Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa (Ga. 4,13).
Có nước là có sự sống. Từ nguồn nước, Thiên Chúa đã cho sinh sản ra mọi loài thụ tạo. Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.”(Stk. 1,20). Trong nước chứa tất cả những yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng sự sống. Mọi loài sống động đều cần có nước để phát triển. Mọi loài sinh vật, thực vật và động vật đều sống nhờ nước. Con người cũng như mọi loài động vật có thể nhịn ăn trong thời gian khá dài nhưng không thể nhịn uống. Nước chính là nguồn sống cho mọi giống loại trên mặt đất.
Từ tạo thiên lập địa Thiên Chúa đã sáng tạo nên nước non biển cả: Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy (Stk. 1,9). Dân Do thái trên đường lữ hành trong sa mạc về Đất Hứa. Dân chúng khát nước đã nài van Môisen. Môisen đã xin Chúa đã ban nguồn mạch nước trong lành từ tảng đá vọt ra cho dân chúng uống thỏa thuê. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” (Xh. 17,6). Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một nguồn nước trường sinh. Ai uống sẽ không còn khát nhưng nguồn nước sẽ trở nên mạch nước vọt đến sự sống đời đời.
Tình yêu thương của Chúa đối với dân Chúa chọn thật tuyệt vời. Chúa chăm nom săn sóc từng li từng tí. Chúa không để cho họ phải thiếu thốn chi. Vua Đavít đã phải thốt lên rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành (Tv. 23, 2). Chúa dậy chúng ta nhìn xa trông rộng hơn. Chúng ta đều là con cái cùng một Cha trên trời. Chúng ta phải cùng chia sẻ, hỗ trợ và nâng đỡ nhau trong mọi cơn gian truân khốn khó, đó là sứ mệnh làm người và hơn nữa sứ vụ của người con Chúa. Tác giả Sách Châm Ngôn dẫn chúng ta đi vào nẻo đường tình yêu thường: Kẻ thù con có đói, hãy cho nó bánh ăn, nó có khát, hãy cho nước uống (Cn. 25,21).
Nước vạn vần theo chu kỳ đã được Thượng Đế an bài. Nguồn thiên nhiên có nước ngọt và nước mặn. Nguồn nước ngọt là để nuôi dưỡng mọi loài thụ tạo trên đất liền. Nước biển mênh mông chiếm ba phần tư diện tích của bề mặt địa cầu. Nguồn nước mặn nơi biển cả bao la cho các loài sinh sống dưới nước. Nước mặn có thể bốc hơi tạo thành muối. Nước biển mặn tinh luyện cho nguồn nước thải nên tinh tuyền. Nước biển rất mặn nhưng nước có thể bốc hơi thành mây tụ lại và làm sương xa mưa xuống thành dòng nước ngọt. Những cơn mưa gom hạt kết tụ lại thành dòng và từ cao dòng nước chảy dần xuống thấp ra biển khơi. Dòng nước mang theo mọi dơ dáy đào thải, bẩn thỉu lắng đọng và trôi về lòng đại dương để được biến đổi.
Nước từ trên nguồn chảy xuống. Nếu chúng ta có dịp đi tham quan những thác nước lớn, chúng ta quan sát thấy nước chảy không ngừng như thác lũ. Lượng nước chảy xem như không bao giờ ngưng. Nước ở đâu mà nhiều thế! Nước chảy xuống như thác. Các thác vĩ đại như thác Niagara nằm giữa biên giới nước Gia Nã Đại và Hoa Kỳ. Thác Victoria ở miền Nam Phi Châu, giữa Zambia và Zimbabwe. Thác Angel ở độ cao 979 mét, nước đổ xuống Auyantepui, Venezuela. Thác Bản Giốc, thác này bị chia làm hai giữa Cao Bằng, Việt Nam và Chongzuo, Trung Quốc… Các thác nước chảy ngày đêm, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm nọ và cứ tiếp tục vạn vần chảy mãi.
Từ ngàn xưa, con người cũng đã tìm được các mạch nước dưới lòng đất. Họ đã đào giếng để tìm nguồn nước. Các tổ phụ đã dùng nước từ các nguồn mạch này. Đầy tớ ông Ixaác đào trong thung lũng và tìm thấy ở đó một giếng nước mạch (Stk. 26,19). Giacóp gặp Ra-khen tại giếng: Cậu lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng, và cho chiên dê của ông Laban, anh của mẹ cậu, uống (Stk 29,10). Ông Môisen giết chết một người Ai-Cập rồi bỏ trốn, ông tìm đến bờ giếng: Ông Môisen liền đi trốn Pha-ra-ô và ở lại miền Mađian. Ông ngồi bên bờ giếng (Xh. 2,15). Ngày nay, đào hay khoan giếng trở nên rất phổ thông. Nơi nào có dân cư, nơi đó có giếng nước. Nguồn nước từ giếng dưới lòng đất hầu như không cạn. Càng múc, nước càng tuôn chảy dồi dào. Nếu chúng ta ngưng múc kín nước giếng, các mạch nước sẽ đóng và trở thành giếng khô. Đây là một công trình kỳ diệu của Thiên Chúa in dấu nơi thiên nhiên.
Người ta thường nói: Nước chảy đá mòn. Nước có sức mạnh như vũ bão, gây lụt lội đại hồng thủy và sóng thần tàn phá. Nước có thể biến thành những hạt sương đêm, tuyết trắng bay bay, những hạt mưa bui hoặc những cơn mưa phùn rả rích. Nước cũng rất nhẹ nhàng tuôn chảy như những dòng sông, dòng suối. Nước chảy nhẹ nhàng thấm nhập và soi mòn đất đá biến thành những hòn đá cuội nơi lòng suối hoặc những hang động kỳ vĩ ghi lại những dấu tích tuyệt đẹp do những dòng nước soi mòn qua năm tháng.
Nước bao giờ cũng chảy xuống thấp. Nước thấm nhập vào mọi nơi mọi chỗ. Nước làm cho đất đai phì nhiều trù phú. Lòng đất cũng như lòng mọi loài thụ tạo, đều có chứa chất nước. Nước là nhu cầu thiết yếu tuyệt đối cho mọi sự sống. Không có nước là không có sự sống. Nước nuôi dưỡng và làm phát triển sự sống. Nước làm tươi mát chỗ khô khan nắng hạn và làm sạch sẽ nơi dơ dáy bẩn thỉu. Chúng ta biết không có cái khổ nào bằng cái khổ khát nước. Nhiều người vượt biên qua biển đã có kinh nghiệm sự chết khát này. Cái khổ nhất là sống trên nước mà vẫn bị chết khát. Biển đầy tràn nước nhưng chỉ có nguồn nước mặn. Càng uống nước mặn, cơ thể của chúng ta càng cháy khát.
Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một nguồn nước trường sinh. Nguồn nước uống không bao giờ vơi cạn. Nguồn nước chảy ra từ tảng đá góc tường. Tảng đá vọt nước sự sống chính là Chúa Kitô. Đức Giê-su bảo họ: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta (Mt. 21,42). Chúa dậy chúng ta nguồn nước trường sinh sẽ ban cho những kẻ tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Đây chính là nguồn ngọn của mọi ân sủng. Chỉ khi nào chúng ta đi vào tận tâm can để gặp gỡ Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta mới được nghỉ ngơi. Tất cả những hình thức bên ngoài, cách thế lộ diện và lời ngợi ca trên môi miệng, chúng ta chưa tìm gặp nguồn suối đích thực. Điều quan trọng nhất là tấm lòng. Thờ Chúa trong tâm hồn, chứ không chỉ ngoài môi mép. Đừng để Chúa khiển trách chúng ta rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt. 15,8).
Nguồn nước thanh tẩy, Chúa Giêsu đã tẩy rửa tâm hồn hồn người phụ nữ bằng chính nguồn nước tái sinh. Chúa ban cho người phụ nữ nguồn ơn giải thoát và cứu độ. Qua hình ảnh nước giếng, Chúa dẫn cả dân thành tới nguồn nước ơn sủng là nguồn sự sống trường sinh. Xưa chính Chúa Giêsu cũng đã bước xuống dòng sông Giođan để lãnh nhận phép sám hối của Gioan. Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình (Mt. 3,13). Chúa thánh hóa nguồn nước nên tinh tuyền. Chúa đã sai các môn đệ ra đi và làm phép rửa: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt.28,19).
Chúng ta đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, có nghĩa là chúng ta đã được thông dự vào nguồn ân sủng của Chúa Kitô. Chúng ta như cành nho được tháp nhập vào cây nho là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta được chia sẻ nguồn nước trường sinh từ giếng Rửa Tội qua sự tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được tẩy sạch nguyên tội và trở nên tinh tuyền giống như chiếc áo trắng được trao ban khi lãnh Bí Tích Rửa Tội. Người phụ nữ Samaria được chính Chúa Giêsu thanh tẩy qua nguồn suối ân tình. Với giọt nước mắt ăn năn sám hối, chị ta đã trở thành con người mới và bắt đầu sứ mệnh ra đi làm nhân chứng. Chị đã dứt khoát với đời sống sai lạc trong qúa khứ và mặc lấy con người mới. Chị sống trong tình yêu ân sủng của Chúa và thuộc về Chúa.
Chúng ta hãy chạy đến bên lòng Chúa nhân hậu và mở cửa tâm hồn để Chúa thanh tẩy mọi lỗi lầm trong qúa khứ. Chúng ta hãy mặc lấy con người mới với tinh thần mới. Chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ nơi Thiên Chúa, chúng ta tìm được nguồn nước hằng sống. Chúng ta hãy mau mắn ra đi làm nhân chứng cho tình yêu của Chúa. Hãy làm cho nguồn nước trường sinh trong lòng chảy tràn lan ra mọi tâm hồn. Chúng ta biết rằng khi Chúa ban ân sủng, Chúa sẽ ban hồng ân dư tràn như nguồn thác nước không bao giờ vơi cạn. Thánh Gioan tông đồ viết rằng: Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (Ga. 1,16).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng