Chúa Nhật 5 thường niên B (Mác-cô 1, 29-39)
Chúa Giê-su không sống vì mình hoặc sống cho mình, nhưng luôn luôn sống vì Chúa Cha và vì nhân loại.
Chúa Giê-su sống hết mình vì Chúa Cha
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng vì yêu mến Chúa Cha và để cứu rỗi nhân loại, Người đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Philip 2, 6-7) sẵn sàng hoá thân làm người hèn mọn sống giữa nhân loại lầm than.
Người hiến thân trở thành một hiến lễ mới thay cho dê và bò, một hiến lễ rất đẹp lòng Chúa Cha để đền tội thay cho muôn người. Thư Do-Thái khẳng định điều đó:
“Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Do-Thái 10, 4-7)
Sở thích riêng, ước muốn riêng của mình, Chúa Giê-su sẵn sàng vứt bỏ, cốt để thực hiện ý Chúa Cha, sao cho đẹp lòng Chúa Cha:
“Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38)
Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người. Người nói với các môn đệ: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4, 34)
Người quý trọng ý muốn của Chúa Cha hơn cả mạng sống mình. Vì thế, Người chấp nhận hy sinh mạng sống mình để ý muốn của Chúa Cha được thực hiện. Trong vườn Dầu, Ngài đã cầu xin cùng Chúa Cha trong van lơn và nước mắt, trong khổ đau đến toát mồ hôi máu:
“Abba, lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén nầy xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi.” (Mt 26, 39)
Chúa Giê-su sống hết mình vì mọi người
Không chỉ sống hết mình vì Thiên Chúa là Cha của Người, Chúa Giê-su còn sống hết mình vì nhân loại là anh em của Người.
Tin Mừng Mác cô hôm nay phác hoạ lại chân dung Đức Giê-su luôn cúi xuống trên những lầm than khốn khổ của kiếp người:
“Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.”
Và khi trời chưa kịp sáng, khi chưa có ai đến quầy rầy, Chúa Giê-su tranh thủ thời gian tĩnh lặng để gặp gỡ Chúa Cha.
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
Cầu nguyện chưa được bao lâu, “Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”
Chúa Giê-su không khoanh vùng phục vụ của Người trong phạm vi nhỏ hẹp. Người muốn vươn đến nhiều nơi. Chúa Giê-su không giới hạn tình yêu của Người cho một thiểu số, nhưng ban phát cho hết mọi người.
Thế nên “Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”
Người đời thường đặt bản thân mình làm trung tâm cho cuộc sống và tất cả mọi hoạt động của người ta đều quy về mình, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Trái lại, Chúa Giê-su chọn tha nhân làm trung tâm cho tình yêu của Người hướng tới; chọn mọi người làm đối tượng cho cuộc đời phục vụ tận tuỵ của Người và Người làm tất cả những gì có thể để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người chỉ biết sống vì người khác, sống cho phần rỗi của người khác đến độ hiến trao cả mạng sống mình.
Là một bộ phận trong cơ thể, quả tim không sống cho mình nhưng sống cho toàn thân, không ngừng bơm máu nuôi sống toàn thân. Phổi, gan, bao tử…cũng không sống cho mình, vì mình, nhưng là sống cho toàn thân, làm tròn chức năng được trao phó để phục vụ và nuôi sống toàn thể thân mình. Lẽ sống của mọi bộ phận trong cơ thể con người đều như thế cả.
Nếu một ngày nào đó, tim, gan, thận, phổi… không phục vụ cho toàn thân nữa mà chỉ quy hướng về mình, chỉ lo phục vụ riêng mình thì đó là ngày tận cùng của chúng.
Mỗi chúng ta cũng là những tế bào, những bộ phận của một Thân Thể lớn lao là nhân loại. Chúng ta không thể bo bo chăm lo cho riêng mình nhưng phải sống hết mình, phải cống hiến đời mình phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giê-su.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống hết mình vì Chúa Cha và vì mọi người.
Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, đừng chỉ biết quy về mình, chỉ biết mưu tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết hướng về tha nhân để mưu tìm hạnh phúc cho họ, vì hạnh phúc chỉ thật sự đến với chúng con khi chúng con biết đem lại hạnh phúc cho nhiều người.
LM Inhaxiô Trần Ngà