Tín Thác là nhân đức căn bản và cần thiết cho những ai muốn sống Sứ Ðiệp Lòng Thương Xót. Chúa muốn chúng ta trở nên bình chứa đựng sự thương xót. Nhưng cái bình này có khả năng chứa đựng và tỏa ra nhiều hay ít tùy thuộc vào lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Tín thác không chỉ có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy; mà còn có nghĩa là phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa, để cho Ngài điều khiển cuộc đời mình. Tín Thác đòi hỏi sự hối cải tận trái tim và linh hồn. Tín thác đem lại cho chúng ta sự khôn ngoan để hiểu biết sự cần thiết của việc cầu xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để xót thương tha nhân, và để Thiên Chúa làm chủ đời mình. Tín Thác vào Chúa đem lại cho tâm hồn chúng ta bình yên thật, sự bình yên của Đức Kitô Phục Sinh.
Tín Thác đòi chúng ta khiêm nhường. Người kiêu ngạo cho rằng những thành công là do tài năng của mình và họ cảm thấy không cần tín thác vào Thiên Chúa. Làm tông đồ của Chúa mà chỉ biết tin vào tài năng của mình, và không cậy vào Chúa, không những chỉ đưa đến thất bại trong việc phục vụ, mà còn vô hiệu hóa tất cả mọi việc lành mình làm. “Trừ khi Chúa xây căn nhà, vô ích thay những ai dùng sức mình mà xây” (TV 127:1).
Chúa nói rõ cho Thánh Faustina rằng càng tín thác nhiều vào Chúa và cố gắng sống theo ý Chúa, chứ không theo ý mình, thỉ chúng ta càng được Người ban cho nhiều ân sủng. Người nói:
“Con hãy nói [cho mọi người], Cha chính là Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Khi một linh hồn đến cùng Cha với một lòng tín thác, Cha sẽ đổ tràn đầy ân sủng xuống đến nỗi nó không thể chứa đựng nổi mà phải tỏa ra cho các linh hồn khác” (Nhật Ký, 1074).
Dịp khác, Người nói cùng Chị:
“Hãy để cho những linh hồn cố gắng trở nên hoàn thiện tôn thờ Lòng Thương Xót Cha, vì những ân sủng dồi dào mà Cha ban phát ra từ Lòng Thương Xót. Cha muốn những linh hồn đó nổi bật vì sự tín thác vô cùng vào Lòng Thương Xót Cha. Chính Cha sẽ chăm lo công việc thánh hóa các linh hồn đó. Cha sẽ ban cho họ mọi sự họ cần để nên thánh. Ân sủng của Lòng Thương Xót Cha được lãnh nhận qua một phương tiện mà thôi, đó là tín thác. Linh hồn nào tín thác nhiều sẽ nhận được nhiều. Những linh hồn tín thác vô hạn là niềm an ủi lớn cho Cha, vì Cha đổ tất cả kho tàng ân sủng Cha trên họ. Cha thích thú vì họ cầu xin nhiều, vì chính Ý Cha là cho nhiều, rất nhiều. Ngược lại, Cha buồn khi họ cầu xin quá ít, khi tim họ hẹp lại” (Nhật Ký, 1578).
Chúa yêu cầu Chị Faustina cầu nguyện cho các linh hồn:
“Hãy chiến đấu cho việc cứu rỗi các linh hồn, thúc đẩy họ tín thác vào lòng thương xót Cha, như là nhiệm vụ của con ở đời này và đời sau” (Nhật Ký, 1452).
“Hôm nay, Chúa đến cùng tôi và nói, ‘Con ơi, giúp Cha cứu rỗi các linh hồn. Con sẽ đến cùng một người tội lỗi đang hấp hối, và con tiếp tục lần chuỗi (thương xót), và bằng cách này, con sẽ làm cho họ tín thác vào Lòng Thương Xót Cha. Vì họ đã tuyệt vọng’” (Nhật Ký, 1797).
Chúa muốn chúng ta tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa trong khi cầu nguyện cho mình và cho các linh hồn. Khi chúng ta sa ngã phạm tội, chúng ta lại càng phải hạ mình xuống xin Chúa thương xót. Đôi khi chúng ta trong mang nặng trong linh hồn tội lỗi, tức giận, tủi hổ, và thiếu tha thứ cùng với sự thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, là chính Lòng Thương Xót, và chúng ta suy nghĩ, “Làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi?” Đừng bao giờ tuyệt vọng vì tội lỗi mình. Chúa luôn xót thương và mong chờ chúng ta trở về gieo mình vào vòng tay âu yếm của Người. Ðể minh chứng hùng hồn cho Lòng Thương Xót Chúa, Thánh Faustina kể:
Vào chiều ngày sau cùng trước khi tôi đi Vilnius, một chị lớn tuổi cho tôi biết tình trạng linh hồn chị. Chị nói rằng chi đã phải đau khổ trong lòng vài năm, dường như chị đã xưng tội không nên, và chị nghi rằng Chúa Giêsu không tha tội cho chị. Tôi hỏi chị xem chị có nói với cha giải tội điều đó không. Chị trả lời rằng chị đã nói với cha các giải tội nhiều lần và… “cha giải tội luôn luôn nói tôi cứ an tâm, nhưng tôi vẫ quá lo buồn, và không gì làm tôi khuây khỏa, tôi luôn cảm thấy rằng Thiên Chúa chưa tha thứ cho tôi.” Tôi trả lời, “Chị nên vâng lời cha giải tội, và hãy hoàn toàn bình an, vì đây chắc chắn là một cám dỗ.”
Nhưng chị rớt lệ nài nỉ tôi hỏi Chúa Giêsu xem Chúa đã tha cho chị chưa và chị đã xưng tội nên hay không. Tôi trả lời cách quyết liệt, “Chi cứ tự mình hỏi Người, nếu chị không tin cha giải tội!” Nhưng chị nắm tay tôi và không bỏ ra đến khi tôi trả lời chị, và chị tiếp tục xin tôi cầu nguyện cho chị và cho chi biết Chúa Giêsu nói gì về chị với tôi. Chị khóc lóc thảm thiết và không để tôi đi cùng nói: “Tôi biết Chúa Giêsu nói với chị.” Vì chị nắm chặt tay tôi và tôi không gỡ ra nổi, tôi hứa cầu nguyện cho chị. Buổi chiều, trong lúc Chầu Thánh Thể, tôi nghe những lơi này trong lòng: “Con hãy nói với chị ấy rằng sự không tin của chị làm tim Ta đau nhiều hơn các tội chị ấy đã phạm.”
Khi tôi nói cho chị biết điều này, chị bắt đầu khóc như một em bé, và một niêm vui lớn lao xâm chiếm hồn chị. Tôi hiểu rằng Thiên Chúa muốn dùng tôi để an ủi linh hồn này. Dầu tôi bị thiệt hại nhiều, tôi đã làm cho Ý Chúa được thể hiện” (Nhật Ký, 628).
Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm lời Chúa; “Con hãy nói với chị ấy rằng sự không tin của chị làm tim Ta đau nhiều hơn các tội chị ấy đã phạm.” Một khi chúng ta đã xưng tội và ăn năn, chúng ta không còn lý do gì để tiếp tục có mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn, vì Chúa Giêsu là một Lương Y tài giỏi có thể chữa lành hết mọi vết thương lòng và trái tim đầy thẹo của chúng ta. Thánh Faustina viết:
Hôm nay, Chúa nói với tôi, “Ta đã mở trái tim Ta ra như một Suối Thương Xót hằng sống. Tất cả các linh hồn hãy múc sinh lực từ đó. Hãy để chúng đến gần biển Thương Xót này với lòng tín thác lớn lao. Người tội lỗi sẽ được trở nên công chính, và người công chính sẽ được thêm sức trong sự thiện. Ai tín thác vào Lòng Thương Xót Ta sẽ được tràn đầy bình an của Thiên Chúa trong giờ chết” (Nhật Ký, 1520).
“Vậy chúng ta hãy dạn bước lại gần ngai tòa của ân sủng, để chúng ta lãnh nhận ơn thương xót và tìm thấy ơn trợ giúp khi cần thiết” (DT 4:16).
Tín thác vào Chúa khi mọi việc trôi chảy thì dễ. Nhưng tín thác khi gặp khó khăn mới là điều cần thiết. Nghi ngờ sẽ nảy ra khi chúng ta bị thử thách và đau khổ. Khi ấy chúng ta sẽ nghi ngờ và tự hỏi “Thiên Chúa ở đâu?” hoặc “Thực sự có Thiên Chúa không?” Nếu chúng ta cầu nguyện, nhận ra, và tin rằng chúng ta đang thực thi Thánh Ý Chúa, thì chúng ta cần phải cầu xin Chúa ban cho mình ơn can đảm, sức mạnh và đức tin sâu đậm hơn nữa. Vì đôi khi chúng ta quen thói chủ quan, cho rằng chính mình đang làm việc lành, và sau đó mới nhận ra rằng chính Thiên Chúa đã mở cửa cho mình.
Trong lúc phải chiến đầu và thất bại, chúng ta cần noi gương Thánh Phêrô mà thưa cùng Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả thâu đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Nhưng nếu Thầy bảo thế, con sẽ thả lưới.” Sau khi họ làm vậy, họ bắt được nhiều cá đến nỗi lưới gần rách. Nên họ phải làm hiệu cho đồng nghiệp từ thuyền khác đến giúp ho.” (Lc 5:5-7).
Thái độ này đòi hỏi một đức tin lớn lao. Nhưng, trong lúc bị thử thách, đức tin của chúng ta cũng bị thử thách, và đây chính là lúc chúng ta cần phải tín thác vào Chúa nhiều hơn nữa. Như một chiến sĩ tinh thần, chúng ta phải “tiến bước nhờ đức tin, chứ không bằng thị giác” (2 Corinthians 5:7).
Ôi lạy Chúa, xin chạm đến linh hồn con và để Ánh Sáng Chúa đốt cháy lòng con. Xin giúp con nhận ra rằng chỉ qua việc tín thác và phó dâng cuộc đời trong tay Chúa mà con có thể hiểu được bình an thật, bình an mà chỉ có Chúa có thể ban cho, là gì. Amen
GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi
Viết Theo Nhật Ký của Thánh Faustina và Cẩm Nang Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa