Sống Đức Tin

Mấy chục năm dài tôi cặm cụi học các môn đạo, như Kinh Thánh, tín lý, luân lý, giáo luật, giáo phụ, giáo sử. Những kiến thức ấy rất cần cho tôi. Tôi có cảm tưởng chúng là những viên gạch, giúp tôi xây toà nhà đức tin trong tôi. Toà nhà thực nguy nga lộng lẫy.

Nhưng nếu chỉ có thế, tôi thấy vẫn thiếu một cái gì. Tôi cảm thấy vắng lạnh. Chỉ khi tôi gặp được Thiên Chúa, tôi mới thấy toà nhà sáng lên và ấm áp.

Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ hiện như một Chân Lý Tình Yêu toả ra ánh sáng và sự sống.

Ánh sáng không thể dồn vào một chỗ. Trong vườn có thể dành chỗ này cho cây này, chỗ kia cho cây kia, nhưng không thể dành một chỗ riêng cho ánh sáng. Aùnh sáng bao phủ tất cả.

Sự sống cũng thế. Trong tôi không có một chỗ nào riêng cho sự sống. Sự sống chan hoà khắp con người tôi. Tôi cảm thấy Thiên Chúa Ba Ngôi tương tự như thế trong tôi.

Khi tôi tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất”, thì tôi tin có Thiên Chúa, nhưng nhất là tôi tin vào Thiên Chúa.

Niềm tin của tôi là một cuộc xuất hành. Tôi ra khỏi tôi. Tôi đi vào tình yêu  Thiên Chúa. Tôi mở hồn tôi ra. Tôi đón Ngài vào. Tôi hiệp thông với Ngài. Tôi sống với Ngài một cách đơn sơ như thể trẻ thơ với mẹ mình.

Trẻ thơ có thể không biết tên mẹ, lý lịch của mẹ, thậm chí có những tháng nó chưa biết gọi tên mẹ. Nó chỉ nhìn mặt mẹ. Nó chỉ nghe tiếng mẹ. Nó chỉ tìm tay mẹ. Nó chỉ bú sữa mẹ. Tất cả vũ trụ của nó là mẹ của nó. Nó sung sướng trong vũ trụ ấy. Nó lớn lên được nhờ sự sống mẹ, trong sự sống mẹ. Và chỉ thế thôi, nó làm cho mẹ nó vui mừng hạnh phúc.

Tôi nghĩ sự sống đức tin cũng phải như thế. Chủ yếu là hiệp thông với Thiên Chúa, là sống trong sự  sống Thiên Chúa.

Vì thế, tôi cho là rất cần thiết phải để ý đến tu đức, tĩnh tâm, cầu nguyện, chu toàn bổn phận. Đồng thời cũng phải quan tâm đến bác ái phục vụ con người, nhất là gần gũi những người bị xã hội và cuộc sống loại trừ. Bởi vì đó là những môi trường tôi thấy dễ đón nhận được ơn Chúa một cách dồi dào, để gắn bó mật thiết với Chúa.

Đôi khi tôi tưởng rằng nếu tôi lỡ phạm tội vì yếu đuối, thì Chúa sẽ xa tránh tôi, sẽ hắt hủi tôi. Thực tế không xảy ra như thế.

Khi tôi vừa lỡ lầm thì Chúa xuất hiện. Ngài nhìn tôi. Cái nhìn của Ngài lúc ấy rất khác cái nhìn của phần lớn nhân loại.

Cái nhìn của họ dễ bắt bẻ, bới móc, xoáy kẻ phạm tội vào mặc cảm, đóng đinh nó vào định kiến. Còn cái nhìn của Chúa hết sức nhân từ, có sức giải thoát giúp tôi thống hối trở về. Thánh Phêrô xưa đã có kinh nghiệm về cái nhìn đầy lôi cuốn ấy trên sân thầy cả thượng tế.

Tôi không thể không mãi mãi nghĩ Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Tôi nghĩ như thế. Tôi tin như thế. Và tôi đã cảm nghiệm đúng là như thế.

Thiên Chúa có trái tim đầy tình xót thương. Ngài đi tìm con chiên lạc. Khi tìm gặp nó, Ngài quá thương nó, đến nỗi vác nó trên vai, mở tiệc ăn mừng.

Bao lần, tôi có cảm tưởng mình đã là con chiên “hạnh phúc” ấy. Thế thì làm sao tôi dám nói khác về Ngài.

Tin mừng lớn nhất tôi đã nhận được, đó là tôi được Thiên Chúa yêu thương . Ngài  thương tôi trước khi tôi thương Ngài. Ngài đi tìm tôi, khi tôi xa Ngài. Ngài trung thành với tôi, cả khi tôi lỡ bất trung với Ngài.

Tôi sẽ mãi mãi ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa.

Tôi sẽ không ngừng rao giảng Tình Yêu Thiên Chúa.

Tôi sẽ luôn luôn gắn bó với Tình Yêu Thiên Chúa.

Tôi sẽ luôn luôn cố gắng sống theo thánh ý Thiên Chúa: Mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương tôi.

Trên thực tế, điều mà tôi thấy cần phải rất để ý trong đời sống đức tin, đó là yêu thương người khác như Chúa muốn.

Đức Kitô dạy: “Đây là điều răn mới của Thầy, đó là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

Sống đức tin là đón nhận điều răn mới ấy. Ai thực tình đón nhận Lời Chúa dạy, sẽ được Lời Chúa đổi mới tấm lòng mình. Để từ lòng mình, họ có thể xét đoán mọi tình cảm, ước muốn, tư tưởng của mình, và biết ứng xử theo ý Chúa trong các hoàn cảnh cụ thể. Như vậy, dù trong tình huống nào, sống đức tin vẫn được nhận ra là sống đức yêu thương con người.

Nếu không thế, thì không phải là sống đức tin. Như  lời thánh Gioan viết:

“Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

“Nếu ai có của cải thế gian khi thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương giúp đỡ, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở trong người ấy được?” (1Ga 3,17).

Khi luật yêu thương kẻ khác thuộc về đức tin, thì tôi có cảm tưởng là mọi người công giáo cần phải tha thiết xin Chúa ban cho mình ơn biết yêu thương kẻ khác, như Chúa muốn. Nhất là trong tình hình hiện nay, đầy những ghen ghét hận thù và ích kỷ.

Long Xuyên, ngày 8 tháng 8 năm 2001

Trích tập sách ĐƯỢC CHỌN và SAI ĐI của Đức Cha G.B. BÙI TUẦN, LONG XUYÊN năm 2003