Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên – Năm C
Amos 6:1a.4-7; Tm 6: 11-16; Lc 16:19-31
Ngày 03/07/1980, Đức thanh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm mục vụ ở Sao Paolô nước Brazil, Ngài đã áp dụng dụ ngôn này vào thế giới hiện tại. Ngài nói : Hàng ngàn làn sóng những di dân chen chúc nhau trong những nơi ổ chuộc ở thành phố. Cuộc sống đầy thất vọng và tới tận cùng khốn khổ. Trẻ em, thiếu niên, thanh niên không tìm được khoảng không gian sinh hoạt để mạnh mẽ phát triển những nghị lực vật lý và tinh thần, đành phải sống lang thang trên hè phố, giữa cảnh xe cộ ồn ào náo nhiệt và cao ốc bao quanh san sát… Bên cạnh cuộc sống tiện nghi hiện đại, lại tồn tại những con người quá thiếu thốn… Sự phát triển hiện đại thường biến thành một phó bản kỳ lạ của bài dụ ngôn Phú hộ và Ladarô. Sự cọ sát giữa xa hoa và khốn cùng gây ra nỗi xúc động đầy thất vọng đau đớn…” Thật đúng với cảnh dụ ngôn mà Đức Giêsu đã nói! Trong thế gian nầy luôn có hai hạng giầu và nghèo sống cọ sát với nhau, rất khó thông cảm, dễ gây đối đầu, đối địch nhau.
Hạng giầu ăn chơi phung phí; hạng nghèo khổ đói rách bệnh tật.
1/ Hạng phú hộ : Theo quan niệm thế gian, giầu sang phú quý, ăn ngon, mặc đẹp, chơi bời là hạnh phúc. Nhưng theo tâm lý, kẻ ăn mặc diêm dúa, xa hoa, xa xỉ, thích giao du bạn bè là hạng kiêu căng, giả hình, giả dối. Phúc âm tả Pharisiêu giả hình, kiêu căng nên thích ngồi chỗ nhất, ăn mặc diêm dúa: thả rộng ống tay áo, đeo tấm thẻ bài vĩ đại trước ngực, thêu ren tua áo lộng lẫy. Đức Giêsu đã bảo : “Họ như mồ mả sơn vôi đẹp bên ngoài, mà trong thì hôi thối, dòi bọ” (Matthew 23:5.27)
Theo y học về dinh dưỡng, một bác sĩ nói : “Xin các bà vợ đừng giết chồng nữa. Tôi đã nghiên cứu từ 40 năm nay, và tôi kết luận : Phần đông đàn ông chết sớm hơn đàn bà vì ăn nhậu thái quá.” Bà vợ càng nấu món nhậu ngon, bụng chồng càng bự. Đó là cách giết chồng sớm, như bà Evà đã giết chồng bằng trái cấm quá ngon. Tác giả Carnegie nổi tiếng về các sách học làm người, đã hỏi : “Các bà có muốn giết chồng sớm không? Thật giản dị vô cùng: bà không cần thuốc độc, dao búa hay súng đạn, chỉ cần tọng cho ông các món nhậu thôi.” (Giúp chồng, tr. 213).
Dụ ngôn không nhấn mạnh đến cái chết phần xác, nhưng đến cái chết đời đời phần hồn của những hạng phú hộ ăn nhậu, xa xỉ. Phú hộ phải sa hoả ngục vì ba tội này:
1. Ăn mặc lụa là xa hoa, ủy mị, phung phí, tiết lộ tính tình kiêu căng.
2. Ăn uống yến tiệc linh đình, dung dưỡng xác thịt: đólà tội mê ăn uống.
3. Nhất là tội bất nhân, ích kỷ, không thèm giúp đỡ Ladarô, người nghèo khổ đang nằm ngay cổng nhà mình.
2/ Hạng nghèo khổ đói rách, bệnh tật như Ladarô được hưởng phúc nước trời, là vì:
1.Anh đã vui lòng chịu những xỉ nhục nghèo hèn, những bệnh tật đau khổ như thánh Gióp. Anh đã biết dâng những hy sinh đau khổ lên Thiên Chúa, như Đức Giêsu, để đền tội và chuộc tội.
2.Anh không hề than trách trời đất và buồn hận với ông phú hộ ăn chơi sung sướng trước mặt anh. Ladarô thật giống thánh Gióp trong Cựu Ước. Ngài đã vui lòng chịu mọi cực khốn. Đang sống giàu có, sung sướng trong cảnh sum họp gia đình đông con nhiều cháu, đột nhiên nhà cửa bị thiêu rụi, các đoàn vật và con cái chết hết vì những tai họa ghê gớm. Ngài lại bị vợ và bạn bè đay nghiến, nguyền rủa xỉ nhục. Thân mình cô độc, lở loét, nằm trên đống tro tàn. Trong lúc đau khổ đến cực độ, Ngài vẫn vui lòng chấp nhận thân phận mình và nói : “Tôi đã sinh ra trần truồng trơ trọi. Tôi sẽ trở về trơ trọi hư vô. Thiên Chúa đã ban, Thiên Chúa lấy lại, chúc tụng danh Chúa muôn đời” (Job 1:21).
3.Ngày nay, được mấy người như thánh Gióp và Ladarô, lúc gặp đau khổ, họ rên xiết, oán trách trời đất, oán trách xã hội, làng xóm. Lúc hưởng giầu cók họ tìm cách ăn chơi phung phí. Họ cậy dựa vào tiền bạc. Họ đóng cửa lại không trông thấy ai đau khổ rên rỉ ngay trước cửa họ nữa. Một hố sâu phân cách giầu nghèo. Hai thế giới chênh lệch vẫn tồn tại song song nhau. Giầu sống khép kín bo bo lấy mình. Họ không bao giờ bước ra khỏi cái tôi. Cái tôi là thân xác, cái tôi là tiền của, cái tôi là khoái lạc, có thế thôi. Họ không còn biết đến anh em, không biết đến Đấng trên đầu họ. Họ tưởng thế là hạnh phúc, là bất tử. Họ không ngờ đêm nay người ta đến đòi linh hồn ngươi, người ta đem chôn ngươi. Dưới âm phủ, ngươi phải chịu cực hình, lúc đó mới ngước mắt lên, lúc đó mới thấy Ladarô ngồi sát bên tổ phụ Abraham trên trời, lúc đó mới kêu xin Abraham thương xót, thì quá muộn rồi! Lúc giầu thì lo ăn chơi, chẳng nhớ đến ai, chẳng kêu xin ai. Lúc lửa thiêu đốt, mới ngước mắt lên, miệng lưỡi mới kêu gào. Sao khôn lỏi thế? Sao ích kỷ thế? Sao ma giáo thế?
Qua bài Tin Mừng này, có phải Thiên Chúa ủng hộ giai cấp nghèo, giai cấp vô sản và lên án giai cấp giầu có, giai cấp tư bản? Không. Thiên Chúa chỉ lên án những kẻ ích kỷ, bất nhân và ủng hộ thương mến những người hy sinh, xả kỷ, nhân hận như Đức Giêsu. Giầu hay nghèo, sống ích kỷ bất nhân đều bị lửa thiêu đốt trong hoả ngục. Giầu cũng như nghèo biết thực thi bác ái đều được ân thưởng vinh phúc trên trời.
Lạy Chúa, xin chớ để con phải ăn mày và đừng để con giàu có.
Xin chỉ ban cho con hằng ngày dùng đủ.
Kẻo khi giầu, con bị mê hoặc mà bỏ Chúa và anh em,
hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm mà làm ô danh Chúa” (Cn 30:8-9)
Lm Vũ Khắc Nghiêm