Xác định tiêu chuẩn của một niềm tin chân chính, đó là mơ ước của mọi tín hữu, và cũng là trọng trách của toàn Giáo Hội. Đức Giê-su phân biệt ba loại niềm tin vào Thiên Chúa, cụ thể hóa bằng ba hạng người: (1) niềm tin dựa trên trí tuệ, (2) niềm tin dựa vào hoạt động, (3) niềm tin gắn chặt vào ‘Ngôi Lời’, và cho biết chỉ có niềm tin thứ ba mới là vững chắc.
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu”. Tuyên xưng Thiên Chúa hiện hữu (hữu thần) mới chỉ là bước khởi đầu của niềm tin; ngay cả khi nó được chuyển thành lời cầu khẩn than van tha thiết. Hầu hết các tôn giáo ít nhiều đều đạt tới niềm tin này. Cựu Ước đã tuyên xưng: ‘Chúa là Thiên Chúa duy nhất, và không có một chúa nào khác’ nhưng cũng mới chỉ là phạm vi trí tuệ. Nếu niềm tin của người Ki-tô hữu cũng chỉ đừng lại ở đây, đức Giê-su cho biết như vậy là chưa đủ, chưa phải là niềm tin chân chính đích thực.
“Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Thật đáng kinh ngạc, ngay cả các hành động ‘nhân danh Chúa’ mà cũng chưa được công nhận là tiêu chuẩn của niềm tin chân chính. Đối với nhiều người chúng ta, các hành động trên, nhất là khi được làm ‘nhân danh Chúa’, thì rõ ràng là biểu hiện không sai lầm của một đức tin chân chính quá đi rồi! Thật không thể hiểu được, chẳng hạn, sau khi thi hành công tác mục vụ, hay làm từ thiện bác ái trong tư cách đoàn thể công giáo, trở về, tôi lại bị nghe Chúa tuyên bố: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” Hiển nhiên là các hành động trên tự nó là rất tốt, nhưng đức Giê-su cho thấy chúng không phải là tiêu chuẩn vững chắc, vì người ta có thể làm tất cả các điều đó mà chẳng có chút Tin Mừng nào.
“Nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví như người khôn xây nhà trên nền đá”. Trong tiếng Hip-ri ‘a-man’ có nghĩa là ‘xác lập một điều, đặt cơ sở cho một công trình’. Truyền thống Giáo Hội thưa ‘a-men’ sau kinh nguyện, không chỉ diễn tả nguyện ước lời cầu được thành sự (ansi-soit-il tiếng Pháp), mà còn muốn xác lập nền móng cho lời nguyện xin (niềm tin) trên chính đức Giê-su Ki-tô ‘nhờ đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa…’. Trong đoạn TM Mát-thêu ‘lời Thầy’ là trọn cả nội dung giảng thuyết (chương 5-7). Các thính giả được kêu gọi hãy nghe và nắm giữ các lời đức Giê-su vừa công bố; tuy nhiên họ đã mường tượng có một cái gì đi xa hơn thế: chính ngài chứ không chỉ các điều ngài dạy “Người giảng dạy như một đấng có thẩm quyền, không như các kinh sư của họ”. Kể từ các Tông đồ, cách riêng Phao-lô, các Ki-tô hữu bắt đầu hiểu rõ hơn ‘đá tảng – nền đá’ chính là đức Ki-tô ‘Lời của Thiên Chúa’, trên đó toàn thể tòa nhà đức tin chúng ta được xây dựng kiên cố (xem thư Do Thái). Niềm tin được đặt trên nền đá ‘Lời Chúa’ sẽ vững vàng không gì suy chuyển nổi. Phao-lô cũng còn cho biết ‘Lời’ duy nhất, mà ông đặt trọn cả đời mình trên đó, không là ai khác ngoài đức Giê-su chịu đóng đinh. “Tôi không biết một đức Ki-tô nào khác ngoài Đấng chịu đóng đinh!”. Chính trên nền đá Thập Giá đức Giê-su mà chúng ta đặt trọn niềm tin của mình: thập giá là ơn cứu độ của Thiên Chúa, là mạc khải về một Thiên Chúa “yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (John 3:16). Chính trên nền đá duy nhất này mà tôi phải đặt trọn niềm tin của mình, để dầu cho cuộc sống đầy những yếu đuối khuyết điểm (và điều này không ai tránh khỏi, kể cả nơi các bậc đại thánh), tôi vẫn vững vàng; vì Thập Giá là bảo chứng cho tôi về một lòng xót thương của Thiên Chúa… còn mạnh hơn cả tội lỗi tày trời nhất. “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Romans 5:8).
Lạy Chúa, xin cho niềm tin của con được xây dựng vững chắc trên nền đá này, trên đó con sẽ không hề phải hổ thẹn kể cả khi bị cám dỗ hay sa ngã. Bão tố đời con đã quá nhiều và quá phũ phàng, kể cả trong bậc tu sĩ hay chức vụ linh mục. Xin cho lòng thương xót Chúa mới là chỗ dựa vững chắc nhất của con trong mọi tình huống cuộc đời. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Chúa Nhật IX Thường Niên – Năm A