Các ngôn sứ đã thường sử dụng hình ảnh bàn tiệc để mô tả niềm vui tương lai của những người công chính trong thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc, cũng như ơn cứu độ và muôn vàn thiên ân mà mọi người được hưởng vào thời Mê-si-a. Trong những sấm ngôn này, tiệc cánh chung và tiệc Mê-si-a hòa lẫn với nhau ít nhiều trong cùng một biểu tượng.
Isaiah 25:6-10a
Trong sấm ngôn theo văn thể khải huyền của I-sai-a, tiệc mà Thiên Chúa thiết đãi cho muôn dân là tiệc cánh chung. Đây là niềm vui của những người được tuyển chọn, mọi đau khổ và sự chết hoàn toàn biến mất trong Nước Trời.
Pl 4: 12-14, 19-20
Trong thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô bày tỏ tâm tình cảm tạ và tri ân đối với cộng đoàn này. Trái với thông lệ của mình, thánh nhân đã chấp nhận sự trợ giúp vật chất của họ khi ngài gặp phải sự khốn khó trong cảnh giam cầm.
Matthew 22:1-14
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử để thiết đãi cho các khách quý của mình. Nhưng vì họ từ chối không đến tham dự tiệc cưới nên lời mời được gởi đến cho tất cả mọi người.
BÀI ĐỌC I (Isaiah 25:6-10a)
Bản văn nầy thuộc vào một phân đoạn đặc thù của sách I-sai-a, phân đoạn của các chương 24-27 theo thể loại sấm ngôn khải huyền. Người ta nghi ngờ tác giả của phân đoạn nầy không phải là ngôn sứ I-sai-a, bởi vì văn phong và tư tưởng thuộc thời đại sau nầy.
Viễn cảnh là viễn cảnh thời cánh chung. Hình ảnh bàn tiệc Thiên Chúa thiết đãi muôn dân diễn tả vừa ơn cứu độ hoàn vũ lẫn niềm hân hoan tràn ngập cõi lòng của những người được tuyển chọn.
1. Viễn cảnh cánh chung:
“Ngày ấy, trên núi nầy, Thiên Chúa sẽ thiết tiệc đãi muôn dân”. “Trên núi nầy”, đó là đồi Xi-on, trên đó Đền Thờ được xây dựng. Theo ngôn ngữ khải huyền, “đồi Xi-on” chỉ thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
Thiên Chúa thiết tiệc đãi “muôn dân muôn nước”. Ơn gọi phổ quát của núi thánh đã được ngôn sứ I-sai-a loan báo, chính xác vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi” (Isaiah 2:1-5), và cũng được chính vị ngôn sứ nhắc lại: “Đức Chúa các đạo binh hiển trị trên núi Xi-on và tại Giê-ru-sa-lem” (24: 23). Vào thời hậu lưu đày, ngôn sứ Da-ca-ria cũng loan báo theo cùng một cách như thế: “Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến” (Dcr 8: 20). Thời cánh chung sẽ là giờ Đức Chúa ngự trị. Tác giả đã nhắc lại điều đó ở phía trên: “Đức Chúa các đạo binh hiển trị trên núi Xi-on và tại Giê-ru-sa-lem” (Isaiah 24:23). Bữa tiệc cánh chung là bữa tiệc hoàng gia. Đức Giê-su sẽ lấy lại chủ đề nầy trong dụ ngôn của Ngài về tiệc cưới hoàng gia.
Đồ ăn cao lương, thức uống mỹ vị: “tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon”, nhấn mạnh mối thịnh tình của Thiên Chúa dành cho khách mời. Trong các hy lễ, “thịt béo” luôn luôn được dâng hiến cho Thiên Chúa (Leviticus 3:3-5,14-15). Điều đó muốn nói lên rằng con người sẽ được dự phần vào những thiện hảo mà trước đây chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, rượu luôn luôn là dấu chỉ của niềm vui. Vào dịp nầy, niềm vui là niềm hoan hỉ vĩnh viễn. Thiên Chúa “sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ muôn dân, và tấm khăn liệm bao trùm muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan sẽ lấy lại viễn cảnh chứa chan hy vọng nầy: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21: 4).
3. Viễn cảnh Mê-si-a:
Sấm ngôn hoàn tất với bài ca cảm tạ tri ân về những thiên ân chưa từng được ban cho và một niềm tin tưởng vô bờ: “Thiên Chúa chúng ta đây rồi, chúng ta từng trông đợi Người, và Người đã cứu chúng ta. Đây là Đức Chúa, Đấng chúng ta đã từng trông đợi. Nào chúng ta hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ” .
Niềm vui chan chứa và sự no thỏa dư dật cũng sẽ là những dấu hiệu của thời Mê-si-a như ở tiệc cưới Ca-na hay vào lúc phép lạ bánh hóa nhiều, cả hai là dấu chỉ loan báo bữa tiệc Mê-si-a đích thật: Bàn Tiệc Thánh Thể.
BÀI ĐỌC II (Pl 4: 12-14, 19-20).
Với đoạn trích nầy, chúng ta đọc xong thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê.
1. Tin Mừng là một ân ban nhưng không:
Xin nhắc lại rằng thánh nhân viết thư nầy khi ngài đang sống trong cảnh giam cầm hoặc ở Rô-ma hoặc ở Ê-phê-sô. Các tín hữu Phi-líp-phê đã giúp đỡ ngài, vả lại đây không là lần đầu tiên (Pl 4: 16). Thật ra, các tín hữu Phi-líp-phê là cộng đoàn duy nhất mà thánh nhân đã không từ chối việc giúp đỡ vật chất của họ. Thánh nhân thường bận lòng là không bao giờ mình trở thành gánh nặng cho các cộng đoàn mà ngài loan báo Tin Mừng để khỏi làm thiệt hại đến sứ vụ của ngài. Ngỏ hầu người ta có thể tin rằng việc loan báo Tin Mừng của ngài là vô vị lợi, thánh nhân đã không ngừng lặp đi lặp lại Tin Mừng mà ngài đem đến là một ân ban nhưng không, với tư cách là “đầy tớ” của Đức Kitô, Đấng không mong chờ bất kỳ bổng lộc nào. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thánh nhân đã làm việc bằng chính bàn tay của mình: “Chúng tôi phải vất vả và tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu” (1Cr 4: 12).
2. Tấm lòng của thánh Phao-lô đối với các tín hữu Phi-líp-phê:
Tuy nhiên, thánh nhân chấp nhận sự trợ giúp của các tín hữu Phi-líp-phê, vì ngài biết rằng nghĩa cử của họ biểu lộ tấm lòng chân thành của họ đối với ngài.
Thánh Phao-lô tế nhị cám ơn họ và xin họ đừng bận lòng thái quá đối với ngài, vì thánh nhân biết hài lòng trong mọi sự và thích nghi với mọi hoàn cảnh: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả”. Người ta có thể gặp lại cách nói tương tự dưới ngòi bút của các triết gia khắc kỷ như Ēpictète hay Sénèque. Nhưng trong khi các hiền triết này nhận lấy nguồn bình an tự tại từ nơi chính bản thân mình, thánh Phao-lô đánh dấu sự khác biệt: múc lấy sức mạnh của mình chỉ từ Đức Kitô, Đấng sống trong thánh nhân: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể chịu đựng được hết”.
Thánh nhân muốn các tín hữu hiểu rằng ngài không muốn bị ràng buộc với bất cứ ai, nhưng quyết tâm gìn giữ sự tự do của mình, như khi ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Chúng tôi chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô” (1Cr 9: 12).
3. Tấm lòng của các tín hữu Phi-líp-phê đối với thánh Phao-lô:
Thánh Phao-lô bày tỏ tấm lòng biết ơn chân thành của ngài đối với các tín hữu Phi-líp-phê, bởi vì thánh nhân biết rất rõ cộng đoàn Phi-líp-phê không giàu có gì. Quả thật, trong bức thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô về việc lạc quyên giúp Giáo Hội Giê-ru-sa-lem, chúng ta đọc thấy những lời nầy: “Trải qua bao nỗi gian truân, họ (các tín hữu Phi-líp-phê) vẫn chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa” (2Cr 8: 2-3).
Dù không muốn nhận bất kỳ sự giúp đỡ từ bất kỳ ai, thánh Phao-lô biết rằng những chi sẻ của các tín hữu Phi-líp-phê với ngài trong khi ngài gặp cơn quẫn bách là đẹp lòng Thiên Chúa. Đó thật sự là một sự giàu có tinh thần. Thánh nhân có thể nói với các tín hữu Phi-líp-phê như Lu-ca nói về bà Ta-bi-tha ở Gia-phô: “Họ đầy công đức vì những việc lành và bố thí họ đã làm” (Cv 9: 36). Đã có lần thánh Phao-lô miêu tả hình ảnh người tông đồ: chúng tôi bị coi là người nghèo khó mà kỳ thực chúng tôi làm cho nhiều người giàu có.
Trong phần cuối, thánh nhân nói trước hết đến “Thiên Chúa của tôi”, vì chính Thiên Chúa sẽ thay thánh nhân trả công bội hậu cho những người làm phúc cho thánh nhân; tiếp đó, đến “Thiên Chúa là Cha chúng ta”, vì chính Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu sẽ săn sóc các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của thánh nhân.
TIN MỪNG (Matthew 22:1-14).
Dụ ngôn nầy cùng với hai dụ ngôn đi trước: dụ ngôn hai người con và dụ ngôn bọn tá điền gian ác, hình thành nên một bức tranh bộ ba với cùng một chủ đề: việc lương dân thế chỗ cho dân Chúa chọn, vì sự bất trung của dân này đối với sứ mạng của mình. Tuy nhiên, có một tiến triển: trong dụ ngôn tiệc cưới, dấu nhấn được đặt trên ơn cứu độ phổ quát. Dụ ngôn nầy chứa đựng hai bài học: tiệc Mê-si-a (22: 1-10) và tiệc cánh chung (22: 11-14), cả hai viễn cảnh nầy rất thường được đan quyện vào nhau trong các sấm ngôn Cựu Ước, như trong trường hợp bài đọc I.
1. Tiệc Mê-si-a (22: 1-10):
Như trong sấm ngôn được diễn tả theo văn thể khải huyền của bài đọc I, hình ảnh bàn tiệc gợi ra việc Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài trong niềm vui cứu độ. Trong dụ ngôn, Đức Vua là Thiên Chúa, hoàng tử là Đấng Mê-si-a và tiệc cưới biểu thị Giao Ước Mới, Giao Ước vĩnh viễn của Thiên Chúa với nhân loại.
Đức Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Nhà Vua không những đã gởi thiệp mời trước; nhưng theo phép lịch sự của giới thượng lưu vào thời ấy, đúng vào ngày mở tiệc, Ngài còn sai gia nhân năm lần bảy lượt đến tận nhà các quan khách có tên trong danh sách mời: “Này cổ bàn, Ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới”. Nhưng các quan khách không thèm đếm xĩa gì tới Giao Ước Mới nầy, đó là dân Ít-ra-en, họ từ chối nhận ra vị hoàng tử là Đấng Mê-si-a. Vài khách mời còn tỏ thái độ thù nghịch: họ còn ngược đãi và giết chết các gia nhân của Đức Vua, tức là các tông đồ và những người được sai đi loan báo Tin Mừng.
“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”. Thái độ như thế được đặt vào trong bối cảnh Kinh Thánh là những án phạt của Thiên Chúa. Dường như ở đây là một trong những lời tiên báo trực tiếp của Đức Giê-su về cuộc tàn phá thành thánh Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công Nguyên bởi quân đội Rô-ma. Vài nhà chú giải thấy ở đây không là một lời tiên báo, nhưng lời nhắc nhớ về một sự kiện đã xảy ra. Bởi vì, trong câu chuyện sóng đôi của Lu-ca (14: 15-24), không có chi tiết nầy. Vì thế, người ta có thể nghĩ rằng chi tiết nầy đã được Tin Mừng Mát-thêu thêm vào sau biến cố nầy.
Các khách đã được mời nhưng không đến. Mỗi người theo đuổi lợi ích riêng của mình. Họ đã không đáp trả lời mời, từ chối dự phần vào Vương Quốc Mê-si-a, hình ảnh của Giáo Hội. Thành phố bị thiêu hủy, tuy nhiên, tiệc cưới vẫn được tiến hành. Các quan khách từ chối không đến được thay thế. Lời mời gọi được vang lên cho mọi người khắp các ngã đường: “Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai thì mời hết vào tiệc cưới. Gia nhân liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại”. Dụ ngôn nhấn mạnh tính nhưng không của lời mời: toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, được mời gọi tham dự tiệc cưới thế chỗ dân Ít-ra-en bất trung. Sự chọn lựa giữa người tốt và kẻ xấu sẽ xảy ra sau nầy như trong dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng hay trong dụ ngôn mẻ lưới đầy cá.
Trong dụ ngôn sóng đôi của mình, thánh Lu-ca ghi nhận rằng các đầy tớ nhận lệnh ra các ngã đường đến hai lần (Lc 14: 21-24). Trong lần thứ nhất, họ mời những người nghèo hèn, tàn tật, đui mù, què quặt vào dự tiệc cưới; trong lần thứ hai, họ mời tất cả những khách qua đường. Có lẽ thánh Lu-ca nghĩ trước hết đến những “người nghèo của Đức Chúa”, những người mà Đức Giê-su đã ưu ái đặc biệt, những người này đã hoan hỉ tiếp đón Tin Mừng và đã dự phần vào niềm vui Mê-si-a, vì thế, họ không thể nào bị loại ra ngoài. Hạng người thứ hai là lương dân, đây là nét tinh tế của thánh Lu-ca khi đề cập đến hạng người nầy.
2. Tiệc cánh chung (22: 11-14)
Từ tiệc Mê-si-a, dụ ngôn chuyển sang tiệc cánh chung. Vả lại, dụ ngôn ngắn về một khách mời bị loại ra khỏi tiệc cưới có thể tự ban đầu đã là một dụ ngôn độc lập. Có sự khác biệt đáng kể giữa phần trước và phần tiếp theo sau. Trong bàn tiệc Mê-si-a, mọi người đều được mời tham dự, dù tốt hay xấu, công chính hay tội lỗi (đó không phải lời mời gọi của Đức Giê-su được gởi đặc biệt đến những người tội lỗi sao?). Trái lại, trong bàn tiệc cánh chung, nghĩa là trong Nước Trời, người ta chỉ được phép tham dự khi mặc y phục của những người công chính.
Nhà Vua tiến vào bàn tiệc thấy một khách dự tiệc không mặc y phục lễ cưới, liền hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Trong Tin Mừng Mát-thêu, lời chất vấn được bắt đầu với “Này bạn” luôn luôn hàm chứa sắc thái khiển trách: “Nầy bạn”, lời của ông chủ vườn nho đáp lại lời phàn nàn của một trong những người thợ đầu tiên; “Nầy bạn”, lời của Đức Giê-su nói với Giu-đa dẫn toán vệ binh đến bắt Ngài.
Làm thế nào có thể trách cứ người khách nầy là không mặc y phục lễ cưới khi mà anh ta được mời bất ngờ từ ngoài đường mà không kịp trở về nhà thay y phục? Tại vài dân tộc Đông Phương, gia chủ đã tiên liệu y phục lễ cưới cho khách mời ở lối vào tiệc cưới. Một tập tục như vậy không được chứng nhận ở Ít-ra-en. Chính vì điểm khó hiểu này, vài nhà chú giải nghĩ rằng dụ ngôn này là một dụ ngôn độc lập, chẳng liên quan gì đến dụ ngôn đi trước; vì thế, những khách dự bàn tiệc này không là những người khách được tập hợp bất ngờ vào dự tiệc cưới như dụ ngôn trước.
Lập luận này thật xác đáng nếu chúng ta đối chiếu đoạn Tin Mừng Mát-thêu này với đoạn Tin Mừng sóng đôi của thánh Lu-ca 14: 16-24, ở đó thánh Lu-ca kể hoạt cảnh thứ nhất mà không nói gì đến hoạt cảnh thứ hai này. Vì thế, dụ ngôn thứ hai này được thánh Mát-thêu thêm vào đây. Ý nghĩa của dụ ngôn thứ hai thì rõ ràng. Bạn không được dự phần vào bàn tiệc Nước Trời, nếu bạn đã không chu toàn những đòi hỏi của sứ điệp Tin Mừng. Để được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời, một Ki-tô hữu đáp lại lời mời mà thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải có y phục lễ cưới nữa, nghĩa là cả một đời sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, xứng với danh xưng Ki-tô hữu của mình.
Ngoài ra, câu cuối: “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” rõ ràng không ăn khớp với dụ ngôn thứ hai, theo đó có một số lượng lớn khách được mời dự tiệc cưới trong khi chỉ một mình người khách không mặc áo cưới bị loại ra bên ngoài. Đúng hơn lời sau cùng nầy có liên quan đến dụ ngôn thứ nhất, theo đó chỉ có ít người dân Ít-ra-en, dân Chúa chọn, được dự phần vào bàn tiệc Mê-si-a, khi so sánh với muôn dân muôn nước hồ hởi tiếp đón Tin Mừng.
Lm Inhaxiô Hồ Thông