Suy Niệm Chúa Nhật 7 Thường Niên – Năm B

Việc chữa lành người bại liệt là bằng chứng minh nhiên cho thấy Đức Giê-su có quyền tha tội ngay tại trần thế này.

I. NGỮ CẢNH:

Bài trình thuật Tin Mừng hôm nay đánh dấu một giai đoạn mới trong sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong năm cuộc tranh luận (2: 1-3: 6): quyền tha thứ tội lỗi (2: 1-12), việc đồng bàn với những người tai tiếng (2: 13-17), việc ăn chay (2: 18-22), và hai cuộc tranh luận về việc tuân giữ ngày sa-bát (2: 23-28 và 3: 1-6). Những cuộc tranh luận này nhằm giới thiệu những đối thủ khác nhau của Chúa Giê-su: nhóm kinh sư, nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả, nhóm Biệt Phái, phe Hê-rô-đê. Những đối thủ này chuyển biến từ “thán phục” (2: 12) đến lập mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giê-su (3: 6).

II. BỐ CỤC:

Bài trình thuật này phối hợp câu chuyện chữa lành người bại liệt (2: 1-5a, 10b-12) với cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và các kinh sư về quyền tha tội của Ngài (2: 1-5b-10a). Bài trình thuật này được dàn dựng theo kỷ thuật “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”: cuộc tranh luận được đưa vào giữa câu chuyện chữa lành. Quả thật, nếu chúng ta nối kết câu cuối của phần đầu câu chuyện chữa lành: “Thấy họ có lòng tin như vậy” (2: 5a), với câu đầu của phần thứ hai câu chuyện chữa lành: “Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà’” (2: 11) thì ăn khớp với các câu chuyện mẫu về phép lạ. Tài kể chuyện của thánh Mác-cô được bày tỏ ở nơi việc ông đan kết hai câu chuyện vào một bài trình thuật khéo đến mức phải tinh tế lắm người ta mới có thể nhận ra. Ngoài ra, khi sử dụng kỷ thuật “hai câu chuyện trong một bài trình thuật” này, thánh Mác-cô cho thấy tư tưởng thần học của ông. Thánh ký muốn minh chứng “Đức Giê-su có uy quyền trong lời nói cũng như việc làm”, ở đây, lời tuyên bố tha tội của Ngài được chứng thực bởi việc Ngài chữa lành người bại liệt.

Dựa trên hình thức hiện nay của bài trình thuật, chúng ta có thể đưa ra một bố cục như sau:

A. Dân chúng say mê lắng nghe lời Ngài (2: 1-2).

B. Quyền tha tội được chứng thực bởi việc chữa bệnh (2: 3-12a).

a. Quyền tha tội của Đức Giê-su  (2: 3-5a)

b. Cuộc tranh luận  (2: 6-9)

a’. Việc chữa bệnh (2: 10-12a)
A’. Dân chúng đều sửng sốt trước uy quyền của Đức Giê-su (2: 12b).

III. TÌM HIỂU BẢN VĂN:
A.      DÂN CHÚNG SAY MÊ NGHE LỜI ĐỨC GIÊ-SU (2: 1-2).

Phần này giới thiệu thời điểm: “Vài ngày sau”; địa điểm: “thành Ca-pha-na-um”; và khung cảnh: “dân chúng tụ họp đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết”. Cảnh tượng này cho thấy danh tiếng của Ngài đã đạt đến đỉnh cao: người ta tuôn đến với Ngài để được lắng nghe lời Ngài, và đồng thời chuẩn bị cho sự xuất hiện của người bại liệt được bốn người khiêng.

B. QUYỀN THA TỘI ĐƯỢC CHỨNG THỰC BỞI VIỆC CHỮA BỆNH (2: 3-12a):

Lối cấu trúc “song đối đồng tâm” này cho thấy “cuộc tranh luận về quyền tha tội của Chúa Giê-su”  (b) là trung tâm của bài trình thuật mà cặp song đối bên ngoài (a và a’) đều hướng về.

a. Quyền tha tội của Đức Giê-su (2: 3-5):

Người bại liệt không thể tự mình đến với Đức Giê-su, vì thế, anh ta cần những người khác giúp đỡ. Với vài chi tiết có chọn lọc, thánh Mác-cô mô tả việc bốn người khiêng người bại liệt đến bên Chúa Giê-su thật sống động, qua đó cho thấy niềm tin vượt mọi khó khăn của họ: “Nhưng vì dân chúng quá đông , nên họ không sao đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hỏng, rồi thả người bại liệt năm trên chiếc chõng xuống”.

“Thấy họ có niềm tin như vậy”: “Họ” ở đây rõ ràng quy chiếu đến niềm tin của bốn người khiêng, họ quyết vượt qua mọi trở ngại để đưa bệnh nhân đến gần Chúa Giê-su, dù rằng “niềm tin” này cũng có thể bao hàm cả người bại liệt. Đức tin là điều kiện để có phép lạ. Đây là tư tưởng thánh Mác-cô rất ưa chuộng. Nhưng thay vì tuyên bố người bại liệt được lành như trong các câu chuyện phép lạ khác, Chúa Giê-su lại nói: “Này con, con đã được tha tội rồi”.

b. Cuộc tranh luận về quyền tha tội của Chúa Giê-su (2: 6-9):

Lời tuyên bố của Chúa Giê-su về quyền tha tội có lẽ không là điều mà người bại liệt và bốn người khiêng anh mong chờ, đồng thời gây nên một phản ứng tiêu cực từ phía vài kinh sợ hiện có mặt vào lúc đó: “Sao ông nầy lại dám nói như vậy? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”. Các nhà kinh sư là những chuyên viên thông thạo Kinh Thánh. Dù họ không công khai nói thẳng ra (x. 2: 6 và 8), Chúa Giê-su cũng đoán biết lập luận của họ, theo đó việc Ngài tự cho mình có quyền tha tội là phạm thượng, bởi lẽ chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội.

Chúa Giê-su cũng có thể bác bỏ lời bắt bẻ của họ bằng cách viện dẫn rằng Ngài không nói “Tôi tha tội cho anh” nhưng “con đã được tha tội rồi” theo hình thức thụ động, cách thức mà người Do thái thường dùng để tránh nêu tên “Thiên Chúa”. Nhưng không, Chúa Giê-su đặt ra cho họ một câu hỏi: “Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn?”. Dĩ nhiên, cả hai đều khó cả, bởi vì đều thuộc thẩm quyền của Thiên Chúa; tuy nhiên lời tuyên bố tha tội thuộc lãnh vực thiêng liêng mà hiệu quả của nó không ai có thể kiểm chứng, thì dể hơn việc làm cho người bại liệt đứng dậy vác chõng mà đi mà hiệu quả của nó ai cũng có thể kiểm chứng.

a’. Việc chữa bệnh (2: 10-12a):

“Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”. Danh xưng “Con Người” được gặp thấy trong sách Đa-ni-en, trong đó “Con Người” là một nhân vật huyền nhiệm đến từ mây trời, được Thiên Chúa trao quyền thống trị vĩnh viễn trên trời dưới đất (Đn 7: 13-14), quyền thống trị này được xác định là quyền xét xử (Đn 7: 10). Trong Tin Mừng Mác-cô, Chúa Giê-su thường sử dụng danh xưng này để nói về chính mình. Tuy nhiên, trong bài trình thuật này, đây lần đầu tiên, và trong bài trình thuật phiên tòa Thượng Hội Đồng, đó là lần cuối cùng, Chúa Giê-su nhận cho mình danh xưng này để công bố Ngài có quyền xét xử. Nhưng có một sự khác biệt về thời gian giữa hai lần này: ở bài trình thuật hôm nay, với danh xưng “Con Người”, Đức Giê-su nhấn mạnh Ngài có quyền xét xử ngay tại thế này: “Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, trong khi trước phiên tòa Thượng Hội Đồng, với danh xưng “Con Người”, Chúa Giê-su loan báo rằng Ngài sẽ trở lại vào lúc tận thế trong tư cách thẩm phán: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14: 62).

“Đức Giê-su bảo người bại liệt- ‘Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà”. Lệnh truyền của Ngài có tác dụng ngay lập tức: “Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người”. Như vậy, việc chữa lành là bằng chứng minh nhiên cho thấy Đức Giê-su có quyền tha tội ngay tại trần thế này.

A’. DÂN CHÚNG KINH NGẠC (2: 12b):

Ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa….”. Câu này mô tả phản ứng của dân chúng là câu kết chuẫn mực cho một câu chuyện phép lạ. Nhưng trong bài trình thuật phối hợp giữa câu chuyện phép lạ và cuộc tranh luận thì “Ai nấy” ở đây bao gồm cả đám đông dân chúng lẫn các kinh sư. Theo văn mạch của câu chuyện, họ kinh ngạc về quyền tha tội của Ngài được chứng thực bởi quyền chữa bệnh của Ngài. Một vấn đề được đặt ra, đặc biệt cho các kinh sư: “Vậy ông này là ai mà có quyền tha tội, nếu không phải là Thiên Chúa?”

Lm Inhaxiô Hồ Thông

http://kinhthanhvn.org