Cả ba bài đọc Chúa Nhật nầy đều có chung một bài học: đường lối của Thiên Chúa không là đường lối của con người. Vì thế, những người Ki-tô hữu phải có thái độ dứt khoát: đừng có rập khuôn theo thói đời.
Gr 20: 7-9
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trung thành loan báo sứ điệp Thiên Chúa, cho dù ngược lại với tâm tính của ông và những kỳ vọng của những người đương thời với ông.
Romans 12:1-2
Thánh Phao-lô cảnh giác cộng đoàn tín hữu Rô-ma sống giữa môi trường dân ngoại: “Đừng có rập theo đời nầy, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.
Matthew 16:21-27
Trong Tin Mừng, thánh Phê-rô phản ứng như một phàm nhân, thánh nhân phẩn uất trước ý định Thiên Chúa là dẫn Đấng Mê-si-a bước đi trên con đường đau khổ.
BÀI ĐỌC I (Gr 20: 7-9)
Trong lịch sử trào lưu ngôn sứ Kinh Thánh, chắc chắn ngôn sứ Giê-rê-mi-a là một trong những dung mạo hấp dẫn nhất. Vốn hiền hòa, đa cảm và không muốn làm mất lòng ai; ấy vậy, ông phải trung thành loan báo những sứ điệp Thiên Chúa, ngược lại với tâm tính của mình và những kỳ vọng của những người đương thời với ông. Vì thế, ông rất khổ tâm và không ngừng bị chống đối và bách hại.
1. Bối cảnh lịch sử:
Giê-rê-mi-a thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình ở Giê-ru-sa-lem, giữa năm 626 và 587 trước Công Nguyên; nghĩa là ông đã sống vào thời kỳ bi thảm, giai đoạn sau cùng của vương quốc Giu-đa: hai lần thành thánh Giê-ru-sa-lem bị đế quốc Ba-by-lon vây hãm (598-587), cuối cùng thành thánh bị tàn phá và Đền Thánh bị phá hủy. Ông loan báo tai họa sắp giáng xuống nhưng không được ai quan tâm để ý; ông kêu gọi hoán cải để được thứ tha nhưng không được ai lắng nghe. Trở nên trò đùa, bị nhạo báng, bị xem như kẻ phản quốc, bị tống giam, đó thật sự là một bi kịch diễn ra không chỉ trong cuộc đời thi hành sứ vụ ngôn sứ mà ngay cả trong đời sống nội tâm của ông.
2. Bi kịch nội tâm:
Đoạn văn được trích dẫn hôm nay là một trong những đoạn văn thống thiết nhất mà vị Ngôn Sứ đã viết. Qua phép ngoa dụ và những hình ảnh dữ dội, đoạn trích nầy nói lên tất cả tấm bi kịch của trào lưu ngôn sứ: đón nhận ơn đặc sủng mà không thể nào thoái thác được; phân định rõ ràng ý muốn của Thiên Chúa mà không được ai hiểu; đấu tranh không hề mỏi mệt với sự dữ và dối trá mà không nhận được bất cứ điều gì ngoài những lời nhục mạ và cam chịu.
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a phàn nàn với Thiên Chúa của mình. “Suốt ngày trở nên trò cười và bị nhạo báng”, vì ông tố cáo sự dữ và bạo lực, đó thật sự là một sự thử thách nặng nề. Ông mong muốn được trút bỏ sứ mạng nặng nề này: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng vô ích! Ông đã phải ra sức cố kiềm nén tiếng nói ở bên trong lòng mình, nhưng như “một ngọn lửa cháy bừng trong lòng, ầm ỉ trong xương cốt” không làm sao nén lại được.
Không bản văn nào hơn bản văn nầy giúp chúng ta thấu hiểu bản chất ơn gọi ngôn sứ, nguồn gốc siêu nhiên của ơn gọi này, và đồng thời, quyền năng của nó tác động ở cõi thâm sâu nhất của con người. Bị người đời ruồng bỏ, ngôn sứ Giê-rê-mi-a quay về Thiên Chúa trong một lời khẩn nguyện khôn nguôi, theo thể thức đối thoại, hay đúng hơn một độc thoại rất cô động. Ông thật xứng danh là “cha của lời khẩn nguyện”. Cũng chính ông loan báo “giao ước mới được ghi khắc trong lòng” và cũng là người đầu tiên sống giao ước mới mà ông loan báo.
BÀI ĐỌC II (Romans 12:1-2)
Với chương 12, khởi sự phần luân lý của thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô ngỏ lời với toàn thể cộng đoàn tín hữu Rô-ma (dù họ xuất thân từ đâu, Do thái hay dân ngoại). Phần nầy tự phát và rời rạc hơn phần đạo lý. Thánh nhân vừa mới ca ngợi lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa, vì thế ngài khai triển chủ đề nầy.
Trong phần trích dẫn nầy, chúng ta đọc thấy hai lời khuyên ngắn gọn nhưng súc tích: “ích từ nhiều ý”: phụng thờ đích thật và đổi mới tâm thần.
1. Phụng thờ đích thật:
“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. “Của lễ sống động, thánh thiện” là trọn một đời dâng hiến cho Thiên Chúa, đối nghịch với của lễ ngoại giáo là các tế vật hiến dâng trên bàn thờ. Trọn cuộc đời Ki-tô hữu phải là một đời sống phụng tự, nghĩa là sát tế chính bản thân mình hằng ngày, thay vì sát tế chiên bò. Mà sát tế bản thân mình tức là sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, sẵn sàng chấp nhận để Ngài canh tân, uốn nắn và biến đổi.
Đó chính là một đời sống rập khuôn theo Đức Ki-tô, Đấng đã đến trần gian để phục vụ thánh ý Chúa Cha: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến lễ, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thục thi ý Ngài” (Dt 10: 5-7). Đó mới thật là “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Thánh Phao-lô đã áp dụng từ ngữ hy tế vào chính bản thân mình. Thánh nhân xem sứ vụ của mình như một hành vi tế tự như trong lời kết của thư gởi các tín hữu Rô-ma nầy: “Ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi là làm người phục vụ Đức Giê-su Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa” (Romans 15:16). Trong thư gởi tín hữu Phi-líp, khi ám chỉ đến việc mình bị kết án tử, cái chết sắp đến gần, thánh nhân thấy “máu của mình phải đổ ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em” (Pl 2: 17).
Hiến dâng chính bản thân mình dâng lên Thiên Chúa, đó là “cách thế xứng hợp để anh em thờ phượng Thiên Chúa”. Tỉnh từ Hy lạp “logikon”, được dịch “xứng hợp”, thuộc về từ ngữ tôn giáo, dù Do thái hay Hy lạp, để đánh dấu một sự khác biệt giữa tế tự hình thức và tế tự đòi hỏi dấn thân toàn diện con người. Tế tự đòi hỏi dấn thân toàn diện con người là cách thức phụng thờ Thiên Chúa xứng hợp nhất.
2. Đổi mới tâm thần:
Lời khuyên thứ hai nhắm đến việc đổi mới tâm thần. Việc đổi mới nầy đòi hỏi hai chuyển động đồng lúc: đừng rập theo đời nầy và trở thành một con người mới.
Do Thái giáo phân biệt thế giới hiện tại và thế giới sắp đến: vương quốc Thiên Chúa. Đối với thánh Phao-lô, thế giới hiện tại là thế giới tội lỗi, thế giới ngoại giáo. Đối với thế giới nầy, người tín hữu phải có thái độ không theo thời, không tìm cách thích nghi với đời. Đó thật sự là một thử thách khủng khiếp thường ngày đối với các Kitô hữu hiện sống trong thủ đô của Đế Quốc Rô-ma.
Thánh Phao-lô sẽ không ngừng lập đi lập lại: Hãy trở nên một con người mới “hầu có thể nhận ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.
TIN MỪNG (Matthew 16:21-27)
Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật nầy nối tiếp với đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước.
1. Bối cảnh:
Sau khi đã nghe thánh Phê-rô tuyên tín: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giê-su nghĩ rằng đây là giờ phút thuận tiện để mặc khải mầu nhiệm của Ngài cho các môn đệ. Công thức: “Từ lúc đó, Người bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết”, cho thấy đây là một khúc quanh, một giai đoạn mới mà Đức Giê-su vén mở cho các môn đệ về chân tính và sứ mạng cứu độ của Ngài.
Đây là lần đầu tiên (sẽ còn hai lần khác nữa) Ngài loan báo cho họ cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Người phải chịu nhiều đau khổ, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Mỗi lần loan báo cuộc Thương Khó của mình, Ngài liên kết viễn cảnh Tử Nạn của Ngài với biến cố Phục Sinh. Điều này cho thấy Ngài biết trước và làm chủ tình hình. “Người phải…”, điều tất yếu mà Đức Giê-su nêu lên ở đây không là tất yếu của một định mệnh; nhưng là tất yếu thuộc trật tự thần học, cái tất yếu của kế hoạch Thiên Chúa. Tử Nạn không là một tai nạn mà biến cố Phục Sinh sẽ đền bù, nhưng dự phần vào mầu nhiệm cứu độ con người. Đức Giê-su không cho các môn đệ bất cứ giải thích nào khác ngoài cái tất yếu “phải” nầy (tất cả các từ “phải” quan trọng của Tân Ước đều quy về ơn cứu độ). “Ngày thứ ba”, cách nói Kinh Thánh nhằm diển tả một thời gian ngắn, như cuộc hành trình ba ngày của ông Áp-ra-ham đến núi Thiên Chúa để hiến tế I-sa-ác (St 22: 4), hay trong lời thỉnh cầu của ông Mô-sê: “Xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi” (Xh 5: 3).
2. Phản ứng của thánh Phê-rô:
Chúng ta hiểu phản ứng của thánh Phê-rô. Cũng như bao người Do thái cùng thời với thánh nhân, ông mong chờ một Đấng Mê-si-a vinh quang và khải hoàn. Trong tâm tư của mình, chắc chắn ông vẫn ôm ấp lý tưởng về một đấng Mê-si-a trần thế và có tính quốc gia.
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. Chắc chắn, thánh nhân lầm khi lôi kéo Thiên Chúa vào việc gìn giữ Thầy mình cho “tai qua nạn khỏi”. Tuy nhiên, tiếng kêu của ông không chỉ bày tỏ những kỳ vọng mà ông đặt vào Đức Giê-su, nhưng cũng trọn tấm lòng yêu mến của ông đối với Thầy mình. Chúng ta cũng vậy, không thể nào chấp nhận người mình yêu mến phải chịu đau khổ. Thánh Phê-rô tế nhị kéo riêng Thầy mình ra.
3. Phản ứng của Chúa Giê-su:
Đức Giê-su phản ứng dữ dội. Vào lúc nầy, phải chăng Chúa Giê-su phản kháng sự thử thách mà Ngài đã trải qua ở sa mạc trước đây giữa “Đấng Mê-si-a quyền năng” mà dân Ít-ra-en mong đợi và “Người Tôi Tớ đau khổ” mà Kinh Thánh loan báo? Đức Giê-su đã từng trục xuất Xa-tan bởi lời quyền năng của Ngài: “Xa-tan, hãy xéo đi”. Ngài đáp lại thánh Phê-rô cũng một cách tương tự như thế: “Xa-tan, hãy xéo đi đằng sau Thầy!”. Theo ngữ căn Híp-ri: “xa-tan” là một danh từ chung có nghĩa “kẻ cản lối”. Vừa mới đây, thánh nhân được tấn phong là đá tảng trên đó Đức Giê-su sẽ xây dựng Giáo Hội của Ngài, bây giờ ông trở thành đá tảng cản lối Thầy; vừa mới đây ông là mẫu gương của người tin, bây giờ ông thành kẻ cộng tác với Xa-tan, bởi vì ông đề nghị với Đức Giê-su một con đường cứu thế như Tên Cám Dỗ đã đề nghị (4: 1-11).
Khi thêm vào: “đằng sau Thầy”, Đức Giê-su không xua đuổi vị tông đồ, nhưng mời gọi ông “hãy đi theo sau Ngài” trong tư cách của một người môn đệ theo sau bước chân của Thầy để khỏi cản lối đi của Ngài. Ngài muốn Phê-rô hiểu rằng niềm tin mà ông đã tuyên xưng, việc tấn phong mà ông đã lãnh nhận, đòi hỏi ông dứt khoát dấn thân vào cùng một vận mệnh với Ngài. Ngay lúc đó, quay về các môn đệ, Ngài cũng nói với họ cùng một cách như thế: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
4. Theo Đức Giê-su:
Sau nầy, mỗi lần Đức Giê-su loan báo cuộc Tử Nạn sắp đến của Ngài, Ngài đều liên kết các môn đệ vào với Ngài, yêu cầu họ bước đi trên cùng một con đường của Ngài.
Đức Giê-su sử dụng từ: “thập giá”, từ nầy không thể gợi lên ở tâm trí các môn đệ của Ngài tất cả ý nghĩa mà nó chứa đựng sao? Trước đó, thánh Mát-thêu đã gợi lên hình phạt thập giá nầy rồi: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Matthew 10:38). Việc đóng đinh vào thập giá là một hình phạt của chính quyền Rô-ma và những cuộc hành hình tập thể đã xảy ra rồi ở Giê-ru-sa-lem. Thánh Lu-ca, trong một đoạn văn sóng đôi (Lc 9: 23), đã thêm chữ “hằng ngày” làm cho chữ “vác thập giá” mang nghĩa bóng, “vác thập giá hằng ngày” nghĩa là chấp nhận mọi gian nan khốn khổ trong cuộc sống thường ngày.
“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Lời công bố nầy của Đức Giê-su được cả bốn thánh ký tường thuật, thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca đến hai lần (Matthew 10:38; 16:25; Mc 8: 35; Lc 9: 24; 17: 33; Ga 12: 25). Một âm vang như thế hàm chứa rằng họ đã hiểu tất cả ý nghĩa của chúng và ghi khắc chúng vào tâm trí mình như một bài học vĩ đại về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Theo bối cảnh của những lần tiên báo về cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, rõ ràng cái chết của Ngài không dẫn đến hư vô, nhưng đến sự sống: “Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10: 18). Thánh Mát-thêu viết những lời nầy trong bối cảnh của những năm 80, bối cảnh của những ngày bách hại khốc liệt nhất, những ngày mà những ai chấp nhận mang danh Ki-tô hữu là chấp nhận bản án tử cho mình. Trong bối cảnh như thế, người tín hữu nào liều mất mạng sống mình vì Đức Giê-su và Tin Mừng, chính là đảm bảo cho mình một cuộc sống trong Vương Quốc Nước Trời.
5. Để được sự sống đời đời:
“Vì nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”. Lời này của Đức Giê-su được dịch theo cách này khiến lòng trí phân vân, bởi vì nó diễn tả điều đương nhiên quá thường tình. Tin Mừng không quen nói những điều thường tình như vậy. Ở đây, có vấn đề về ngôn ngữ.
Chữ “mạng sống” được dịch từ tiếng Hy lạp: “psyché” có nghĩa “linh hồn”. Vì thế, lời này được dịch theo sát từ: “Vì nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất linh hồn, thì có lợi gì?”. Bản dịch hiện nay chọn từ “mạng sống” thay cho “linh hồn” bởi vì chữ “linh hồn” gợi lên nhị nguyên thuyết, chủ trương đối lập giữa xác và hồn, xa lạ với tư tưởng Kinh Thánh. Rõ ràng, ở đây lời của Đức Giê-su đối lập việc sở hữu của cải vật chất, được gói trọn ở nơi “người ta được cả thế gian”, với việc thiệt mất của cải tinh thần, thiệt mất “mạng sống”, được hiểu theo nghĩa mạnh, “sự sống đời đời”. Thế nên, lời này phải được hiểu: “Vì nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất sự sống đời đời của mình, thì có lợi gì?”.
“Người ta sẽ lấy gì mà đổi lấy mạng sống mình?” cũng diễn tả cùng một tư tưởng như thế. Vả lại, Đức Giê-su kết hợp viễn cảnh chung cuộc nầy vào ngày quang lâm của Ngài, “mỗi người sẽ nhận được thưởng hay phạt xứng với việc họ làm”.
Vì thế, để được Sự Sống Đích Thật, một con đường duy nhất được ban cho các môn đệ – và sau họ, cho tất cả các Kitô hữu – là noi gương Đức Giê-su, từ bỏ chính mình cho đến cùng. Lời nghiêm trang, không hoa mỹ, nhưng tuôn trào một niềm hy vọng vinh quang. Chúng ta ghi nhận rằng Đức Giê-su không đòi buộc nhưng đề nghị: “Ai muốn …”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Kinhthanhvn.org