Thứ Bảy Tuần 16 TN, Năm lẻ. Thánh Giacôbê Tông Đồ.
Bài đọc: 2 Corinthians 4:7-15; Matthew 20:20-28.
Con người bị bao vây bởi những yếu đuối về thể xác cũng như tinh thần: về thể xác: nghèo đói, bệnh tật, nguy hiểm, chết chóc; về tinh thần: ghen ghét, hận thù, tội lỗi. Tuy thế, lịch sử Giáo Hội không ngừng chứng minh: sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi những con người yếu đuối. Ví dụ: Phêrô chối Chúa 3 lần thành người điều khiển Giáo Hội, Phaolô nhiệt thành bắt bớ Đạo thành người nhiệt thành rao truyền Đạo, Augustino một thanh niên chơi bời hư hỏng thành thánh Giám-mục loan truyền tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa …
Các Bài Đọc hôm nay muốn làm sáng tỏ tư tưởng Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối và tội lỗi của con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh sức mạnh của Thiên Chúa như kho tàng chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối và tội lỗi của con người. Trong Phúc Âm, vì ham muốn quyền bính và địa vị, người mẹ của Giacôbê và Gioan xin với Chúa Giêsu cho hai con mình được một đứa ngồi bên phải và một đứa ngồi bên trái trong vương quốc của Ngài. Điều này gây sự ghen tị và chia rẽ trong hàng ngũ các môn đệ. Chúa Giêsu gọi các ông lại và chỉ dạy các ông con đường lãnh đạo: hy sinh chịu gian khổ và phục vụ mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.
1.1/ Kho tàng chứa đựng trong bình sành: Kho tàng là các hồng ân của Thiên Chúa và sức mạnh của Đức Kitô. Một sự phân tích những tư tưởng sau cho chúng ta thấy kho tàng của Thiên Chúa chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối của con người:
+ Bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp: Phaolô phải chịu bao áp lực nhưng ông vẫn có thể tìm cách thoát ra. Ví dụ: khi bị giam hãm trong lao tù, ông vẫn có thể cầu nguyện và kết hiệp với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa muốn, Ngài vẫn có cách để giải thoát ông nhiều lần.
+ Bị hoang mang, nhưng không tuyệt vọng: Nhiều lần trong đời, Phaolô cũng như chúng ta hoang mang không biết đâu là thánh ý Chúa để theo. Thánh Gioan Thánh Giá gọi đây là “những đêm tăm tối,” khi chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa; nhưng chúng ta vẫn dùng đức tin để vượt qua và tiến tới. Khi đã trải qua rồi, chúng ta nhìn lại và nhận ra sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
+ Bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi: Người môn đệ của Đức Kitô sẽ bị người đời ngược đãi: nói hành, bôi nhọ, bắt bớ, tù đày… vì họ không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian; nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Ngài hứa sẽ ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế, và Thánh Thần sẽ giúp họ biết phải nói gì và làm gì khi bị thế gian ngược đãi.
+ Bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt: Phaolô cũng như các tín hữu đã nhiều lần bị quật ngã: hoặc cách thể lý như bị ngược đãi bởi người đời, hoặc cách tâm linh như những lúc sa ngã phạm tội. Nhưng với sức mạnh và ơn thánh của Chúa, họ lại trỗi dậy, giao hòa với Chúa, và tiếp tục phấn đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Hiểu như thế, cuộc đời mỗi tín hữu là cuộc đời luôn vác thánh giá theo chân Đức Kitô, như Phaolô diễn tả: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.”
1.2/ Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Đức Kitô là người đi tiên phong mở đường cứu độ bằng cách mặc lấy thân xác yếu đuối của con người để rao truyền Tin Mừng, để huấn luyện các môn đệ trước khi sai đi, và hy sinh chịu gian khổ để chuộc tội cho con người.
Noi gương Đức Kitô, Phaolô và các môn đệ cũng đi theo con đường đó: Các ông được sai đi rao giảng Tin Mừng, thu thập và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sai đi, và cũng phải hy sinh chịu gian khổ để làm chứng cho Đức Kitô và cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Các môn đệ dám hy sinh tất cả cho dẫu phải đổ máu vì các ông biết rằng: “Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho các ông được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt các ông bên hữu Người.”
Các tín hữu sau khi đã nhận được đức tin từ Phaolô và các môn đệ lại tiếp tục tiến trình đó, và cứ như vậy cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Nếu tất cả đều trung thành với sứ vụ của mình và làm chứng cho Đức Kitô, toàn thế giới sẽ được nghe Tin Mừng và trở thành những môn đệ của Ngài. Lúc đó Nước Chúa sẽ trị đến, như Phaolô hy vọng: “Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.”
2/ Phúc Âm: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
2.1/ Tính mỏng giòn yếu đuối của con người:
(1) Lòng ham muốn địa vị: “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Zebedee đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”
Có sự khác biệt giữa hai trình thuật giữa Marcô và Matthew về biến cố này: Theo trình thuật của Marcô, chính hai anh em yêu cầu điều này với Chúa Giêsu. Theo trình thuật của Matthew, lời yêu cầu được làm qua người mẹ. Dù sao chăng nữa, đây cũng là điều yếu đuối rất thường xảy ra nơi con người: ai cũng mong được hơn người, có quyền hành và địa vị, và được người khác kính nể, phục vụ. Hai anh em không ngại đi theo Chúa, nhưng đi theo để đạt mục đích trần thế của mình.
(2) Lòng ghen tị khi thấy người khác hơn mình: “Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.” Điều này cũng là yếu đuối con người nữa: Dưới mắt các ông, chỉ có hai chỗ cao trọng nhất mà hai anh em nhà Zebedee đã giành, còn mình ngồi đâu? Hơn nữa, hai anh em cùng với Phêrô, thường được coi là những người “thân tín” của Chúa!
2.2/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa:
(1) Lãnh đạo bằng hy sinh chịu đựng gian khổ: Đức Giêsu bảo họ: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”
Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Lịch sử chứng minh Giacôbê cũng uống chén đắng của Chúa bằng việc tử đạo tạiJerusalem(Acts 12:1-2), và Gioan uống chén đắng bằng cách sống trung thành với Đức Kitô cho đến tuổi già.
(2) Lãnh đạo bằng khiêm nhường phục vụ tha nhân: Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng bao giờ nản chí khi phải đương đầu với yếu đuối của thân xác và sa ngã của linh hồn, vì sức mạnh của Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong chúng ta.
– Chúng ta phải sống theo chỉ đạo và đường lối của Thiên Chúa: lãnh đạo bằng hy sinh và phục vụ. Đừng sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian để đòi danh vọng và chức quyền.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP