Chúa Nhật 26 Thường Niên B
(Ds 11, 25-29; Giac 5, 1-6; Mc 9, 37-42.44.46-47)
Ông Môisen mệt mỏi vì phải giải quyết qúa nhiều vấn nạn của dân chúng đang phải đối diện trong cuộc sống. Ông đã chọn 70 vị bô lão trong dân để cùng chia sẻ trách nhiệm này. Các vị bô lão được lãnh nhận Thần Trí của Chúa đã nói tiên tri. Xảy ra là có hai vị bô lão tên là Elđađ và Mêđađ vẫn ở trong lều trại của mình cũng nhận được Thần Trí. Có đứa trẻ báo tin cho ông Môisen rằng hai ông này cũng đang nói tiên tri, vì quyền lợi nên ông Giôsuê đã lên tiếng: Ông Giôsuê con ông Nun, từng theo hầu ông Môsê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!(Ds 11, 28). Ông Môisen bình tĩnh và không bị phiền hà. Ông nhận biết được các ơn đặc sủng tùy theo ý Chúa ban cho từng người. Gió muốn thổi đâu thì thổi, Thần Khí của Chúa cư ngụ nơi những tâm hồn chân thiện: Ông Môsê trả lời:“Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! “(Ds 11, 29).
Khi ra rao giảng tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu phải đối diện với mọi tầng lớp trong xã hội. Chúa đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong xã hội dân sự và các phẩm trật trong tôn giáo truyền thống. Chúa đi vào đời sống cộng đồng đang bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ, phong tục tập quán, truyền thống, tục lệ của cha ông và thói quen vốn có. Những điều này đã kết dệt nên những quan niệm và cách sống thường ngày của người dân. Chúa Giêsu rao giảng tin vui của đạo mới đã đụng chạm đến các thói tục cố hữu này. Có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo bị đụng chạm quyền lợi và bị thách thức thay đổi não trạng, nên đã gây những làn sóng chống đối, tẩy chay và thù oán. Chúa Giêsu giầu lòng nhân ái đã mở rộng cửa đón nhận nhiều người bằng những lời rất chân tình: Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (Mc 9, 40).Chúa biết có nhiều tâm hồn rất đơn sơ và chân thành. Họ không lên tiếng nhưng vẫn âm thầm bước theo Chúa như ông Nicôđêmô.
Chúa Giêsu mặc lấy thân phận con người để cùng chia sẻ những nhu cầu cần thiết cuộc sống. Con người có những nhu cầu về tâm linh và thể chất cần đáp ứng mỗi ngày. Cái ăn, cái uống và cái mặc là những đòi hỏi cụ thể nhất. Đói phải ăn, khát cần uống và áo quần để che thân, Chúa Giêsu phán: Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu (Mc 9. 41). Giúp đỡ anh chị em vì danh Đấng Kitô. Mỗi người chúng ta được tạo dựng mang hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu tôn trọng từng cá thể. Chúa xác nhận rằng dù làm một việc tốt cho kẻ bé mọn là chúng ta đang làm cho chính Chúa. Như thế, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa mọi nơi và mọi lúc. Qua những người anh chị em nghèo đói, túng quẫn, tật nguyền và khổ đau, nơi đó Chúa đang chờ đợi sự chia sẻ, viếng thăm và vỗ về của chúng ta.
Chúng ta khó tránh khỏi những gương mù và gương xấu xảy ra trong môi trường chung quanh. Sống trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển tột độ, con người bị quay cuồng bởi các ngành truyền thông. Những hình ảnh khiếm nhã và khêu gợi từ các phim ảnh, báo chí, bích chương và mạng lưới điện toán miễn phí tràn ngập đầy rẫy mọi nơi. Các nhà kinh doanh còn dùng sự tò mò và thị hiếu của khán thính giả để dẫn dụ vào những mê lầm. Sự hướng dẫn lầm lạc về luân lý, đạo đức và đức tin không thiếu trong các bài viết và suy tư. Chúa Giêsu kết án nặng những ai làm cớ có kẻ bé mọn phải bị vấp ngã: Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn (Mc 9, 42). Gương xấu nhan nhản xuất hiện qua những phương tiện truyền thông giây chuyền và lan rộng mà không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm.
Chúa Giêsu đưa ra một loạt những ngăn ngừa dịp tội qua quan năng bên ngoài. Giác quan là những cửa ngõ tiếp xúc với môi trường và tha nhân. Chúng ta phải phòng hộ sáu giác quan của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Mỗi một giác quan như người lính gác canh giữ thành quách. Chỉ cần một anh lính canh ngủ gục, giặc có thể xâm nhập vào thành. Cũng thế, dù chỉ một giác quan lơ là, thì sự xấu và tội lỗi cũng có thể xâm nhập vào tâm. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục (Mc 9, 47).Không phải chúng ta cứ nhắm mắt, bịt tai, ngậm miệng là có thể tránh được các cơn cám dỗ. Chúng ta phải ý thức tự căn và tu tâm khởi giác. Cám dỗ đến từ tâm lòng qua cửa ngõ là giác quan bên ngoài khởi động.
Chúa Giêsu đã dùng từ ngữ mạnh như chặt chân, chặt tay và móc mắt, ám chỉ sự từ bỏ và hy sinh một cách dứt khoát những dịp tội. Ai cũng có những kinh nghiệm bản thân về sự chiến đấu với các cơn cám dỗ. Đôi khi chúng ta chủ quan nghĩ mình có đủ bản lãnh để dễ dàng vượt qua các cơn cám dỗ. Con người chúng ta yếu đuối, mỏng dòn và dễ chiều sa ngã lắm. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh rằng các con hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ. Sự dữ, kẻ xấu và tội lỗi luôn luôn mang những vẻ mặt rất quyến rũ và dễ thương. Dịp tội luôn là lời mời mọc nhẹ nhàng giúp thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của những ước muốn. Cám dỗ đáp ứng những đam mê thèm khát của lục giác: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Các dịp tội dẫn chúng ta đi vào sự thỏa mãn không bao giờ cùng tận. Có một muốn hai, được hai đòi ba và hưởng ba thỏa bốn. Nếu không biết dừng lại đúng lúc, chúng ta sẽ rẽ vào con đường lầm lạc lúc nào mà không hay biết.
Thánh Giacôbê tông đồ kinh nghiệm cuộc sống rất rõ: Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại (Giac 5,5).Có những người bước vào con đường lầm lạc nhưng không biết mình đang bị lạc, nên họ dễ bị ngập chìm trong tội lỗi và trụy lạc. Một cách tốt nhất là chúng ta phải hồi tâm luôn và quay đầu là bờ. Xét mình để biết mình đang ở đâu, làm gì và đang sống trong tình trạng nào. Chúng ta thường không muốn nhìn nhận những sai trái và sự lầm lạc của mình. Chúng ta luôn nại vào những lý do riêng tư, tự bào chữa và chối từ (denial). Có thể vì ngại ngùng, xấu hổ, phán đoán lệch lạc và sợ hãi, chúng ta xuất hiện bằng sự giả dối và đóng kịch. Trên sân khấu cuộc đời, chúng ta sống trong sự lừa đảo người khác và lừa cả chính bản thân mình.
Muốn nên thánh, chúng ta phải nên người trước. Muốn làm người, chúng ta phải học làm người. Để trở thành một người tốt, chúng ta phải tu thân tích đức và luyện tập miệt mài các nhân đức. Thí dụ: Để được tham dự đua tài tại Thế Vận Hội, các cầu thủ, lực sĩ và các thể tháo gia phải trải qua sự luyện tập rất gian nan vất vả và khổ cực. Họ tuân giữ các kỷ luật về giờ giấc, ăn uống, ngủ nghỉ, tập tành và khổ luyện liên tục ngày này qua tháng nọ để có khả năng thi đấu. Muốn có triều thiên vinh quang hay thành qủa sống đạo, chúng ta phải kinh qua những tháng năm kiên trì rèn luyện và nhiệt tâm tu tập. Không ai có thể cắt ngắn, rút gọn hay đi đường tắt đạt tới sự tốt lành thánh thiện. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, niềm tin phải được tôi luyện như lửa thử vàng. Đừng khi nào tự phụ để mình rơi vào hoang tưởng là đã đạt tới viên mãn của sự thánh thiện.
Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Chúng con tin rằng không có Thầy chúng con không thể làm gì được. Xin cho chúng con biết mở lòng tin đạo, sống đạo và hành đạo với hết tâm tình, phần còn lại Chúa sẽ bù đắp.
Bronx, New York
Lm Giuse Trần Việt Hùng