Phải Tha Thứ Mãi Mãi

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 18,21 – 35

Chúa nhật 24 thường niên, năm A dạy người môn đệ Chúa: Thiên Chúa không tha thứ cho người không biết tha thứ cho anh em mình. Cốt lõi để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta là nếu chúng ta biết quảng đại tha thứ cho người khác. Chúa bảo Phêrô: ” Phải tha thứ cho anh em không chỉ bảy lần mà thôi, nhưng phải tha thứ cho anh em đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ mãi mãi và tha thứ luôn luôn, tha thứ không ngừng “. Sở dĩ, chúng ta phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không ngừng cho anh em chúng ta, bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và Ngài luôn tha thứ cho chúng ta dù chúng ta luôn lỗi phạm, luôn sai lỗi, luôn khuyết điểm, vô ơn, phản bội Chúa. Ngài luôn đòi hỏi người môn đệ Chúa phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

THA THỨ MÃI MÃI VÀ THA THỨ KHÔNG NGỪNG:

Sau khi Chúa dạy chúng ta sửa lỗi nhau vì tình thương, vì muốn anh em vươn tiến, muốn anh em trở nên tốt. Hôm nay, Chúa đi thẳng vào việc tha thứ. Dân Do Thái được các kinh sư dạy phải tha thứ cho anh em, nhưng họ không thống nhất với nhau phải tha bao nhiêu lần mới đủ. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ cho người khác bốn lần mà thôi. Người Việt Nam ta có câu:” Quá tam ba bận “ là cùng. Do đó, Phêrô mới thắc mắc hỏi Chúa Giêsu:” Thưa Thầy,nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “ ( Mt 18, 21 ). Chúa Giêsu trả lời Phêrô:” Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy “ ( Mt 18, 22 ). Chúa Giêsu nhắc nhở Phêrô là tha thứ mãi mãi và tha thứ không giới hạn, tha thứ cho anh em không ngừng khi họ xúc phạm đến mình. Và để dẫn chứng cho việc phải tha thứ, Chúa Giêsu đã dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn ở đây muốn nói lên một bằng chứng thật rõ nét, thật rõ ràng: “ Con người lỗi phạm, mắc nợ với Chúa rất nhiều, tội lỗi và việc xúc phạm, nợ nần của con người đối với Chúa thì rất nhiều và không sao kể siết, dường như không thể nào có thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho con người. Còn anh em khác xúc phạm, thiếu sót đối với con người đâu có nhằm gì so với tội con người sai phạm đối với Chúa, nhưng con người lại nhỏ nhen, ti tiện, hẹp hòi không tha thứ cho anh em. Chính vì thái độ nhỏ nhen đó, con người đừng trông mong Chúa tha thứ, đừng trách Chúa. Bởi vì, đạo công giáo đòi con người phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con người: phải yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương. Tha thứ và yêu thương như Chúa. Lời này, chúng ta vẫn đọc hằng ngày trên môi miệng:” Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con tha kẻ có nợ chúng con “. Chúa dạy chúng ta một bài học để đời: Hãy tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúa tha thứ cho chúng ta theo mức độ chúng ta tha thứ cho người khác. Ta tha cho người khác nhiều, Chúa cũng tha cho ta nhiều. Ta tha cho người khác ít, Chúa cũng tha cho ta ít. Quả thực sống ở trần gian này, ai cũng có khiếm khuyết, ai cũng lỗi phạm, nếu chúng ta biết cảm thông, tha thứ cho người khác thì chắc chắn Chúa cũng cảm thông, tha thứ cho chúng ta. Tùy thái độ của chúng ta đối xử với người khác, Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như chúng ta đã quảng đại tha thứ cho anh em.

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG THỰC TẾ:

Cứ thường tình người ta dễ ăn miếng trả miếng với nhau. Anh chửi tôi, tôi cũng sẽ chửi lại anh. Anh đánh tôi, tôi cũng sẽ tìm cách đánh anh. Anh thù hằn tôi, tôi cũng thù hằn lại anh. Đó là lẽ thường ở đời. Người ta ít khi nhường nhịn nhau lắm. Anh to tiếng với tôi, thì tôi cũng sẽ to tiếng với anh.Tuy nhiên đã là con cái Chúa, người môn đệ của Chúa luôn phải hiểu lời này:” Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình “ ( Mt 5, 23-24 ). Cái nghịch lý của Tin Mừng vẫn là:“ Nếu người ta vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái cho họ vả “. Chúa luôn khuyên nhủ môn đệ Chúa:” Hãy yêu thương kẻ thù “. Đó là nét đẹp của Tin Mừng. Điều trần gian cho là khôn ngoan, đối với Chúa là dại khờ. Điều thế gian cho là khờ dại, đối với Chúa lại là khôn ngoan. Thực tế, cuộc đời của con người trần gian này thường luôn thích ăn thua. Anh khôn hơn tôi thì có người lại còn khôn hơn anh. Nhưng, đã là môn đệ Chúa, người Kitô hữu thì:” Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em “ ( Mt 6, 24 ). Chúng ta dễ cho nhau tiền của, thời giờ. Nhưng tha thứ cho kẻ thù, cho kẻ làm hại, ngược đãi chúng ta xem ra rất khó thực hiện. Chúa luôn dạy chúng ta:” Hãy yêu như Chúa, hãy thứ tha như Chúa “.

Đời của mỗi người vẫn là cái gì đó thật linh thiêng, thật mầu nhiệm. Thực hiện được điều Chúa dạy quả phải có ơn của Chúa thật nhiều. Người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ thực hiện được sự tha thứ khi họ yêu Chúa và noi gương Chúa.

VÀ CHÚA MUỐN GÌ NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ:

Cái cốt lõi của Tin Mừng vẫn là yêu thương. Sống hời hợt không đi vào cốt lõi của Tin Mừng là chưa hiểu gì về Chúa. Suốt cuộc đời của Chúa là lời cầu:” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “. Bởi vì, khi nên một sẽ không còn chia rẽ, không còn thù hận, không còn tị hiềm, nhỏ nhen nữa, lúc đó con người chỉ sống yêu thương mà thôi. Chính sự tha thứ sẽ đem lại sự an bình cho tâm hồn, và cũng chính sự tha thứ sẽ đem lại mùa xuân cho con người kẻ được tha cũng như người tha thứ. Đó là cái kỳ diệu của sự thứ tha. Đó cũng là mầu nhiệm của đạo Kitô giáo. Chúa muốn mọi người thấm nhuần kinh lạy cha và sống như Chúa dạy trong kinh lạy cha:” Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con “ ( Mt 6, 12 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một quả tim mới, một đôi mắt của Chúa để chúng con luôn biết quảng đại, cảm thông và tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1) Tha thứ có cần thiết không?

2) Chúa nói với thánh Phêrô như thế nào về việc tha thứ?

3) Người tha thứ và người được thứ tha cần phải có thái độ nào?

4) Tha thứ sẽ đem lại cho con người điều gì?

5) Sống hận thù có tốt không? Tại sao?

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT