Những bài suy niệm và những bài đọc trích từ Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae) của Công Đồng Vaticanô II có mục đích để dùng hằng ngày trong Hai Tuần cho Tự Do, là tên mà các Giám Mục Hoa Kỳ đặt cho cuộc vận động toàn quốc để giáo huấn và làm chứng trong việc hỗ trợ tự do tôn giáo. Những bài đọc và những câu hỏi đi kèm có thể được dùng để hội thảo nhóm hay suy nghĩ riêng.
Ngày 1 * 21 tháng 6 năm 2012
Thượng Hội Ðồng Vaticanô tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này có nghĩa là tất cả mọi đều người không bị cưỡng bách bời cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động một cách trái với niềm tin, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo niềm tin của mình, dù đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng trong đoàn thể, trong những giới hạn chính đáng.
Hơn nữa, Công Ðồng còn tuyên bố rằng quyền tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên chính phẩm giá con người, một phẩm giá được biết đến nhờ lời Thiên Chúa mạc khải và nhờ chính lý trí. Quyền tự do tôn giáo của con người này phải được công nhận trong luật hiến pháp mà nhờ đó xã hội được điều hành. Như thế nó trở thành một quyền công dân.
Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo
(Dignitatis Humanae), số 2
Ngày 7 tháng 12, 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Nhất
Trong chương mở đầu của Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, các Nghị Phụ Công Đồng Vaticanô II quả quyết tuyên bố rằng “con người có quyền tự do tôn giáo.” Quyền này được thành lập dựa trên phẩm giá nội tại của con người. Từ mặc khải của Thiên Chúa chúng ta biết rằng phẩm giá con người hệ tại ở việc được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (St 1:27). Giống như Thiên Chúa chúng ta là những sinh vật thông minh với ý chí tự do. Vì điều này, chúng ta có thể biết chân lý và có những hành động giống Thiên Chúa, như yêu thương, tử tế, tha thứ, vv… Chính lý trí, trong việc hiểu biết về con người là gì, xác nhận rằng chúng ta có một phẩm giá và giá trị vượt trên các tạo vật khác và không thể bị vi phạm, nhưng cần phải được bảo vệ và cổ võ.
Những gì con người tin liên quan đến Thiên Chúa là điều tối quan trọng. Niềm tin tôn giáo nằm ngay ở trung tâm của việc chúng ta là ai trong mối tương quan với những gì chính yếu nhất và đáng yêu nhất trong cuộc đời chúng ta. Vì vậy, Công Đồng nhấn mạnh rằng những xác tín tôn giáo của cá nhân hoặc các nhóm không bao giờ có thể bị cưỡng chế nhưng phải được giữ cách tự do và được bảo vệ bởi một quyền hiến pháp dân sự.
Bạn thấy những thách đố nào cho tự do tôn giáo trong thế giới hiện đại của chúng ta? Khi Công Đồng nói rằng tự do tôn giáo phải được tôn trọng “trong những giới hạn chính đáng”, điều gì sẽ nằm ngoài “những giới hạn chính đáng”? Niềm tin tôn giáo nào sẽ xúc phạm cách nghiêm trọng trật tự luân lý hoặc luật công bằng?
Ngày 2 * 22 tháng 6, 2012
Chính theo phẩm giá như con người, có nghĩa là được ban cho lý trí và ý chí tự do, cho nên họ lãnh trách nhiệm về cá nhân của mình. Nghĩa là do bản tính tự nhiên thúc đẩy và cũng do bổn phận luân lý đòi hỏi, con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý về tôn giáo. Họ cũng bắt buộc phải tin theo chân lý, môt khi đã nhận biết nó, và phải hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý.
Tuy nhiên, con người không thể chu toàn bổn phận đó một cách thích hợp với bản tính của họ trừ khi họ được miễn trừ không bị cưỡng bách từ bên ngoài cũng như được tự do về tâm lý. Như thế, quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người, chứ không phải trên thái độ chủ quan của con người. Vì vậy, ngay cả những người không chu toàn nhiệm vụ tìm kiếm và tuân theo chân lý, vẫn còn quyền đặc miễn này. Không ai được ngăn cản việc hành xử quyền này, miễn là những đòi hỏi chính đáng của trật từ công cộng vẫn được tuân hành.
Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo
(Dignitatis Humanae), số. 2
Ngày 7 tháng 12, 1965
Suy Niệm Ngày Thứ Hai
Các Nghị Phụ Công Đồng lưu ý rằng chính vì con người được “ban cho lý trí và ý chí tự do” nên họ tự nhiên tìm kiếm những gì là chân thật và tốt lành, và cũng vì thế mà họ có một “nghĩa vụ luân lý” là tìm kiếm chân lý. Đặc biệt là trường hợp tìm kiếm chân lý tôn giáo. Hơn nữa, chân lý họ tin mà họ đã biết ràng buộc họ với chân lý đó. Thậm chí nếu “chân lý” họ tin không thật sự là chân thật, nhưng, bởi vì họ tin rằng đó là sự thật, họ vẫn bị ràng buộc phải theo lương tâm của họ. Bao lâu những gì họ tin không vi phạm những quyền lợi chính đáng của người khác, họ không thể bị ép buộc phải từ bỏ hoặc thay đổi điều họ tin.
Hơn nữa, Công Đồng nói rằng để cho con người chu toàn nghĩa vụ tìm kiếm chân lý của họ và sống theo nó, họ phải được tự do làm như thế. Không ai hoặc quyền bính nào có thể buộc họ phải tin một điều gì mà chính họ đã không tự do sự đồng ý.
Tại sao Công Đồng nhấn mạnh đến nhu cầu tự do tìm kiếm chân lý tôn giáo? Tại sao những người tin vào những gì là thật sự sai lầm vẫn có tự do tôn giáo?
Ngày 3 * 22 tháng 6, 2012
Chủ đề này còn được sáng tỏ hơn nữa nếu một người chấp nhận luật tối thượng của đời sống con người là chính luật vĩnh cửu, khách quan và phổ quát của Thiên Chúa. Qua luật này, Thiên Chúa xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như tất cả các hướng đi của cộng đoàn nhân loại, trong kế hoạch phát sinh từ sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài. Thiên Chúa đã cho con người được tham dự vào luật này, để con người, nhờ sự an bài yêu thương của Thiên Chúa Quan Phòng, càng ngày càng có thể nhận biết chân lý bất di dịch. Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó, có quyền tìm kiếm chân lý trong vấn đề tôn giáo, để họ dùng những phương tiện thích đáng mà phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan.
Tuy nhiên phải tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người. Viêc tìm kiếm này phải tự do, được thực hiện nhờ lời giảng dạy hay giáo huấn, bằng truền thông và đối thoại. Trong khi làm những việc đó, con người giải thích cho nhau chân lý mà họ tìm thấy hay nghĩ là đã tìm thấy, ngõ hầu giúp đỡ lẫn nhau trong việc tìm kiếm chân lý. Hơn nữa, một khi đã tìm thấy chân lý, thì con người phải trung thành tuân hành nó theo sự ưng thuận riêng của mính.
Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo
(Dignitatis Humanae), số 3
Ngày 7 tháng 12, 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Ba
Thiên Chúa là tác giả mọi chân lý và sự tốt lành. Tất cả những gì là chân thật và tốt lành trong thế giới và vũ trụ đều tìm thấy nguồn mạch từ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của tất cả. Hơn nữa, điều gì đúng và tốt về chính chúng ta như con người tìm thấy nguồn mạch từ Thiên Chúa vì Ngài đã tạo nên chúng ta theo hình ảnh và giống Ngài. Như vậy, đối với các Nghị Phụ của Công Đồng, tất cả những gì đang có phù hợp với luật Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa.
Vì điều này, Công Đồng nhấn mạnh rằng chân lý phải “được tìm kiếm bằng một cách thích hợp với nhân phẩm và bản chất xã hội của họ.” Điều này có nghĩa là con người phải được tự do tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, con người không tìm chân lý như những cá nhân cô lập. Tìm chân lý là việc chung của mọi người, và vì vậy tất cả cùng chia sẻ việc tìm thấy chân lý và tiếp nhận chân lý từ những người khác. Vì việc tìm kiếm chân lý, tìm thấy chân lý và chia sẻ chân lý là một thực hiện xã hội, con người không chỉ được tự do tìm kiếm chân lý với hy vọng tìm thấy nó, họ cũng phải được tự do giao tiếp và thảo luận với nhau về chân lý mà họ tin rằng họ đã tìm thấy. Chính qua sự tự do ưng thuận của chúng ta mà mỗi cá nhân nắm được chân lý.
Các phương tiện tìm kiếm, tìm thấy, và chia sẻ chân lý hiện đại là gì? Bằng những cách nào sự tự do tìm kiếm, tìm thấy, và chia sẻ này có thể bị ngăn chặn?
Ngày 4 * 24 tháng 6, 2012
Về phần mình, con người nhận thức và thừa nhận những mệnh lệnh của luật Thiên Chúa qua sự trung gian của lương tâm. Trong tất cả các hoạt động của mình, một người bị ràng buộc trung thành theo lương tâm của mình, để họ có thể đến với Thiên Chúa, mà cho Ngài họ đã được tạo dựng. Do đó họ không ai được ép buộc họ hành động trái lương tâm. Mặt khác, không ai có quyền ngăn cản họ làm theo lương tâm của họ, đặc biệt trong vấn đề tôn giáo.
Vì chính bản chất của nó, mà việc thực thi tôn giáo bao gồm trước hết những hành vi nội tâm, tự nguyện, và tự do, nhờ đó con người trực tiếp hướng cuộc đời về Thiên Chúa. Không quyền lực nhân loại nào có thể ra lệnh hoặc ngăn cấm các hành vi loại này.
Tuy nhiên, chính bản chất xã hội của con người đòi hỏi rằng họ phải diễn tả ra ngoài các hành vi nội tâm về tôn giáo; họ nên tham gia với những người khác trong những vấn đề tôn giáo; họ phải tuyên xưng tôn giáo của họ trong cộng đồng. Cho nên, con người và chính trật tự được Thiên Chúa thiết lập bị tổn thương nếu việc tự do thực thi tôn giáo bị khước từ trong xã hội khi những đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng không đòi buộc như thế.
Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo
(Dignitatis Humanae), số 3
Ngày 7 tháng 12, 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Tư
Chính nhờ lương tâm của mình mà con người nhận ra những đòi hỏi của luật của Thiên Chúa. Con người phải trung thành làm theo lương tâm của mình nếu họ muốn lớn lên trong sự hiểu biết và kết hợp với Thiên Chúa. Một lần nữa, Công Đồng nhắc lại rằng, vì điều này, không ai bị bắt buộc phải hành động trái với
hay lương tâm của mình, hoặc bị cấm hành động theo lương tâm của mình. Đặc biệt là trường hợp liên quan đến niềm tin tôn giáo của một người. Các Nghị Phụ Công đồng ghi chú rằng điều này áp dụng không những chỉ trong những hành động tôn giáo riêng tư bề trong mà cả những hành động tôn giáo công khai. Con người giữ những niềm tin tôn giáo trong một cộng đồng những tín hữu cùng chí hướng và như thế có quyền công khai sống niềm tin của họ. Ngăn cấm những cách diễn tả công khai chính đáng và thích hợp về niềm tin tôn giáo là trái với trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập cho con người như những sinh vật xã hội và tôn giáo.
Các Nghị Phụ Công Đồng muốn đảm bảo rằng tự do tôn giáo được hiểu là cả riêng tư và công cộng. Nó không thể bị giới hạn vào những gì xảy ra trong nhà thờ. Trái lại, vì tôn giáo theo bản chất của nó là một hiện tượng xã hội, sự hiện diện của nó trong xã hội và văn hóa rộng lớn hơn không thể bị cản trở hoặc cấm đoán.
Bằng những cách nào tôn giáo bị giảm xuống chỉ đơn thuần là cá nhân và tư nhân? Tại sao tôn giáo cần phải có một tiếng nói trong quảng trường công cộng?
Ngày 5 * 25 tháng 6, 2012
Có một điều cần phải xét đến xa hơn nữa. Các hành vi tôn giáo, theo đó con người, riêng tư và công cộng, và vì ý thức về xác tín riêng của mình, hướng cuộc đời của mình về Thiên Chúa, theo bản chất của chúng vượt trên trật tự trần thế và các công việc nhất thời. Do đó, chính phủ phải nhìn nhận và dành ưu tiên cho đời sống tôn giáo của người dân, bởi vì chức năng của chính phủ là chăm lo phúc lộc chung. Tuy nhiên, nếu chính quyền dám trực tiếp hoặc kiềm chế các hành động tôn giáo rõ thì nó rõ ràng là vi phạm giới hạn được quy định cho quyền lực của nó.
Tuyên Ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 3
ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Năm
Điều mà các Nghị Phụ Công Đồng dạy trong đoạn ngắn này rất quan trọng. Trước đó các ngài đã nói rằng chính phủ không được phủ nhận quyền tự do tôn giáo. Ở đây các ngài nói rõ những gì chính phủ nên tích cực làm liên quan đến tôn giáo. Vì người dân, qua niềm tin tôn giáo của họ, hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa, chính phủ phải tích cực quan tâm đến việc này. Chính phủ không những không được cản trở đời sống tôn giáo, mà còn phải “dành ưu tiên cho nó.” Vì niềm tin tôn giáo là một điều tốt lành trong nền văn hóa và xã hội, cho nên chính phủ cần phải cổ võ và hỗ trợ những điều tốt mà tôn giáo mang đến cho sự thịnh vượng chung. Điều này không có nghĩa là chính phủ thích tôn giáo này hơn tôn giáo khác, hoặc phải cố gắng truyền cho tôn giáo nên tin hay không tin điều gì. Thay vào đó, chính phủ phải tạo ra một môi trường trong đó đời sống tôn giáo nở hoa vì lợi ích của tất cả mọi người. Khi cung cấp một môi trường ma trong đó mà đời sống tôn giáo được thịnh vượng, chính phủ đóng góp vào lợi ích của cá nhân cũng như của toàn thể xã hội.
Tôn giáo đóng góp cho lợi ích của xã hội ra sao? Nó có thể cản trở lợi ích của xã hội cách nào? Các chính phủ Tây Phương hiện đại nhìn tôn giáo cách tích cực hay tiêu cực? Làm thế nào để chính phủ ngày nay có thể cổ vũ hoặc hỗ trợ cho những sự tốt lành của niềm tin tôn giáo?
Ngày 6 * 26 tháng 6, 2012
Tự do hoặc miễn bị cưỡng bách trong vấn đề tôn giáo là quyền được ban cho con người như những cá nhân cũng phải được công nhận là quyền của họ khi hành động trong cộng đồng. Các cơ quan tôn giáo là một điều cần thiết của bản chất xã hội con người và của chính tôn giáo.
Miễn là những đòi hỏi của trật tự công cộng được tôn trọng, những cơ quan tôn giáo có quyền đòi tự do để có thể tự điều hành theo những quy luật riêng của họ, công khai tôn thờ Đấng Tối Cao, giúp đỡ các thành viên của họ trong việc thực thi đời sống tôn giáo, củng cố họ bằng các giáo huấn, và cổ võ các cơ chế, trong đó họ có thể cùng nhau tham gia nhằm mục đích xắp đặt đời sống cho phù hợp với những nguyên tắc tôn giáo của họ.
Các cơ quan tôn giáo cũng có quyền không bị chính phủ cản trở, hoặc bằng các biện pháp pháp lý hoặc hành vi hành chính, trong việc lựa chọn, bổ nhiệm, đào tạo, và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, trong việc liên lạc với giáo quyền và cộng đồng tôn giáo ở nước ngoài, trong việc xây dựng các cơ sở cho mục đích tôn giáo, và trong việc thu hoạch và sử dụng ngân quỹ hoặc tài sản thích hợp.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 4
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Sáu
Một lần nữa Công Đồng đề cập đến bản chất công khai của niềm tin tôn giáo. Các cộng đồng tôn giáo có quyền hành động như một cộng đồng đức tin, vì điều này gắn liền với bản chất xã hội của con người và chính niềm tin tôn giáo. Miễn là không vi phạm đến quyền dân sự và tôn giáo của người khác, các cơ quan tôn giáo phải có tự do sống công khai những gì họ tin. Họ phải được tự do tụ họp để thờ phượng, dạy dỗ các thành viên của họ, và phát triển các tổ chức nhằm đẩy mạnh đời sống tôn giáo của các thành viên. Theo truyền thống Công giáo, điều này phải bao gồm các tổ chức và nhà dòng, trường học, huynh đoàn và hội tương tế tôn giáo, các nhóm cầu nguyện, và các nhóm học hỏi Thánh Kinh.
Cũng thế, các cơ quan tôn giáo phải được tự do bổ nhiệm, đào tạo các nhân viên của mình. Đối với Công giáo, nó có nghĩa là Hội Thánh ít ra được tự do bổ nhiệm giám mục và truyền chức linh mục. Nó cũng có nghĩa là người Công giáo được tự do trung thành với Hội Thánh của họ và các nhà lãnh đạo Hội Thánh, đồng thời cũng trung thành với đất nước và các nhà lãnh đạo của nó. Các cơ quan tôn giáo cũng phải được tự do tự quản trị về tài chánh.
Hãy xét đến những thí dụ trong cuộc sống hiện đại, mà trong đó chính phủ liên bang, tiểu bang hoặc địa phương không tôn trọng các quyền nêu trên? Sự liên hệ giữa tự do tôn giáo của cá nhân và các tổ chức là gì?
Ngày 7 * 27 tháng 6, 2012
Các cơ quan tôn giáo cũng có quyền không bị cản trở trong việc công khai giảng dạy và làm chứng cho đức tin của họ, dù bằng lời nói hoặc văn tự. Tuy nhiên, trong việc truyền bá đức tin và giới thiệu các thực hành tôn giáo, mọi người luôn luôn phải tránh mọi hành động có vẻ có tính cách ép buộc, thuyết phục bất chính hay kém ngay thẳng hoặc bất xứng, đặc biệt là đối với những người nghèo túng và chất phác. Hành động như thế phải bị coi là lạm dụng quyền lợi của mình và vi phạm đến quyền lợi của người khác.
Ngoài ra, trong phạm vi ý nghĩa, tự do tôn giáo còn có nghĩa là các cơ quan tôn giáo không bị ngăn cấm trong việc tự do thực thi để biểu lộ các hiệu năng riêng của giáo lý của mình trong những gì liên quan đến việc tổ chức xã hội và gây cảm hứng cho toàn thể sinh hoạt nhân loại. Sau hết, bản tính xã hội của con người và chính bản chất của tôn giáo tạo thành nền tảng cho quyền của con người trong viêc tự do hội họp hay thành lập những đoàn thể giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội do sự thúc đẩy của cảm thức tôn giáo của riêng họ.
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo
(Dignitatis Humanae), số 4
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
Suy Niệm cho Ngày Thứ Bảy
Trong khi các Nghị Phụ Công Đồng khẳng định rằng các cơ quan tôn giáo phải được tự do giảng dạy và làm chứng cho đức tin của họ, các ngài cũng nhấn mạnh rằng không bao giờ được lạm dụng sự tự do này. Không phải chỉ chính phủ có thể chối từ sự tự do của họ; trong cố gắng để truyền bá niềm tin của mình, các tôn giáo không nên ép buộc người khác, về thể lý hoặc tâm lý, để cải đạo. Thay vào đó, nhân phẩm và tự do của mỗi người phải được duy trì. Việc chấp nhận niềm tin tôn giáo phải là một hành động tự do, nếu không nó không còn được thực hiện bởi tin là đúng mà vì sợ hãi và sức mạnh. Quyền tuyên xưng và rao giảng đức tin của một người không thể vi phạm cùng quyền ấy của người khác.
Như đã nói, cơ quan tôn giáo phải được tự do đề ra lý do tại sao niềm tin của họ đúng và tại sao nó có giá trị cho những người khác tin vào điều họ tin. Họ cũng phải được tự do nói lên việc niềm tin của họ đóng góp cho lợi ích của xã hội như thế nào.
Có những thí dụ hiện đại nào về việc các cơ quan tôn giáo dùng cưỡng chế trong nỗ lực truyền bá đức tin của họ hoặc cản trở những người khác trong việc thực thi đức tin của mình? Hội Thánh Công Giáo đóng góp những gì cho xã hội và văn hóa?
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ