Sửa Bảo Huynh Đệ

Bài Tin mừng hôm nay nói đến một trong những tính chất cơ bản của tình huynh đệ Kitô giáo, đó là sửa bảo nhau trong tình huynh đệ, vì “tất cả các bạn là anh chị em với nhau” (Mt 23,8). Vào thời Giáo hội sơ khai, tình “huynh đệ”, đời sống như “anh chị em” là một dấu chỉ rõ rệt nhất để người khác nhận ra những người có “cùng một Cha trên trời”. Tại Việt Nam, vào thời các thánh tử đạo, mọi người chung quanh đã gọi những người Công giáo là những người theo “đạo yêu nhau”; bởi lẽ họ không biết gọi tên gì khác thích hợp hơn; và cách gọi này phản ảnh được nếp sống các kitô hữu thời ấy.

Dường như Chúa Giêsu đã không thực tế khi nói về việc sửa lỗi? Bởi không dễ gì “lên mặt dạy đời”; không dễ gì nói với một ai đó về một khuyết điểm có thật của họ. Thường thì người ta dễ dàng nói sau lưng về những sai sót, khuyết điểm của người khác. Hơn nữa, trong thời đại lối sống “mackeno” (mặc kệ nó) phát triển, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; lời khuyên sửa lỗi cho nhau lại trở nên cực kỳ khó khăn. Phải hiểu thế nào và thực hành ra sao những lời Ðức Giêsu nói đây?

Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa tất yếu đòi phải “yêu mến anh chị em” mình. Chúng ta là con cái Thiên Chúa nên cũng là anh chị em với nhau. Sửa bảo huynh đệ là sự quan tâm chăm sóc cho nhau.

Tình yêu người đích thực sẽ có khả năng biến đổi một con người, làm đảo lộn một lối sống. Sửa bảo huynh đệ là một trong những lối diễn tả tình yêu đích thực, nhờ lòng thành thực, tình yêu thương; và như thế, người có khuyết điểm sẽ dễ sửa đổi hơn.

Tình yêu đích thực của người kitô hữu sẽ có sức cứu độ; vì “Cha trên trời không muốn cho một trong những kẻ bé mọn này phải hư đi”. Sửa bảo huynh đệ tức là muốn sự tốt lành nhất cho người khác, muốn họ trở nên người con thảo của Cha trên trời.
Tuy nhiên, “thuốc đắng cần phải bọc đường”.

Lạy Chúa Giêsu,

Ước gì con có thể yêu Chúa

bằng một trái tim sốt mến, (…)

Ước gì con cũng có thể yêu mến anh em

bằng một trái tim nhân từ,

niềm nở, thủy chung, (…)

Ước gì con biết yêu anh em,

như Chúa đã yêu họ,

như Chúa đã yêu con.Dựa theo Jean Dozolme

Lm. An phong, OP