CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN (B)
Isaiah 53:10-11; Tv 33; Dt 4: 14-16; Mc 10: 35-45
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Nếu chuyện này xảy ra giới kinh doanh, hay trong giới quân sự khi đánh chiếm được một lãnh thổ hay một quốc gia, và nếu anh chị em quen biết trước với ông giám đốc, hay vị tướng lãnh chỉ huy, thì bạn cố gắng nói riêng với ông giám đốc hay vị chỉ huy để có được quyền uy trước nhất không? Nếu bạn ở trong giới kinh doanh, hay trong giới chính trị trong xã hội, thì việc nắm lấy uy quyền là việc phải làm. Có lẽ bạn sẽ được ca ngợi vì bạn đã biết đi trước.
Nhưng trong cộng đoàn đức tin và nước Trời mà Chúa Giêsu đến để thành lập là một điều hoàn toàn khác. Đó không phải là điều mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ trên đường đi Giê-ru-sa-lem. Ngài dạy về việc phục vụ và hy sinh mạng sống mình cho kẻ khác. Hai môn đệ đó chẳng hiểu gì về lời dạy đó. Và thánh Mác-cô không e ngại kể lại là các ông đã không hiểu gì về lời Chúa Giêsu dạy. Mười môn đệ kia nghe hai ông xin Chúa Giêsu điều đó thì họ đâm ra “tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an”. Theo Thánh Mác-cô, mười môn đệ kia cũng chẳng hiểu gì hơn. Họ “tức tối” vì Gia-cô-bê và Gio-an chiếm thế thượng phong. Như ta thường nói “ai tới trước thì được trước”, và mười môn đệ kia là kẻ đến sau.
Chúng ta không thể trách các môn đệ là họ không hiểu lời dạy của Chúa Giêsu. Thật ra không vị lãnh đạo một phong trào canh tân nào lại có thể nghĩ là các người theo họ sẽ trung thành khi chỉ hứa ban sự đau khổ, sống phục vụ, vâng phục, và nên chọn chỗ rốt hết; như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài? Có lẽ vì vậy mà Chúa Giêsu có ít môn đệ ở lại với Ngài, và phần đông họ đã bỏ chạy hết khi Chúa Giêsu chịu chết ở Giê-ru-sa-lem.
Sự hiểu lầm của các môn đệ Chúa Giêsu trong việc thực hiện mọi đòi hỏi của Ngài không phải chỉ riêng cho những môn đồ đầu tiên mà còn cho cả chúng ta nữa. Với câu hỏi như đã hỏi Gia-cô-bê và Gio-an. “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp chịu uống không?” Hai ông trả lời “Thưa được”, nhưng sự thật là họ không làm được. Và chúng ta cũng không làm được, vì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta làm tôi tớ, làm nô lệ, phải sẵn sàng chấp nhật sự bất an, và sự đau khổ vì lời dạy của Chúa Giêsu. Trong đời sống chúng ta đã bị lệ thuộc rất nhiều, vì sao chúng ta lại muốn nhận thêm những bực mình đó? Vì sao chúng ta lại muốn dự phần vào sự đau khổ của Chúa Giêsu?
Chúng ta nên biết rằng Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta chấp nhận bất kỳ loại đau khổ nào, và không phải những đau khổ đều tốt cho bản thân. Trái lại, việc Chúa Giêsu chữa những người đau ốm, tàn tật, là Ngài muốn họ không còn đau khổ và không bị tà thần bách hại. Thay vào đó, Ngài mời gọi các môn đệ hãy lãnh nhận thánh giá Ngài, uống chén đắng Ngài uống, và biết phó thác trong phép Thánh tẩy. Không phải phép Thánh tẩy ở sông Jordan, mà là phép thánh tẩy qua lửa mà Ngài sắp phải chịu.
Chúa Giêsu không là phần thưởng trao tay dịp cuối năm cho những thành quả tốt của công việc. Các môn đệ Chúa Giêsu không phải là thành thành viên của ban giám đốc một công ty đa quốc. Trái lại, họ được mời gọi theo Chúa Giêsu như một tôi tớ. Nếu các ông được chọn làm lãnh đạo, các ông trở nên như tôi tớ, và biết hy sinh mạng sống mình vì kẻ khác như Chúa Giêsu vậy. Nhờ vậy Thiên Chúa sẽ định cho phần thưởng tương xứng.
Thật ra chúng ta cũng đã có những người nói là họ đã được phần thưởng rồi. Một người với sự chấp thuận của vợ con đem người cha già đau bệnh Alzheimer về nhà để săn sóc đến khi người cha qua đời. Cử chỉ đó chứng tỏ tình thương và sự hy sinh của gia đình. Vì lối sống hàng ngày trong gia đình sẽ phải có nhiều thay đổi lớn lao. Sau khi ông nội mất, tất cả đều đồng ý là mặc dù chi phí cá nhân và gia đình tăng, nhưng họ không còn cách nào khác. Và họ cảm thấy được tràn đầy ơn Chúa vì họ được diễm phúc săn sóc ông nội cho đến giờ cuối cùng.
Còn có nhiều chuyện khác nói về sự hy sinh trong đời sống gia đình. Chúng ta có thể nói “Đúng vậy, đó là những chuyện mà gia đình phải làm”. Nhưng, nơi Chúa Giêsu, từ “gia đình” được mở rộng và vượt qua khỏi tình máu mủ. Nhờ đó chúng ta thấy tất cả mọi người là anh chị em của chúng ta. Và những gì họ cần giúp, chúng ta sẵn sàng hy sinh; như khi chúng ta uống chén đắng Chúa Giêsu đã trao. Vì vậy, tại sao chúng ta chấp nhận lời mời gọi đi theo Chúa Giêsu? Chúng ta có phải là những người thích chịu đau khổ không? Hay chịu ruồng bỏ, bị ngược đãi như người ngây ngô không? Có phải vì chúng ta nghe Chúa gọi chọn một đời sống viên mãn hơn và đầy đủ ý nghĩa hơn không? Có phải nhờ đó chúng ta khám phá được đời sống mới; khác hẳn với những tiêu chuẩn của thế gian đặt ra để đo lường sự thành công; nhờ vậy được dự phần vào đời sống của Thiên Chúa ngay từ bây giờ chăng?
Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng những gì gọi là “thành công” của thế gian không có giá trị bền vững. Chúa Giêsu nói với chúng ta là đường lối Ngài dẫn đến đời sống mới mà Ngài đã hứa cho chúng ta có nhiều dịp cho chúng ta phục vụ hay không; để cung cấp và tích góp cho cuộc sống; bỏ đi ý niệm chúng ta là trung tâm của vũ trụ, luôn quan tâm đến những anh em ở bên lề cuộc sống. Nói một cách khác là hy sinh đời sống mình cho một cách chết thế nào theo sự đòi hỏi của Chúa, để khi chúng ta chết đi là chúng ta được sống lại một đời sống mới. Bài phúc âm hôm nay, một lần nữa nhắc chúng ta được Chúa Kitô mời uống chén đắng mà Ngài đã uống, và chịu phép thánh tẩy bằng lửa của Ngài, và rồi sẽ lãnh nhận ơn thánh hóa đời sống mà Thiên Chúa ban tặng.
Thánh Mác-cô không che đậy những yếu điểm của các môn đệ Chúa Giêsu. Ông cũng không trình bày Chúa Giêsu xua đuổi các ông ra để tìm những môn đệ khác xứng đáng hơn để theo Ngài. Các ông vẫn tiếp tục không hiểu Ngài, ngay cả khi Thầy các ông cần đến họ nhất. Khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài tha thứ các ông và cho Thánh Linh Ngài xuống trên các ông, để gọi các ông đi khắp thế gian kêu gọi người khác, Chúa Giêsu gọi các ông là những kẻ lưới người.
Câu chuyện các môn đệ cho chúng ta niềm hy vọng. Ai trong chúng ta đã có lần thất bại khi phải uống chén đắng Chúa Giêsu đã trao? Ai trong chúng ta lại không có thái độ tranh giành; sử dụng quyền uy; hay thiếu khiêm nhường và thiếu tin cậy vào Thiên Chúa; hay không hy sinh mình đúng nghĩa vì tin mừng phúc âm, hay bị lạc hướng tích góp của cải chung; và không thành thật theo lời Chúa Giêsu dạy? Dù chúng ta giữ địa vị nào trong gia đình, trong cộng đoàn, chúng ta tất cả đều có lần không nghe lời Chúa dạy về việc theo Ngài như các môn đệ đầu tiên xưa đã làm trong câu chuyện phúc âm thánh Mác-cô ngày hôm nay.
Nhưng, cũng như các môn đệ, chúng ta đều được hưởng ơn tha thứ. Cùng Thánh Linh Chúa cho chúng ta thêm sức mạnh như đã cho các môn đệ. Chúng ta nghe lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận sự thất bại của chúng ta vì không sống theo lời dạy đó. Và chúng ta ngạc nhiên vì chúng ta lại được gọi đi để làm tôi tớ cho thế gian, là nơi mà chúng ta được nghe là Nước Trời của Chúa Giêsu dành cho những ai biết phục vụ và hiến mình cho kẻ khác.
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP