Thứ Sáu Tuần 17 TN, Năm lẻ. Nhớ Thánh I. Loyola
Bài đọc: Leviticus 23:1,34b-37; Matthew 13:54-58.
Kitô Giáo không phải chỉ là niềm tin vào Thiên Chúa, được cử hành qua những nghi thức trong thánh đường; nhưng niềm tin này phải được biểu lộ trong đời sống của các Kitô hữu, như có một tác giả đã diễn tả “cuộc đời ta là Thánh Lễ nối dài.” Các nghi thức giúp chúng ta thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử; để rồi chúng ta biết sống những mầu nhiệm đó trong đời sống hằng ngày. Chỉ như thế, tôn giáo mới mang lại lợi ích cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu cần thấu hiểu những gì con người cử hành trước khi sống niềm tin đó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Levi trình bày ý nghĩa và những gì cần làm trong 4 ngày đại lễ của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trở về quê để rao giảng và làm ích cho những người đồng hương; nhưng họ đã vấp phạm vì Ngài ngay trong hội đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bốn đại lễ của Đức Chúa và những điều dân chúng phải làm.
Đức Chúa phán với ông Moses rằng: Đây là các đại lễ của Đức Chúa, các cuộc họp để thờ phượng mà các ngươi phải triệu tập vào thời gian ấn định:
1.1/ Lễ Vượt Qua (Passover) và Lễ Bánh Không Men (Unleaven Bread):
(1) Ý nghĩa: Hai ngày lễ này gần nhau vì cùng chung một biến cố lịch sử để kỷ niệm ngày con cáiIsraelđược Thiên Chúa giải thoát khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.
+ Lễ Vượt Qua (Pasch): “Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc chập tối, là Lễ Vượt Qua kính Đức Chúa.” Các thiên thần “vượt qua” những nhà có máu chiên bôi trên cửa, và con cái Israel “vượt qua” Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội của Pharao bị nhận chìm trong biển.
+ Lễ Bánh Không Men (massôt): “Ngày mười lăm tháng ấy là Lễ Bánh Không Men kính Đức Chúa. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn bánh không men.”
(2) Những việc cần làm:
– Ngày đầu tiên, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Mục đích là để nhớ lại tình thương, uy quyền, và cảm tạ Thiên Chúa.
– Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ bảy, có cuộc họp để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
– Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Mục đích là để tạ ơn Thiên Chúa đã đưa dân vào Đất Hứa và chúc lành cho mùa màng đầu năm của họ.
– Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabbath.
1.2/ Lễ Năm Mươi (Pentecost): còn được gọi là Lễ Tuần (Weeks)
(1) Ý nghĩa: Bảy tuần chẵn hay 50 ngày sau khi chấm dứt Lễ Bánh Không Men: “Từ hôm sau ngày Sabbath, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày Sabbath, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên Đức Chúa.” Truyền thống mừng lễ này để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban cho con cái Israel Thập Giới qua ông Moses trên núi Sinai, 50 ngày sau biến cố vượt qua Biển Đỏ.
(2) Việc phải làm: Các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng. Các chi tiết khác được mô tả rõ ràng trong (Leviticus 23:15-21).
1.3/ Ngày Xá Tội (Day of Atonement):
(1) Ý nghĩa: “Ngày mồng mười tháng bảy là Ngày Xá Tội.” Mục đích là để xin Thiên Chúa tha thứ các tội mà con cáiIsrael đã xúc phạm tới Ngài và với nhau.
(2) Việc cần làm: Các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa. Chi tiết về lễ này, xin đọc Sách Levi, chương 16.
1.4/ Lễ Lều (sukkôt): còn được gọi là Booth, Tent, hay Tabernacle.
(1) Ý nghĩa: Ngày mười lăm tháng bảy là Lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Mục đích là để cám ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng thứ hai được kết quả tốt đẹp (nho và ôliu). Truyền thống sau này kỷ niệm việc con cáiIsrael sống trong lều khi lang thang suốt 40 năm trong sa mạc.
(2) Việc phải làm:
+ Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
+ Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Chi tiết về lễ này, xin xem (Numbers 29:12-38).
2/ Phúc Âm: Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
2.1/ Người đồng hương Nazareth không tin vào Chúa: Để giúp người đồng hương có cơ hội tin vào Ngài, Chúa Giêsu về quê và vào trong hội đường của họ để giảng dạy dân chúng.
(1) Họ nhận ra lập tức sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa: Họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” Nếu cứ tìm hiểu lý do, họ có thể tiến tới chỗ tin Ngài là Con Thiên Chúa.
(2) Phán đoán sai lầm: Nhưng họ để cho tính kiêu căng và ích kỷ chi phối phán đoán của họ: “Ông ta không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Joseph, Simon và Judah sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? Và họ vấp ngã vì Người.”
Họ vấp ngã vì đã phán đoán không đúng đối tượng: thay vì phán đoán các dữ kiện Chúa nói và làm, họ lại phán đoán gia cảnh, họ hàng, và các môn đệ của Ngài! Họ nghĩ, một gia đình thợ mộc tầm thường không thể có con khôn ngoan và uy quyền như thế, vì “con sãi chùa phải quét lá đa!”
2.2/ Bụt nhà không thiêng: Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Quá quen đưa đến khinh thường hay “gần chùa gọi bụt bằng anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không thể tách rời những gì chúng ta cử hành trong thánh đường với đời sống của chúng ta ngoài thánh đường. Để sinh lợi ích, chúng ta phải đem ra áp dụng trong cuộc đời những gì chúng ta đã cử hành trong thánh đường.
– Chúng ta không thể chỉ là người công giáo ngày Chúa Nhật trong thánh đường và sống như những người vô thần khi ra khỏi nơi thánh đó. Làm như thế, chúng ta chỉ là những kẻ giả hình và thờ Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng ta thì xa Chúa vạn dặm.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP