Sống Linh Đạo Thánh Thể qua Giáo Huấn của Ba Vị Giáo Hoàng Hiện Đại
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Tại sao lại có những xung đột và chia rẽ trong xã hội, trong gia đình và nhất là trong các giáo xứ của chúng ta? Thưa vì tính cá nhân và ích kỷ của chúng ta. Điều này không thể tránh được bằng nỗ lực của con người. Trong bài giảng tại Ancona ngày 11 tháng 9 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã đưa ra một phương thuốc hữu hiệu cho vấn đề này: Thánh Thể. Ngài nói, “bất cứ ai có thể quỳ gối đón nhận Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể đều có khả năng nhìn thấy nơi tất cả những người khác cùng một Chúa, Đấng đã hiến mình để cứu độ chúng ta.” Chỉ khi thực sự hiểu và sống linh đạo Thánh Thể, chúng ta mới tránh được những xung đột này.
Để sống linh đạo Thánh Thể, chúng ta cần có một sự hiểu biết cơ bản về Thánh Lễ. Sự hiểu biết này có thể được tóm tắt trong bốn câu hỏi:
- Thánh Lễ là gì?
- Tại sao chúng ta tham dự Thánh Lễ?
- Chúng ta cầu xin Chúa điều gì khi tham dự Thánh Lễ?
- Chúa muốn chúng ta làm gì khi tham dự Thánh Lễ?
Để trả lời bốn câu hỏi trên, buổi hội thảo này sẽ trình bày tóm lược một số giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II và đặc biệt của ba vị Giáo Hoàng hiện đại về Bí Tích Thánh Thể và Thánh Lễ.
Thánh Lễ là gì?
Theo Công Đồng Vaticanô II thì các tín hữu khi “tham dự Hy Tế Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình.” (Lumen Gentium (LG), #11).
Công Đồng nói rằng Thánh Lễ là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu vì “trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế Thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó, khi lãnh nhận Đức Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau” (Sacramentum Concillium, #47).
Như vậy Thánh Lễ không những chỉ là một Bữa Tiệc Tưởng Niệm cuộc Vượt Qua của Chúa mà còn là một Hy Tế Tạ Ơn mà Chúa Giêsu đã uỷ nhiệm cho Hội Thánh cử hành để thông ban chính Mình cho chúng ta, để chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu và hợp nhất với anh chị em mình là chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô.
Tại sao chúng ta tham dự Thánh Lễ?
Chúng ta tham dự Thánh Lễ vì Thánh Lễ vừa là Bữa Tiệc Tưởng Niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, vừa là một một Hy Tế Tạ Ơn, trong đó chúng ta, nhiệm thể của Chúa Giêsu, cùng với Người dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa. Qua việc hiệp thông với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi thành một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể dự tiệc và dâng hiến chính mình nếu chúng ta không có mặt ở đó?
Hai yếu tố Tưởng Niệm và Hy Tế này không thể tách rời nhau được. Kinh Nguyện Thánh Thể nói rất rõ mục đích chính của Bữa Tiệc Tưởng Niệm là dâng lên Chúa Cha hy lễ hằng sống và thánh thiện để tạ ơn Ngài,
“Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, sự sống lại và lên trời vinh hiển của Con Chúa, đồng thời mong đợi Người lại đến, chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Chúa.” (Kinh Tạ Ơn III).
Qua việc tạ ơn này, chính chúng ta được nên một trong Đức Kitô và ở lại trong tình yêu Người.
“Chúa Giêsu là một ‘con người’, luôn luôn sống và hiện diện với chúng ta! Hãy yêu Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Người hiện diện cách hy tế trong Thánh Lễ, là điểu tái trình bày Hy Tế trên Thánh Giá. Tham dự Thánh Lễ có nghĩa là đi lên đồi Canvê để gặp Người, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.” (Gioan Phaolô II – Huấn Từ dành cho Giới Trẻ Ý, 8/11/1978).
“Bí tích Thánh Thể là tột đỉnh của hành động cứu độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, trở nên tấm bánh bẻ ra cho chúng ta, tuôn đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, để đổi mới tâm hồn, cuộc sống và cách chúng ta liên hệ với Người và với anh chị em mình…. Đi Lễ không phải chỉ để cầu nguyện, nhưng để Rước Lễ, bánh là Mình Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, liên kết chúng ta với Chúa Cha.” (Phanxicô, Triều Yết Chung, 5/2/2014).
“Thánh Thể mạc khải kế hoạch yêu thương hướng dẫn toàn bộ lịch sử cứu độ. Ở đó, ‘Thiên Chúa Ba Ngôi’, theo cơ bản là tình yêu, trở thành một phần hoàn toàn của thân phận con người chúng ta. Trong bánh và rượu mà qua đó Đức Kitô tự hiến mình cho chúng ta trong bữa tiệc Vượt Qua dưới hình thể bề ngoài của chúng, toàn thể sự sống của Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta và được chia sẻ với chúng ta một cách bí tích.” (Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, #8).
“Bí tích Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành động tự hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta … được đi vào chính động năng của việc tự hiến của Người.… Việc đứng trước tôn nhan Thiên Chúa trở thành sự kết hợp với Thiên Chúa qua việc thông phần vào hy lễ của Chúa Giêsu, cùng chia sẻ Mình và Máu Người.” (Bênêđictô XVI – Deus Caritas Est. #13).
“Đón Nhận Thánh Thể (Rước Lễ) có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu. ‘Các con hãy ở lại trong Thầy, cũng như Thầy ở trong các con’ (Gioan 15:4). Mối liên hệ ‘ở lại’ sâu thẳm và hỗ tương này giúp chúng ta nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng ngay dưới thế…. Sự hiệp thông Thánh Thể được Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta được ‘no nê’ Thiên Chúa dưới trần trong khi chờ đợi ngày kết hợp trọn vẹn với Ngài trên trời.” (Gioan Phaolô II, Mane nobiscum Domine, #19). “Với bí tích Thánh Thể, sự mật thiết trở nên trọn vẹn, sự gắn bó giữa Thiên Chúa với con người lên đến tột đỉnh” (Gioan Phaolô II, Triều Yết Chung, 11/10/ 2000).
“‘Tạ ơn’ trong tiếng Hy Lạp là ‘Eucharista’. Và đó là lý do tại sao Thánh Lễ là lời tạ ơn cao cả nhất dâng lên Chúa Cha, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con của Ngài cho chúng ta vì yêu. Đây là lý do tại sao thuật ngữ Thánh Thể bao gồm toàn bộ hành động ấy, hành động của cả Thiên Chúa lẫn con người, hành động của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và Người thật. (Phanxicô, Triều Yết Chung, ngày 5/2/2014).
Chúng ta cầu xin Chúa điều gì khi tham dự Thánh Lễ?
“Hội Thánh tha thiết ước ao rằng khi tham dự mầu nhiệm đức tin này, các Kitô hữu không ở đó như những khán giả xa lạ và nín lặng. Trái lại, nhờ thấu hiểu các nghi lễ và kinh nguyện, họ tham gia hành động thánh cách thành kính và tích cực cùng ý thức về những điều họ đang làm. Được Lời Chúa giáo huấn và bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, họ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và khi, không những chỉ nhờ tay linh mục, mà còn liên kết với ngài, hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô là Trung Gian, họ đạt đến mức viên mãn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.” (Sacramentum Concillium, #48).
Tại sao Của Lễ chúng ta dâng là Bánh và Rượu?
“Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”
Bánh là “công lao của con người”, và chân lý này chứa đựng toàn bộ trách nhiệm được trao phó cho đôi bàn tay và sự khéo léo của chúng ta; nhưng trước đó bánh cũng là: “hoa mầu ruộng đất”, nhận được nắng và mưa từ trời cao: đó là một món quà mà chúng ta phải cầu xin vì cất đi tất cả sự kiêu hãnh của chúng ta và giúp chúng ta có thể khẩn cầu với lòng khiêm nhường tín thác: “Lạy Cha… xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Matthew 6:11) (Bênêđictô XVI, Bài Giảng tại Ancona, 11/11/2011).
Để làm nên một tấm bánh, những hạt lúa phải được xay ra thật mịn, được trộn với nước và được nướng trên lửa hay lò nóng. Cá nhân tính của mỗi hạt lúa phải hoàn toàn biến mất. Mỗi người chúng ta là một hạt lúa, được cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta đã trở thành chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô khi được Rửa Tội. Nhưng nếu muốn thực sự trở nên thân mình Đức Kitô, chúng ta phải được nghiền nát và thanh lọc như bột trong một thúng bột, chúng ta phải được trộn lẫn với bột của những hạt lúa khác là anh chị em chúng ta trong Hội Thánh, Sau đó, nhờ nước Thánh Tẩy và quyền năng của Lửa Thánh Thần, chúng ta được kết hợp với chính Đức Kitô, để trở nên tấm bánh tinh tuyền dâng cho Chúa Cha trên bàn thờ.
“Chính Đức Kitô, trong sự hiệp thông Thánh Thể, biến đổi chúng ta nên Người. Trong cuộc gặp gỡ này, tính cá nhân của chúng ta … được giải thoát khỏi tính quy ngã và được đặt trong Con Người của Chúa Giêsu…. Khi Bí Tích Thánh Thể kết hợp chúng ta với Đức Kitô, chúng ta mở lòng ra cho tha nhân, làm cho chúng ta thành những chi thể của nhau: chúng ta … là một trong Người.” (Bênêđictô XVI, Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, 23/6/2011).
Vai Trò của Chúa Thánh Thần trong Thánh Lễ và trong Đời Sống chúng ta
Trong Kinh Tạ Ơn II, Hội Thánh long trọng khẩn cầu:
“Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
… Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Ðức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.”
Lời cầu khẩn Thánh Thần (Epiclesis) trong Kinh tạ Ơn II ở trên có hai phần. Trong phần thứ nhất trước khi truyền phép, Hội Thánh cầu khẩn Chúa Cha gửi Chúa Thánh đến để thánh hoá Bánh và Rượu mà chúng ta vừa dâng, biến chúng thành Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô. Vì trong Bánh và Rượu ấy chứa đựng Toàn Thể Đức Kitô, tức là cả Đầu và Thân Mình Người, nên sau khi Truyền Phép, Hội Thánh lại khẩn cầu cho chúng ta được được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.
Ý nghĩa này được thấy rõ hơn trong Lời Khẩn cầu Thánh Thần thứ hai của Kinh Tạ Ơn III:
“Xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Ðức Kitô.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa, để chúng con được thừa hưởng gia nghiệp cùng với các người Chúa đã chọn, nhất là với Ðức Trinh Nữ Maria …”
“Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc thông phần vào sự Hiệp Thông Thánh làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách đặc biệt và sâu xa, cho chúng ta nếm trước sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, là đặc điểm của bữa tiệc trên trời.” (Phanxicô – Triều Yết Chung 5/2/2014)
“Sự biến đổi về bản thể của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa đưa vào thụ tạo nguyên lý thay đổi triệt để, một loại ‘phản ứng hạt nhân’, …, một sự thay đổi mở đầu một tiến trình biến đổi thực tại, một tiến trình cuối cùng dẫn đến sự biến hình của toàn thể thế giới, đến mức Thiên Chúa sẽ trở nên mọi sự trong mọi người. (Bênêđictô XVI – Sacramentum Caritatis, #11).
“Trong những dấu chỉ khiêm nhường của bánh và rượu, được biến đổi thành Mình và Máu Người, Đức Kitô đi bên cạnh chúng ta như sức mạnh và lương thực của chúng ta trong cuộc hành trình, và Người giúp chúng ta trở nên các nhân chứng của hy vọng cho tha nhân.” (Gioan Phaolô II – Ecclesia de Eucharistia, 62).
“Qua bánh và rượu được thánh hiến, trong đó Mình và Máu Người thực sự hiện diện, Đức Kitô biến đổi chúng ta, đồng hóa chúng ta trong Người: Người cho chúng ta được cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người, giúp chúng ta, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, sống theo cùng một luận lý về hy lễ của Người, giống như những hạt lúa mì được kết hợp với Người và trong Người. (Bênêđictô XVI, Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, 23/6/2011).
Chúa muốn chúng ta làm gì khi tham dự Thánh Lễ?
Theo cả ba vị Giáo Hoàng, Chúa muốn chúng ta luôn sống Linh Đạo Thánh Thể cả trong và ngoài Thánh Lễ. Theo giáo huấn của các ngài thì Linh Đạo Thánh Thể cũng là Linh Đạo Hiệp Thông.
“Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta được mời gọi xét xem mình đã đạt tới một sự hiệp thông lý tưởng mà sách Tông Đồ Công Vụ đã minh hoạ một khuôn mẫu cho Hội thánh của mọi thời đại chưa?” (Gioan Phaolô II – Mane nobiscum Domine, #22).
“Linh đạo Thánh Thể không chỉ là tham dự Thánh Lễ, mà bao gồn toàn thể đời sống.…” Vì Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, nên phải được biến thành linh đạo, thành một cuộc đời sống “theo Thần Khí,” nghĩa là “không thích nghi với thế gian này, nhưng canh tân tâm trí để có thể phân biệt đâu là thánh ý Thiên Chúa, điều gì là tốt, đẹp lòng Chúa, và trọn hảo.” Trong Thánh Lễ, Chúa muốn chúng ta “hiến dâng thân xác mình như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (X. Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, 77, 83).
“Thực ra, từ Bí Tích Tình Yêu này phát sinh mọi cuộc hành trình đức tinn, hiệp thông và chứng tá thật sự (Phanxicô, Triều Yết Chung, 5/2/2014).
Thiên Chúa là Tình Yêu. “Bí Tích Thánh Thể giáo dục chúng ta về tình yêu này một cách sâu xa hơn; Thực ra, nó cho chúng ta thấy mỗi ngươi trong các anh chị em của chúng ta giá trị như thế nào trước mắt Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu hiến dâng Chính mình một cách đồng đều cho mỗi người, dười hình bánh và rượu. Nếu việc thờ kính Thánh Thể của chúng ta là thật sự, nó phải làm cho chúng ta lớn lên trong ý thức về phẩm giá của mỗi người.” (Gioan Phaolô II – Dominicae Cenae, #6)
“Sự Hiệp Thông Thánh Thể liên kết tôi với người bên cạnh tôi, và với người mà tôi có thể không có mối quan hệ tốt đẹp, nhưng cũng với anh chị em của tôi ở xa, ở mọi nơi trên thế giới.” (Bênêđictô XVI, Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, 23/6/2011).
Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì cách duy nhất để thực sự sống sự Hiệp Thông Thánh Thể là sống và quảng bá Linh Đạo Hiệp Thông cách rộng rãi trong Hội Thánh, từ gia đình, giáo xứ, giáo phận đến toàn thể Hội Thánh Hoàn Vũ (x. Gioan Phaolô II, Novo Millennio Ineunte, #43).
Linh Đạo Hiệp Thông
Hội Thánh trên cơ bản là một mầu nhiệm hiệp thông, một dân được nên một với sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc chia sẻ sự sống này của Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguồn cảm hứng cho tất cả mọi mối liên hệ Kitô giáo và mọi hình thức cộng đồng Kitô hữu…. Hiệp thông là hoa trái của sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, được thể hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô mà nhờ đó Hội Thánh được thông phần vào sự hiệp thông tình yêu của Thiên Chúa giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (X. Gioan Phaolô II, Ecclesia in Oceania).
Trong Novo Millennio Ineunte 43, Thánh Gioan Phaolô II viêt:
“Việc làm cho Hội Thánh thành ngôi nhà và ngôi trường dạy sự hiệp thông là một thách đố lớn mà chúng ta phải đối diện với trong thiên niên kỷ hiện đang bắt đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại những ước vọng sâu xa nhất của thế giới.
“Nhưng điều ấy có nghĩa gì trong thực hành? Ở đây cũng thế, chúng ta có thể sẽ nghĩ ngay đến những hành động cần phải thực hiện, nhưng đó không phải là sự thúc đẩy chính đáng mà chúng ta phải theo.
“Trước khi hoạch định những kế hoạch thực tế, chúng ta cần phải quảng bá một Linh Đạo Hiệp Thông, biến nó thành nguyên tắc hướng dẫn về giáo dục ở bất cứ nơi nào những cá nhân và Kitô hữu được đào luyện, ở bất cứ nơi nào những thừa tác viên bàn thánh, những người được thánh hiến, những người làm việc mục vụ được huấn luyện, ở bất cứ nơi nào các gia đình và các cộng đồng được xây dựng.
“Một Linh Đạo Hiệp Thông ám chỉ trước hết việc chiêm niệm của tâm hồn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong mình, và chúng ta cũng có thể thấy được ánh sáng của các Ngài chiếu rọi trên gương mặt của các anh chị em chung quanh chúng ta.
“Một Linh Đạo Hiệp Thông cũng có nghĩa là một khả năng nghĩ đến anh chị em mình trong đức tin trong sự hiệp nhất sâu xa của Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì thế như ‘những gì là một phần của tôi’. Điều này khiến chúng ta có thể chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, có thể biết họ muốn gì và đáp lại nhu cầu của họ, có thể cống hiến cho họ tình bằng hữu sâu xa đích thực.
“Một Linh Đạo Hiệp Thông cũng bao hàm khả năng nhìn thấy những gì tích cực nơi người khác, đón nhận nó và coi nó như hồng ân từ Thiên Chúa: không phải chỉ như một hồng ân cho người anh em hay chị em trực tiếp lãnh nhận nó, mà còn như một ‘hồng ân cho tôi’.
“Sau hết, một Linh Đạo Hiệp Thông có nghĩa là biết làm sao ‘nhường chỗ’ cho anh chị em mình, vác đỡ ‘những gánh nặng của nhau’ (Galatians 6:2), và chống lại những cám dỗ ích kỷ là những điều không ngừng bao vây chúng ta và gây ra sự tranh đua, ham danh vọng, nghi kỵ và ghen tương.
“Chúng ta đừng để mình bị ảo tưởng: trừ khi chúng ta đi theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu hiệp thông bề ngoài sẽ chẳng đưa đến mục đích gì. Chúng sẽ trở thành một thứ máy móc vô hồn, ‘những cái mặt nạ’ hiệp thông thay vì những phương tiện diễn tả và phát triển nó.”
Kết Luận
Như chúng ta thấy ở trên, theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì cản trở lớn nhất trong việc sống linh đạo Thánh Thể là tính ích kỷ (selfishness). Chính tính ích kỷ là nguyên nhân gây ra sự tranh đua, ham danh vọng, nghi kỵ và ghen tương là những điều làm chia rẽ cộng đồng chúng ta.
Đức Bênêđictô thêm rằng chúng ta cũng cần phải từ bỏ tính quy ngã (self-centeredness) mà sống quy Kitô. Khi sống quy ngã, tôi đặt “cái tôi” của mình làm trọng tâm, dùng nó làm tiêu chuẩn, bắt người khác làm theo ý mình, suy nghĩ giống mình và hành động như mình. Khi làm như thế Chúa Thánh Thần không thể biến tôi thành một chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô được!
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc tự cho mình là công chính (self-righteous). Những người này thường so sánh người khác với mình và phán đoán họ theo thành kiến hay tiêu chuẩn của mình. Họ không cần Thiên Chúa và không có chỗ cho Ngài trong lòng mình. Họ là Thiên Chúa!
Đức Phanxicô hỏi, “Khi chúng ta đi Lễ ngày Chúa Nhật, chúng ta sống nó như thế nào?” Ngài đưa ra ba dấu chỉ rất cụ thể để biết chúng ta sống và cảm nghiệm Bí Tích Thánh Thể ra sao:
- Cách chúng ta nhìn hoặc nghĩ đến người khác. Thánh Lễ mà tôi cử hành có đưa tôi đến việc thật sự coi tất cả mọi người như anh chị em không? Thánh Lễ có giúp tôi nhìn thấy khuôn mặt Chúa Giêsu nơi khuôn mặt họ không?
- Ơn cảm thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ. Đức Kitô đang hiến Mình và Máu Người trong Thánh Lễ để tha tội cho tôi. Tôi có đi Lễ một cách khiêm nhường để nhận được ơn tha thứ và sẵn sàng tha thứ cho người khác không?
- Mối liên hệ mật thiết giữa việc cử hành Thánh Lễ và đời sống của cộng đồng Kitô hữu. Thánh Lễ là hành động của Đức Kitô trên bàn thờ. Chính Người đang hiện diện và tụ họp chúng ta lại để nuôi chúng ta bằng Lời Người và sự sống của Người. Cho nên sứ vụ và chính căn tính của Hội Thánh tuôn ra từ Thánh Lễ, và luôn luôn được hình thành ở đó.
Ngài kết luận, “Một cuộc cử hành Thánh Lễ có thể được coi là hoàn hảo và xinh đẹp theo bề ngoài, nhưng nếu không dẫn đến gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, thì không thể đem một chất bổ dưỡng nào đến cho tâm hồn và đời sống chúng ta.”