Phục Vụ Tha Nhân Mở Mắt Tôi

Chúa Nhật 25 Thường Niên B

Mc 9, 30 – 37

Trên quãng đường từ Galilê về Caphácnaum, trong khi Chúa Giêsu muốn âm thầm đồng hành cùng các môn đệ để dành thời gian hé lộ thêm cho các ông về việc “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”, thì các môn đệ tuy không hiểu và cũng không dám hỏi về vấn đề “nhậy cảm” ấy, thay vào đó, các ông xem ra có vẻ hứng thú với những chuyện “nhỏ to” về việc xem ông nào là lớn nhất, là oai nhất trong nước Trời. Chúng ta hãy xem giáo huấn của Chúa Giêsu về vấn đề này như thế nào.

Chúng ta thấy trong khi Chúa Giêsu đang tiến gần đến ngày phải đương đầu với cuộc Khổ nạn, với cái chết thì các môn đệ của Người vẫn cứ “vô tư” tranh cãi với nhau về mỗi chuyện “rất trẻ con”, xem ai là người lớn nhất, oai nhất trong vương quốc của Thầy mình. Cho đến bây giờ, các ông vẫn xem việc theo Chúa Giêsu để được hưởng vinh hoa, phú quý và quyền lực mà bỏ ngoài tai những lời loan báo về đường khổ nạn của Chúa. Nước trời đối với các ông là nơi mà ở đó, các ông đóng vai của những quan lớn oai phong lẫm liệt, là nơi để các ông vinh thân phì da. Hoá ra, theo Thầy bấy lâu nay, các ông vẫn chưa giác ngộ một điều, rằng việc bước theo Thầy là bước theo đường phục vụ hy sinh, là bước theo đường khổ giá để mưu ích cho đồng loại.

Chúa Giêsu đã kịp thời “uốn lại” những ngộ nhận, những mơ tưởng tư lợi nhỏ nhen, hướng các ông đến với giáo huấn về ơn gọi Phục vụ dấn thân. Chúng ta biết trong xã hội Dothái xưa, trẻ em được xem là đối tượng không đáng để tôn trọng. Lý do có lẽ là vì chúng không có khả năng tự vệ, hoàn toàn sống sống lệ thuộc vào người khác. Và vì thế, chúng là đối tượng dễ dàng bị người ta khinh thường, xem chẳng có giá trị gì. Chúa Giêsu đã lấy chính đối tượng “hạng bét” này trong xã hội để dạy cho các môn đệ về bài học phục vụ.

Trong giáo huấn này, Chúa Giêsu đã đảo lộn trật tự mà từ xưa đến nay, theo lẽ tự nhiên, con người cũng như loài vật vẫn áp dụng: Kẻ mạnh thống trị người yếu hơn mình. Giáo huấn của Chúa ở đây là “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Xa hơn nữa đó là việc Chúa Giêsu xem việc tiếp rước những em nhỏ- đối tượng nghèo hèn đúng nghĩa nhất- là tiếp rước chính Chúa và cũng là tiếp rước chính Chúa Cha. Như thế, từ nay, một trật tự mới được thiết lập, nó phá vỡ những trật tự cố hữu từ bao đời nay. Từ nay, chính giao huấn mới mẽ này sẽ là khuôn vàng thước ngọc, là kim chỉ nam cho hết những ai bước theo Chúa Giêsu trên con đường dấn thân phục vụ.

Chúng ta thấy giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách cách mạng, đảo ngược khuynh hướng thống trị tự nhiên của con người : “ông chủ trở nên người phục vụ, trở thành đầy tớ cho mọi người”. Đây là một bài học lớn về thái độ khiêm tốn và tâm hồn nghèo khó, một sự từ bỏ quyền thống trị trên người khác của những ai muốn làm môn đệ Chúa. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã đi bước trước trên con đường này, để nêu gương cho chúng ta. Là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã không màng đến địa vị cao quý, xuống trần gian, mặc lấy thân xác phàm hèn của con người để yêu thương, chung sống và phục vụ con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố cách rõ ràng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người ” (Mt 20, 28).

Người Kytô chúng ta dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn được kêu mời dấn thân phục vụ. Tinh thần phục vụ Kytô giáo mang sắc thái rất khác so với tinh thần phục vụ theo kiểu hiện sinh. Khác, bởi vì người Kytô chúng ta được mời gọi dấn thân phục vụ cách vô vị lợi; Khác, bởi vì khi dấn thân phục vụ anh em đồng loại, chúng ta không tìm vinh quang cho cá nhân mình mà làm cho Danh Chúa được tôn vinh; Khác, bởi vì chúng ta nhìn ra đối tượng phục vụ không ai khác chính là hình ảnh của Chúa Giêsu – Đấng vẫn đang ẩn hiện trong những người khốn khổ nghèo hèn. Do đó, phục vụ họ cũng chính là phục vụ Chúa Giêsu, làm cho họ được an vui hạnh phúc cũng chính là làm cho Chúa Giêsu được hân hoan. Thế nên, tinh thần dấn thân phục vụ tha nhân của Kytô giáo mãi luôn là tinh hoa không chỉ cho người Kytô mà còn cho toàn thể nhân loại.

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” có nhắc đến cảm nghiệm thiêng liêng của người về tinh thần dấn thân phục vụ. Người viết : “Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu thương tôi như thế nào” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” số 18). Xin cho Lời Chúa hôm nay thêm sức mạnh cho chúng ta trên đường phục vụ Chúa và tha nhân. Câu hát “phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình…” như một lời mời gọi và thúc giục chúng ta…

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb