Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh mỗi người phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình và việc hoán cải không bao giờ là muộn cả.
Ed 18: 25-28
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói rằng con người không bất di bất dịch mãi trong sự công chính cũng như gian ác. Thiên Chúa không muốn kẻ bất lương phải chết nhưng hồi tâm hoán cải để được sống.
Pl 2: 1-11
Thánh Phao-lô nhắc nhở các Kitô hữu Phê-líp-phê phải đồng tâm nhất trí bằng cách thực hành đức khiêm nhường theo gương Đức Kitô: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”.
Matthew 21:28-32
Tin Mừng Mát-thêu thuật lại dụ ngôn hai người con. Người thứ nhất lúc đầu từ chối lời mời gọi của cha mình, nhưng rồi sau đó hối hận mà thi hành ý muốn của cha. Người con thứ hai ngoan ngoãn đáp lại lời mời gọi của cha mình, nhưng rồi không làm gì cả. Điều quan trọng không phải là ngày hôm qua bạn trả lời với Thiên Chúa như thế nào, nhưng là ngày hôm nay bạn có thực sự thi hành ý muốn của Thiên Chúa hay không.
BÀI ĐỌC I (Ed 18: 25-28)
Sau khi vương quốc Giu-đa bị đế quốc Ba-by-lon xâm chiếm, ngôn sứ Ê-dê-ki-en bị lưu đày. Ông gẫm suy ý nghĩa của các biến cố. Vừa tư tế vừa ngôn sứ, ông quan tâm đến tội lỗi. Việc dân Ít-ra-en đang phải chịu một sự thử thách lớn lao đã khiến ông suy nghĩ về vấn đề án phạt tập thể và trách nhiệm cá nhân.
1. Án phạt tập thể:
Dân được tuyển chọn phải trả lẽ về tội bất trung dài lâu đối với Thiên Chúa của mình. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a trước đó, ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo tai họa. Trong số những người bị lưu đày, ai mà không nghĩ đến bản văn của sách Lê-vi: “Các ngươi sẽ bị diệt vong giữa các dân tộc, và đất của kẻ thù các ngươi sẽ nuốt các ngươi. Những kẻ còn lại trong số các ngươi sẽ chết dần chết mòn vì lỗi lầm của chúng, trong đất của kẻ thù chúng; chúng sẽ chết dần chết mòn vì lỗi lầm của cha ông chúng, cộng với lỗi lầm của chúng” (Leviticus 26:38-39).
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sắp phá vỡ quan niệm truyền thống nầy, lật đổ thuyết định mệnh bất di bất dịch đang đè nặng trên những người lưu đày biệt xứ trong cảnh khốn cùng của họ. Theo thuyết định mệnh này, con cháu phải còng lưng gánh tội cho cha ông như câu ngạn ngữ phổ biến: “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng” (Ed 18: 2). Để họ lấy lại niềm tin vào tương lai, vị ngôn sứ gởi đến cho họ sứ điệp với những dấu nhấn mới: mỗi người chỉ chịu trách nhiệm về chính mình, con người có thể trút bỏ gánh nặng quá khứ mà khởi sự xây dựng hiện tại và vun đắp tương lai.
2. Trách nhiệm cá nhân:
Trước đoạn trích dẫn hôm nay, vị ngôn sứ nói: “Sự công chính của người công chính ở với người công chính. Còn điều dữ của kẻ gian ác ở với kẻ gian ác” (Ed 18: 20). Tuy nhiên, không có gì là bất di bất dịch cả. Người công chính có thể sa ngã và kẻ gian ác cũng có thể hoán cải. Những người lưu đày đã quen với sự liên đới, gia đình hay dân tộc, không sẵn sàng lắng nghe sứ điệp nầy, họ nói: “Đường lối của Đức Chúa không ngay thẳng”. Vị ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa hỏi vặn lại: “Có phải đường lối của Ta không ngay thẳng, hay chính đường lối của các ngươi không ngay thẳng?”.
Trước Ê-dê-ki-en, sách Đệ Nhị Luật, khi duyệt xét lại Luật Mô-sê, đã đưa vào quan niệm về án phạt cá nhân: “Cha sẽ không bị xử tử vì con, và con sẽ không bị xử tử vì cha: mỗi người sẽ bị xử tử vì tội của mình” (Đnl 24: 16). Tuy nhiên, ngôn sứ Ê-dê-ki-en còn đi xa hơn: ông cắt đứt mọi liên đới không những của thế hệ nầy với các thế hệ trước, nhưng còn của mỗi người khỏi quá khứ của mình. Vì thế, Thiên Chúa chỉ xét xử từng cá nhân chiếu theo sự công chính hay sự bất chính hiện nay của mỗi người: “Khi người công chính bỏ đường công chính mà làm điều gian phi, rồi vì thế mà nó phải chết, thì chính là vì điều gian phi nó đã làm, mà nó phải chết. Còn khi kẻ bất lương bỏ việc bất lương nó đã làm, mà thi hành điều công minh chính trực, thì nó sẽ được sống”. Vì lẽ Thiên Chúa “ không muốn người tội lỗi phải chết, nhưng hối cải để được sống”.
BÀI ĐỌC II (Pl 2: 1-11)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê. Đang phải sống trong cảnh “gông cùm xiềng xích” có thể ở Ê-phê-sô, thánh nhân viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, một bức thư chan chứa những tâm tình bộc phát.
1. Đồng tâm nhất trí:
Những lời khích nhủ của thánh Phao-lô để lộ cho thấy vài bất đồng ở lòng cộng đoàn tín hữu Phi-líp-phê. Chúng ta không biết họ bất đồng về chuyện gì. Bức thư ám chỉ một cách kín đáo. Trong phần cuối của bức thư nầy, sự bất đồng giữa hai người Kitô hữu được gợi lên, nhưng trong đoạn trích nầy, lời mời gọi khẩn thiết hãy đồng tâm nhất trí và hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình được gởi đến toàn thể cộng đoàn.
Giọng điệu thân quen của bức thư không ngăn cản vài tư tưởng đẹp và văn chương hay. Những lời gởi gắm của thánh nhân được trình bày theo thể thức điều kiện đem lại cho lời mời gọi của ngài một sự trang trọng nào đó. Lời mở đầu: “Nếu quả thật, sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau” gợi nhớ lại lời cầu chúc cuối thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Nguyện xin Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh em”. Rõ ràng, thánh Phao-lô muốn đặt lời mời gọi đồng tâm nhất trí của cộng đoàn dưới dấu hiệu của sự hiệp nhất Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thánh Phao-lô không chỉ nói đến lòng mộ đạo của các tín hữu Phi-líp-phê, nhưng ngài còn nói đến tấm lòng của họ, đến tình nghĩa vững bền mà họ dành cho ngài. Từ đó, thánh nhân xin họ cho ngài niềm vui lớn lao nầy là biết họ đồng tâm nhất trí với nhau.
2. Đức khiêm nhường:
Thánh nhân khuyên bảo: “Đừng làm vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình”. Phương thuốc tốt nhất để chữa trị thói kêu căng và vị kỷ là biết quan tâm đến người khác. Thánh nhân khuyên họ hãy mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, Đấng đã tự hạ mặc lấy thân phận con người của chúng ta đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá.
Lúc đó, thánh nhân trích dẫn một bài thánh thi. Bài thánh thi này là bằng chứng cổ xưa nhất và rõ ràng nhất về niềm tin của các Ki-tô hữu tiên khởi vào thần tính và cuộc sống tiền hữu của Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Matthew 21:28-32)
Sau khi đã khải hoàn tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su thực hiện sứ vụ cuối cùng của Ngài trong Thành Thánh.
Ngài sẽ đặt thính giả của Ngài trước một chọn lựa dứt khoát: hoặc nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa; hay loại bỏ Ngài. Vào lúc nầy, Chúa Giê-su kể cho họ ba dụ ngôn: “hai người con”, “những tá điền sát nhân” và “những khách mời dự tiệc cưới vương giả”. Chúng ta sẽ đọc ba dụ ngôn nầy trong suốt ba Chúa Nhật liên tiếp nhau, khởi đầu là dụ ngôn “hai người con”.
1. Đối tượng của dụ ngôn:
Đối tượng mà Đức Giê-su ngỏ lời là các thượng tế và các kỳ mục. “Các thượng tế” là giai cấp lãnh đạo cao nhất của người Do thái vào thời Đức Giê-su. “Các kỳ mục” là những bậc vị vọng, giới quý tộc và những điền chủ giàu có. Cả hai gia cấp nầy đều là những đối thủ không đội trời chung với Đức Giê-su. Thánh Mát-thêu quy trách nhiệm cho những giai cấp lãnh đạo có quyền có thế nhất trong dân Ít-ra-en về cái chết của Đức Giê-su.
2. Lời mời gọi tối hậu của Đức Giê-su.
Theo cách thức của các kinh sư, Đức Giê-su đưa ra một trường hợp theo hình thức dụ ngôn và hỏi ý kiến của các vị lãnh đạo về một giải pháp: “Các ông nghĩ sao về chuyện sau đây?”.
Quả thật, đây là một lời cảnh báo tối hậu, một lời kêu gọi sau cùng hãy thi hành ý muốn của cha:“Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”, mà trước đây họ đã từ chối. Nét đặc trưng đầu tiên của dụ ngôn là “hai người con”, nghĩa là cả hai đều là con của ông mà ông yêu thương như nhau. Đứa con thứ nhất từ chối lời mời gọi của người cha: “Con không muốn đi đâu”, nhưng sau đó, nó hối hận nên lại đi; trong khi đưa con thứ hai đã ngoan ngoãn trả lời cha: “Thưa ngài, con đây!”, nhưng rồi lại không đi.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhắc lại rằng Thiên Chúa không muốn người tội lỗi phải chết, nhưng hoán cải để được sống. Hơn nữa, vì con người có tự do nên không có gì bất di bất dịch: người công chính có thể sa ngã và kẻ tội lỗi có thể hồi tâm hoán cải. Đây cũng là ý nghĩa của dụ ngôn hai người con.
Dụ ngôn này giải thích sự thay đổi thái độ của người con thứ nhất: “Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi”, nhưng lại không nêu ra lý do tại sao người con thứ hai sau đó lại hoàn toàn đổi ý như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ đến một lời khác của Đức Kitô: “Không phải những ai nói: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời đâu, nhưng chính là thi hành ý muốn của Cha tôi”. Chính xác là câu trả lời đầy tôn kính của người con thứ hai: “Lạy Chúa (hay Lạy ngài), con đây!”, ấy vậy hắn lại không làm ý muốn của cha mình; trong khi người con thứ nhất trả lời cọc lóc với cha: “Con không muốn đi đâu”, nhưng sau đó vì hối hận mà thi hành ý cha.
Rõ ràng, người con thứ nhất ám chỉ người tội lỗi, sau một thời gian khước từ Thiên Chúa, đã hối hận và trở lại thi hành thánh ý của Ngài. Còn người con thứ hai ám chỉ những người vốn tự hào mình công chính, nhưng thực ra chỉ tôn kính Thiên Chúa bằng đầu môi chót lưỡi.
3. Ý nghĩa của dụ ngôn.
“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế, những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông đấy”. Lời này làm sáng tỏ dụ ngôn. Các thượng tế và các kỳ mục đều đã biết sứ điệp của ông Gioan, nhưng họ không chịu tin, vẫn một mực chối từ lời mời gọi của Thiên Chúa qua ông Gioan. Trái lại, phường thu thuế và bọn gái điếm đã lắng nghe ông Gioan mà hoán cải. Thánh Lu-ca xác nhận những nhận xét này khi ghi lại những lời như sau: “Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Biệt Phái và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa” (Lc 7: 29-30).
Những lời ghi nhận của Lu-ca trên được đặt trước câu chuyện về một người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt hối lỗi của mình mà tưới ướt chân Chúa Giê-su và được tha thứ mọi tội lỗi của chị, ngay tại nhà của một người Biệt Phái. Hơn nữa, các sách Tin Mừng còn thuật lại những cuộc hoán cải nổi tiếng, vang dội của những người thu thuế, như cuộc hoán cải của ông Mát-thêu (Matthew 9:9) hay cuộc hoán cải ông Da-kêu giàu có, thủ lãnh của những thu thuế (Lc 19: 1-10). Đức Giê-su trưng dẫn cho giai cấp lãnh đạo Do thái hai mẫu người tội lỗi công khai: bọn thu thuế và hạng gái điếm, là chủ ý công kích dữ dội vào thái độ cố chấp của giai cấp lãnh đạo tự hào tự phụ này.
Hai dụ ngôn theo sau: “Những tá điền sát nhân” (Matthew 21:33-46) và “Những khách mời dự tiệc cưới vương giả” (Matthew 22:1-10) đều kể ra sự thay thế: vườn nho sẽ bị lấy đi khỏi những tá điền sát nhân mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi; các khách được mời từ chối không đến được thay thế bởi những người từ khắp các nẻo đường. Tuy nhiên, dụ ngôn “hai người con” không công bố một sự thay thế dứt khoát nào. Chắc chắn dân Ít-ra-en bị kết án ở nơi các vị lãnh đạo của họ, và quyền ưu tiên được ban cho một dân khác. Nhưng đừng quên rằng Đức Giê-su đã chọn “hai người con” làm mẫu gương. Nếu dân ngoại được đón nhận trước dân Chúa chọn, thì việc không nêu ra sự thay thế dứt khoát chính là vì Thiên Chúa vẫn nhẫn nại chờ đợi cuộc trở lại của dân mà đã biết bao lần Ngài công bố là con của Ngài.
Từ dụ ngôn hai người con, chúng ta có thể rút ra một bài học như sau: Thiên Chúa chỉ xét đoán con người theo thái độ hiện tại của họ, cho dù quá khứ như thế nào đi nữa. Chính những giây phút hiện tại mới là quan trọng. Đối với Thiên Chúa, cái ngày hôm nay mới là quan trọng. Vì thế sứ điệp của sách Đệ Nhị luật luôn luôn bắt đầu với “ngày hôm nay” và đưa ra lời mời gọi “Phải chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng nữa”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông