Thứ Tư Tuần 28 TN1.
Bài đọc: Romans 2:1-11; Luke 11:42-46.
Nhiều người có thói quen nhận xét và phê bình người khác; nhưng ít bao giờ chịu xét mình. Để có thể chừa bớt thói quen này, Giáo Hội khuyên con người năng xét mình và xưng tội thường xuyên. Khi con người năng xét mình và xưng tội, ngoài lợi ích nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, hối nhân còn biết cảm thông với những yếu đuối và khuyết điểm của tha nhân: mọi người đều mang trong mình những yếu đuối và bất toàn; nếu mình dám xin ơn tha thứ từ Thiên Chúa, mình cũng phải tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình. Nhưng nếu con người không năng xét mình và xưng tội, họ cảm thấy thập toàn, và rất dễ nhìn xuống và phê bình tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta phải rất cẩn thận trong việc xét đoán tha nhân. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các người Do-thái phải biết xét mình và cẩn thận trong việc xét đoán các Dân Ngoại vì Thiên Chúa không thiên vị một dân tộc hay một hạng người nào. Ngài cứ theo sự thật mà xét xử những ai đã làm điều đó: Do-thái cũng như Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng các biệt-phái khi họ quá chú trọng đến việc nộp thuế thập phân thì là, rau húng; mà bỏ quên những điều quan trọng hơn như lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Khi nhóm kinh-sư trách Chúa Giêsu đã đụng chạm đến họ, Ngài trách mắng luôn việc lạm dụng Lề Luật của họ. Các kinh-sư đã đối xử bất công với tha nhân khi phiên dịch Lề Luật: chất trên vai dân chúng những gánh nặng mà họ không muốn nhúng tay vào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình.
1.1/ Bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao? Trình thuật hôm nay tiếp tục trình thuật tố tội của Dân Ngoại. Thánh Phaolô có ý muốn người Do-thái cũng phải cẩn thận xét tội của mình; chứ không phải chỉ căng miệng lên án các Dân Ngoại. Ngài muốn họ phải chú ý đến 3 điểm sau:
(1) Phải biết xét chính mình: Thánh Phaolô khuyên các người Do-thái: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình.” Khi lên án người khác, đương sự tự đặt mình vào chỗ quan tòa mà kết tội người khác. Nếu đã hiểu biết mà kết tội người khác, mình đừng bao giờ vi phạm những lầm lỗi như vậy. Nếu mình vẫn ngoan cố phạm tội đó, mình sẽ không thể nào tự bào chữa được, vì đã tự kết tội và ra bản án cho mình. Ví dụ, một người Do-thái kết tội Dân-Ngoại đã không nhận ra và thờ phượng Thiên Chúa cho phải đạo là phải chết, họ cũng phải mang án chết đó nếu họ không thờ phượng Ngài cho đúng đạo làm con.
(2) Thiên Chúa xét xử công minh: Nhiều người Do-thái tự cho Thiên Chúa có hai tiêu chuẩn phán xét: một cho Dân Ngoại, và một cho người Do-thái. Thánh Phaolô tuyệt đối đả phá quan niệm này, và bênh vực sự công bằng của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Chúng ta biết rằng Thiên Chúa cứ theo sự thật mà xét xử những ai làm những điều đó. Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm những điều đó trong khi chính mình cũng làm như vậy, bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao?” Người đời có thể phán xét theo hai tiêu chuẩn; nhưng Thiên Chúa không bao giờ làm như thế; khi một người càng được hưởng đặc quyền như người Do-thái hay người tín hữu, họ càng phải biết sống tốt lành hơn.
(3) Đừng lạm dụng tình thương Thiên Chúa: Đứng trước tình thương bao la của Thiên Chúa, con người có thể có hai thái độ: hoặc cảm thấy xấu hổ và ăn năn trở lại, hoặc lạm dụng tình thương để ngày càng lấn sâu vào tội lỗi hơn, với hy vọng Thiên Chúa sẽ tha thứ hết. Đây là một trong hai tội phạm đến Thánh Thần và sẽ không được tha. Thánh Phaolô chất vấn những người có thái độ này: ”Hay là bạn coi thường lòng Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng, mà không nhận ra rằng: Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao? Thế nhưng bạn lòng chai dạ đá không chịu hối cải, và như vậy bạn càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu bạn, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm: Có nhiều người cắt nghĩa sai thánh Phaolô khi nhấn mạnh “con người nên công chính chỉ bằng niềm tin vào Thiên Chúa, sola fide” (Romans 3:21-22). Nhưng trước khi nói điều đó, Phaolô đã tuyên bố sự cần thiết của việc phải bền chí làm việc thiện trong trình thuật hôm nay: ”Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ. Người sẽ bắt mọi kẻ làm điều ác phải gian nan khốn khổ, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Nhưng Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai.”
2/ Phúc Âm: Phải cẩn thận xét mình trước khi đoán xét tha nhân.
2.1/ Các người xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Là người lãnh đạo tinh thần, các người Pharisees giả sử phải biết đường và làm gương sáng cho dân chúng noi theo; nhưng họ đã không được như thế. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy ngồi xuống xét mình về 3 điều:
(1) Phân biệt cái chính yếu và cái phụ thuộc: “Hỡi các người Pharisees! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.”
(2) Tính thích danh vọng bề ngoài: ”Hỡi các người Pharisees! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.”
(3) Tính giả hình: ”Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”
2.2/ Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi: Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” Các kinh-sư là những người hiểu biết Lề Luật; nhưng thay vì dùng Lề Luật để mưu cầu ích lợi cho dân; họ lại dùng Lề Luật để mưu cầu lợi ích cho chính bản thân họ.
Đức Giêsu thẳng thắn trách họ luôn: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” Ví dụ, họ ra luật để cho người khác giữ; còn họ thì có một tiêu chuẩn khác để khỏi phải giữ (luật trừ).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng bao giờ xét đoán người khác, nếu họ không nằm trong quyền hạn của chúng ta. Khi phải xét đóan, chúng ta hãy có đủ bằng chứng để xét đóan cách khôn ngoan và nhân từ; vì đấu nào chúng ta đong cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ đong lại cho chúng ta bằng đấu đó.
– Nếu muốn người khác thế nào, chúng ta cũng phải thi hành như vậy. Đừng bao giờ đặt ra hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn dễ dàng cho mình, và một tiêu chuẩn khó khăn cho người khác
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP