Chúa nhật 2 mùa Vọng B
Mc 1, 1-8
Nếu Ngôn sứ Isaia từng mơ đến ngày toàn dân Israel được thoát cảnh lưu đày, mơ về thời thái bình thịnh trị trong vinh quang Thiên Chúa, mơ đến thời mà mọi thung lũng, núi đồi và những nơi lồi lõm hay gồ ghề sẽ được lấp đầy, bạt xuống và làm cho phẳng phiu,… thì nay, mơ ước đó đã trở thành hiện thực khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Vai trò của Gioan Tẩy Giả rất quan trọng trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Bởi ông không chỉ đơn thuần là “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”, nhưng còn là một hoa tiêu, dẫn đường chỉ lối cho toàn dân hoán cải để đón nhận ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa.
Trong Tin mừng, chỉ duy nhất thánh sử Luca đề cập đến nguồn gốc xuất thân của Gioan Tẩy Giả với hàng loạt sự kiện diệu kỳ. Cuộc đời và con người của ông được gắn kết với sứ mạng duy nhất là chuẩn bị cho “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Vì thế, sự hiện diện của Gioan Tẩy Giả báo trước một thời đại mới đang bắt đầu- thời đại thái bình thịnh trị, thời đại muôn dân sẽ được hưởng ơn cứu rỗi của Đấng Thiên Sai.
Vì là người đi trước mang sứ vụ Tiền hô cho Đấng Thiên Sai, Gioan Tẩy Giả không làm gì khác hơn là kêu gọi toàn dân trở về, thanh tẩy nội tâm, lãnh nhận phép rửa để đón nhận ơn cứu độ. Nhiệm vụ của ông được tóm gọn trong hai từ “tẩy giả”- kẻ thánh tẩy, cũng đủ nói lên tính cấp bách cần phải hoán cải trở về. Ông xuất hiện nơi “hoang địa” miền Giuđa, chắc là thung lũng sông Giođan để làm phép rửa cho dân chúng. Bởi chúng ta biết rằng, hoang địa ở đây được hiểu theo nghĩa thần học hơn là theo nghĩa điạ lý, nó phù hợp với lời loan báo của Ngôn sứ Isaia về tiếng gọi xuất phát từ miền hoang địa (x. Is 40, 3).
Là Ngôn sứ, nên lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả chỉ xoay quanh việc kêu gọi dân chúng hoán cải trở về, lãnh nhận phép rửa để được ơn tha thứ. Phép rửa của ông không giống với phép rửa trong nghi thức gia nhập đạo Dothái, cũng không giống như phép rửa của nhóm Étxêni và lại càng không như phép rửa của Chúa Giêsu. Chúng ta biết muốn gia nhập đạo Dothái, tân tòng sẽ phải dìm mình vào dòng nước để thanh tẩy mình. Còn ở đây, trong phép rửa của Gioan, kẻ lãnh nhận không thể tự mình dìm vào dòng nước mà phải do chính tay ông thực hiện; phép rửa của Gioan Tẩy Giả cũng không lặp lại hằng ngày như nhóm Étxêni chủ trương là mỗi ngày phải dìm mình vào dòng nước để thanh tẩy mình; phép rửa của ông cũng không giống như phép rửa của Chúa Giêsu. Bởi đơn giản rằng, phép rửa của ông chỉ là sự chuẩn bị cho dân đón nhận phép rửa đến từ Chúa Giêsu. Thế nên, phép rửa của ông không thể tha thứ tội lỗi mà chỉ là chuẩn bị cho ơn tha tội do Chúa Giêsu thực hiện nhờ cái chết và sự Phục sinh của Người. Phép rửa bằng nước của ông không thể sánh với phép rửa bằng Thánh Thần của Đấng Thiên Sai và vì thế, chính Đấng quyền năng này sẽ đem đến cho nhân loại ơn cứu độ.
Chúng ta thấy hiệu quả lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đã được toàn dân hưởng ứng. Dân chúng kéo đến và xin lãnh nhận phép rửa không chỉ vì lời rao giảng hùng hồn của ông, cũng không phải vì tò mò, thấy lạ nên đi theo cho vui, mà còn vì lối sống khiêm hạ, khắc khổ của ông nữa. Vâng, Gioan Tẩy Giả không chỉ rao giảng suông, đời sống nhiệm nhặt của ông cũng đủ minh chứng ông là một Ngôn sứ chính hiệu, là một Êlia mới. Ngày nay chúng ta thấy khoác trên mình bộ áo lông thú trong những ngày mùa đông giá lạnh; hay đi thưởng thức những món ăn như châu chấu hay mật ong nơi nhà hàng sang trọng được xem là mốt thời thượng, mắc tiền mà không phải ai cũng có thể tận hưởng được. Thời Gioan Tẩy Giả, bộ áo da thú được xem là bộ áo của khổ hạnh vì khoác trên mình bộ áo này chẳng khác gì khoác trên đó một chiếc áo dệt toàn đinh nhọn do những sợi lông thú sần sùi cắm vào da thịt. Cuộc sống khổ hạnh của Gioan Tẩy Giả không gì khác hơn là dấu chỉ để kêu gọi mọi người ý thức hơn nữa sự cần thiết phải trở về, cần thiết phải chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
“Hãy sám hối để được ơn tha tội”, lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả được lặp lại trong Mùa Vọng này như một nhắc nhớ cần thiết cho mỗi người chúng ta. Sám hối phải là một thái độ sống của người Kytô. Sám hối phải là một sự trở về, là sự đổi mới, là sự từ bỏ mọi sự cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng. Có được thái độ sám hối như thế, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn luôn sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến viếng thăm. Chờ đón trong tinh thần sám hối và cầu nguyện chứ không phải là thái độ thụ động, sợ hãi và chán chường. Chờ đón trong hy vọng và bình an, trong hân hoan vui mừng.
Ý thức rằng chỉ có sám hối và trở về nẻo chính đường ngay nơi tâm hồn mỗi người mới là điều cốt yếu chứ không phải là sự trang hoàng lộng lẫy, tốn tiền cho những hang đá, cho những cây Noel. Mùa Vọng chỉ thực sự ý nghĩa khi mỗi người biết cải hoán đời mình, từ bỏ những chướng ngại thế trần cản lối ta đến gặp Đấng Thiên Sai.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb