Dưới đây là bản phỏng dịch Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên Buổi Hội Thảo Quốc Tế về việc Dạy Giáo Lý 2017 được tổ chức tại Buenos Aires, từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 7 năm 2017. Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “việc Dạy Giáo Lý không phải là một ‘công việc’ hoặc một nhiệm vụ ở ngoài con người của giáo lý viên, mà là ‘giáo lý viên’ và tất cả cuộc sống xoay quanh nhiệm vụ này”. Nguyên văn tiếng Ý được đăng tại http://w2.vatican.va/content/francesco/it/messages/pont-messages/2017/documents/papa-francesco_20170705_messaggio-simposiocatechesi-argentina.html
Kính gửi Đức Cha Ramón Alfredo Dus
Tổng Giám Mục Resistencia
Chủ tịch Ủy Ban Giám Mục về Mục Vụ Dạy Giáo Lý và Thánh Kinh
Thưa hiền huynh,
Tôi xin gửi lời chào thân ái đến hiền huynh và tất cả các tham dự viên của các buổi hội họp và huấn luyện khác nhau được Ủy ban Giám Mục về Mục Vụ Dạy Giáo Lý và Thánh Kinh tổ chức.
Khi một trong các môn đệ của ngài xin ngài dạy mình cách rao giảng, Thánh Phanxicô thành Assisi đã trả lời như sau: “Hiền đệ, khi chúng ta thăm viếng người bệnh, giúp đỡ trẻ em và mang thức ăn đến cho người nghèo, là chúng ta đã rao giảng”. Bài học cao đẹp này gói ghém ơn gọi và nhiệm vụ của giáo lý viên.
Trước hết, việc Dạy Giáo Lý không phải là một “công việc” hoặc một nhiệm vụ ở ngoài con người của giáo lý viên, mà là “giáo lý viên” và tất cả cuộc sống xoay quanh nhiệm vụ này. Thực ra, “làm” giáo lý viên là một ơn gọi phục vụ trong Hội Thánh, điều gì đã mình nhận được như một món quà từ Chúa thì phải được truyền lại khi đến lượt mình. Vì vậy, giáo lý viên phải luôn luôn quay trở lại với lời loan báo ban đầu hoặc “kerygma” là hồng ân đã biến đổi cuộc sống mình. Đây là lời loan báo cơ bản phải được liên tục vang lên trong đời sống Kitô hữu, thậm chí phải được vang lên nhiều hơn trong những người được mời gọi để rao giảng và dạy dỗ về đức tin. “Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu ấy” (Evangelii Gaudium, s. 165). Lời loan báo này phải đi kèm với đức tin hiện diện trong lòng đạo đức của dân [Công Giáo] của chúng ta. Cần phải quan tâm đến tất cả tiềm năng của lòng sùng đạo và tình yêu được gói ghém trong việc đạo đức bình dân, ngõ hầu không chỉ nội dung của đức tin được truyền lại, mà còn tạo ra một ngôi trường đào luyện thật sự, trong đó hồng ân đức tin đã lãnh nhận được vun trồng, để ân sủng được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu được phản ánh trong các việc làm và lời nói.
Giáo lý viên đi từ và đi cùng Đức Kitô, không như một kẻ khởi sự từ ý tưởng và thị hiếu của riêng mình, nhưng như một người để cho mình tìm kiếm Chúa, tìm kiếm cái nhìn làm cho lòng mình bừng cháy. Chúa Giêsu càng chiếm trung tâm cuộc sống của chúng ta, thì Người càng làm cho chúng ta ra khỏi chính mình, không còn tập trung vào mình và làm cho chúng ta gần gũi tha nhân hơn. Động năng này của tình yêu cũng giống như sự chuyển động của con tim: “tâm thu (đóng vào) và tâm trương (mở ra)”; nó [đóng vào khi] chú tâm vào việc gặp gỡ Chúa và tức thì mở ra vì tình yêu dành cho Người, để làm chứng cho Chúa Giêsu và nói về Chúa Giêsu, để rao giảng Chúa Giêsu. Gương mẫu mà Chính Người ban cho chúng ta: Người rút [vào nơi thanh vắng] để cầu nguyện cùng Chúa Cha và lập tức đi ra để gặp những người đang đói khát Thiên Chúa, để chữa lành và cứu họ. Từ đó phát sinh tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý “hiệp nhiệm”, là cuộc gặp gỡ thường xuyên với Lời Chúa và các Bí Tích, và không chỉ là điều thỉnh thoảng mới xảy ra, trước khi cử hành các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo. Đời sống Kitô hữu là một tiến trình tăng trưởng và hội nhập tất cả các chiều kích của con người trong một cuộc hành trình lắng nghe và đáp lời cách cộng đồng. (x. Gaudium Evangelii, s. 166).
Giáo lý viên cũng là sáng tạo. Tìm các phương tiện và cách thế khác nhau để loan báo Đức Kitô. Thật tuyệt đẹp khi tin vào Chúa Giêsu, bởi vì Người là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6) là điều đổ đầy cuộc sống của chúng ta với niềm vui và hạnh phúc. Việc tìm cách cho người ta biết Chúa Giêsu như sự tuyệt mỹ đưa chúng ta đến việc tìm ra những dấu chỉ và các hình thức mới cho việc truyền thụ đức tin. Các phương tiện có thể khác nhau nhưng điều quan trọng là chú ý đến phong cách của Chúa Giêsu, là Đấng thích nghi với những người ở trước mặt mình để đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho họ. Chúng ta cần phải biết cách “thay đổi” và thích nghi thế nào để làm cho sứ điệp trở nên gần gũi hơn, mặc dù sứ điệp ấy trước sau như một, vì Thiên Chúa không thay đổi, nhưng làm cho mọi sự được đổi mới trong Ngài. Trong việc tìm kiếm cách sáng tạo để làm cho người ta biết Chúa Giêsu, chúng ta không được sợ hãi bởi vì Người đi trước chúng ta trong nhiệm vụ này. Người đã ở trong con người của thời nay và chờ đợi chúng ta ở đó.
Các giáo lý viên thân mến, cảm ơn các con vì những gì các con làm, nhưng trên hết vì các con cùng đi với Dân Thiên Chúa. Cha khuyến khích các con trở thành những sứ giả vui tươi, những người bảo vệ sự thiện mỹ là điều tỏa sáng trong cuộc sống trung tín của người môn đệ truyền giáo.
Nguyện xin Chúa Giêsu chúc lành cho các con và Đức Thánh Nữ Trinh, “nhà giáo dục chân chính của đức tin,” gìn giữ các con.
Và, làm ơn đừng quên cầu nguyện cho Cha
Vatican, ngày 05 tháng bảy, 2017
+ Phanxicô
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ