Sống Trọn Vẹn Mùa Vọng trong Ơn Chúa.

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

Với Chúa nhật này, chúng ta đang bước sang tuần thứ II của Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta gia tăng niềm hy vọng bằng cách chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến cứu chuộc con người.

Nơi bài đọc thứ nhất, tiên tri Barúc gợi lên niềm hy vọng cho dân chúng Israel đang tản mác khắp nơi. Sau khi thành thánh Giêrusalem bị thất thủ, ông với một số người cùng với tiên tri Giêrêmia chạy trốn sang Ai Cập. Barúc kêu gọi dân chúng đừng mất niềm tin, niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Ông phác họa cho dân lưu đày thời gian nô lệ, lưu vong sắp kết thúc. Một thời đại huy hoàng của Giêrusalem đang gần kề. Và Giêrusalem sẽ vui mừng thấy mình trút bỏ được áo tang chế, mặc lấy áo vinh quang, đầu đội vương miện và hớn hở mở rộng tầm mắt, dang rộng đôi tay để nhìn xem và đón nhận con cái từ các nơi trở về. Đó là hình ảnh của Giêrusalem thiên quốc. Nơi đó, Chúa Giêsu Kitô là vua hiển trị các dân. Các nước tôn thờ Người, trở về với Người sau khi đã bị tội lỗi và sự dữ phân tán tản mác khắp nơi. Và muốn cho sự trở về được dễ dàng, cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được nhanh chóng: “Hãy san bằng những núi cao và những đồi gồ ghề. Hãy lấp đầy những hố sâu, những vực thẳm. Uốn cho ngay những con đường quanh co, hiểm trở, để mọi người vững vàng bước đi và cao rao vinh quang của Thiên Chúa”.

Qua hình ảnh tiên tri đó, Barúc kêu gọi chúng ta hãy hoán cải tâm hồn bằng cách hồi tâm, suy nghĩ về những việc hiện tại mình đang làm, để xem con đường của mình có ngay thẳng không? Không những quanh co, lên đèo, xuống hố, mà nhất là có phải là đường hầm không, con đường đi trong tối tăm và mờ ám?

Nơi bài đọc thứ hai trong thư gởi tín hữu thành Philipphê, thánh Phaolô mở ra con đường lạc quan trong công cuộc trở về cùng Thiên Chúa. Thánh nhân tin tưởng rằng Thiên Chúa đã hứa, để thực hành lời hứa thì việc gì Thiên Chúa đã bắt đầu, Người sẽ hướng dẫn cho đến hoàn thiện, nhất là trong đời sống của những kẻ tin nơi Người. Tin tưởng vào Thiên Chúa thì thánh Phaolô hết lòng tin tưởng. Nhưng điều ngài lo, ngài ao ước, ngài cầu nguyện, là làm sao cho mọi người biết thương yêu nhau, biết thông minh sáng suốt và biết phán đoán mọi sự. Việc yêu thương nhau còn gọi là bác ái, còn gọi là yêu người, sẽ dễ dàng thực hiện khi tất cả mọi người trong một cộng đoàn, một tập thể biết suy nghĩ đến hạnh phúc của nhau, biết sống vì ích lợi, vì sự thăng tiến của tập thể mình đang sống. Bao lâu còn những kẻ lộng hành, chèn ép, bóp nghẹt người khác, thì thánh Phaolô muốn mọi người phải biết sáng suốt phán đoán mọi việc. Một người bị ức hiếp một cách bất công mà tôi bảo người đó cố gắng bằng lòng chịu vì Chúa, yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ làm khốn mình, tức là tôi đồng lõa với kẻ làm điều gian ác, là tôi dùng tôn giáo như á phiện ru ngủ con người. Đành rằng Chúa đã dạy: “Chúng con hãy yêu kẻ ghét chúng con và làm lành cho kẻ làm khốn cho chúng con”, nhưng phải sáng suốt phán đoán như thánh Phaolô dạy, để phân biệt con người và điều ác người đó đang làm hại cho kẻ khác. Con người thì phải yêu thương cầu nguyện cho họ, mong cho họ cải tà qui chánh, sống trong tình anh em con một Cha trên trời. Nhưng điều ác họ đang thi hành là nọc độc tác hại cho người khác, phải tận diệt những nọc độc đó mới là yêu thương nhau thật sự.

Dầu vậy, thánh Phaolô cũng khuyên tất cả, trong hoàn cảnh nào cũng hãy sống không có gì đáng trách cho đến ngày của Chúa Kitô. Và thánh nhân đưa ra bằng chứng đời sống của ngài để làm gương nơi câu 7 của đoạn thánh thư này. Nhưng rất tiếc, không hiểu sao khi chọn làm bài đọc phụng vụ thánh lễ, người ta lại bỏ câu 7. Từ câu 6 nhảy đến câu 8 ngay, trong câu 7 đó thánh Phaolô nói: “Tôi cầu xin anh em như thế là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ơn sủng tôi đã nhận được”. Nói thế, tức là trong mọi hoàn cảnh, thánh Phaolô đều dâng lên Thiên Chúa mọi vui buồn, sướng khổ để cầu nguyện cho nhau.

Nơi bài Phúc Âm, thánh Luca ghi lại rất rõ ràng ngày tháng, niên hiệu hẳn hoi của những nhà lãnh đạo Rôma cũng như Do Thái, đạo cũng như đời, lúc Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng. Một phần vì thánh Luca chú ý đến khía cạnh lịch sử, nhưng dựa vào đó chúng ta thấy rằng, ơn cứu độ bắt đầu thực hiện ngay trên trần gian này, đừng chờ đâu nữa. hãy bắt đầu ngay và dĩ nhiên là đã bắt đầu từ thời xa xưa trong Cựu Ước. Nhưng thời kỳ quyết liệt bắt đầu, với sứ mạng của Gioan Tẩy Giả để cho thấy Cựu Ước và Tân Ước cũng là một công cuộc chuẩn bị. Gioan đã lấy lại lời tiên tri của Barúc trong Cựu Ước mà chúng ta đọc thấy trong bài đọc thứ nhất: “Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa soạn đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi. Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Trong khoảng ba tuần nữa, chúng ta sẽ mừng lễ Giáng sinh của Đấng Cứu Thế. Ước gì lễ Chúa Giáng sinh không qua đi như bao ngày lễ tết khác trong năm. Nhưng phải làm sao để Chúa Giêsu sinh lại trong đời sống, trong gia đình, trong cộng đoàn của mỗi người chúng ta. Đó là ý nghĩa của Mùa Vọng và sống được như thế tức là chúng ta sống trọn vẹn Mùa Vọng trong ơn Chúa.

Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi nhìn lại xem, trong những công việc mệt nhọc hằng ngày của tôi, cái gì giúp tôi càng ngày càng gần Chúa hơn? Để được thế, tôi cũng hãy tìm xem chỗ nào trên con đường nối kết Chúa với cá nhân tôi cần được sửa chữa, để khỏi cản trở việc Chúa đến với tôi. Và nếu được, cũng hãy chuẩn bị tham dự một nghi thức thống hối và coi đó là một sự khai thông bế tắc giữa tôi với Đấng tôi yêu mến và Người luôn yêu tôi hết lòng.

Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)