Ơn Bình An

Xin Thiên Chúa là nguồn bình an, ở cùng tất cả anh em. A-men (Rm 15,33)
 
Ơn bình an là món qùa quý báu nhất, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ và những người tin theo Chúa. Tâm hồn bình an thì luôn thanh thản, an hòa và vui tươi. Sự bình an đích thực chính là ân sủng của Chúa. Chúa chính là nguồn ơn bình an. Khi Chúa giáng trần, các thiên thần đã đồng thanh hát ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”(Lc 2,14). Chúa ban bình an cho người Chúa thương. Chúa là Hoàng Tử Bình An. Hằng năm, vào dịp Lễ Lá, chúng ta nghe người Do-thái ca khen chúc tụng Chúa Kitô: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!(Lc 19,38). 

Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa biết các Tông đồ còn lo sợ, nghi ngờ và hoang mang. Mỗi lần Chúa hiện đến với các Tông đồ, Chúa đều ban chúc sự bình an. Thánh Luca ghi lại: Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “(Lc 24,36). Ơn bình an là ơn cao trọng, Chúa luôn ưu ái ban tặng cho những ai có thiện tâm. Bình an là sự phó thác và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.  Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”(Ga 20,26).

Chúng ta nhận thấy các tông đồ đang trong cơn bối rối và nghi ngờ, Chúa đã đến ban bình an và xóa tan mọi sợ hãi lo âu. Ơn bình an thật tuyệt vời.

Các dân nước và con người có thể kiến tạo nền hòa bình cho quê hương dân tộc. Sự hòa bình của thế gian chỉ là sự an bình bên ngoài trong sinh hoạt xã hội. Sự bình an của thế gian khác xa với sự bình an đích thực của Chúa Giêsu ban cho các tâm hồn thiện tâm. Sự bình an của Chúa sẽ giải tỏa mọi lo âu và xao xuyến.  Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14,27). Chúng ta có thể cầu chúc cho nhau sự bình an, nhưng sự an bình đích thực còn tùy thuộc nơi mỗi tâm hồn xứng đáng lãnh nhận hay không.

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và lời đầu tiên mà Chúa Giêsu gởi gắm là: Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “(Lc 10,5). Món qùa thật quý giá. Lời cầu chúc bình an như cửa ngõ dẫn chúng ta xích lại gần nhau. Khi chúng ta cùng tụ họp quanh bàn thờ dâng lễ, chúng ta được cầu chúc và chia sẻ sự bình an của Chúa Kitô. Trong các thánh lễ, phần đối thoại, linh mục cầu chúc cộng đoàn dân Chúa: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Và chủ tế tiếp tục mời gọi: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau. Chúc bình an không chỉ là một nghi lễ mà là một cử chỉ giao hòa, tha thứ và yêu thương.

Người môn đệ của Chúa ra đi với hành trang là sự bình an. Đem bình an đến cho mọi người như Chúa Kitô đã ban bình an cho anh em. Thánh Gioan lập đi lập lại nhiều lần lời cầu chúc bình an của Chúa: Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”(Ga 20,21). Không có sự bình an trong tâm hồn, chúng ta không thể phục vụ cách hiệu qủa. Khi tâm hồn còn chao đảo, ngờ vực và tính toán hơn thua thì tâm hồn vẫn chưa lặng yên. Tâm hồn an bình là một tâm hồn an hòa, thánh thiện và thư thái nhẹ nhàng. 

Nói đến sự bình an là nói đến sự an vui, thành thật, tín trung và thông cảm. Tâm hồn bình an là tâm hồn hạnh phúc. Hạnh phúc là vì tâm hồn không bị quấy rầy, không bị dằn vặt và không bị lo lắng sợ hãi. Khi chúng ta còn vướng mắc trong tội hoặc còn nợ nần vay trả chưa đền bù cả về tinh thần lẫn vật chất. Sự bình an chưa cư ngụ trong tâm hồn của chúng ta. Chúng ta cũng có thể đánh mất sự bình an qua những dối trá, lừa lọc, dấu diếm và làm điều sai trái. Nỗi sợ cứ ám ảnh tâm hồn làm cho chúng ta bất an. Sự gian dối làm chúng ta lo lắng, bồn chồn và sợ hãi. Sự sợ hãi từ tận đáy tâm hồn chứ không phải sự sơ sệt bởi ngoại cảnh. Chúng ta gặp gỡ đối diện với nhau bằng mặt chứ chưa bằng lòng. Còn có cái gì uẩn khúc, gây động và nổi dậy bên trong.

Sự bình an đích thực là tìm được sự xóa nợ đời. Bao nhiêu lỗi lầm và oan trái chúng ta đã gây ra làm tổn thương người khác. Làm sao chúng ta có thể sửa sai và đáp đền. Một sự lừa đảo, một câu truyện xấu làm qùa, một sự dèm pha gian dối và một pha bịa đặt làm mất phẩm giá và danh dự của người khác, làm sao chúng ta có thể đền bù cho cân xứng. Lòng chúng ta sẽ khắc khoải khôn nguôi. Lương tâm chúng ta cứ dằn vặt. Chính chúng ta đang đánh mất sự bình an đích thực trong tâm hồn. Làm sao chúng ta có thể trả hết nợ đời. Chỉ có cách lấy ân trả oán. Lấy đức báo thù. Sự đời vay trả trả vay. Đức ái trọng trên hết. Lấy lòng yêu mến tha thứ bù lấp nơi thù hành, ghét ghen. Sống ở đời, chúng ta ai cũng mặc nợ nhau tình nhân ái. Lấy đức ái mà xây dựng tình người. Chúng ta sẽ tìm được chút bình an. 

Khi sống trong sự thật, chúng ta không còn sự sợ hãi và lo lắng. Tâm hồn chúng ta không bị ràng buộc vào những món nợ gian dối ở đời. Thơ của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Rôma viết:  Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng (Rm 15,13). Hãy trút bỏ những vướng bận để tâm hồn được giải thoát. Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự bình an không phải sự bình an của thế gian. Đây là sự bình an sâu lắng trong tâm hồn. Có nghĩa là chúng ta có Chúa ở cùng. 

Trong các thơ gởi cho các tín hữu và các giáo đoàn đều có những lời dẫn nhập đầy tràn bình an và ân sủng: Thánh Gioan viết lời chào: Thiên Chúa là Cha và Đức Giê-su Ki-tô là Con Chúa Cha sẽ cho chúng ta được hưởng ân sủng, lòng thương xót và bình an, trong sự thật và tình thương (2Ga 1,3). Thơ của thánh Phêrô cũng gởi lời cầu chúc: Chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giê-su, Chúa chúng ta (2Pet 1,2). Thơ của thánh Phaolô gởi cho Philomen đã viết: Chúc anh chị em được đầy tràn ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giê-su Ki-tô (Phil 1,3).

Mỗi lần Chúa Giêsu chữa lành các bệnh họan tật nguyền cho dân, Chúa  cầu chúc họ đi bình an. Khi Chúa chữa cho người đàn bà bị bệnh, thánh Marcô viết: Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”(Mc 5,34) và thánh Luca cũng diễn tả:  Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”(Lc 7,50). Được chữa lành thân xác nhưng quan trọng hơn là chữa lành tâm hồn. Chúa ban cho họ được ơn bình an đích thực. Cũng thế, sau mỗi thánh lễ chúng ta tham dự, trước khi ra về, các vị chủ tế cũng cầu chúc: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Đi trong bình an là đi trong đường lối của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ có niềm vui và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ Maria. Vì Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An và Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình.

Chúng ta hãy chào nhau bằng lời chào chúc bình an. Lời cầu chúc bình an gắn liền với hành trình cuộc sống, như khi chúng ta chúc nhau thượng lộ bình an, đi bình an và sau cùng là nghỉ yên trong an bình (RIP- rest in peace). Sự bình an là cửa ngõ bước vào hạnh phúc trường sinh. Có sự bình an trong tâm hồn là chúng ta đang được hưởng nếm hạnh phúc nước trời ngay tại trần thế. Chúng ta cần có sự lắng đọng tâm hồn trong sự suy gẫm cầu nguyện mỗi ngày. Cầu nguyện là đường dẫn chúng ta đến sự bình an đích thực. Chúa Giêsu đã cầu nguyện lâu giờ và cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày. Chúa Giêsu đã kết hợp mật thiết với Cha của Ngài. 

Hãy cầu xin Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở trong Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết chìm đắm trong cầu nguyện, để tâm hồn chúng con được vui hưởng sự bình an thư thái.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York