Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đều dọi chiếu ánh sáng vào lời đáp trả mau mắn không một chút trì hoãn trước tiếng gọi của Thiên Chúa.
Gn 3: 1-5, 10
Dân thành Ni-ni-vê, dù là một thành phố ngoại giáo, đã không một chút chậm trể ăn năn sám hối khi nghe lời rao giảng của ngôn sứ Giô-na.
1Cr 7: 29-31
Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Cô-rin-tô hãy sống tận mức ơn gọi làm Ki-tô hữu của mình vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của ơn cứu độ.
Mc 1: 14-20
Trước tiếng gọi của Đức Giê-su, các môn đệ đầu tiên đã đáp trả triệt để bằng cách từ bỏ tất cả mà đi theo Ngài.
Sách Giô-na được viết theo thể loại ngụ ngôn luân lý, theo đó trí tưởng tượng trộn lẫn với óc khôi hài; nhưng bài học giáo huấn của sách mở ra những viễn cảnh phổ quát.
Ngôn sứ Giô-na không là tác giả nhưng là nhân vật chính của câu chuyện được kể trong sách. Chúng ta không biết một chút gì về tác giả. Theo lời kể trong sách, ngôn sứ Gio-na được Đức Chúa sai đi thi hành sứ vụ của mình cho dân thành Ni-ni-vê vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Tuy nhiên, thành đô nầy đã bị phá hủy vào năm 612 trước Công Nguyên, tức là thành đô nầy đã không còn nữa trước đó gần hai thế kỷ. Vì thế, bối cảnh của chuyện kể là hư cấu và nhân vật là tưởng tượng.
1. Bài học của câu chuyện.
Tuy nhiên, điều cốt yếu không phải ở nơi tính lịch sử của câu chuyện nhưng bài học mà câu chuyện muốn gởi gắm. Việc chọn thành đô nầy có một ý nghĩa chính xác: Ni-ni-vê là kinh thành của đế quốc Át-sua vào thời cực thịnh. Đây là thành phố thù địch không đội trời chung với dân Do thái và là biểu tượng tinh hoa của thế giới ngoại giáo.
Ấy vậy, khi vị ngôn sứ cất bước rao giảng chưa hết một phần ba thành đô, thì toàn thể dân thành đã ăn năn sám hối rồi, từ vua quan cho đến hàng lê thứ. Đây mới thật sự là một bài học nhớ đời cho dân Ít-ra-en. Khi đọc câu chuyện này, làm thế nào dân Do thái không thể nghĩ đến sự việc vừa mới đây ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã công bố những lời cảnh báo ngăm đe như thế cho dân thành Giê-ru-sa-lem để kêu gọi họ ăn năn sám hối; nhưng triều thần và ngay cả vua đã ra lệnh đốt sách sấm ngôn của vị ngôn sứ? Vì thế, đó là lý do tại sao thành đô Giê-ru-sa-lem đã bị đánh chiếm và bị phá hủy, còn dân thành đã phải chịu cảnh lưu đày ở đất khách quê người.
Chính Đức Giê-su nêu gương sám hối của dân thành Ni-ni-vê như một bài học cho thế hệ của Ngài: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ nầy và sẽ kết án họ, vì xưa dân nầy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa” (Matthew 12:41).
2. Ơn cứu độ phổ quát.
Thật ra, nhân vật chính của sách không là ngôn sứ Giô-na mà chính là Đức Chúa, Ngài không chỉ là Thiên Chúa của dân Do thái, nhưng còn là Thiên Chúa của muôn dân muôn nước nữa. Ngài quan tâm đến những tội lỗi của một dân ngoại giáo; nhưng trước khi trừng phạt dân này, Ngài sai một vị ngôn sứ đến với họ như Ngài đã từng làm đối với dân Ngài chọn. Như vậy, Đức Chúa ban khả năng cứu độ cho hết mọi người không trừ một ai. Ngài chỉ cốt cảnh báo để đánh thức lương tri và thúc dục lòng ăn năn sám hối, vì thế, tấm lòng từ bi nhân hậu của Ngài trải rộng ra với hết mọi dân nước.
BÀI ĐỌC II (1Cr 7: 28-31)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô. Trong đoạn trích dẫn hôm nay, thánh nhân trả lời những vấn nạn mà cộng đoàn đã nêu lên cho ngài; đoạn ngài loan báo một vấn đề cốt yếu: “Tôi xin nói với anh em điều nầy: thời gian chẳng còn bao lâu nữa”.
1. Lời loan báo gây sững sốt.
Thật không may, bản dịch: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” không thể lột tả hết tư tưởng của thánh nhân. Theo nguyên ngữ Hy lạp, lời loan báo nầy gợi lên một hình ảnh rất sống động: “đây là lúc thuận tiện, các buồm thuyền đã được cuốn lại” khi con thuyền sắp cập bến. Vì thế, đây là thời gian sẵn sàng vì thuyền sắp cặp bến. Từ đó, thái độ phải có đối với các tín hữu là phải hành xử như người sắp cặp bến đời đời.
2. Phần chứng minh.
Tiếp đó, thánh nhân đưa ra những chứng minh được móc nối vào nhau một cách tự nhiên như một chuỗi dây xích: từ nay, những ai sống đời sống vợ chồng đừng gắn bó với những ham muốn xác thịt; những ai sống trong phiền muộn, đừng than khóc như những người không có niềm hy vọng; những ai sống trong niềm vui hãy nghĩ rằng hạnh phúc trần thế chỉ là thoáng qua chóng tàn; những ai có nhiều của cải đừng cho mình là chủ nhân, vân vân.
3. Chủ đích của thánh Phao-lô.
Phải chăng thánh nhân nghĩ rằng ngày Chúa quang lâm sắp đến gần rồi? Cũng có thể lắm, nhưng đó không là điều tất yếu. Thánh nhân đã khai triển chủ đề nầy rồi. Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, dường như thánh nhân hy vọng rằng ngày Chúa quang lâm sẽ xảy đến vào thời thế hệ của ngài: “Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu” (1Tx 4: 15). Nhưng trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân nghĩ rằng ngày Chúa quang lâm sẽ đến khi nào toàn thể dân Ít-ra-en ăn năn sám hối (Romans 11:25-26). Chúng ta có thể nói rằng đối với thánh nhân, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki tô đã làm tăng tốc Lịch Sử Cứu Độ. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên cứu độ, nghĩa là sống trong thời kỳ chung cuộc. Như vậy, cách ăn nếp ở của những người Ki-tô hữu phải khác với dân ngoại. Chúng ta không được sống nước đôi, bắt cá hai tay, vì chúng ta biết rằng thế giới nầy đang qua đi.
TIN MỪNG (Mc 1: 14-20)
Khi nghe tin Gioan Tẩy bị bắt, Đức Giê-su nghĩ rằng phải cẩn trọng hơn; vì thế, Ngài rời bỏ miền Giu-đê mà trở về miền Ga-li-lê. Giờ Ngài chưa đến để đón nhận một số phận như thế. Ấy vậy, vua Hê-rô-đê An-ti-pa, người đã ra lệnh bắt giam Gioan Tẩy Giả, hiện đang cai trị xứ Ga-li-lê. Vì thế, xem ra hợp lý hơn, Đức Giê-su đã muốn lánh xa Giê-ru-sa-lem là trung tâm quyền lực Do thái giáo. Quả thật, Tin Mừng Gioan viết: “Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp nhiều môn đệ hơn ông Gioan…Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê” (Galatians 4:1-3).
1. Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su (1: 14-15).
Vào thời đó, miền Ga-li-lê được xem là “ngã tư quốc tế”, vì các đoàn quân ngoại quốc và các thương nhân đều phải qua lại miền nầy. Ngoài ra, miền này từ lâu được mệnh danh là “miền đất của dân ngoại” (Is 8: 28) vì ở đây dân Do thái không chỉ sống chung với dân ngoại nhưng còn là nơi giao tiếp với muôn dân. Vì thế, khi định vị sứ vụ đầu tiên của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê, thánh Mác-cô muốn nhấn nhấn mạnh rằng sấm ngôn về ơn cứu độ phổ quát của ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm nơi sứ điệp đầu tiên của Đức Giê-su: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Isaiah 9:1).
Tiếng nói của vị Tiền Hô không còn vang lên nữa. Sứ mạng dọn đường cho Tin Mừng đã đến hồi kết thúc. Từ đây, chính Đấng hiện thân Tin Mừng xuất đầu lộ diện. Chúng ta ghi nhận rằng Đức Giê-su bắt đầu sự vụ của mình ở Ga-li-lê với lời công bố tương tự như lời công bố của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cốt yếu, sứ điệp của Đức Giê-su không nhằm chuẩn bị cho tương lai, nhưng nhấn mạnh thời hiện tại: “Thời kỳ đã mãn”.
2. Thâu nạp các môn đệ đầu tiên (1: 16-20).
Câu chuyện về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Tin Mừng Mác-cô tường thuật rất ngắn gọn nhưng gợi nhiều ý tứ. Hai anh em ông Si-mon và An-rê “đang quăng lưới bắt cá”. Trước lời mời gọi của Đức Giê-su: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, cả hai bỏ lại những ngư cụ và lợi tức nghề nghiệp của mình mà đi theo Ngài. Đối với Gia-cô-bê và Gioan, đoạn tuyệt còn dứt khoát hơn, họ không chỉ bỏ lại nghề nghiệp của mình mà còn cả người cha già mà họ có bổn phận phải phụng dưỡng nữa.
Qua Tin Mừng Gioan, chúng ta biết rằng cuộc gặp gỡ nầy chắc chắn không là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Trước đó không bao lâu, ở miền Giu-đê, họ đã có một cuộc hội ngộ nhớ đời với Đức Giê-su rồi (Ga 1: 35-42). Thánh Lu-ca đặt việc Đức Giê-su thâu nạp các môn đệ đầu tiên tiếp liền ngay sau mẽ cá diệu kỳ; trong khi thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu nhấn mạnh tính bất ngờ và không chút trì hoãn về hành động dấn thân của họ, như vậy, cả hai thánh ký đều nêu bật lời đáp trả dứt khoát của họ không phải trước một nhà phép thuật thần thông nhưng trước một bậc tôn sư khôn sánh có sức hấp dẫn không thể nào cưỡng kháng được.
3. Tận hiến.
Câu chuyện về ơn gọi của bốn ngư phủ miền Ga-li-lê đã trở nên một mẫu thức. Đức Giê-su lên tiếng gọi: Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Lời mời gọi của Ngài được họ đáp trả một cách tích cực, không một chút đắn đo tính toán hơn thiệt: từ bỏ nghề nghiệp, lợi tức và gia đình.
Hoạt cảnh những người con của ông Dê-bê-đê từ giả gia đình trái ngược với những hoạt cảnh khác trong đó tấm lòng nhân hậu của Đức Giê-su được bày tỏ khi Ngài trao lại bé gái cho cha mẹ của em (Mc 4: 29), cậu con trai duy nhất cho bà mẹ góa của cậu (Lc 7: 15), và anh La-da-rô cho hai người chị của anh (Ga 11: 32-44). Vì thế, đối với những ai mà Ngài muốn liên kết vào sứ mạng của Ngài một cách tròn đầy tận mức, Đức Giê-su đòi hỏi một tinh thần siêu thoát triệt để: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Matthew 10:37).
Khi nghe đọc bản văn Tin Mừng này, các cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi biết rất rõ rằng việc dấn thân từ bỏ nầy đã dẫn những môn đệ đầu tiên nầy đến mức độ nào: thánh Gia-cô-bê, vị Tông Đồ đầu tiên đã được phúc tử đạo vào năm 44, vì thế, vị Tông Đồ nầy chắc chắn đã qua đời rồi khi thánh Mác-cô ghi những dòng chữ nầy. Còn thánh Phê-rô, chắc chắn đã nhiều lần kể cho thánh Mác-cô là cộng tác viên của mình câu chuyện ơn gọi trên bờ hồ Ti-bê-ri-át nầy, cũng đã làm chứng cho Đức Giê-su bằng mạng sống của mình ở Rô-ma, có lẽ vào năm 64.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Kinhthangvn.org