Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III
Những Thách Đố Mục Vụ Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hoá
Chương IV
Gia đình và ơn gọi của con người trong Đức Kitô
Gia đình, con người và xã hội
31. Gia đình được nhìn nhận như một tài sản vô giá trong Dân Thiên Chúa, như môi trường phát triển tự nhiên của đời sống, một trường học của lòng nhân đạo, yêu thương và hy vọng cho xã hội. Nó tiếp tục là một không gian đặc quyền mà ở đó Đức Kitô tỏ lộ mầu nhiệm và ơn gọi của con người. Bên cạnh việc xác định những dữ kiện căn bản được chia sẻ này, phần lớn những người được hỏi cho biết gia đình có khả năng là nơi đặc quyền này, trong khi đề ra, và đôi khi ghi nhận một cách rõ ràng, một khoảng cách đáng lo ngại giữa gia đình dưới hình thức mà nó được biết đến hiện nay và giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề này. Khách quan mà nói thì gia đình đang ở trong một thời điểm rất khó khăn, với những hoàn cảnh thực tiễn, những câu chuyện và những đau khổ phức tạp, là những điều cần phải có một cái nhìn nhân từ và thông cảm. Cái nhìn này là điều cho phép Hội Thánh đồng hành với các gia đình trong khi họ đang sống trong thực tế và từ đó rao giảng Tin Mừng về gia đình theo nhu cầu cụ thể của họ.
32. Người ta nhận ra trong các câu trả lời rằng qua nhiều kỷ nguyên, gia đình đã đóng một vai trò quan trọng trong xã hội: thực ra, gia đình là nơi đầu tiên mà con người được hình thành trong xã hội và cho xã hội. Được công nhận là nơi tự nhiên cho việc phát triển của con người, gia đình cũng là nền tảng của bất cứ xã hội và quốc gia nào. Tóm lại, gia đình được mô tả là “xã hội đầu tiên của nhân loại.” Gia đình là nơi, mà trong những năm đầu đời, người ta truyền lại và học về các giá trị như tình huynh đệ, lòng trung thành, lòng yêu thương chân thật, lòng yêu thích làm việc, lòng tôn trọng và đoàn kết giữa các thế hệ, cũng như nghệ thuật giao tế và niềm vui. Nó là không gian đặc quyền để sống và phát huy phẩm giá và quyền lợi của con người. Gia đình, được thiết lập trên hôn nhân, đặc trưng cho phạm vi hình thành toàn diện công dân tương lai của một quốc gia.
33. Một thách đố lớn của gia đình hiện đại là những cố gắng trong việc tư nhân hóa của nó. Có một nguy cơ quên rằng gia đình là “đơn vị cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống chung với nhau trong sự khác biệt và thuộc về người khác” (EG 66). Cần phải đề ra một cái nhìn về gia đình, là nguồn mạch của vốn liếng xã hội, nghĩa là, các đức tính cần thiết cho đời sống chung. Chính trong gia đình mà chúng ta học điều gì là công ích, bởi vì trong đó chúng ta có thể cảm nghiệm sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống. Nếu không có gia đình, con người không thể thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, bởi vì chỉ có gia đình là nơi chúng ta học được sức mạnh của tình yêu để bảo tồn sự sống, và “nếu không có một tình yêu đáng tin cậy, không có gì thực sự có thể làm cho con người thực lòng hợp nhất với nhau. Sự hợp nhất của họ có thể hiểu được là chỉ dựa trên tiện ích, trên toan tính về những lợi ích hoặc sợ hãi trái ngược nhau, nhưng không dựa trên sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống, cũng không dựa trên niềm vui mà sự hiện diện đơn thuần của tha nhân có thể mang lại” (LF 51).
34. Chúng ta cần phải suy nghĩ về ý nghĩa của việc quảng bá một mục vụ có khả năng khuyến khích các gia đình tham gia vào xã hội hôm nay. Gia đình không chỉ là một đối tượng của sự bảo vệ của quốc gia, nhưng phải tìm lại vai trò của chúng như những chủ thể xã hội. Có nhiều thách đố xuất hiện trong bối cảnh này đối với các gia đình: mối quan hệ giữa gia đình và sở làm, giữa gia đình và giáo dục, giữa gia đình và y tế; khả năng kết hợp các thế hệ khác nhau, ngõ hầu những người trẻ và những người già không bị bỏ rơi; sự phát triển của một luật gia đình bao gồm những mối liên hệ cụ thể của nó; việc cổ võ những luật công bằng, chẳng hạn như những luật đảm bảo việc bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai và những luật quảng bá sự tốt đẹp về mặt xã hội của hôn nhân đích thực giữa người nam và nữ.
Theo hình ảnh của đời sống Chúa Ba Ngôi
35. Một số câu trả lời nhấn mạnh đến hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản ánh trong gia đình. Kinh nghiệm của việc yêu thương lẫn nhau giữa hai vợ chồng giúp chúng ta hiểu đời sống của Chúa Ba Ngôi như tình yêu: qua kinh nghiệm về sự hiệp thông được sống trong gia đình, trẻ em có thể có một cái nhìn thoáng qua về Thiên Chúa Ba Ngôi. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong bài giáo lý của ngài về các bí tích rằng, “Khi một người nam và một nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối, chúng ta có thể nói là Thiên Chúa được ‘phản ánh’ trong đó, Ngài đánh dấu họ bằng những đặc điểm của Ngài và căn tính không thể xóa được của tình yêu của Ngài. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thực ra, ngay cả Thiên Chúa cũng là sự hiệp thông Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sống từ muôn thủa và đời đời trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và đây là mầu nhiệm của Hôn Nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng thành một cuộc sống duy nhất.” (Triều Yết Chung, ngày 2 tháng 4 năm 2014).
Thánh Gia Nagiaret và giáo dục về tình yêu
36. Bằng một cách hầu như đồng nhất, các câu trả lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thánh Gia Nagiaret như một mô hình và mẫu gương cho các gia đình Kitô hữu. Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời trong một gia đình cho chúng ta thấy rằng gia đình là một nơi đặc biệt cho việc mặc khải của Thiên Chúa dành cho con người. Thực ra, gia đình được nhìn nhận như một nơi thông thường và hàng ngày để gặp gỡ Đức Kitô. Các Kitô hữu nhìn lên Thánh Gia Nagiaret như một mẫu gương về mối liên hệ và tình yêu, như một điểm tham chiếu cho mỗi thực tại của gia đình và như niềm an ủi trong lúc hoạn nạn. Hội Thánh hướng về Thánh Gia Nagiaret và phó thác các gia đình trong những thực trạng vui mừng, hy vọng và đau khổ cụ thể của họ.
37. Các câu trả lời nhận được làm nổi bật tầm quan trọng của tình yêu được sống trong gia đình, được định nghĩa là “dấu chỉ hiệu quả của sự hiện hữu của tình yêu Thiên Chúa”, “nơi trú ẩn của tình yêu và đời sống.” Kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu và sự liên hệ xảy ra trong gia đình: cần phải nhấn mạnh đến việc mỗi trẻ em cần được sống trong sự đầm ấm và che chở chăm sóc của cha mẹ dưới một mái nhà là nơi có bình an. Các trẻ em phải có khả năng nhận ra rằng Chúa Giêsu ở với các em và các em không bao giờ cô đơn. Sự cô đơn của trẻ em gây ra bởi sự lỏng lẻo trong các liên hệ gia đình, đặc biệt ở một vài vùng địa lý. Việc sửa dạy con cái cũng phải nhằm mục đích đảm bảo rằng trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường gia đình mà ở đó có tình yêu và cha mẹ nhận ra ơn gọi của mình là cộng tác viên của Thiên Chúa trong sự phát triển của gia đình nhân loại.
38. Phải liên tục nhấn mạnh đến giá trị đào luyện của tình yêu trong gia đình, không những chỉ cho trẻ em, mà còn cho tất cả các thành viên của gia đình. Do đó, gia đình được mô tả là “trường học tình yêu”, “trường học hiệp thông”, “trường thực tập sự liên hệ,” nơi ưu tuyển mà chúng ta học để xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa, giúp sự phát triển của con người cho đến khi có khả năng tự hiến. Một số câu trả lời nhấn mạnh rằng sự hiểu biết về mầu nhiệm và ơn gọi của con người có liên quan đến việc công nhận và chấp nhận những tài năng và khả năng khác nhau của mỗi người trong gia đình. Chúng ta thấy ở đây ý tưởng về gia đình là “trường học đầu tiên của nhân loại”: trong đó, nó được coi là không thể thay thế được.
Những khác biệt, hỗ tương và lối sống gia đình
39. Vai trò của cha mẹ, những nhà giáo dục đầu tiên trong đức tin, được coi là cần thiết và quan trọng. Người ta thường nhấn mạnh đến chứng từ của việc chung thuỷ, và đặc biệt, vẻ đẹp của sự khác biệt của họ; đôi khi tầm quan trọng của vai trò riêng biệt của cha mẹ được nhấn mạnh. Trong trường hợp khác, người ta nhấn mạnh đến bản chất tích cực của tự do, sự bình đẳng giữa vợ chồng và sự hỗ tương của họ, cũng như sự cần thiết phải có sự tham gia của cả cha lẫn mẹ, cả trong việc giáo dục con cái lẫn việc nội trợ, như được nêu lên trong một số câu trả lời, đặc biệt là của những người từ Âu châu.
40. Đề cập thêm về sự khác biệt, có một số người nhấn mạnh đến sự phong phú của sự khác biệt giữa các thế hệ có thể có, được cảm nghiệm trong gia đình, trong đó có những biến cố quan trọng như sinh, tử, thành công và thất bại, mục tiêu đạt được và thất vọng. Qua những biến cố này và những biến cố khác, gia đình trở thành một nơi mà trẻ em lớn lên trong việc tôn trọng sự sống, trong việc hình thành cá tính của các em, qua tất cả các mùa của cuộc đời.
41. Có những câu trả lời kiên quyết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đức tin được cha mẹ chia sẻ và bày tỏ cách rõ ràng, bắt đầu bằng cách sống của các cặp vợ chồng trong mối liên hệ giữa họ và con cái, mà cũng qua việc chia sẻ kiến thức và ý thức của họ về Đức Kitô – như được liên tục tái khẳng định – phải ở trung tâm của gia đình. Trong bối cảnh của một xã hội đa dạng, cha mẹ có thể cho con cái của họ một định hướng cơ bản cho đời sống của các em, là điều có thể nâng đỡ các em thậm chí sau thời thơ ấu. Đó là lý do tại sao chúng ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra một không gian và thời gian để ở bên nhau như một gia đình, cũng như sự cần thiết phải giao tiếp cởi mở và chân thành trong một cuộc đối thoại liên tục.
42. Các câu trả lời đồng tâm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình, như một Hội Thánh tại gia (x. LG 11) để nuôi dưỡng một “nền văn hóa gia đình cầu nguyện” thật. Sự hiểu biết thật về Đức Chúa Giêsu Kitô thực sự được cỏ võ trong gia đình qua việc cầu nguyện cá nhân, và đặc biệt dưới các hình thức cụ thể và việc sử dụng các nghi thức trong gia đình, được coi là một cách hiệu quả để truyền thụ đức tin cho con cái. Người ta cũng nhấn mạnh nhiều đến việc đọc Thánh Kinh chung, cùng các hình thức cầu nguyện khác, chẳng hạn như chúc lành cho bữa ăn và Kinh Mân Côi. Tuy nhiên, chắc chắn rằng gia đình, Hội Thánh tại gia, không thể thay thế cộng đồng giáo xứ; ngoài ra, người ta cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tham gia của gia đình vào đời sống bí tích, Thánh Lễ Chúa Nhật và các bí tích Khai Tâm Kitô Giáo. Nhiều câu trả lời cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bí Tích Hòa Giải và việc sùng kính Đức Mẹ Maria.
Gia đình và sự phát triển toàn diện
43. Các câu trả lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển toàn diện của con người: gia đình tối cần thiết cho sự trưởng thành của tiến trình tình cảm và nhận thức, là những điều quyết định trong việc cấu tạo con người. Như một môi trường sống còn mà trong đó con người được hình thành, gia đình cũng là nguồn mạch từ đó con người rút ra ý thức rằng mình là con cái của Thiên Chúa, được mời gọi để yêu thương. Những chỗ khác cũng đóng góp vào sự phát triển của con người, chẳng hạn như đời sống xã hội, sở làm, đời sống chính trị và Hội Thánh; tuy nhiên, người ta công nhận rằng những nền tảng nhân bản nhận được trong gia đình cho phép con người đến gần những mức độ tiếp theo của việc xã hội hoá và cấu tạo.
44. Theo nhiều câu trả lời cho biết thì gia đình phải đương đầu với nhiều khó khăn và thử thách hàng ngày. Việc là một gia đình Kitô hữu không tự động đảm bảo là có thể được miễn trừ những khủng hoảng, đôi khi sâu xa, tuy nhiên, qua đó chính gia đình được củng cố, và đưa đến việc nhận ra mục đích nguyên thủy của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa, với sự nâng đỡ của hoạt động mục vụ. Gia đình là một thực tại “đã được quy định” và đảm bảo bởi Đức Kitô, và đồng thời được “xây dựng” mỗi ngày với lòng kiên nhẫn, cảm thông và tình yêu.
Đi theo ước muốn mới của gia đình và những khủng hoảng
45. Một thực tại quan trọng được vạch ra từ những trả lời là, ngay cả khi đối diện với những tình cảnh rất khó khăn, nhiều người, nhất là người trẻ nhận thức được giá trị của mối dây liên hệ ổn định và lâu dài, một ước muốn thực sự về hôn nhân và gia đình, trong đó người ta thực hiện được sự chung thuỷ và bất khả phân ly tình yêu, trong đó cung cấp sự thanh bình cho việc phát triển nhân bản và tâm linh. “Ước muốn lập gia đình” này tỏ ra là một dấu chỉ thực sự của thời đại, phải được hiểu như một cơ hội để làm mục vụ.
46. Hội Thánh cần phải chăm sóc cho các gia đình đang sống trong những tình trạng khủng hoảng và căng thẳng; các gia đình cần phải được đồng hành trong suốt chu kỳ đời sống. Phẩm chất của các mối liên hệ trong gia đình phải là một trong những quan tâm quan thiết yếu của Hội Thánh. Sự nâng đỡ đầu tiên đến từ một giáo xứ sống như “gia đình của các gia đình”, được nhìn nhận như trung tâm của một cuộc canh tân mục vụ, chào đón và đồng hành, sống trong nhân từ và ân cần. Người ta cũng vạch ra tầm quan trọng của các tổ chức giáo xứ để nâng đỡ các gia đình.
47. Hơn nữa, trong một số trường hợp, cần phải khẩn cấp trợ giúp những hoàn cảnh mà trong đó mối liên hệ gia đình đang bị đe dọa bởi tình trạng bạo lực trong gia đình, với những hành động can thiệp hỗ trợ có thể chữa lành vết thương, và loại trừ những nguyên nhân đã được xác định. Ở nơi nào lạm dụng, bạo lực và bỏ bê thống trị, thì không thể có sự tăng trưởng cũng như bất cứ ý thức nào về giá trị của gia đình.
48. Cuối cùng, người ta cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình/gia đạo và giáo xứ, trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng, cũng như sự cần thiết của việc gia đình tham gia tích cực vào đời sống giáo xứ, nhờ các hoạt động bổ trợ và đoàn kết với các gia đình khác. Về vấn đề này, sự giúp đỡ quý hoá của cộng đồng bao gồm các gia đình. Việc là thành viên các phong trào hoặc các hiệp hội cũng có thể đặc biệt quan trọng trong việc nâng đỡ.
Việc đào tạo liên tục
49. Những câu trả lời thường nhấn mạnh đến sự cần thiết của một mục vụ gia đình nhằm mục đích đào tạo liên tục và có hệ thống về giá trị của hôn nhân như một ơn gọi, và việc tái khám phá ra rằng làm cha mẹ là một hồng ân. Việc đồng hành với các cặp vợ chồng không nên chỉ hạn chế trong việc chuẩn bị hôn nhân, tuy nhiên, về điều này người ta ghi nhận rằng cần phải xét lại những phương thức. Đúng hơn, người ta nói rõ sự cần thiết phải đào tạo liên tục và có hệ thống hơn về: Thánh Kinh, thần học, tâm linh, nhưng cũng cả về con người và đời sống. Người ta đặc biệt mong ước rằng việc dạy giáo lý có một chiều kích liên thế hệ, tích cực liên quan đến cha mẹ trong hành trình khai tâm Kitô giáo của con cái. Một số câu trả lời vạch ra một lưu tâm đặc biệt đến các lễ phụng vụ, như mùa Giáng Sinh và quan trọng nhất là lễ Thánh Gia, như những giây phút quý giá để chứng tỏ tầm quan trọng của gia đình và nắm được bối cảnh con người nơi Chúa Giêsu lớn lên, học nói, yêu, cầu nguyện và làm việc. Người ta cũng đề ra sự cần thiết của việc giữ ngày Chúa Nhật như ngày của Chúa; thậm chí theo quan điểm dân sự, như một ngày trong đó khuyến khích việc gặp gỡ nhau trong gia đình và với các gia đình khác.
(còn tiếp)
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguyên bản: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20140626_instrumentum-laboris-familia_it.html