CHÚA LÀM THƯỜNG NIÊN (B)
Ed 2: 2-5; Tv 123; 2 Cr 12: 7-10; Mc 6: 1-6
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu cũng như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, cả hai đều là người không xa lạ trong việc giảng dạy dân chúng. Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta biết, cả hai đều là người địa phương. Đối với chúng ta, đôi khi cũng được mời lên phát biểu vài lời, hay để làm gương cho những người xung quanh, trong gia đình, trong xã hội hay trong cộng đoàn chúng ta.
Ê-dê-ki-en và những người khác ở Giê-ru-sa-lem bị đưa đi đày qua Babylon. Trong thân phận đi đày, Ê-dê-ki-en được Chúa gọi làm ngôn sứ cho dân chúng cùng đi đày với ông. Tại sao người đi đày lại cần ngôn sứ? Vì trong lúc bị đày, họ mất hy vọng vào Chúa, nhiều người bắt đầu thích nghi với đời sống lưu đày, đến khi có cơ hội để trở về quê hương, họ lại không muốn trở về quê cũ. Họ đã chấp nhận đời sống ở Babylon, và thậm chí đã thờ các thần của Babylon, họ cho thần Babylon mạnh mẽ, tốt hơn Thiên Chúa của Israel. Họ tự hỏi sao lại không gia nhập vào những người Babylon đang hùng mạnh, giàu có với những thần của họ.
Chúng ta có khác với những người đi đày ở Babylon chăng? Có phải chúng ta cũng đang sống ở vùng đất xa lạ? Có phải chúng ta vừa chấp nhận những giá trị của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng sống theo giá trị khác để thích nghi với đời sống xã hội và nên như những người cần cù, cũng như những công dân tốt. Và nếu có ai gợi ý giúp chúng ta thay đổi cách sống bằng hy sinh, sống theo đức tin, cầu nguyện và phục vụ, thử hỏi chúng ta có chấp nhận không? Hay cũng như những người đi đày ở Babylon, chúng ta đã thích nghi với đời sống xã hội và đã chấp nhận các giá trị và các thần của xã hội rồi?
Những người đi đày ở Babylon cần nhớ lại họ là những người đã được Chúa đưa ra khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, và bây giờ họ lại được hưởng tự do trở về quê quán. Nhưng họ không sẵn sàng nhận lãnh ơn huệ trở về với Chúa. Chúa than với Ê-dê-ki-en là dân Ngài cũng cứng đầu như tổ tiên của họ. Dù thế, Chúa vẫn gọi Ê-dê-ki-en làm ngôn sứ cho Ngài để nói với họ. Chúa không bỏ chúng ta, và đã gởi hết ngôn sứ này đến ngôn sứ khác để thức tỉnh chúng ta.
Ơn gọi làm ngôn sứ không phải là một lời thì thầm gợi ý trong lòng. Hình như Ê-dê-ki-en cảm nhận được mãnh lực của lời mời gọi đó. Ê-dê-ki-en nói: “…và Tiếng đó bảo tôi: Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây, một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng…”. Chúa hoạt động mãnh liệt và đầy quyền năng để mời gọi một dân tộc đã quay lưng với Ngài.
Tôi tự hỏi, Ê-dê-ki-en đang làm gì lúc Chúa “vực ông đứng dậy”? Có người nói là ông đang quỳ gối than khóc cho số phận dân tộc mình. Có lẽ ông là một ngôn sứ yếu đuối sợ sệt. Và chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng cảm thấy sợ sệt trong một môi trường đối kháng, khi chúng ta phải nói lên sự thật mà xã hội chúng ta không thích nghe. Nếu chúng ta cảm thấy chúng ta đang ở trong trường hợp như Ê-dê-ki-en, là cần phải đứng dậy đương đầu với thế lực kình địch, thì chúng ta nên cầu xin để được như Ê-dê-ki-en là: “Lạy Chúa quyền năng, xin gởi Thần khí Ngài đến, giúp con đứng dậy. Xin Chúa của các Ngôn sứ, Chúa của Ê-dê-ki-en và Đấng Giêsu, giúp con nên như lời tiên tri giữa màn đêm của xã hội thời nay”. Sách Ê-dê-ki-en khơi dậy nơi tôi về lời cảnh cáo của Chúa: Dân Ngài không nghe lời ngôn sứ Ê-li-a mặc dù Chúa ban quyền năng cho Ê-li-a. Nếu Chúa gởi tôi đến với một dân tộc cứng đầu như vậy thì lời cầu nguyện của tôi sẽ là “Xin Chúa giúp con”. Và tôi chắc rằng trong anh chị em cũng có nhiều người ở trong trường hợp ấy
Chúa đã gọi chúng ta cũng như đã gọi Ê-dê-ki-en để nói lời Chúa trên mảnh đất lưu đày này, và có thật sự đây là mảnh đất lưu đày chăng? Thử hỏi một người sống đức tin có thể “cảm thấy như sống ở quê nhà” trên mảnh đất lưu đày? Ai có thể chứng minh được Chúa của dân Israel, đã đến giúp họ vào lúc họ là người di dân; giải phóng họ lúc bị nô lệ, phóng thích lúc bị giam cầm; cho thức ăn trên đường tìm tự do; và cho nơi cư trú nữa, thật là một dân tộc đã biết phó thác cho Chúa?
Tôi tự hỏi, có ai trong cộng đoàn chúng ta là những ngôn sứ để đem lời Chúa đến với mọi người? Có phải họ là những người phê phán chúng ta không tổ chức Phụng vụ đàng hoàng; than phiền về bài giảng; nhấn mạnh là cần phải có chương trình đón tiếp người mới gia nhập cộng đoàn làm những thành phần cũ khó chịu; họ đặt câu hỏi vì sao chúng ta không dùng vi tính để liên lạc với mọi người; thăm viếng an ủi người ốm đau; họ hăng hái soạn và đọc bài sách Thánh trong Phụng vụ và làm nhiều việc khác không?
Một phụ nữ đã mô tả con gái của bà như sau: “Cháu nó thích nấu ăn giống tôi”. Tôi trả lời “vậy là trái trên cây không rụng xa gốc cây được”. Đó là cách chúng ta thường nói nhiều về trẻ con giống cha mẹ, cả nết tốt lẫn nết xấu. Khi nào con cái chúng ta theo gương tốt của chúng ta thì chúng ta hãnh diện, và nhiều khi chúng ta ước mong các con hơn chúng ta nữa. “Con hơn cha là nhà có phước”.
Nhưng trong xã hội Chúa Giêsu thì lại khác. Con phải nối gót cha mẹ, theo nghề của cha mẹ, nhưng không vượt hơn cha mẹ. Nếu cha làm thợ mộc thì con trai cũng làm thợ mộc, chứ không làm gì khác. Khi dân chúng trong đền thờ nghe Chúa Giêsu giảng Kinh Thánh, họ thấy Ngài khôn ngoan, và muốn hoan hô Ngài, nhưng họ không làm như vậy. Dù sao đi nữa, Chúa Giêsu chỉ là con một ông thợ mộc, không thể khác được. Anh chị em có thấy họ gọi Chúa Giêsu là con bà Maria, chứ không gọi Chúa Giêsu là con ông Giuse. Thường thì con trai giống cha. Như vậy chứng tỏ họ nghi ngờ không biết ai là cha của Giêsu.
Đám dân chúng không muốn đón nhận một người địa phương có tài năng vượt trội. Chúa Giêsu nói thẳng vào mặt họ là người ngoài thấy rõ hơn người trong làng. Thật vậy, chúng ta khó lòng chấp nhận bị những người quen biết coi thường chúng ta. Tục ngữ Việt Nam có câu “Bụt chùa nhà không thiêng”. Do dân làng thiếu đức tin không nhìn nhận Chúa Giêsu nên Ngài không làm nhiều phép lạ tại nơi Ngài sống và rời bỏ làng để đi nơi khác.
Nhiều người nghĩ, sống đức tin rất khó với những người trong gia đình hơn là với những người ở nơi làm việc, hay với bạn bè. “Các con tôi đâu có nghe tôi”. Anh chị em tôi cho rằng tôi sống đạo quá cuồng tín. “Vợ tôi không chịu đi nhà thờ chung với tôi”. Và đây lời Chúa Giêsu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi…” (Mc 6,4)
Hôm nay chúng ta nhớ đến Ê-dê-ki-en. Nếu là ngôn sứ, dù ở nơi hội trường, hay trong gia đình, thì sẽ gặp khó khăn và có thể bị ruồng bỏ. Và lúc đó, chúng ta cần lời cầu nguyện xin Chúa gởi Thần Khí để giúp chúng ta “đứng dậy”, để chúng ta sống đức tin trên đất lưu đày này, và hơn nữa, để chúng ta có thể giúp những người lưu đày khác tìm đến Chúa và ước muốn sống theo Thánh ý Chúa.
Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP