“Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” là một chủ đề rất lớn, bao hàm nhiều ý nghĩa và việc làm, đặc biệt đối với người giáo dân Việt Nam. Chính vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khai triển chủ đề này rất rõ trong Lá Thư Chung, đề ngày 01 tháng 5 năm 1980. Có thể coi chủ đề “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” là kim chỉ nam sống động và hữu hiệu cho mọi hoạt động mục vụ, là định hướng sống đạo cụ thể cho người giáo dân Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước (Thư Chung, số 8-14).
Ở đây, tôi không dám bàn luận về nội dung rất phong phú và đa dạng của Lá Thư Chung tuyệt vời này, mà chỉ xin chia sẻ một cảm nghiệm rất nhỏ bé của tôi trong việc “Sống đức tin giữa lòng dân tộc”.
Tôi được sinh ra và lớn lên sau ngày khai sinh của Lá Thư Chung năm 1980. Tôi là người Công giáo Việt Nam. Tôi yêu mến đạo Chúa và cũng yêu mến đất nước này. Tôi được lớn lên và trưởng thành cùng với tinh thần “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”. Mỗi ngày qua đi, Lời Chúa và các Bí tích được âm thầm gieo vãi trong tâm hồn tôi, làm nảy sinh những hoa trái đức tin giữa đời thường. Tôi coi việc sống đẹp giữa đời thường là hoa trái của đức tin. Vì thế, đức tin và đời sống hòa quyện vào với nhau, thanh luyện con người tôi và hình thành nhân cách đức tin của tôi giữa đời thường.
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được lớn lên trong bầu khí đạo đức của gia đình. Lũy tre làng của xóm đạo là thành lũy bảo vệ tôi. Ngày đêm tôi được bao bọc, nuôi dưỡng và lớn lên trong bầu khí linh thánh, rất êm đềm và sâu lắng. Đức tin của tôi cũng được chăm chút từng bước một cách cẩn trọng. Tôi được dạy phải can đảm tuyên xưng đức tin giữa đời thường một cách cụ thể, như sống công bằng, thật thà, ngay thẳng; sống bác ái, yêu thương phục vụ mọi người; nhất là luôn nhớ đến Chúa trước-trong-và sau mỗi công việc mình làm.
Ngày còn nhỏ, ở với cha mẹ, đi học phổ thông, tôi được nhắc bảo phải nhớ đến Chúa mỗi khi vào lớp học. Cha mẹ tôi nói: “Trước đây, trường học của mình luôn có cây Thánh giá treo ở trong lớp học; và các học sinh phải nghiêm trang đọc kinh trước mỗi giờ học và khi tan học, bây giờ không còn nữa. Nhưng là con Chúa, dù mình không còn hình thức đạo trong nhà trường, thì vẫn phải giữ tinh thần đạo của người con Chúa”. Lời khuyên ấy như dòng sữa đức tin thấm sâu vào tim óc tôi, nuôi dưỡng đức tin của tôi đi cùng năm tháng. Từ ngày ấy tôi vẫn cố gắng giữ việc thánh hóa giờ học, bằng việc nhớ đến Chúa và âm thầm ghi Dấu Thánh Giá trên trán mỗi khi vào lớp.
Thấm thoát đến nay đã hai mươi năm rồi. Nhất là hai năm gần đây, kể từ ngày tôi bước chân vào cổng trường đại học. Ngay từ giây phút đầu tiên ngỡ ngàng bước chân vào đại học, tôi đã tự hứa với chính mình: “Hãy nhớ đến Chúa trước mỗi giờ học, cụ thể là làm dấu Thánh giá”. Tôi phải dốc lòng như thế, bởi vì hiện nay, người ta không còn trông thấy sự hiện diện của ảnh tượng Thánh giá Chúa nơi các trường học và các công sở. Khi xa nhà, xa lũy tre làng của xóm đạo, chẳng còn ai nhắc nhở mình “sống đức tin giữa lòng dân tộc” nữa, nên tôi phải tự nhủ mình, tự mình quyết tâm và tự mình kiểm tra đức tin của chính mình.
Tôi thấy giới trẻ ngày nay ít lưu tâm đến tôn giáo, ít đề cập đến các vấn đề thuộc lãnh vực thiêng liêng và luân lý, nhất là trong môi trường học đường. Nơi đây qui tụ “những người sẽ làm chủ đất nước và Giáo hội”. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Họ thuộc đủ mọi thành phần tôn giáo. Hình như ai cũng như ai. Người Công giáo cũng như người không Công giáo, họ có cách sống, học tập và sinh hoạt y như nhau. Cho nên “sống đức tin giữa lòng dân tộc” là một thách đố lớn lao. Phải làm sao sống đức tin và rao truyền đức tin trong môi trường vắng bóng Thiên Chúa này? Nếu ta để mình bị đồng hóa như người không có đức tin, thì chính mình đã đánh mất “tính Công giáo” của mình rồi.
Vì thế lúc này đây tôi ước ao, ít ra là trong phạm vi nhỏ bé của tôi, nơi khung trời đại học này, là tôi phải làm một cử chỉ cụ thể để làm chứng cho Đức tin Công giáo của tôi. Tôi cố gắng sống cho các bạn của tôi thấy rằng: Tôi tin tưởng vững chắc nơi Tình Yêu của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, là Cha của tôi, là Đấng Cứu Độ duy nhất mà tôi tôn thờ. Chính Chúa là Chủ Tể mọi cuộc sống và đang điều khiển lịch sử loài người, trong đó có dân tộc của tôi. Tôi tin như thế và tôi muốn biểu lộ ra bên ngoài niềm tin của tôi.
Thú thực, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy có chút e dè và lo sợ. Bởi lẽ tôi là người Công giáo lạc lõng giữa các bạn không cùng tôn giáo. Nơi đây, bầu khí đại học có vẻ như “vô thần”, có nhiều tư tưởng không phù hợp với giáo lý Công giáo, khiến tôi hơi ngại ngùng. Nhiều khi tôi suy nghĩ vu vơ rằng: Biết đâu cử chỉ tuyên xưng đức tin của tôi, thay vì được hiểu đúng, thì lại bị chê bai và bị gán ghép cho danh hiệu “mê tín”, “lạc hậu”, “người cõi trên”! Dầu có lúc nghĩ ngợi mông lung như thế, nhưng tôi vẫn cương quyết thi hành tâm nguyện từ thuở ban đầu: “Sống đức tin giữa lòng dân tộc”
Tôi nhớ lúc đầu, các bạn của tôi thấy tôi ghi Dấu Thánh Giá trên trán mỗi khi vào lớp, thì lấy làm lạ lắm. Có bạn tò mò nhìn tôi, hỏi “Làm gì vậy?”. Tôi nhận được nhiều “cái nhìn thiếu thiện cảm”, nhiều “cái nhếch mép mỉm cười”, nhiều “tiếng cười khúc khích sau lưng”, nhiều “tiếng xì xầm bên tai”… Nhưng chỉ một thời gian sau, nhờ quyết tâm sống đẹp với các bạn, giúp đỡ các bạn ôn tập bài vở, sống hòa nhã, tận tâm chu toàn trách nhiệm, học tập tốt… dần dần họ đã biết tôi là người Công giáo, là “người đi nhà thờ”. Từ đó không còn ai thắc mắc điều gì nữa. Đối với các bạn của tôi, thì đó là “sống đẹp giữa đời thường”. Còn tôi, thì phải hơn thế nữa, đó là “sống đức tin giữa lòng dân tộc”. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận nhau, cùng giúp nhau đi qua khung trời đại học một cách bình yên.
Từ đó tôi nghiệm ra điều này là: Thế hệ trẻ ngày nay không hoàn toàn bỏ rơi Thiên Chúa. Nhưng họ rất cần được nghe những lời nhắn nhủ cụ thể và tốt đẹp; nhất là họ mong được trông thấy trước mắt những hành động nêu cao đức tin, những việc làm biểu lộ đức tin sống động, vừa đơn sơ, dễ cảm nhận, vừa có sức thu hút tâm tình giới trẻ.
Bây giờ nếu có ai hỏi tôi: “Sống đức tin giữa lòng dân tộc là gì?” Tôi sẽ trả lời ngay, không một chút do dự: “Đơn giản thôi, sống đức tin giữa lòng dân tộc là cùng với Chúa, sống đẹp giữa đời thường”. Một ngày mới đã bắt đầu, cảm ơn Chúa. Hôm nay đức tin của tôi lại có dịp đi vào cuộc sống. Cùng với Chúa, tôi cố gắng sống đẹp giữa đời thường, để tuyên xưng đức tin.
Maria Vũ Nguyễn Ánh Hương