở đâu? Có những trường hợp nào mà một tôn giáo vi phạm quyền của các tôn giáo khác không?
Ngày 11 * 1 tháng 7, 2012
Hơn nữa, xã hội có quyền tự vệ chống lại những lạm dụng có thể xảy ra viện vào quyền tự do tôn giáo. Chính quyền đặc có biệt nhiệm vụ cung cấp sự bảo vệ này. Tuy nhiên, chính quyền không được hành động một cách tùy tiện hoặc trong một tinh thần có tính cách bè phái bất công. Hành động của chính quyền được kiểm soát bằng các tiêu chuẩn pháp lý phù hợp với trật tự luân lý khách quan.
Các tiêu chuẩn nảy phát sinh từ nhu cầu bảo vệ có hiệu quả các quyền của mọi công dân và giải quyết cách hài hòa các xung đột về những quyền này. Chúng phát xuất từ nhu cầu phải chăm lo một cách đầy đủ cho sự an ninh công cộng thật, xảy ra khi người ta sống chung với nhau trong trật tự tốt đẹp và công lý thật. Sau cùng, chúng đến từ nhu cầu phải có một sự bảo vệ thích hợp về đạo đức xã hội. Những vấn đề này tạo nên thành phần cơ bản của phúc lợi chung: chúng là điều mà trật tự công cộng có ý nói đến.
Ngoài ra, những tập quán xã hội là những việc sử dụng tự do trong phạm vi đầy đủ của chúng. Những tập quán này đòi hỏi phải tôn trọng quyền tự do của con người càng nhiều càng tốt, và chỉ bị cắt giảm khi và trong mức độ cần thiết.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae),số 7
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ 11
Các Nghị Phụ Công Đồng cũng nhận thức rằng, trong khi các nhóm tôn giáo khác nhau có ý sống hòa hợp, mỗi nhóm nhìn nhận quyền bình đẳng của những nhóm khác, nhưng trong thực tế, các xung đột thường xảy ra giữa các tôn giáo khác nhau. Điều này có thể do những điều mà một tôn giáo tin liên quan đến bản chất của niềm tin riêng của mình trong tương quan với những niềm tin của các tôn giáo khác. Trong khi mỗi nhóm tôn giáo có quyền tuyên xưng rằng niềm tin tôn giáo mình là thật và niềm tin của các tôn giáo khác hoặc không đầy đủ hay có những nguyên lý sai lầm, không nhóm tôn giáo nào có quyền khủng bố hoặc tìm cách đàn áp các nhóm tôn giáo khác. Sự xung đột tương tự có thể phát sinh trong một tôn giáo, trong trường hợp này, nguyên nhân của cuộc xung đột không nằm trong niềm tin tôn giáo, nhưng trong một giải thích sai về những niềm tin ấy gây ra những cuộc tấn công sai lầm vào các nhóm tôn giáo khác.
Với hiện trạng của những cuộc xung đột tôn giáo như thế, các Nghị Phụ Công Đồng xác nhận rằng chính quyền có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng, bằng cách không đứng về phe nào, nhưng ban hành những luật lệ công bình và bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người.
Những nguyên nhân gây ra xung đột tôn giáo ngày nay là gì? Các chính quyền có luôn luôn đáp ứng đầy đủ đối với các cuộc xung đột như vậy không? Điều gì phân biệt giữa “trật tự công cộng” (giới hạn tự do tôn giáo) và một chính sách ưu tiên thông thường của chính quyền (điều gì không)?
Ngày 12 * 2 tháng 7, 2012
Trong những điều liên quan đến lợi ích của Hội Thánh và thực ra đến phúc lợi xã hội ở đây nơi trần thế – do đó là những điều luôn luôn được giữ an toàn và bảo vệ khỏi mọi tổn thương ở khắp mọi nơi – sự chắc chắn này là ưu việt, nghĩa là, Hội Thánh cần được hưởng sự tự do trọn vẹn mà việc chăm lo phần rỗi của con người đòi buộc. Sự tự do này là điều thánh thiêng, bởi vì Con Một Thiên Chúa ban nó cho Hội Thánh mà Người đã chuộc bằng máu của Người. Sự tự do này chính là tài sản của Hội Thánh, cho nên hành động chống lại nó là hành động chống lại Thánh Ý Thiên Chúa. Quyền tự do của Hội Thánh là nguyên tắc cơ bản mà trong đó liên quan đến sự liên hệ giữa Hội Thánh và các chính quyền cùng toàn thể trật tự dân sự.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 13
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Mười Hai
Trong chương I, các Nghị Phụ Công Đồng đã xét đến bản chất của tự do tôn giáo theo quan điểm luận lý và triết lý — phẩm giá và sự bình đẳng của con người cùng quyền tự do tôn giáo tự nhiên. Trong chương II, các ngài xét đến tự do tôn giáo trong ánh sáng Mặc Khải Kitô giáo.
Trong bối cảnh này, các Nghị Phụ Công Đồng thẳng thắn nhấn mạnh rằng Hội Thánh phải “được hưởng sự tự do trọn vẹn mà việc chăm sóc cho phần rỗi của con người đòi buộc.” Chúa Giêsu đã làm người, đã chết, và đã sống lại từ cõi chết để tất cả mọi người nam nữ đều được cứu rỗi — để biết sự viên mãn của chân lý và sự trọn vẹn của tình yêu của Chúa Cha. Đó là lý do tại sao quyền tự do tôn giáo của Hội Thánh là điều “thánh thiêng.” Chúa Giêsu, qua Chúa Thánh Thần, đã thành lập Hội Thánh như phương tiện mà nhờ đó sứ điệp và sự hiện diện cứu độ của Người sẽ đi đến toàn thế giới. Chỉ khi đó Tin Mừng của Chúa Giêsu sẽ được sống giữa mọi quốc gia và dân tộc. Chỉ khi nào Hội Thánh được tự do thì mới có thể chu toàn một cách đúng đắn sứ vụ thiêng liêng của mình. Đó là lý do tại sao mà Hội Thánh nhất quyết bảo vệ quyền sự tự do của mình, đồng thời nuôi dưỡng các mối quan hệ hài hòa, thích hợp, và công bằng với các chính quyền khác nhau trên toàn thế giới.
Điều gì đặc biệt đe dọa quyền tự do của Hội Thánh Công Giáo trong hoàn cảnh hiện nay? Các mối đe dọa quyền tự do của Hội Thánh luôn đến từ bên ngoài hay phát sinh từ bên trong? Những đe dọa nào trong quá khứ mà Hội Thánh tại đất nước của chúng ta đã phải đương đầu với?
Ngày 13 * 3 tháng 7, 2012
Đổi lại, nơi nào các nguyên tắc về tự do tôn giáo không những chỉ được công bố bằng lời nói hoặc đơn thuần đưa vào luật pháp mà còn được áp dụng cách thực tế và chân thành, thì ở đó Hội Thánh thành công trong việc đạt được tình trạng ổn định về quyền cũng như về thực tế và sự độc lập, là điều cần thiết để thực thi sứ mệnh thiêng liêng của mình. Sự độc lập này chính là điều mà thẩm quyền Hội Thánh đòi hỏi trong xã hội.
Đồng thời, các tín hữu Kitô giáo, cùng chung với tất cả những người khác, có quyền công dân không thể bị cản trở trong việc sống cuộc đời họ theo lương tâm của họ. Vì vậy, có sự hòa hợp giữa quyền tự do của Hội Thánh và tự do tôn giáo là điều được công nhận như quyền của tất cả mọi người và cộng đồng và được phê chuẩn theo quy định của luật hiến pháp.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 13
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Mười Ba
Trong khi nhấn mạnh đến quyền tự do tôn giáo của Hội Thánh, các Nghị Phụ Công Đồng không muốn gây ra cảm tưởng rằng bằng một cách nào đó Hội Thánh Công Giáo đặc biệt khi bàn về tự do tôn giáo. Vì vậy, Công Đồng trước hết nói ở trên rằng nơi nào mà các nguyên tắc tự do tôn giáo có mặt, thì Hội Thánh có thể hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình một cách an bình. Chính mối quan hệ thân thiện giữa Hội Thánh và các chính quyền dân sự là điều mà Hội Thánh luôn luôn muốn theo đuổi và đảm bảo.
Trong ánh sáng này, Hội Thánh cũng đấu tranh cho quyền tôn giáo và công dân của mọi người ngõ hầu họ có thể sống “cuộc đời của họ theo lương tâm.” Trong cách này không có sự xung đột với những gì Hội Thánh đòi hỏi cho mình và những gì Hội Thánh đòi hỏi cho những người khác, là quyền tự do làm theo lương tâm trong những vấn đề tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người này là những gì Công Đồng một lần nữa tin rằng phải được thừa nhận và khuyến khích trong luật hiến pháp của các quốc gia.
Ở Hoa Kỳ, quyền tự do tôn giáo được bảo vệ trong Hiến Pháp, như Công Đồng mong muốn. Những sự bảo vệ theo hiến pháp có đủ không? Chúng phát triển mạnh hơn hoặc yếu hơn trong xã hội chúng ta hôm nay? Có gì khác, ngoài pháp luật, có thể củng cố hoặc làm suy yếu quyền tự do tôn giáo? Người Công Giáo nên làm gì để bảo vệ và nuôi dưỡng quyền tự do tôn giáo ở Mỹ ngày nay? Người Công giáo đã làm gì trong quá khứ khi tự do tôn giáo bị đe dọa?
Ngày 14 * 4 tháng 7, 2012
Sự thực là con người ngày nay muốn được tự do tuyên xưng tôn giáo của họ cách riêng tư và công khai. Quyền tự do tôn giáo đã được tuyên bố là một quyền công dân trong hầu hết các hiến pháp, và nó được long trọng công nhận trong các tài liệu quốc tế. Sự thể xa hơn nữa là vẫn còn các hình thức chính quyền mà theo đó, mặc dù quyền tự do thờ phượng theo tôn giáo được công nhận theo hiến pháp, quyền bính của chính phủ đang cố gắng ngăn chặn không cho các công dân tuyên xưng tôn giáo và làm cho cuộc sống khó khăn và nguy hiểm cho các cộng đồng tôn giáo.
Thánh Công Đồng chào đón với niềm vui sự kiện thứ nhất của hai sự kiện này, như một trong những dấu chỉ của thời đại. Tuy nhiên, Hội Thánh đau buồn lên án sự kiện kia, như điều đáng tiếc. Công Đồng khuyên nhủ người Công giáo, và gửi một yêu cầu đến tất cả mọi người, là hãy rất cẩn trọng coi tự do tôn giáo là điều cần thiết thế nào, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình nhân loại.
Tất cả các quốc gia đang đi đến sự hiệp nhất gần gũi hơn. Con người của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đang cùng nhau tụ họp trong mối quan hệ gần gũi hơn. Có một ý thức ngày càng gia tăng về trách nhiệm cá nhân đang đè nặng mỗi người. Tất cả điều này đều hiển nhiên.
Do đó, để mối quan hệ hòa bình và hòa hợp có thể được thiết lập và duy trì trong toàn thể nhân loại, thì quyền tự do tôn giáo cần phải được cung cấp khắp nơi bằng một đảm bảo hiến pháp có hiệu quả, và sự tôn trọng nhiệm vụ cao cả và quyền của con người tự do sống đời sống tôn giáo của mình trong xã hội phải được chứng tỏ.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 15
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Mười Bốn
Trong kết luận Tuyên Ngôn Tự do Tôn Giáo của mình, Công Đồng vui mừng về sự kiện là tự do tôn giáo đã được ghi nhận trong hiến pháp của nhiều quốc gia cũng như trong các tuyên ngôn quốc tế. Tuy nhiên, Các Nghị Phụ Công Đồng cũng ý thức rằng tự do tôn giáo không được bảo đảm khi nó chỉ được ghi trên một mảnh giấy. Nó phải được thực thi bởi một nhóm dân sống động. Hơn nữa, thực sự có những chính quyền có hành động chống lại các cộng đồng tôn giáo, đôi khi còn mệnh danh tôn giáo. Các Nghị Phụ Công Đồng thấy tình trạng như thế thật kinh khủng và yêu cầu người Công giáo cùng mọi người thiện tâm làm việc để khắc phục sự bất công này.
Từ ngày Công Đồng Vaticanô, tự do tôn giáo được cải thiện hay bị giảm đi trên toàn thế giới? Sự quan hệ giữa việc phát triển về đa dạng tôn giáo, cũng như sự giao tiếp qua lại ngày càng ngày càng gia tăng giữa những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau, và tự do tôn giáo là gì?