CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN –B
Cv sđ 1: 1-11; T.vịnh 47; Êphêsô 1: 17-23 – (Êphêsô 4: 1-13); Maccô 16:15-20
Trong chúng ta, những người đọc các suy tư này đều là người được giáo dục khá tốt. Ngoài ra, những người đang phục vụ trong giáo xứ và nhà tĩnh tâm cũng đã được đào tạo trong lĩnh vực thần học, triết học, và mục vụ. Đang khi những người khác, không được đào tạo, nhìn chúng ta ở trên bục giảng hay khi chúng ta đứng dạy trong các lớp giáo lý, họ xem chúng ta là những người “được giáo dục” theo cách của Thiên Chúa. Xét trên nhiều phương diện, chúng ta đúng là thế. Nhưng, khi chúng ta suy tư về bài đọc thứ hai hôm nay, chẳng phải chúng ta phải khiêm nhường vì thấy mình nhỏ bé và tầm thường trong sự hiện diện của Đức Kitô được mô tả trong bản văn dài và phức tạp của tác giả thư Êphêsô viết đó sao?
Tác giả không phải viết ra để làm chúng ta bẽ mặt hay cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng để khẳng định sự cao cả của Thiên Chúa hiện cho chúng ta trong Đức Kitô. Việc nghe bài đọc không ngăn cản nhưng khơi dậy lên trong chúng ta khao khát tìm hiểu nhiều nhiều hơn những gì chúng ta đã biết về Thiên Chúa và Đức Kitô, Đấng “vượt trên mọi quyền lực thần thiêng và mọi tước vị có thể có được.” Đức Kitô được đặt trước chúng ta đây không phải là Đức Giêsu của Tin mừng, nhưng là “đầu của mọi sự”. Đức Kitô vượt trên mọi quyền lực, “không chỉ thời đại này mà cả trong tương lai.”
Khi cầu nguyện và suy niệm về Đức Giêsu của Tin Mừng, chúng ta nhận biết Đấng đã mang lấy xác phàm và nên giống chúng ta “về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi.” Nhưng bài đọc trích thư Êphêsô nhắc chúng ta về quyền năng lớn lao mà Đức Kitô dùng để bênh đỡ và nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta yếu kém, Người luôn mạnh mẽ. Khi chúng ta là lầm lạc hay ngờ vực, Thiên Chúa chúng ta (“Chúa của vinh quang”) ban cho chúng ta Thánh Khí khôn ngoan để giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô và quyền năng cao cả của Người dành cho chúng ta”.
Tác giả thư Êphêsô đưa ra một hình ảnh khác khi mô tả quyền năng “vĩ đại khôn lường” của Đức Kitô. Lý do thư Êphêsô nhắm vào quyền năng lớn lao của Đức Kitô là vì hội thánh Êphêsô đang phải đấu tranh và bị khủng hoảng. Hội thánh bấy giờ và hội thánh hiện nay, cần nghe sự an ủi nơi thư Êphêsô, mà Chúa Kitô toàn năng sẽ không để chúng ta ra đi, nhưng sẽ bao bọc và hướng dẫn chúng ta cùng với lời hứa ban “Thần khí khôn ngoan”. Điều này làm chúng ta vững dạ trong những ngày này, Hội thánh phải đấu tranh với cả bên trong lẫn bên ngoài là “lãnh thần và quyền thần”.
Những người tôi gặp trong chuyến tham quan giáo xứ nói về sự mỏng dòn hiện nay của Giáo Hội. Họ bày tỏ sự thất vọng về cách làm việc gần đây của giáo quyền; việc phân chia trong cộng đoàn giáo xứ về thực hành phụng vụ, sự mất mát của số thành viên thuộc giáo phái chính thống địa phương, những phụ nữ cảm thấy tham gia những quyết định ảnh hưởng đến cộng đoàn giáo xứ đang, các cha xứ phải làm việc quá sức và căng thẳng vì tình trạng thiếu linh mục. Tôi chắc rằng chúng ta có thể liệt kê ra nhiều nữa những vấn nạn của Giáo hội ngày nay.
Thư Êphêsô được viết khoảng năm 80 -100 sau CN, thời đó cũng đầy dẫy những chia rẽ như thời chúng ta. Phần lớn những người dân ngoại trong hội thánh sơ khai này đối xử thô bạo với các thành viên Kitô hữu Do Thái. Vì vậy, tác giả, nói với thời điểm đó và cả thời đại chúng ta, kêu gọi các Kitô hữu hãy nhớ rằng Đức Kitô là đầu, còn chúng ta là thân mình Đức Kitô và bản chất thực sự của hội thánh là một cộng đoàn phổ quát và không loại trừ.
Trong sách Công vụ tông đồ, tác giả Luca ghi lại những chia rẽ trong cộng đoàn cũng như bách hại từ bên ngoài. Do đó, các môn đệ nóng lòng muốn hỏi Đức Giêsu, mà có lẽ chúng ta thời nay cũng thế, “thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Hoặc, như nhà thơ Yeats diễn tả trong bài thơ: [“cuộc tái lâm”], “Chắc chắn mặc khải đã đến gần; Chắc chắn cuộc Tái Lâm đã rất gần”. Chúng ta chán nản về sự hổ lốn của thế giới và chúng ta tìm kiếm sự khuây khỏa. Hẳn rằng thời mà Đức Kitô trở lại trong sự viên mãn là lúc này đây! Nhưng cho đến khi Đức Kitô trở lại, cuộc sống chúng ta phải phản chiếu sự thánh thiện của Người và chúng ta phải sống sứ vụ của mình để truyền bá Tin mừng và sự phục vụ, như đôi tay và đôi chân của Người, cho cả thế giới.
Đức Giêsu trả lời môn đệ: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt.” Xem ra tình thế cấp bách này không phải đến với thế giới đã mệt mỏi của chúng ta. Thế còn chúng ta thì sao? Thánh Luca tác giả sách Công vụ Tông Đồ, tác giả thư Êphêsô và thánh Maccô, hôm nay, khuyến khích chúng ta bằng một sự bảo đảm tương tự. Đức Kitô hiển trị và ban cho chúng ta Thánh Thần để củng cố và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta ở đây và bây giờ. Chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng, bất chấp những dấu chỉ trái ngược trong thế giới. Thế giới chúng ta là một thế giới bị đổ vỡ và chúng ta tự hỏi, khi nào các mảnh vỡ sẽ kết lại để hình thành thế giới mới mà Đức Kitô đã hứa với chúng ta. Chúng ta tin tưởng vào lời Đức Giêsu nói trong sách Công vụ: Thánh Thần sẽ đến và tiếp tục biến đổi chúng ta thành môn đệ trung kiên của Chúa.
Trong bài Tin Mừng của thánh Maccô hôm nay, Đức Giêsu rời bỏ các môn đệ để tiếp tục sứ mạng của Người. Sứ vụ mà các môn đệ thực hiện sẽ rất đặc biệt bởi vì, từ bên hữu Thiên Chúa, Chúa sẽ trợ giúp các môn đệ và xác nhận lời rao giảng của các ông cùng với những phép lạ kèm theo.
Khi tôi sống ở Tây Virginia có giáo xứ đã áp dụng rất máy móc giáo huấn của Đức Giêsu vào việc chọn bài Tin mừng hôm nay. Các thừa tác viên sẽ vào thùng và bắt rắn độc giơ lên trước cộng đoàn. Một số cha xứ thậm chí còn chứng tỏ niềm tin của mình bằng cách uống độc dược. Không phải tất cả những nỗ lực của niềm tin kiểu này có kết thúc tốt đẹp. Sau đó, chúng ta phải hiểu những lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trước khi Người rời khỏi họ? “Họ sẽ cầm rắn trong tay, và nếu họ có uống phải bất kì độc dược nào, cũng sẽ không hề hấn gì.”
Trong hình ảnh sống động, Đức Giêsu trao quyền cho các môn đệ, hầu các ông có thể nhờ đó để hoàn thành sứ mệnh Người đã ban trước khi Người được cất lên trời. Đã bao giờ, trong cuộc đời, quý vị thấy dấu chỉ của quyền năng như các môn đệ của Đức Giêsu chưa? Người trợ giúp chúng ta khi chúng ta hay tha nhân vượt qua “những cám dỗ” của nghiện ngập, ích kỷ và bạo lực. Chúng ta nói bằng “ngôn ngữ mới” khi cố gắng hiểu những người khác với chúng ta. Rắn là một biểu tượng cổ xưa của cái ác; chúng ta nhớ đến cám dỗ được mô tả trong sách Sáng thế. Cầm “rắn” là chúng ta chấp nhận gặp rủi ro để đương đầu với tệ nạn hôm nay – nạn đói, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chứng sợ đồng tính, phân biệt đối xử với người nghèo,… Dù cho chúng ta phải đương đầu với những rủi ro, chúng ta sẽ không sợ hãi, vì sức mạnh của Đức Kitô sẽ trợ giúp chúng ta, và vì vậy chúng ta, những môn đệ của Người, được sai vào cả thế giới để “loan báo” Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. ”
Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp