Sự Sám Hối, Một Điều Kiện Tất Yếu

Chúa Nhật III Mùa Chay, C

(Lc 13,1-9)

«Nếu các ông không ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy!» Ðó là những lời nói đầy khẩn cấp của Chúa. Chúng ta phản ứng thế nào trước sự cảnh cáo của Chúa?

Sau đây tôi xin được giới thiệu ba phản ứng tượng trưng :

lambofgod« Sám hối ? Tôi cảm thấy điều đó chẳng có liên quan gì đến hoàn cảnh của tôi cả ». Vâng, sẽ có người phát biểu như thế : « Nếu so sánh cuộc sống của tôi với cuộc sống nhiều người khác, thì tôi cũng không đến nỗi ! Nếu không hơn ai, thì cũng không thua kém ai. Con cái tôi đều học hành đàng hoàng, cũng có công ăn việc làm đâu vào đấy. Tôi đi nhà thờ đọc kinh xem lễ thường xuyên. Với bà con láng giềng mọi sự đều vui vẻ hài hòa. Vậy tôi đâu có làm gì sai quấy cả, tại sao tôi còn cần phải sám hối ? »

« Sám hối ? Ðó là một lời quá nghiêm khắc đối với tôi », đó là ý kiến của một người khác. « Sám hối ! Vâng, đó là cả một vấn đề ! Chắc chắn rằng nhiều khi tôi cảm thấy có điều gì đó trong cuộc sống mình không được thuận thảo và xuôi chảy. Ðôi lúc tôi cũng tự bảo mình là tôi có thể hoàn toàn sống khác với hiện tại ! Ðã có biết bao nhiêu dịp may bị bỏ lỡ, bao nhiêu trường hợp tốt đã không lợi dụng được ! Nhưng cuộc sống con người là thế ! Từ sáng tinh sương cho tới chiều tối : hết trách nhiệm này đến bổn phận nọ ! Nào lo lắng cho gia đình, cho con cái, cho nghề nghiệp, cho công ăn việc làm, cho tiền bạc ! Vâng, nhiều khi tôi đã muốn chạy thoát mọi sự và bắt tay lại từ đầu ! Nhưng tôi cần phải bắt đầu lại ở chỗ nào và tôi phải dừng lại ở chỗ nào ? Không thể được. Sám hối ? Ðó là một lời nói quá nghiêm khắc đối với tôi. Tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa. Và tôi nghĩ rằng, có lẽ tôi cứ tiếp tục sống như từ xưa tới nay ! »

« Sám hối ? Vâng, đó là dịp may và thuận lợi cho tôi ! » một người thứ ba lại phát biểu như thế : « Sám hối ? Tôi sực nhớ lại tất cả : vâng, trước kia tôi thường chỉ sống một cách hời hợt bên ngoài, và cứ thế từ ngày này sang ngày nọ ! Nhưng rồi sau đó, có một chuyện không hay đã xảy ra và làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi. Tôi đã xích mích và đụng độ công khai với một vài người. Tôi đâm ra chán nãn. Tôi luôn trốn tránh, không tiếp xúc với cộng đồng giáo xứ nữa. Nhưng rồi tôi lại hối hận và đã tìm cách hàn gắn lại những đổ vỡ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sự việc thật phức tạp, vướng mắc đủ thứ « dây mơ rễ má » này nọ nữa, chứ không dễ dàng. Và biến cố đó đã ám ảnh tôi mãi, cả đến hôm nay nữa. Tôi bổng thấy mình hoàn toàn khác hẳn. Một cách chân thành, tôi thấy mình còn quá thiếu sót trong cuộc sống, tôi thấy đời mình không thể cứ tiếp tục mãi như thế được. Vì thế tôi đã bắt đầu suy tư, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Bài giảng Tám Mối Phúc Thật của Ðức Giêsu là kim chỉ nam, là đèn soi, là động lực cho mọi định hướng của tôi. Tôi đã cảm nhận được rằng, mọi sự không thể một sớm một chiều lại được giải tỏa và trở lại bình thường, nhưng đối với tôi, sự sám hối và cải thiện cuộc sống là dịp tốt, là cơ may duy nhất để tiếp tục sống một cách có ý nghĩa và nhân bản hơn. »

Trên đây là ba phản ứng hay ba quan niệm trước việc « sám hối » ! Còn chúng ta, chúng ta phản ứng ra sao ? Phải chăng chúng ta cũng đồng ý với một trong ba phản ứng trên : Sám hối, chẳng có gì kiên quan đến hoàn cảnh của tôi; hoặc : sám hối, một tiếng quá nghiêm khắc đối với tôi; hoặc : sám hối, một dịp tốt duy nhất đối với tôi, để sống có nhân bản hơn ?

Trước khi mỗi người trong chúng ta phải tự trả lời câu hỏi đó, chúng ta còn cần có những suy nghĩ đúng đắn ! Ðể có thể tìm thấy nơi sự sám hối ý nghĩa đầy đủ của nó, người ta cần phải có những cảm nghiệm nào đó. Vâng, người ta cần phải có những cảm nghiệm cá nhân : Cuộc sống của mình sẽ đi về đâu ? Tại sao người ta phải thay đổi quan niệm sống của mình và thay đổi thế nào ? Nếu không ? v.v… Một người chỉ có thể sống và nói được như thế, nếu người đó có được một cảm nghiệm khác, cảm nghiệm về ý nghĩa bài Giảng Trên Núi của Ðức Giêsu và cảm nghiệm về Thiên Chúa, Ðấng hằng đứng sau tất cả những gì Ðức Giêsu nói và hành động. Thiên Chúa của Ðức Giêsu đòi hỏi và tạo điều kiện cho con người sống trong một cách thức nhất định nào đó – vừa cụ thể vừa khác biệt – theo như người ta lựa chọn. Trong sự cảm nghiệm đó, chính Thiên Chúa sẽ trở nên chương trình sống, và khi đối mặt với chương trình sống đó, chỉ còn lại một cách duy nhất để có thể đứng vững được là không ngừng nỗ lực dấn thân vào trong chương trình đó với tất cả lòng tin tưởng. Con người cần phải thiết kế cuộc sống mình với Thiên Chúa và luôn nỗ lực thực thi thánh ý của Người; Con người cần phải bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống làm chứng giữa lòng đời cho lòng nhân hậu, sự công bằng và tình thân thiện của Thiên Chúa đối với nhân loại, trong phạm vi tư riêng cũng như trong phạm vi rộng lớn. Con người cần phải bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống còn nhắm tới những mục đích cao cả khác, chứ không chỉ giới hạn trong những tư lợi và hạnh phúc riêng của mình, v.v…Nói đúng hơn, đó chính là sự sám hối, nghĩa là sống trong tương quan thân tình với Thiên Chúa, để cho Thánh Thần của Người soi sáng, hướng dẫn và biến đổi cuộc sống của mình. Như vậy, sự sám hối ở đây trở thành điều kiện cần thiết cho một cuộc sống theo đúng với kế hoạch của Thiên Chúa. Trong ý nghĩa đó người ta có thể hiểu cuộc sống như một vận may để mang lại hoa trái.

Ðó chính là điều bài Tin Mừng hôm nay muốn đề cập tới, khi coi sự sám hối là một điều cần thiết, và sống có nghĩa là chấp nhận cái vận may đó, mà Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta.

Vậy, chúng ta hãy chấp nhận lấy vận may đang trong tầm tay chúng ta. Chúng ta hãy loại bỏ thái độ thờ ơ và tính ươn lười dễ chịu, bởi vì chúng sẽ dẫn chúng ta vào trong ngõ cụt cuộc đời. Trong những điều kiện và hoàn cảnh sống của mình, mỗi người hãy tìm cho cuộc sống riêng của mình một lối thoát thích hợp và đúng đắn. Như thế, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên có giá trị, là một niềm vui và là một ơn lành của Thiên Chúa. Amen.

LM Nguyễn Hữu Thy