Thứ Bảy Tuần 22 TN1
Bài đọc:Colossians 1:21-23; Lc 6:1-5.
Nhiều người chỉ nhắm một cái lợi trước mắt mà không để ý đến cả đống cái hại sau lưng, hay vịn vào lề luật để vạch lá tìm sâu mà quên đi nguyên tắc căn bản và nền tảng đưa đến lề luật đó. Hậu quả là họ phải gánh lấy bao tai hại xảy đến trong tương lai. Vì thế, con người cần có thời gian để học hỏi, suy xét, và thảo luận trước khi làm bất cứ việc gì, để tránh lối nhìn thiển cận, một chiều, và quyết định độc đoán.
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến việc tìm ra những điều nền tảng và quan trọng trong việc sống đạo. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn các tín hữu Colossê tập trung vào Đức Kitô: những gì Ngài đã dạy dỗ và đã làm cho con người. Mục đích là để các tín hữu tập luyện các nhân đức để biết sống mỗi ngày một thánh thiện hơn, đức tin mỗi ngày một vững bền hơn, và đừng bao giờ mất niềm hy vọng vào Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ của Ngài khi bị các kinh-sư và biệt-phái tố cáo đã vi phạm luật ngày Sabbath. Ngài nhắc nhở cho họ biết nguyên lý của ngày Sabbath là để phục vụ con người, và luật ngày Sabbath không áp dụng cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng.
1.1/ Đức Kitô phải là trọng tâm của đời sống Kitô hữu: Để hiểu tầm quan trọng của Đức Kitô, thánh Phaolô so sánh vận mạng của các tín hữu trước và sau khi họ tin vào Đức Kitô:
+ Trong quá khứ: “Xưa kia, anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em.”
+ Hiện nay: “Nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.”
Các tín hữu Colossê đa số là những người Hy-lạp và Dân Ngoại; vì trước kia họ không tin Thiên Chúa, nên cũng chẳng biết những gì Ngài dạy dỗ để sống. Hậu quả là họ sống trong tội lỗi theo những gì họ suy nghĩ. Nhưng nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Phaolô, họ biết Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô; nên họ được máu Đức Kitô thanh tẩy mọi tội lỗi và được hòa giải với Thiên Chúa.
1.2/ Cần giữ vững đức tin và niềm hy vọng: Tuy đã được Đức Kitô thanh tẩy và hòa giải với Thiên Chúa bằng cái chết của Ngài, người tín hữu vẫn còn phải đương đầu với bao nhiêu cám dỗ hằng ngày của ba thù. Để có thể trung thành với Thiên Chúa cho đến giây phút cuối cùng, người tín hữu cần làm hai việc chính yếu sau đây:
(1) Đào luyện đức tin: Tuy đức tin là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, nhưng con người có bổn phận làm cho đức tin tăng trưởng và vững chắc. Chúa Giêsu đã ví đức tin như hạt giống, cần phải chăm sóc để có thể thành cây và sinh hoa kết trái; nếu không được chăm sóc, hạt giống đức tin có thể bị ma quỉ lấy đi bất cứ lúc nào. Để đào tạo đức tin, con người cần học hỏi những gì Đức Kitô dạy dỗ và biết thực hành trong cuộc sống.
(2) Giữ vững niềm hy vọng: Theo Tin Mừng, niềm hy vọng cao trọng nhất của con người là được sống trường sinh và hạnh phúc bên Thiên Chúa sau cuộc sống tạm thời trên dương gian này. Giống như đức tin, ma quỉ có thể cất đi niềm hy vọng này bằng cách đưa ra những vinh quang hào nhoáng và danh vọng tạm thời. Để giữ vững niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu, con người cần tập sống theo tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, theo Bát Phúc của Đức Kitô, và những gì Ngài dạy dỗ trong Tin Mừng. Nói tóm, điều cần thiết nhất trong cuộc đời là hiểu biết, sống, rao giảng, và làm chứng cho Tin Mừng.
2/ Phúc Âm: Luật ngày Sabbath làm ra là để phục vụ con người.
2.1/ Các môn đệ bị tố cáo vi phạm luật ngày Sabbath: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Khi mấy người Pharisees nhìn thấy, họ tố cáo: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbath?”
Theo truyền thống Do-thái, ngày Sabbath có nguồn gốc trong Sách Sáng Thế: sau khi Thiên Chúa hoàn tất việc tạo dựng trong sáu ngày, Ngài nghỉ ngơi ngày thứ bảy và truyền cho con người cũng phải nghỉ ngơi trong ngày đó. Tại sao Thiên Chúa muốn có ngày Sabbath? Có hai lý do chính:
(1) Để con người có thời giờ nghỉ ngơi sau sáu ngày vất vả làm việc: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người, Ngài biết và muốn con người có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Không phải chỉ cho con người; mà các gia súc, cây cối, và đất đai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục làm việc và sinh hoa kết trái. Nếu không biết nghỉ ngơi, con người dễ bị lao lực, bệnh tật, và không đem lại hiệu quả tốt đẹp.
(2) Để con người trau dồi đời sống tâm linh: Con người là tập hợp của linh hồn và thân xác. Trong ngày Sabbath, khi thân xác được nghỉ ngơi, linh hồn cần được nuôi dưỡng bằng các của ăn thiêng liêng như nghe Lời Chúa và chịu Mình Thánh Chúa để lấy nghị lực cho tâm hồn.
Nếu không biết tận dụng ngày Sabbath, con người sẽ tiếp tục làm việc, hay lãng phí thời giờ và nghị lực vào những cuộc ăn chơi vô bổ, để rồi chẳng những thân xác thêm mệt mỏi, mà linh hồn cũng bị đói khát những lương thực tinh thần. Truyền thống Do-thái có thói quen dành ngày Sabbath để học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện trong các hội đường.
Luật ngày Sabbath cấm làm việc xác là cho hai mục đích này, chứ không phải nhắm chi li đến những điều nhỏ nhặt, được làm hay không được làm trong ngày đó. Những chi tiết nhỏ nhặt là do con người thêm vào sau này.
2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Luật ngày Sabbath không tuyệt đối, vì có những trường hợp ngoại lệ:
(1) Được làm việc nếu cần để có của ăn sinh sống: Giáo Hội ban phép cho những ai vì quá nghèo mà phải lao động kiếm ăn mới đủ sống. Đức Giêsu cũng đưa ra một trường hợp phải ăn để bảo toàn sự sống, ngay cả ăn thứ bị ngăn cấm: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Việc các môn đệ của Ngài phải ăn vì đói là điều được phép làm trong ngày Sabbath. Các Biệt-phái tố cáo các môn đệ làm việc xác, vì đã “bứt lúa,” “vò trong tay,” và “chuẩn bị” để có hạt lúa ăn.
(2) Luật ngày Sabbath không áp dụng cho Thiên Chúa: Chúa Giêsu tuyên bố với họ: “Con Người làm chủ ngày Sabbath.” Thiên Chúa nghỉ ngơi không tạo dựng, nhưng Ngài vẫn quan phòng và điều khiển mọi sự việc trong vũ trụ; và Ngài quan phòng bằng theo sự khôn ngoan của Ngài, mà sự khôn ngoan của Thiên Chúa là chính Ngôi Lời. Chúa Giêsu có lý do để tuyên bố “Con Người làm chủ ngày Sabbath.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần học hỏi để biết những gì là chính yếu trong đạo thánh Chúa. Nếu chỉ bằng lòng với việc đọc kinh cho nhiều hay chú trọng đến các hình thức thờ phượng bên ngoài, chúng ta khó có thể phát triển mối liên hệ thâm sâu với Chúa và sống hài hòa với mọi người.
– Biết những gì là chính yếu cũng giúp chúng ta trong việc làm những quyết định khôn ngoan trong cuộc đời, và biết hướng dẫn người khác trong khi rao truyền Tin Mừng.
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng [audio:http://loinhapthe.com/LCHN/audio/Thu%20Bay%20Tuan%2022%20TN1.mp3] hoặc tải xuống
Nguồn: loinhapthe.com