Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nêu lên một vấn đề thật tinh tế: mối tương quan giữa công dân trần thế và công dân Nước Trời.
Isaiah 45:1,4-6
Bài đọc I trích từ I-sai-a đệ nhị. Vị ngôn sứ an ủi những người lưu đày ở Ba-by-lon. Ông đoán thấy vua Ky-rô của nước Ba-tư là dụng cụ mà Thiên Chúa chọn để giải thoát dân Ngài khỏi cảnh lưu đày.
1Th 1: 1-5b
Bài đọc II, trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, xem ra không ăn nhập với chủ đề của bài đọc I và Tin Mừng, nhưng đây là bản văn Tân Ước đầu tiên làm chứng về sức sống mãnh liệt của Giáo Hội tiên khởi. Thánh nhân ca ngợi đức tin, đức cậy và đức mến của họ.
Matthew 22:15-21
Trong cuộc tranh luận của Ngài với nhóm Biệt Phái, Đức Giê-su trả lời cho một vấn đề nan giải giữa công dân trần thế và công dân Nước Trời: “Của Xê-da trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
BÀI ĐỌC I (Isaiah 45:1,4-6)
Bản văn này là một trong nhiều sứ điệp an ủi mà vị ngôn sứ biệt danh I-sai-a đệ nhị mang đến cho những người lưu đày ở Ba-by-lon.
Vị ngôn sứ nầy, trên mười năm, từ 550 đến 539 trước Công Nguyên, đã tìm cách an ủi đồng bào của mình, họ nhụt chí trước cuộc lưu đày tưởng chừng như vô tận nầy. Ông hứa với họ sự giải thoát sắp gần đến. Niềm hy vọng của ông nhắm đến vua Ba-tư là Ky-rô.
Vào năm 553 trước Công Nguyên, vua Ky-rô của nước Ba-tư, sau khi đã thống nhất quyền lực Ba-tư và quyền lực Mê-đi, xuất quân chinh phục miền Tiểu Á. Vào năm 539, vua tiến quân vào kinh đô Ba-by-lon, chấm dứt thời kỳ thống trị của đế quốc Ba-by-lon. Ngay cả trước khi những chiến công của vua Ky-rô vang dội khắp nơi, vị ngôn sứ lưu đày đã loan báo rằng ý định Thiên Chúa là dùng vua Ky-rô để giải thoát dân Ngài khỏi kiếp lưu đày.
1. Sấm ngôn của vị ngôn sứ:
Sấm ngôn này thật sự gây hoang mang. Phải chăng Đức Chúa nhờ đến một vị vua ngoại giáo để giải thoát dân Ít-ra-en? Vị ngôn sứ xua tan thành kiến của những người lưu đày bằng cách khẳng định đó là cách thức Thiên Chúa hành động. Ông mạnh dạn quả quyết rằng vua Ky-rô đã được Đức Chúa tuyển chọn và thánh hiến để trở nên dụng cụ trung thành của Thiên Chúa. Phần đầu sấm ngôn được trình bày như một bản văn phong vương, đồng hóa vua Ky-rô với vua của dân Ít-ra-en: Đức Chúa thánh hiến vị vua mà Ngài đã tuyển chọn, và “cầm lấy tay phải”, nghĩa là trợ giúp và bảo vệ vua, đảm bảo rằng vua sẽ chiến thắng mọi quân thù.
Tất cả những ngôn từ trong sấm ngôn nầy được gặp thấy không chỉ trong các bản văn Kinh Thánh nhưng cũng trong các bản văn miền Cận Đông. Người ta có thể đọc thấy những dòng chữ được khắc trên một hình trụ: “Marduk (vị thần Ba-by-lon) tìm kiếm một lãnh tụ chí công vô tư mà Ngài có thể cầm tay. Đó là Ky-rô mà Ngài công bố là Chúa tể muôn dân. Ngài đặt dưới chân vua xứ sở Guti, thúc dục ông xuất chinh chống lại Ba-by-lon, đi bên cạnh ông như một người bạn”. Trong sấm ngôn của mình, vị ngôn sứ xác định Đức Chúa hứa với vua Ky-rô một cuộc chiến thắng như thế nào khi gợi lên “mở toang cửa thành trước mặt vua, khiến các cổng không còn đóng kín”. Đây cốt là các cổng thành Ba-by-lon bằng đồng danh tiếng. Các cửa thành mở toang trước mặt vua Ky-rô mà ông không phải hao tổn binh lực. Quả thật, vua Ky-rô đã tiến chiếm thành đô Ba-by-lon mà không cần phải giao chiến.
2. Đức Chúa, Chúa Tể mọi biến cố.
Chính vì dân Ngài mà Đức Chúa dẫn đưa vua Ky-rô từ chiến thắng nầy đến chiến thắng khác. Ngài “gọi đích danh vua”, nghĩa là trao phó cho vua một sứ mạng (đây là diễn ngữ Kinh Thánh được dùng để chỉ ơn gọi). Ngài ban cho vua một tước hiệu (có thể là tước hiệu “Đấng được xức dầu” hay “người mục tử của Ta”, được ngôn sứ trích dẫn ở nơi khác) dù vị vua ngoại giáo nầy không biết Ngài.
Quả thật, vua Ky-rô hành xử như một người được Đức Chúa tuyển chọn. Vua tỏ ra mình hào hiệp: chiến thắng vua Mê-đi là Astyage, ông để cho vua nầy được sống, chiến thắng vua Ba-by-lon là Crésus, ông cũng hành xử độ lượng như thế. Ông không gây bất kỳ thiệt hại nào đối với dân cư thành Ba-by-lon. Ông tôn trọng tôn giáo của kẻ bại trận.
Dù thế nào, vị ngôn sứ quả quyết rằng chính Đức Chúa là Chúa Tể của mọi quyền bính chính trị, chính Ngài ban quyền lực, chính Ngài hướng dẫn mọi biến cố: “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác”. Đức Chúa không chỉ là Thiên Chúa của dân Do thái mà còn là Thiên Chúa của muôn dân muôn nước. Ngài không lệ thuộc vào bất kỳ quyền lực trần thế nào, trái lại mọi quyền bính đều xuất phát từ Ngài. Dù ý thức hay không, họ đều là khí cụ trong tay Ngài để thi hành chương trình cứu độ của Ngài. Không phải Đức Giê-su sẽ nói với Phi-la-tô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” sao (Ga 19: 11)?.
BÀI ĐỌC II (1Th 1: 1-5)
Chúng ta bắt đầu đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Thánh nhân viết thư nầy từ Cô-rin-tô vào năm 51. Đây là bức thư đầu tiên của vị Tông Đồ dân ngoại và đồng thời cũng là bản văn Tân Ước sớm nhất. Được viết chưa tới hai mươi năm sau cái chết của Đức Giê-su, bức thư nầy là một chứng liệu quý báu.
1. Ba Ngôi Thiên Chúa và Hội Thánh:
Phần đầu thư cung cấp một lời chứng đáng chú ý về đức tin của Giáo Hội tiên khởi. Trước hết, đây là một trong những bức thư liên kết thường hằng nhất chữ “Thiên Chúa” với chữ “Cha”: “Thiên Chúa là Cha” và “Thiên Chúa là Cha chúng ta”. Đoạn, danh xưng “Chúa Giê-su Ki-tô”, nghĩa là Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a và là Chúa, tước hiệu bao hàm thần tính và vinh quang của Ngài. Cựu Ước dành riêng tước hiệu “Chúa” nầy cho “Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en”. Cuối cùng, quyền năng của Chúa Thánh Thần được biểu hiện ở nơi việc rao giảng Tin Mừng. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa là nét độc đáo của Ki-tô giáo.
Mặc khác, ngay từ bản văn Tân Ước đầu tiên này, xuất hiện thuật ngữ Hy-lạp “ekklesia” được dùng để chỉ một cộng đoàn Kitô hữu, từ thuật ngữ Hy-lạp này xuất xứ trực tiếp thuật ngữ “Hội Thánh”. Trước tiên, thuật ngữ “ekklesia” mang nét nghĩa phàm trần: tại dân Hy lạp để chỉ Hội Đồng nhân dân. Để loan báo Giáo Hội tương lai của mình, Đức Giê-su thật ra đã sử dụng thuật ngữ Híp-ri và A-ram: “qahal”. Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất đã đặt trên môi miệng Đức Giê-su thuật ngữ nầy: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh em là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh (“ekklesia”) của Thầy…” (Matthew 16:18; 18:17). Thuật ngữ qahal chỉ “đại hội” của dân Do thái trong sa mạc (Đnl 4: 9-13; 9: 10; 18: 16; 23: 2; 31: 30) hoặc cộng đồng phụng vụ (1Sb 13: 2; 28: 8; 2Sb 20: 3; 30: 1; Nkm 1: 12). Vả lại, hai thuật ngữ Do thái và Hy lạp này giống nhau bởi động từ gốc của chúng: “kêu gọi”, “triệu tập”. Cả hai đều diễn tả chính xác thực tại Giáo Hội: Giáo Hội không tự mình hình thành nên, nhưng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, tập hợp lại hay quy tụ lại thành dân Thiên Chúa.
2. Giáo Hội học:
Nếu thánh Phao-lô gọi các cộng đoàn Ki-tô hữu địa phương là Hội Thánh như “Hội Thánh Cô-rin-tô”, “Hội Thánh Rô-ma”, “Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca”…., thì thánh nhân luôn luôn hiệp nhất các cộng đoàn nầy vào Giáo Hội Mẹ, là Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Toàn thể hình thành nên một Giáo Hội duy nhất, mà thánh nhân sẽ gọi là “Thân Thể của Đức Ki-tô”.
Chính trên nền tảng “Thân Thể của Đức Ki-tô” này mà trong thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô sẽ tha thiết kêu gọi toàn thể Ki-tô hữu hiệp nhất với nhau: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ephesians 4:3-6).
Và cũng chính trên nền tảng “Thân Thể của Đức Ki-tô” này mà thánh nhân sẽ khai triển một cách cụ thể trong thư gởi các tín hữu Cô-rin-tô. Sau khi đã trình bày Giáo Hội như một thân thể, dù có nhiều bộ phận khác nhau nhưng cần đến nhau, thánh Phao-lô kết luận: “Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phần cũng vui chung” (1Cr 12: 25-26). Như thế, sự hiệp nhất của Giáo Hội như một thân thể của Đức Ki-tô không phát xuất từ một khái niệm trừu tượng siêu hình trên các tầng mây, nhưng từ hoàn cảnh sống cụ thể thiết thực của các cộng đoàn Ki-tô hữu. Bất cứ ở đâu và khi nào anh chị em Ki-tô hữu của tôi phải chịu đau khổ, áp bức, bắt bớ đều có âm vang sâu thẳm trong tôi, trong toàn thân thể của Đức Ki-tô, chứ không chỉ ở nơi một cá nhân nào, ở nơi một Giáo Xứ nào, ở nơi một Giáo Phận nào, ở nơi một Giáo Hội địa phương nào. Vì thế, Ki-tô hữu càng chịu nhiều gian nan bắt bớ, thì Giáo Hội càng hiệp nhất hơn bao giờ hết: “Thời kỳ ấy, vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh…Thấy việc đó làm vừa lòng người Do thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa…Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12: 1-5).
Hơn nữa, cách nói “Hội Thánh Thê-xê-lô-ni-ca” hay “Hội Thánh Cô-rin-tô” chứ không “Hội Thánh tại Thê-xa-lô-ni-ca” hay “Hội Thánh tại Cô-rin-tô”, đem lại ý nghĩa sâu xa cho Giáo Hội học của Công Đồng Vatican II. Dù Hội Thánh hiện diện bất cứ ở nơi đâu thì chỉ là một Giáo Hội, một Dân Thiên Chúa, bắt nguồn từ ý định của Chúa Cha, được thiết lập bởi Chúa Con và được thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần. Chính qua sự hiện diện của các Hội Thánh địa phương mà Giáo Hội của Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện cụ thể giữa lòng nhân loại và nhờ các Ki-tô hữu địa phương mà Giáo Hội hoàn vũ thi hành sứ mạng của mình. Nếu nguồn gốc và bản chất của Giáo Hội là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì nền tảng của Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được xây dựng trên phép Rửa, nhờ đó mà một phàm nhân trở thành con cái Thiên Chúa, một thành viên của Giáo Hội. Đó là một thiên ân lớn lao nhất. Vì thế, tất cả các bí tích khác và kể cả cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội chỉ để “phục vụ” cho thiên ân làm con cái Thiên Chúa này mà mỗi người Ki-tô hữu đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa.
3. Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca:
Thê-xa-lô-ni-ca là thủ phủ của miền Ma-kê-đô-ni-a. Đây là thành phố thứ hai của Châu Âu mà thánh Phao-lô mang Tin Mừng đến. Thành phố thứ nhất là Phi-líp cũng thuộc miền Ma-kê-đô-ni-a.
Thê-xa-lô-ni-ca là một thành phố biển và thương mại phồn vinh. Thê-xa-lô-ni-ca là tên mà một trong các tướng lãnh của A-lê-xan đại đế lấy tên vợ của mình đặt tên cho thành phố nầy. Có một cộng đồng kiều bào Do thái sinh sống ở đây. Họ có một hội đường. Trong sách Công Vụ, thánh Lu-ca đã tường thuật những diễn biến của việc thành lập Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca nầy vừa ngắn gọn vừa gian nan (Cv 17: 1-9). Thánh Phao-lô đặt chân lần đầu tiên lên thành phố cảng Thê-xa-lô-ni-ca này trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai khoảng năm 50 cùng với Xin-va-nô. Ngài rao giảng tại đó trong một thời gian rất ngắn có lẽ độ vài tháng. Ngài phải vội vả trốn đi vào ban đêm vì người Do thái xúi dục dân bạo động.
Chính trong hội đường Do thái nầy mà thánh Phao-lô lên tiếng vào ba ngày sa-bát liền. Lời rao giảng của thánh nhân được vài người Do thái và một số đông người Hy-lạp hoan hỉ tiếp đón, trái lại, cộng đoàn Do thái ở đây phẩn nộ. Họ gây náo loạn trong thành phố đến nổi thánh Phao-lô và bạn đồng hành của ngài là ông Xin-va-nô buộc phải vội vã rời bỏ thành phố ngay đêm ấy. Thánh Phao-lô trốn chạy đến Bê-roi-a và từ đó đến A-thê-na bằng đường biển. Lo lắng vì đã để lại một cộng đoàn non trẻ, đức tin chỉ vừa mới bén rể, ấy vậy đã phải chịu nhiều quấy nhiễu rồi, thánh nhân khẩn khoản xin Ti-mô-thê trở lại Thê-xa-lô-ni-ca để ủy lạo những người Kitô hữu non trẻ nầy. Khi gặp lại thánh Phao-lô lúc đó ở Cô-rin-tô, Ti-mô-thê đem đến cho thánh nhân những tin tức đầy khích lệ: Hội Thánh non trẻ nhưng thật kiên vững. Vui mừng và an tâm, thánh Phao-lô viết thư thứ nhất nầy. Bức thư nầy cùng với thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê, chứa chan những lời thân thương trìu mến nhất của thánh nhân.
4. Chúng tôi, Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê.
Theo thể thức thư tín vào thời đó, một hay nhiều người đồng ký tên vào trong một bức thư: “Chúng tôi, Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê”. Xin-va-nô cũng được gọi Xi-la trong sách Công Vụ và sau nầy trở thành thư ký của thánh Phê-rô ở Rô-ma (1Proverbs 5:12). Vào lúc nầy, ông thay thế ông Ba-na-bê bên cạnh thánh Phao-lô, sau khi thánh nhân chia tay với Ba-na-bê ở Cô-rin-tô. Còn Ti-mô-thê là một trong những người đồng hành trung thành nhất của thánh Phao-lô. Chúng ta gặp thấy tên ông bên cạnh tên thánh Phao-lô trong sáu bức thư. Tiếp đó là tên người nhận thư: “xin gởi thư nầy cho Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca”. Chúng ta lưu ý việc chuyển từ số ít tập thể: “Hội Thánh” đến ngôi thứ hai số nhiều: “Chúc anh em…”
5. Thiên Chúa là Cha chúng ta và Chúa Giê-su Kitô.
Thật sự hoàn toàn mới mẽ. Cộng đoàn Kitô hữu không chỉ ở trong Thiên Chúa là Cha, nhưng cũng ở trong Đức Giê-su Ki-tô được công bố là “Chúa”. Ngay từ những hàng đầu tiên của thư đầu tiên nầy, chúng ta gặp thấy biểu thức tiêu biểu của thánh Phao-lô: “trong Đức Giê-su Kitô”, “trong Đức Kitô” thường trở đi trở lại trong các bức thư của thánh nhân. Đây là biểu thức mấu chốt của cuộc sống nội tâm của thánh nhân, cũng như tính năng động tông đồ của ngài.
6. Ân sủng và bình an.
Lời chào mở đầu của bức thư liên kết lời chào của người Do thái: “bình an” (“shalom”) với lời chào của người Hy-lạp: “ân sủng” (“charis”). Thánh nhân sẽ sử dụng lời chào nầy trong tất cả các bức thư của ngài, ngoài trừ hai bức thư gởi cho Ti-mô-thê, thánh nhân thêm vào “lòng thương xót”: “ân sủng, lòng thương xót và bình an”. Thật ra, sự liên kết của hai cách chào nầy vốn đã hiện diện trong Do thái giáo rồi. Chúng ta gặp thấy điều nầy trong sách Dân Số: “Nguyện xin Đức Chúa chúc phúc cho anh em…Nguyện xin Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em”. Lời nguyện chúc nầy tái xuất hiện trong các sách khải huyền Do thái như sách Hê-nốc 1: 4: “Nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng và bình an”, cũng như trong các lời cầu nguyện của cộng đồng Qum-rân. Tuy nhiên, thánh Phao-lô làm phong phú hai cách chào này bằng những phẩm chất của Kitô giáo. Ngài viết cho các tín hữu Phi-líp: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô” (Pl 4: 7).
7. Cảm tạ Thiên Chúa.
“Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa khi nghĩ đến anh em”. Sau nầy, hầu như tất cả bức thư của ngài, thánh Phao-lô bắt đầu với lời “cảm tạ” hay “chúc phúc” theo cách Do thái. Trong thư gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca nầy, thánh nhân đặc biệt khai triển lời cảm tạ. Ngài diễn tả niềm vui của mình vì biết các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vẫn một mực trung thành và vững mạnh bất chấp những phiền nhiễu mà những người Do thái gây ra cho họ.
8. Ba nhân đức đối thần.
“Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những nghịch cảnh anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Kitô”.
Một lần nữa, một trong những lợi ích lớn lao về phương diện lịch sử cũng như về phương diện thần học của bản văn Tân Ước đầu tiên nầy, đó là khám phá ở đây lời phát biểu ba nhân đức căn bản mà sau nầy sẽ được gọi là ba nhân đức đối thần. Ở 5: 8 cũng như ở Colossians 1:4-5, thánh nhân sẽ trích dẫn ba nhân đức nầy theo cùng một trật tự: đức tin, đức mến và đức cậy, và ở 1Cr 13: 13 theo một trật tự khác: đức tin, đức cậy và đức mến.
9. Hộ Thánh Thê-xa-lô-ni-ca là hoa quả của Chúa Thánh Thần.
Những Ki-tô hữu Thê-xa-lô-ni-ca đa số đều xuất thân từ lương dân. Thánh nhân nhấn mạnh họ thuộc về “Dân Chúa Chọn”, cùng một tước hiệu như những đồng đạo của họ xuất thân từ Do thái. Từ đây sự tuyển chọn của Thiên Chúa mở rộng cho hết mọi người. Nhưng nhất là thánh nhân thán phục những thành quả đáng ngạc nhiên ở Thê-xa-lô-ni-ca: họ không thể chỉ là thành quả duy nhất từ lời rao giảng Tin Mừng của thánh nhân, nhưng còn là tác động của Chúa Thánh Thần nữa. Trong thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan phàm nhân, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1Cr 2: 1-4). Thật ra, đây là điều mà thánh nhân đã nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca rồi: “Khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho anh em , thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa”.
TIN MỪNG (Matthew 22:15-21).
Bản văn Tin Mừng nầy rất nổi tiếng được cả ba Tin Mừng nhất lãm tường thuật. Lời của Đức Giê-su: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” đã được biện luận như một sự phân biệt giữa hai thế lực, công dân trần thế và công dân Nước Trời. Biện luận nầy gợi lên nhiều áp dụng thực tiển khác nhau qua nhiều thế kỷ.
1. Bối cảnh:
Trong bối cảnh trực tiếp, lời nầy được ghi ở giữa lòng những cuộc tranh luận của Đức Giê-su với nhóm Biệt Phái vào những ngày cuối cùng sứ vụ của Ngài ở Giê-ru-sa-lem trước cuộc Tử Nạn của Ngài: “Nghe các dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Biệt phái hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ” (Matthew 21:45).
Nhóm Biệt Phái bàn mưu tính kế gài bẩy Đức Giê-su để Ngài lỡ lời mà tố cáo Ngài. Họ cấu kết với phe Hê-rô-đê, một đảng phái chính trị được vua Hê-rô-đê Cả thiết lập và hợp tác với chính quyền Rô-ma. Nhóm Biệt Phái hy vọng phe Hê-rô-đê làm chứng về lời của Đức Giê-su để bắt Ngài và tố cáo Ngài.
2. Câu hỏi đầy ác ý:
Rào trước đón sau bằng những lời “đường mật”, họ tán dương sự chí công vô tư của Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”. Chữ “đường lối” là từ ngữ tôn giáo. Từ ngữ nầy bắt nguồn trong các Thánh Vịnh, đặc biệt Tv 119, trong đó có hai con đường, một dẫn đến việc thực thi đức công chính và một dẫn đến sự hư mất. Dù ác ý được khôn khéo bọc trong những lời đường mật, thật ra đây là một lời khen ngợi tuyệt vời. Cuối cùng, viện cớ là xin Ngài soi sáng lương tâm của mình, họ gày bẫy Ngài bằng một câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da, hoàng đế Rô-ma hay không?”.
Phải nói rằng miền Giu-đê có một hoàn cảnh đặc thù. Kể từ khi Archélaüs, con của vua Hê-rô-đê Cả bị hoàng đế Au-gút-tô cất chức vào năm thứ sáu sau Công Nguyên, miền Giu-đa được đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của chính quyền La-mã, đại diện tại chỗ là một quan Tổng Trấn. Trong khi miền Ga-li-lê và những địa hạt phương Bắc vẫn dưới quyền cai trị của các tiểu vương Do thái, Hê-rô-đê An-ti-pát và Phi-líp-phê, hai người con khác của vua Hê-rô-đê Cả.
Ở miền Giu-đê, nhóm Nhiệt Thành khuyến cáo không được nộp thuế, vì đây là cử chỉ thuần phục chính quyền chiếm đóng. Bè Hê-rô-đê, hợp tác với chính quyền Rô-ma, ủng hộ việc nộp thuế. Nhóm Biệt Phái giữ lập trường trung lập: họ không thừa nhận sự bạo lực của nhóm Nhiệt Thành cũng như không tán thành tinh thần hợp tác của bè Hê-rô-đê. Vì thế, “nộp thuế hay không” là một vấn đề thời sự. Nhưng ý định của các địch thủ của Ngài thì hoàn toàn khác: họ muốn đặt Ngài vào một vấn đề tiến thoái lưỡng nan để trừ khử Ngài.
Chính quyền Rô-ma ban hành ba thứ thuế thông thường. Trước hết là “thuế điền thổ”, mỗi người đều phải đóng thuế cho nhà nước một phần mười hoa màu đất đai của mình. Đoạn, “thuế lợi tức” gồm một phần trăm lợi tức của mỗi người. Sau cùng là “thuế thân” quy định mọi người nam từ mười bốn đến sáu mươi lăm tuổi và người nữ từ mười hai đến sáu mươi lăm đều phải đóng một quan tiền, tức bằng lương công nhật của một người (Matthew 20:1-2). Thuế mà nhóm Biệt Phái hỏi ở đây là thuế thân.
Nếu Chúa Giê-su đồng ý nộp thuế cho đế quốc Rô-ma, Ngài sẽ mất uy tín đối với quần chúng, vì họ đặt ở nơi Ngài niềm hy vọng giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ đế quốc Rô-ma. Nếu Ngài từ chối nộp thuế, Ngài tự đặt mình đối đầu với quyền lực Rô-ma, và chắc chắn những người thuộc phe Hê-rô-đê, thân chính quyền Rô-ma sẽ không bỏ lở cơ hội mà tố cáo Ngài là phản động, chống chính quyền.
2. Câu trả lời của Đức Giê-su.
Nhưng Đức Giê-su không tránh né câu hỏi hóc búa nầy. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem “một quan tiền nộp thuế”. Điều nầy rất quan trọng. Chung quy có hai loại tiền tệ hiện hành ở Giê-ru-sa-lem. Đồng tiền chính thức của đế quốc Rô-ma mang hình và danh hiệu của vị hoàng đế Xê-da. Mọi hình thức nộp thuế đều phải được quy định bằng đồng tiền chính thức nầy. Ngoài ra, còn có “đồng tiền đền thờ”, đặc thù của dân Do thái, được dành riêng cho việc phụng tự (đó là lý do tại sao có những người đổi tiền trong sân Đền Thờ). Cầm lấy một quan tiền mà họ trao cho Ngài, Ngài hỏi họ: “Hình và danh hiệu nầy là của ai đây?”. Họ đáp: “Của Xê-da”. Ngài trả lời họ: “Của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.
Về phương diện lịch sử, đây là lần đầu tiên mà sự phân biệt giữa Thiên Chúa và tổ quốc được diễn tả rõ nét nhất. Người Kitô hữu vừa công dân trần thế vừa công dân Nước Trời. Đứng trước một sự phân biệt ấy người ta dể rơi vào hai thái độ quá khích: hoặc đặt nặng các giá trị công dân Nước Trời mà xem thường các giá trị công dân trần thế, hay quá chú tâm về các giá trị trần thế mà hờ hửng với những giá trị Nước trời. Câu trả lời của Đức Giê-su “Của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” đặt người tín hữu trước hai bổn phận phải chu toàn: công dân trần thế và công dân Nước Trời. Cả hai không hề loại trừ nhau nhưng cùng hiện diện song song và có ảnh hưỡng hổ tương: tìm cách xây dựng Nước Trời qua nổ lực xây dựng trần thế bằng cách thăng tiến nó và làm cho nó thấm nhuần sự hiện diện của Thiên Chúa để cuối cùng dẫn đưa nó về Ngài. Như thế, phụng sự Thiên Chúa đồng nghĩa với việc phục vụ tha nhân rồi. Đó cũng là lời dạy của Công Đồng Va-ti-can II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngay nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et Spes).
Các đối thủ của Đức Giê-su nghĩ là đặt Ngài vào thế bí không có lối thoát, nhưng lại nhận ra rằng Ngài quán triệt vấn đề đến nổi khiến họ phải kinh ngạc. Những kẻ muốn Ngài cứng họng phải gặp thấy ở nơi câu trả lời của Ngài một lời dạy rành mạch thấu tình đạt lý: một sự hiệp nhất cuộc sống của mỗi người tín hữu giữa bổn phận công dân trần thế và bổn phận công dân Nước Trời, đó là căn tính Ki-tô giáo, một tôn giáo không chỉ nhập thế mà còn nhập thể nữa: “Mến Chúa và Yêu Người là một”.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Kinhthanhvn.net