Sống Mùa Phục Sinh

Mùa Phục sinh nhắc chúng ta nhớ đến một chân lý quan trọng. Chân lý quan trọng đó là: Có một SỰ SỐNG tiếp sau cuộc sống đời này.

Cuộc sống đời này thì có tận. Cuộc sống đời sau thì vô tận.

Sự sống vô tận đời sau sẽ rất khác sự sống đời này. Nó sẽ là hạnh phúc trường sinh dành cho những người lành. Trái lại nó sẽ là khổ cực muôn kiếp dành cho những kẻ dữ.

Như vậy, sự sống đời sau là điều ta phải hết sức quan tâm. Làm sao khi bước vào đời sau, ta đừng bị đẩy xuống cõi trầm luân tăm tối, nhưng ta được đón nhận vào cõi vinh quang sáng lạn với Chúa Giêsu phục sinh.

Muốn được như vậy, ta phải cố gắng sống tốt cuộc sống đời này.

Thế nào là sống tốt cuộc sống đời này? Nói cho gọn, thì đó là mến Chúa hết lòng, và yêu thương người khác như Chúa yêu ta. Nói một cách khác, thì sống tốt đời này là từng ngày cùng với Chúa Giêsu đi về với Chúa Cha bằng những bước tình yêu phục vụ, được hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Như vậy suốt hành trình cuộc sống đời này sẽ luôn phảng phất hương vị hạnh phúc đời đời, do Thánh Thần tình yêu hoạt động trong tâm hồn ta đã được đổi mới.

Đổi mới tâm hồn để biết sống tốt với Chúa.

Chúa Giêsu hay nhắc tới việc đổi mới tâm hồn. Tâm hồn được đổi mới là tâm hồn được sinh lại bởi Thánh Thần. Từ đó họ biết trở về nội tâm, và luôn ngoan ngoãn với mọi hướng dẫn của Thánh Thần. Thánh Thần luôn giúp họ hiểu Chúa Giêsu là sự sống, là chân lý và là đường đi, để họ gắn bó với Ngài và cùng với Ngài đi về với Chúa Cha.

“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con … Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,4-5).

Khi ở lại trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ luôn mong muốn sống hợp với thánh ý Chúa Cha. Phân định được đâu là ý Chúa, đâu là ý riêng ta, đó là điều không dễ. Và khi biết rõ ý Chúa rồi, ta còn phải phấn đấu với mình, để chấp nhận ý Chúa và cộng tác với ý Chúa. Bởi vì rất nhiều khi, chúng ta rơi vào tình trạng ngại ngùng trước thánh ý Chúa. “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42). Hãy biết cầu xin như thế với Chúa Giêsu, và luôn luôn phó thác mình trong tay Chúa Cha như Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin dâng phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Hằng ngày tập quen cầu xin như thế là để đổi mới tâm hồn. Và khi tâm hồn đã bắt đầu được đổi mới, thì sẽ dễ thường xuyên cầu xin như thế.

Đổi mới tâm hồn để biết sống tốt với người khác.

Biết sống với người khác theo tinh thần Chúa phục sinh, đó là một nhu cầu khẩn cấp của thời điểm này. Muốn được thế, ta phải đổi mới tâm hồn ta.

Thánh Phaolô khuyên: “Anh chị em đừng rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh chị em, bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa: Cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2).

Điều đẹp ý Chúa nhất là khiêm nhường bác ái trong thái độ sống. Trong mọi tương quan, hãy tránh  những gì là xấu, hãy làm những gì là tốt. Thánh Phaolô đi vào chi tiết cuộc sống khiêm nhường bác ái như sau: “Lòng bác ái không được giả hình. Anh chị em hãy gớm ghét điều dữ, hãy tha thiết với điều lành. Thương yêu nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình. Nhiệt thành, không trễ nải. Lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa… Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh chị em. Chúc lành, chứ đừng nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau. Đừng tự cao tự đại. Nhưng hãy ham thích những gì là hèn mọn. Anh chị em đừng tự cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác. Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh chị em có thể làm được, để sống hoà thuận với nhau” (Rm 12,9-18).

Về khiêm nhường bác ái, Kinh Thánh còn nói rất nhiều. Nhưng chỉ mấy lời trên đây của thánh Phaolô cũng tạm đủ để đánh thức và  an ủi khích lệ tâm hồn ta. Nhờ vậy ta có sức quyết tâm chọn con đường khiêm nhường bác ái trong một thế giới, mà xem ra rất nhiều người coi cái tôi của mình là trung tâm và tiêu chuẩn. Cái tôi ích kỷ. Cái tôi ham quyền. Cái tôi tham lợi. Cái tôi dám độc ác với người khác, để mình được sướng. Cái tôi kiêu căng vịn vào trăm ngàn lý do giả tạo để tránh bổn phận khiêm nhường bác ái, đang khi chính Đấng Cứu độ lại rất khiêm nhường, rất yêu thương.

Đổi mới tâm hồn để biết chọn tiêu chuẩn đúng trong mọi cái nhìn và mọi đánh giá.

Tôi nhớ đã đọc thấy một ý kiến hay trong một cuốn sách. Tác giả viết: “Một người khiêm tốn nhận biết mình yếu hèn tội lỗi, và không bao giờ dám xét đoán kết án người khác. Đối với tôi, người ấy là người thánh”.

Thiết tưởng ý kiến đó là một cách chọn tiêu chuẩn tốt để sống tốt trong các quan hệ. Khi suy gẫm sự thương khó Chúa Giêsu, tôi thấy Đấng cứu độ có một cái nhìn khiến tôi bàng hoàng: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm” (Lc 22,33).

Đây là cái nhìn hết sức bao dung, rất mực thương xót. Đây là cái nhìn vô cùng đẹp, sáng rực tình yêu cứu độ. Chỉ một cái nhìn cao đẹp đó thôi cũng đã là một cách chiến thắng, có sức đền tội thay cho bao người tội lỗi. Cái nhìn ấy mạnh hơn độc ác hận thù. Cái nhìn ấy phát xuất từ Thiên Chúa là Cha chung mọi người. Cái nhìn ấy chỉ xuất hiện, khi chúng ta cởi gỡ được con người cũ của chúng ta. “Anh chị em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh chị em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Col 3,9).

Thứ ơn thông hiểu rất quan trọng cho chúng ta lúc này là khi cần, thì hiểu biết đúng về người khác và về các biến cố lịch sử, như chính Chúa hiểu biết. Nếu không, chúng ta dễ đi vào lầm lạc. Nên nhớ rằng trong lịch sử đạo đời đã có nhiều lầm lạc dẫn tới bất công và độc ác, kéo dài nhiều thế hệ.

Với mấy gợi ý trên đây, mỗi người chúng ta sẽ có thể tìm được những suy nghĩ riêng và sáng kiến riêng.

Mùa Phục sinh đầu thế kỷ 21 này đang chứng kiến nhiều giao tranh ác liệt giữa sự thiện và sự ác, giữa sự sống và sự chết, giữa tình yêu và ghen ghét hận thù, giữa hy vọng và thất vọng. Trước tình hình này, bao người xung quanh ta đang đi tìm một điểm tựa thiêng liêng. Chúng ta hãy chọn Đức Kitô phục sinh là điểm tựa của ta. Để rồi, khi Người sống trong tâm hồn ta được đổi mới, chúng ta sẽ chia sẻ niềm hoan lạc về điểm tựa của ta cho những  người xung quanh ta. Chính nhờ Đức Kitô phục sinh, chúng ta sẽ vững bước đi vào một sự sống mới. Sự sống mới này chuẩn bị cho cuộc sống đời sau. Cuộc sống đời sau, nhưng bắt đầu từ hôm nay.

+GM G.B. Bùi Tuần