Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi (Mt. 18,15).
Khởi đầu mỗi thánh lễ, có phần nghi thức ăn năn sám hối tội lỗi. Chúng ta đọc kinh cáo mình và kêu van rằng: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Rồi chúng ta nài xin Đức Maria và các thiên thần, các Thánh và anh chị em khẩn cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Trong kinh sám hối thì tâm tình rất sâu đậm và sốt sáng. Trở lại thực tế cuộc sống thì những tâm tình sám hối lại biến mất. Chúng ta lại phàn nàn: Lỗi tại tôi nhưng lôi thôi tại bà. Lỗi tại tôi nhưng luôn luôn có chữ “nhưng mà” hay “bởi vì” để làm nhẹ bớt cho sự sai lỗi của mình. Ít khi chúng ta nhận lỗi của mình ngay lập tức vì chúng ta sợ. Sợ mất danh dự, sợ mất tiếng tốt, sợ bị phát hiện sự thật và sợ phải nghe sự phê bình. Có nhiều cách thế dẫn đến sự sai lỗi lắm. Có khi làm lỗi vì mình không biết, có khi hiểu lầm hoặc vì yếu đuối rơi vào cơn cám dỗ.
Sửa lỗi thì khác sửa lưng hay phê bình chỉ trích. Sửa lỗi để giúp nhau nên hoàn thiện. Nhân vô thập toàn. Con người ai cũng có lỗi lầm, nên sửa lỗi là việc thường tình và cần thiết. Được người khác sửa lỗi cho mình là một cơ may hạnh phúc. Sách châm ngôn dạy rằng: Coi khinh lời nghiêm huấn ắt phải nghèo phải nhục, tuân giữ lời sửa dạy hẳn sẽ được hiển vinh (Cn. 13,18). Có nhiều cách giúp người khác sửa lỗi. Cách chân thực nhất phải có tình bác ái yêu thương. Sửa lỗi không phải để làm bêu xấu hay hạ phẩm giá người khác. Đôi khi thay vì sửa lỗi người khác, chúng ta lại rêu rao sự xấu cho mọi người biết để chê cười. Chúa Giêsu dạy rằng sửa lỗi phải rất tế nhị và đi từng bước một. Gặp gỡ riêng tư để thuyết phục, nếu chưa giải quyết được thì phải nhờ một vài nhân chứng khác và nếu tình trạng tệ hơn, khi đó mới viện đến quyền của Giáo Hội. Muốn mọi việc xuôi chảy, chúng ta cần sự cầu nguyện, lòng khiêm nhường, cử xử với lòng bác ái và biết lắng nghe. Nhờ đó chúng ta có thể thắng được lòng người anh em.
Trong sách Châm Ngôn đã dạy bảo những lời khôn ngoan: Vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống (Cn. 6,23). Răn bảo và sửa lỗi là giúp nhau nên hoàn thiện. Đôi khi chúng ta ngại ngùng giúp người khác sửa lỗi. Vì nói lên sự thật thì hay mất lòng. Và cũng chẳng mấy ai muốn nghe những lỗi lầm của mình. Chúng ta thường chỉ nhận lỗi khi bị bắt quả tang hay có những vật chứng, nhân chứng sự thật. Một trong những lỗi mà con người hay phạm nhất đó là sự dối trá. Sự lừa dối được ẩn nấp sau nhiều chiêu bài. Dối trá gây ra biết bao bi kịch và thảm cảnh ở đời. Gây phá sản từ đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Có người hãnh diện vì mình đã gian dối vượt qua được nhiều nhân viên, cơ quan công quyền và chính phủ. Thiên hạ dối gian đủ điều để được lợi cho cuộc sống tạm này. Gian dối, lừa lọc đưa đến các thứ hàng giả. Giả dối quen rồi, chúng ta chẳng còn biết đâu là thật, là giả nữa. Lương tâm không còn bén nhậy với những phán đoán ở đời.
Chúng ta biết sự dối trá bắt nguồn từ ma qủy và sự dữ. Thư của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Galata đã viết: Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối (Ga. 8,44). Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc của ma quỷ. Chúng ta sẽ được tự do trong lương tâm và sống trong sự bình an đích thực. Đầu mối của sự dữ đều bởi sự gian dối và lừa lọc mà ra.
Lắng nghe theo lời sửa dạy của người khác là một mối lợi. Sự sửa dạy sẽ làm cho chúng ta trưởng thành trong nhân cách, xử thế và sống đạo làm người. Chấp nhận lời sửa dạy sẽ giúp chúng ta nên người hơn: Yêu lời nghiêm huấn là yêu tri thức, ghét lời sửa dạy là dại dột ngu si (Cn. 12,1). Sự nhắc nhở, uốn nắn và hướng dẫn của người khác sẽ giúp chúng ta nên khôn ngoan: Kẻ ngu khinh lời cha nghiêm huấn, ai giữ lời sửa dạy sẽ nên khôn (Cn. 15,5). Kho tàng sự khôn ngoan nằm trong nền văn hóa, truyền thống và tục lệ của cha ông để lại. Hơn nữa chúng ta còn có nguồn mạc khải từ chính Thiên Chúa hướng dẫn con người qua các lời dạy dỗ trong Kinh Thánh: Người giữ lời nghiêm huấn thì đi trong sinh lộ, kẻ khinh lời sửa dạy ắt sẽ bị lạc đường (Cn. 10,17).
Chúa Giêsu đã không vị nể, Ngài đã thẳng thắn dạy dỗ và sửa lỗi các môn đệ. Khi Phêrô hiểu sai đường lối và ý định của Chúa: Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”(Mt. 16,23). Khi ra truyền đạo, ông Phêrô thường dùng bữa với dân ngoại nhưng khi các môn đệ khác đến, ông đã tránh né và tự tách mình ra. Phaolô đã thẳng thắn góp ý với Phêrô: Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kêpha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? “(Gal. 2,14).
Kinh nghiệm trong cuộc sống đời thường, tất cả các vật dụng máy móc bị hư hay trục trặc nho nhỏ, chúng ta cần phải sửa chữa để có thể dùng lại. Nếu hư tới mức tàn tạ thì đành phải bỏ đi. Con người thể xác cũng có khi rơi vào những triệu chứng bất thường. Có những bất an trong cơ thể như lục phủ ngũ tạng bị khuất động, máu huyết không đều, xương cốt rụng rời, đau mình ê ẩm, nhức mỏi châu thân, tất cả đó là những triệu chứng bất thường, cần được khám bệnh và chữa trị. Về phần đời sống tinh thần và tâm linh thì rắc rối hơn nhiều. Chúng ta sống là sống cùng và sống với người khác nên có nhiều vấn đề nẩy sinh. Các lỗi lầm có thể gây nên qua tư tưởng, lời nói, thái độ và việc làm. Biết rằng con người lỗi phạm là truyện thường tình. Ai nói mình không phạm lỗi là người nói dối: Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta (1Ga. 1,10).
Không ai trong chúng ta là người chỉ đạo dẫn đường tuyệt hảo. Chúng ta cần học hỏi và chỉ bảo lẫn nhau. Nếu chỉ dựa vào sự hiểu biết và khả năng riêng của mình để phán đoán người khác, đôi khi chúng ta cũng bị sai lầm. Vì các quan điểm sống chỉ là tương đối theo sự hiểu biết của từng thời đại. Có điều đúng vào thời điểm này nhưng lại không thích hợp trong hoàn cảnh khác. Quan niệm sống của người Á Châu khác người Mỹ Châu, người Âu khác người Úc hay Ấn… Muốn sửa đổi, biến đổi hay thay đổi người khác theo tục lệ của mình thì không dễ. Dù sao đời sống nhân bản có những điểm chung về luật luân lý tự nhiên đã được khắc ghi trong tâm. Khi chúng ta hồi tâm dựa vào các giới răn của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra có những lỗi lầm đối với chính bản thân, đối với người khác và đối với Thượng Đế. Mọi sai trái lỗi lầm đều có nguyên nhân và hậu qủa. Có những lỗi lầm gây hậu qủa không tốt cho tha nhân nên cần được sửa đổi. Chúng ta đừng khinh thường sự sửa dạy của kẻ khác: Kẻ rời xa đường ngay chính sẽ bị nghiêm trị, ai khinh thường lời sửa dạy sẽ phải mạng vong (Cn. 15,10). Hãy mang ơn những người dám nói sự thật và sửa dạy chúng ta. Sửa lại lỗi lầm là điều đáng khuyến khích.
Chúng ta không thể lên thiên đàng hưởng phúc một mình. Cần có tha nhân cùng tiến bước trong cuộc lữ hành trần thế. Giúp nhau nên công chính và hoàn thiện là trách nhiệm của mỗi người.Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo đoàn Galata sống bác ái và nhiệt thành: Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ (Gal. 6,1). Sửa lỗi cho anh chị em vừa là một trách nhiệm, bổn phận, việc bác ái và còn được công đức nữa. Thơ của thánh Giacôbê tông đồ khuyên dạy các tín hữu giúp đỡ anh chị em trở về: Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình (Giac. 5,19-20).
Chúng ta là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta cùng tuyên xưng một niềm tin, một niềm hy vọng và cậy trông, cùng chia sẻ một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Chúng ta có bổn phận xây dựng đời sống chung nên tốt hơn, hoàn hảo hơn và thánh thiện hơn. Lời cầu nguyện là máng chuyển cầu ơn Chúa xuống trên chúng ta. Ơn sủng của Chúa sẽ giúp chúng ta kết hợp nên một thân thể trong Chúa Kitô. Tin tưởng vào lời Chúa đã hứa: Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó (Mt. 18,19). Chúng ta cùng cầu nguyện để được ơn hiệp nhất và ơn bình an.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng