Phải tha thứ

Chủ Nhật 24 Thường Niên, Năm A

Bài đọc: Sir 27:30-28:7; Romans 14:7-9; Matthew 18:21-35.

Tha thứ là chuyện khó làm mà phải luôn tha thứ là điều quá vượt quá giới hạn của con người, thế mà các Bài đọc hôm nay lại khuyên con người làm chuyện đó. Những lý do làm cho con người khó tha thứ: (1) Tha thứ mãi để cho người ta lợi dụng. (2) Tha thứ mãi để cứ phải chết lần chết mòn. (3) Chắc gì người ta đã muốn nhận tha thứ của mình. (4) Làm sao quên được những đau khổ và xỉ nhục họ gây ra cho mình? Vì thế, nhiều người kết luận “Chúa tha nhưng tao không tha,” hay “sống giữ chết mang theo.” Có người căm hận người khác đến độ “Chúa có bắt xuống hỏa ngục cũng đành chịu chứ không thể tha thứ được!” Những lý do nêu trên đều chính đáng, nhưng không đủ để tránh tha thứ. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những lý do tại sao phải tha thứ luôn. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Tha thứ để được thứ tha. 

Lý do đầu tiên và trên hết tại sao phải tha thứ là vì để được thứ tha bởi Thiên Chúa. Đã là con người, ai cũng có tội; nếu đã có tội, cần phải được tha thứ. Con người không những có tội, còn luôn luôn phạm tội; vì thế con người luôn luôn cần được tha thứ. Những lời của Sách Đức Huấn Ca lặp đi lặp lại điệp khúc này: 

– Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.

– Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.

– Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!

– Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! 

Điều làm cho con người khó tha thứ là con người tưởng mình tốt lành và coi người khác là tội nhân. Nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ nhìn thấy rõ hơn tội lỗi của họ. Hơn nữa, nhiều người biết mình có tội nhưng vẫn lên án tha nhân, là vì tội tha nhân đã được phơi ra ánh sáng, trong khi họ nghĩ tội của họ có thể che giấu được. Câu truyện Người Phụ Nữ Ngọai Tình trong chương 8 của Gioan là một ví dụ điển hình. Chúa thách đố mọi người đang muốn ném đá người phụ nữ: “Ai trong các ông không có tội thì hãy quăng viên đá trước.” Không ai dám quăng đá vì họ biết họ có thể giấu mọi người, nhưng không thể giấu chính họ, và Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng họ. 

Luôn nghĩ đến Ngày Phán Xét là động lực giúp con người dễ tha thứ: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” Trong ngày này, mọi bí ẩn giấu kín đều được phơi bày ra ánh sáng và Thiên Chúa là Đấng rất công minh sẽ thưởng hay phạt mỗi người tùy theo việc họ đã làm. 

2/ Bài đọc II: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. 

Tha thứ để được thứ tha là chuyện công bằng nên làm. Tuy nhiên, thánh Phaolô còn cho chúng ta một nguyên lý tích cực hơn để tha thứ: cho Chúa và cho chính chúng ta. Ngài nói: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” 

Nguyên lý tích cực này đến từ thần học về thân thể của ngài: Mọi người đều là những chi thể của một thân thể là Hội-Thánh và Đức Kitô là Đầu. Theo thần học này, chúng ta được nối kết với nhau trong một tình tương thân tương trợ vì chúng ta cùng được nối kết vào thân thể của Chúa. Các chi thể không thể sống riêng lẻ, nhưng phải kết hợp với thân thể. Nếu một chi thể đau là tòan thân đau; và nếu tất cả các chi thể khỏe mạnh thì tòan thân khỏe mạnh. 

Giống như trường hợp hôn nhân giữa hai vợ chồng: họ không còn là hai nhưng trở nên một xương thịt, vì thế cả hai không thể tách rời nhau vì bất cứ lý do gì cho đến chết; chúng ta có thể áp dụng thần học thân thể của thánh Phaolô vào sự tha thứ. Tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Chúa Kitô nên chúng ta không thể tách rời nhau vì bất kỳ lý do gì, không những cho đến chết mà còn cả khi sống lại nữa vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Vì vậy, tha thứ là chuyện phải làm để giữ cho thân thể Chúa Kitô luôn được vẹn tòan. 

3/ Phúc Âm: Phải luôn tha thứ, không phải đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. 

Chúng ta phải thầm biết ơn sự mau miệng và tính thành thật của Phêrô, vì nhờ thánh nhân mà chúng ta có được sự giảng giải rõ ràng của Chúa Giêsu về một vấn đề hết sức tế nhị và rất khó thi hành. Phải tha thứ bao nhiêu lần? Tục ngữ Việt-Nam có câu “Quá tang ba bận,” và phong tục của người Do-Thái cũng thế “tối đa là 3 lần.” Phêrô muốn tỏ ra chắc ăn, nên đã rộng lượng tăng lên hơn gấp đôi: “7 lần.” Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và chúng ta giật mình: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Các nhà chú giải thường tranh luận “bảy mươi lần bảy là bao nhiêu lần?” Có người cho là 70*7= 490 lần; người khác cho là 707 hay 777, một con số rất to lớn. Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh nơi đây là bất cứ lúc nào anh chị em nói lời xin lỗi là chúng ta phải tha. Nhiều người đã lắc đầu và cho rằng: Nếu thánh trên bàn thờ còn phải nhảy xuống để can thiệp thì làm sao con người có thể tha thứ mãi, nhất là với những người cứ tái đi tái lại? Nhưng nếu chúng ta biết trở nên tốt là một tiến trình tập luyện lâu dài thì việc phải kiên nhẫn tha thứ là chuyện tất nhiên phải làm.

Tại sao phải tha thứ? Thay vì đưa ra câu trả lời, Chúa kể một ví dụ rất rõ ràng và có thể giải quyết nhiều vấn nạn khác chung quanh vấn đề tha thứ. Người nói: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.”

Sự tương phản giữ hai món nợ và cách xử cho ta thấy rõ sự ác độc của kẻ đã được tha thứ này. Số tiền anh được tha là mười ngàn yến vàng (ta,lanton) tương xứng với khỏang 4.8 triệu Mỹ-kim (một yến vàng giá 5000-6000 quan tiền) trong khi bạn anh chỉ nợ 100 quan tiền (khỏang 10 Mỹ-kim). Nếu so sánh giữa hai món nợ, số tiền bạn anh nợ chưa đáng số lẻ của món nợ anh được tha. Chúng ta hãy xem cách xử của anh với người bạn nợ: Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 

Tại sao anh làm như thế? Vì anh nghĩ rằng sẽ không ai biết cách cư xử của anh, nhất là vị vua đã tha nợ cho anh. Nhưng tất cả những gì anh làm đã không giấu được các bạn của anh vì những người này có thể cũng là bạn với con nợ của anh. Họ buồn lắm và đến thuật lại cùng vị vua tất cả mọi điều xảy ra. Chúng ta thử tưởng tượng xem phản ứng của nhà vua sẽ ra sao khi biết được tin này: Vua đòi đầy tớ đến mà phán rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia! Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin Ta; tại sao ngươi không thương xót đồng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?” Chủ nội giận, trao anh cho kẻ giữ ngục cho đến khi anh trả xong hết nợ. 

Cũng vậy, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa: Nếu chúng ta không chịu tha thứ những khuyết điểm nhỏ bé của anh em phạm đến chúng ta như kẻ bất lương hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ những tội lớn chúng ta đã xúc phạm đến Ngài? Vì thế, tha thứ không còn là chuyện có thể làm hay không làm, nhưng là một bổn phận phải làm kèm theo hình phạt nếu không làm như Chúa đã báo hôm nay: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

– Tha thứ để được thứ tha.

– Tha thứ cho nhau là giữ cho thân thể của Chúa Kitô được luôn vẹn tòan.

– Phải tha thứ luôn luôn cho tha nhân vì Chúa vẫn hằng tha thứ cho chúng ta mỗi ngày.

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng [audio:http://loinhapthe.com/LCHN/audio/Chu%20Nhat%2024%20Thuong%20NienA.mp3]

hoặc tải xuống

Nguồn: loinhapthe.com

Romans 14:7-9
View in: NAB
7For none of us liveth to himself; and no man dieth to himself.
8For whether we live, we live unto the Lord; or whether we die, we die unto the Lord. Therefore, whether we live, or whether we die, we are the Lord's.
9For to this end Christ died and rose again; that he might be Lord both of the dead and of the living.
Matthew 18:21-35
View in: NAB
21Then came Peter unto him and said: Lord, how often shall my brother offend against me, and I forgive him? till seven times?
22Jesus saith to him: I say not to thee, till seven times; but till seventy times seven times.
23Therefore is the kingdom of heaven likened to a king, who would take an account of his servants.
24And when he had begun to take the account, one was brought to him, that owed him ten thousand talents.
25And as he had not wherewith to pay it, his lord commanded that he should be sold, and his wife and children and all that he had, and payment to be made.
26But that servant falling down, besought him, saying: Have patience with me, and I will pay thee all.
27And the lord of that servant being moved with pity, let him go and forgave him the debt.
28But when that servant was gone out, he found one of his fellow servants that owed him an hundred pence: and laying hold of him, throttled him, saying: Pay what thou owest.
29And his fellow servant falling down, besought him, saying: Have patience with me, and I will pay thee all.
30And he would not: but went and cast him into prison, till he paid the debt.
31Now his fellow servants seeing what was done, were very much grieved, and they came and told their lord all that was done.
32Then his lord called him; and said to him: Thou wicked servant, I forgave thee all the debt, because thou besoughtest me:
33Shouldst not thou then have had compassion also on thy fellow servant, even as I had compassion on thee?
34And his lord being angry, delivered him to the torturers until he paid all the debt.
35So also shall my heavenly Father do to you, if you forgive not every one his brother from your hearts.